Các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chịu nhiều sức ép. Sức ép không chỉ từ sản phẩm nhập khẩu bên ngoài mà còn mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng.
Tin trong nước đọc nhanh 11-11-2015
- Cập nhật : 11/11/2015
TP HCM sẽ tinh giản gần 14.000 biên chế
Theo đề án tinh giản biên chế vừa được Sở Nội vụ trình UBND TP HCM, trong 6 năm tới, thành phố sẽ thực hiện tinh giản 1.300 người ở khối hành chính và hơn 12.600 người ở khối sự nghiệp.
Đề án của Sở Nội vụ sẽ loại bỏ rất nhiều biên chế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông
Động thái này là thực hiện theo chủ trương của trung ương nhằm cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao chất lượng, đồng thời thu hút những người có trình độ, chuyên môn. Điều này được cho là góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan nhà nước, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.
Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế còn nhằm đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức những người dôi dư, không đáp ứng được yêu cầu công việc, không phù hợp vị trí việc làm, xây dựng tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hợp lý.
Tổ chức bộ máy của TP HCM hiện có 56 cơ quan hành chính và gần 1.700 đơn vị sự nghiệp công lập. Năm nay, HĐND thành phố đã phê chuẩn tổng số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính là hơn 13.000 người và hơn 126.100 người trong các đơn vị sự nghiệp.
Chính phủ muốn miễn thuế đất nông nghiệp đến hết 2020
Theo đó, sẽ miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 31/12/2020 đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thuộc diện dưới đây:
- Hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
- Hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã.
Thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho đơn vị vũ trang nhân dân quản lý sử dụng cũng được đề xuất miễn.
Chính phủ còn đề nghị miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
Riêng trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp thì vẫn phải nộp 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo tờ trình của Chính phủ.
Đánh giá tác động ngân sách Nhà nước, Chính phủ cho biết, thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2011 đến hết năm 2014 theo Nghị quyết số 55/2010/QH12, số thu thuế sử dụng đất nông nghiệp hàng năm bình quân chỉ còn khoảng 67,3 tỷ đồng/năm.
Số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn theo đề xuất nêu trên khoảng 60,8 tỷ đồng/năm. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân khoảng 51 tỷ đồng/năm, đối với tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp khoảng 7,7 tỷ đồng/năm, đối với đơn vị vũ trang nhân dân khoảng 2,1 tỷ đồng/năm.
Như vậy, số thu thuế sử dụng đất nông nghiệp ước tính chỉ còn khoảng 6,5 tỷ đồng/năm.
Mức tác động giảm thu ngân sách nhà nước như trên, theo Chính phủ nhìn nhận là không lớn.
Nhưng, Chính phủ cho rằng miễn thuế lại là giải pháp để góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp.
Từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao.
5.000 người Sài Gòn sẽ được đưa khỏi khu vực sạt lở
Trong báo cáo của UBND TP HCM gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến năm 2018 gần 1.300 hộ với hơn 5.000 người (bao gồm 400 hộ di dời phòng tránh bão) đang sống trong khu vực nguy hiểm sẽ được di dời. Các hộ dân được bố trí tại những điểm dân cư hiện hữu hay khu tái định cư tại quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.
Theo lộ trình, năm 2016, thành phố hoàn thành di dời 647 hộ (50%), ưu tiên thực hiện trước 462 hộ thuộc khu vực đặc biệt nguy hiểm. Năm sau hoàn thành thêm 388 hộ (30%) và năm 2018 hoàn thành 259 hộ còn lại (20%).Thành phố cũng thực hiện 6 dự án bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn đầu tư 145,9 tỷ đồng.
TP HCM cũng cam kết không còn trường hợp lấn chiếm ven sông, ven biển. Thành phố sẽ gắn kết với chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm để đến năm 2020 ổn định đời sống các hộ dân sau tái định cư. Các khu dân cư mới sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn TP HCM. Tối 9/7, khu đất gần 400 m2 tại ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè bị nhấn chìm xuống sông Mương Chuối. Toàn bộ nhà số 4/41 rộng hơn 100 m2 biến mất sau một đêm.
Một vụ sạt lở khác hôm 4/7 tại huyện này làm khoảng 1.000 m2 đất ở xã Hiệp Phước biến thành sông, 11 người trong hai căn nhà liền kề may mắn thoát chết. Trước đó 3 ngày, đoạn bờ sông rộng khoảng 2.000 m2 ở cuối đường số 7 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) kéo theo căn nhà kiên cố cùng đôi vợ chồng và con trai 3 tuổi xuống sông nhưng may mắn được cứu sống.
Theo khu quản lý đường thủy nội địa TP HCM, từ tháng 5 đến nay đã phát sinh 8 điểm nâng số điểm sạt lở lên 45. Trong đó, huyện Củ Chi có 4 điểm mới; quận 2, Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Nhà Bè mỗi nơi có một.
TP HCM muốn vay 7.900 tỷ đồng tiếp tục nạo vét luồng Soài Rạp
UBND TP HCM vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, vận động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đầu tư khác cho dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) với tổng số tiền 7.900 tỷ đồng (khoảng 380 triệu USD).Số tiền này sẽ dùng để đầu tư nạo vét, nâng cấp mở rộng luồng tàu và hệ thống phao tiêu báo hiệu cho nhu cầu tiếp nhận tàu có trọng tải trên 50.000 tấn ra vào các khu cảng dọc sông Soài Rạp.
Theo UBND TP HCM, luồng hàng hải Soài Rạp là yếu tố quan trọng hàng đầu cho việc phát triển kinh tế biển của địa phương và các tỉnh lân cận, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách (nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu của thành phố năm 2014 đạt hơn 89.100 tỷ đồng, chiếm 35% tổng thu ngân sách thành phố).
Hồi tháng 8, TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho phép đầu tư 300 tỷ đồng để duy tu, nạo vét luồng Soài Rạp (nối TP HCM với biển Đông) vì đây là luồng tàu biển mới được hình thành nên sa bồi diễn ra nhanh (2,5 triệu m3 mỗi năm), ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của tàu biển.
Khởi công cuối tháng 11/2012 và hoàn thành sau 18 tháng, dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) có tổng chiều dài 54 km được thực hiện trên diện tích 1.308 ha mặt nước sông ở TP HCM, Long An và Tiền Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Bỉ và vốn đối ứng của TP HCM (624 tỷ đồng).
Theo tính toán, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 khoảng 120-150 triệu tấn. Vì vậy, nguồn thu do luồng Soài Rạp đem lại trong 10 năm đầu (2015-2025) ước chừng 580.000-720.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí để nạo vét, bảo dưỡng luồng và trả nợ vay của Chính phủ Bỉ trong 10 năm chỉ khoảng 4.810 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng khoản thu.
Cùng với luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, luồng tàu biển Soài Rạp giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trong những vùng phát triển quan trọng bậc nhất đất nước, thương cảng quan trọng trong khu vực. Nhờ tuyến đường biển mới này, tàu thuyền lớn từ biển Đông và từ Đồng Bằng sông Cửu Long vào TP HCM có thể rút ngắn rất nhiều lộ trình.
Hà Nội thu 1.261 tỷ đồng nhờ 'bêu' tên doanh nghiệp nợ thuế
Đến hết tháng 10, Cục Thuế Hà Nội đã công khai 357 đơn vị nợ thuế. Số liệu từ cơ quan này cho biết, đến nay đã có 58% đơn vị nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.261 tỷ đồng sau khi bị "bêu" tên. Trong số này có 31 dự án đã nộp lại hơn 820 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Nhiều doanh nghiệp khác cũng chủ động liên lạc với cơ quan thuế để có kế hoạch nộp lại cho ngân sách.
Đánh giá việc bêu tên nợ thuế là đúng đắn, đại diện đơn vị này cho biết hôm nay Hà Nội tiếp tục công khai 113 đơn vị đợt 5. Tổng số thuế còn tồn đọng của các doanh nghiệp này ước tính gần 213 tỷ đồng.
Cục Thuế Hà Nội cho biết sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng hình thức thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng với những trường hợp vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển vẫn nợ thuế hoặc các dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất.