(Thoi su)
Để thực sự phát triển đột phá, thời gian tới TP.HCM không thể đơn độc phát triển mà phải liên kết vùng với các tỉnh trong khu vực như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh.
“Đói vốn”, thiếu liên kết vùng khiến việc phát triển đô thị của TP chưa đạt được kết quả tích cực - Ảnh: Đình Sơn
Đó là những kinh nghiệm được chỉ ra tại Hội thảo khoa học “Quản lý quy hoạch - kiến trúc TP.HCM” do UBND TP và Bộ Xây dựng tổ chức cuối tuần trước.
Phát triển đô thị theo kiểu vết dầu loang
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển TP, cho biết theo quy hoạch đến năm 2025 TP mới đạt 10 triệu người. Tuy nhiên, ở thời điểm này dân số TP đã đạt đến 10 triệu người. Đây là một thách thức rất lớn của TP, khi cùng với việc gia tăng dân số là vấn đề kẹt xe, ngập nước, thiếu nhà ở. TP đang phát triển đô thị theo kiểu vết dầu loang. Tức là người dân làm nhà phố, phân lô tràn lan khiến cho tình trạng bê tông hóa ngày càng nhiều, cộng với việc san lấp kênh rạch đã dẫn tới TP bị ngập nước.
Việc phát triển có tính liên kết thông qua kết nối hệ thống hạ tầng, chia sẻ tiềm năng và lợi thế sẽ góp phần tạo ra động lực tương hỗ, tạo nền tảng tốt cho mục tiêu phát triển bền vững của cả khu vực
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Một ví dụ cụ thể như đô thị dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh, do không tôn trọng quy hoạch, không quản lý được việc thực hiện quy hoạch nên cho đến bây giờ ngoài Phú Mỹ Hưng thì các khu khác gần như phá sản so với quy hoạch được duyệt vào năm 1994. Hiện nay TP đang phải nỗ lực tìm giải pháp để kéo lại hình hài một đô thị phía nam vừa chống được kẹt xe, vừa giảm được ngập nước.
Một cái khó nữa khiến việc phát triển đô thị của TP không theo kịp được tốc độ tăng dân số, dẫn đến nhiều hệ lụy như đã nêu là “đói vốn”. Theo tính toán của ông Hòa, để thực hiện được quy hoạch đô thị TP thì cần hơn 1,3 triệu tỉ đồng. Một con số khủng khiếp. Tuy nhiên, TP chưa thể huy động được nguồn lực này. Vấn đề quan trọng không kém là phải có con người vừa có trình độ vừa có tâm để sử dụng được nguồn vốn này vào thực tiễn, nhưng TP cũng rất thiếu.
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đưa ra kinh nghiệm xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Q.7) so với kinh nghiệm phát triển khu “phố Tây” (Q.1). Theo đó, từ một khu vực đầm lầy đến nay đã xây dựng nên một khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại. Qua đó tránh được làn sóng nhập cư lao động trình độ thấp, đồng thời tránh được quá tải dân số chất lượng thấp. Còn khu “phố Tây” với nền tảng vững chắc về hạ tầng nhưng do dễ dãi cho phép nhập cư vô tội vạ để thu lợi ngắn hạn đã phải trả giá dài hạn, khiến khu trung tâm sầm uất nhất TP trở nên nhếch nhác, giảm đẳng cấp.
Trong khi đó, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, cho rằng chúng ta có rất nhiều mục tiêu phát triển đô thị (ổn định, bền vững, đô thị sinh thái, đô thị đáng sống...) nhưng lại chưa có hệ thống chính sách, hay giải pháp quản lý thật tốt để đạt mục tiêu đó.
Mở rộng không gian qua khu đô thị vệ tinh
Theo bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng), TP hiện đứng vị trí 24 trên thế giới về quy mô dân số, mật độ dân số cao nhất trong toàn quốc (3.590 người/km2). Theo dự báo của Oxford Economics, TP.HCM là 1 trong 10 TP sẽ phát triển nhanh nhất ở châu Á giai đoạn 2015 - 2019. Do đó, dù công tác quản lý quy hoạch có nhiều kết quả tích cực nhưng hiện vẫn đối mặt không ít thách thức do quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quản lý quy hoạch đất đai, các vấn đề xã hội... Bà Hằng đề nghị cần xem xét điều chỉnh phù hợp đối với những nội dung quy hoạch, kế hoạch khó khả thi; quy hoạch phải ban hành cùng cơ chế chính sách thực thi và các chế tài cụ thể đối với những trường hợp quy hoạch bị “treo”.
Một trong những giải pháp cốt lõi hiện nay của TP là cần phải có một quy hoạch bài bản, liên kết toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam để phát triển. Cần xem các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh là các khu đô thị vệ tinh để giãn dân. Đơn cử, thay vì chỉ đầu tư metro đến Suối Tiên, TP có thể xin cơ chế đầu tư đến Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) hay Tây Ninh để có thể mở rộng không gian đô thị, khai thác được lợi thế các vùng lân cận, chứ không chỉ bó buộc trong địa phận TP. Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, để phát triển một cách có hiệu quả và giảm thiểu các rủi ro, việc phát triển TP cần có sự liên kết phát triển trong vùng TP do đây là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, giao thương quốc tế và đảm bảo an ninh - quốc phòng của VN. “Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với UBND TP và các tỉnh trong vùng tập trung hoàn thiện Quy hoạch xây dựng vùng TP làm cơ sở xây dựng những định hướng lớn cho việc phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Việc phát triển có tính liên kết thông qua kết nối hệ thống hạ tầng, chia sẻ tiềm năng và lợi thế sẽ góp phần tạo ra động lực tương hỗ, tạo nền tảng tốt cho mục tiêu phát triển bền vững của cả khu vực”, ông Dũng cho hay.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhìn nhận là một trong hai đô thị đặc biệt trong tổng số 788 đô thị của VN, TP.HCM đang giữ vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị VN. Những năm qua, việc phát triển đô thị tại TP đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển, ông Quân cho rằng vẫn còn một số bất cập, thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị và bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm về quản lý phát triển của các bộ - ngành trung ương, các chuyên gia khoa học và các tổ chức trong nước và quốc tế.
(Theo Báo Thanh Nien)