Cháy ở xưởng gỗ lớn nhất Đà Nẵng
Miền Bắc rét nhất 0 độ C
5 người chết ở Đà Nẵng do 'không biết vận hành vận thăng'
Gần 1.000 công nhân đình công vì chưa nhận đủ thưởng Tết
Hà Nội xem xét kỷ luật cán bộ nghỉ hưu liên quan đến 8B Lê Trực
Tin trong nước đọc nhanh trưa 01-02-2016
- Cập nhật : 01/02/2016
Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại của tàu Mỹ ở Hoàng Sa
"Là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là điều 17 của Công ước", ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết hôm nay.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Hải quân Mỹ hôm 29/1 đưa tàu chiến USS Curtis Wilbur (DDG 54) vào tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn. Phía Mỹ cho hay động thái này nhằm thách thức những hạn chế về quyền và tự do hàng hải trên Biển Đông.
Đảo Tri Tôn là một cồn cát, có diện tích lớn thứ ba ở quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974.
Ông Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế”, người phát ngôn nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne sáng nay bày tỏ ủng hộ việc tàu Mỹ tuần tra ở Biển Đông, cho rằng đây là hành động nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế. Bà Payne cũng khẳng định Australia sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này.
Trước việc Trung Quốc gia tăng việc cải tạo và xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối, đề nghị Bắc Kinh dừng ngay các hoạt động phi pháp.
Mặn xâm nhập sớm 1 tháng rưỡi
Việc mặn xuất hiện sớm tại Bến Tre đã gây tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho 2.000 hộ dân tại nhiều xã thuộc huyện Bình Đại, Thạch Phú...
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm việc tại tỉnh Bến Tre mới đây, ông Bùi Văn Lâm - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh - cho biết tình hình xâm nhập mặn năm 2016 xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng một tháng rưỡi.
Hiện chỉ còn một số xã tại huyện Chợ Lách và Châu Thành chưa bị xâm nhập mặn.
Tình trạng mặn xâm nhập sớm và sâu vào các ngả sông đã làm ảnh hưởng khoảng 1.330ha lúa đông xuân của hai huyện Ba Tri và Bình Đại do người dân tự phát xuống giống không theo khuyến cáo của ngành chức năng.
Ngoài ra, gây thiếu nước sinh hoạt cho 2.000 hộ dân tại các xã Thừa Đức, Bình Thắng, Thạnh Phước, Thới Thuận (Bình Đại), xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú).
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết sẽ đầu tư khẩn cấp các điểm cấp nước ngọt cho người dân trong những vùng nói trên trước tết.
Bị cho nghỉ cận tết, hàng trăm công nhân vây công ty Trung Quốc
Ngày 30-1, hơn 600 công nhân Công ty TNHH G-Tech Việt Nam (nằm trong Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm, TP Hải Phòng) tiếp tục tập trung đình công.
Hành động của các công nhân trên là để để đòi số tiền lương trước việc công ty này bất ngờ ra thông báo cho công nhân tạm thời nghỉ việc vì lý do hết đơn đặt hàng.
Theo nhiều công nhân, công ty thông báo cho công nhân tạm thời nghỉ việc nhưng lại không giải quyết sớm chế độ tiền lương trong khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Ngồi trước cổng công ty, công nhân N.H.H. cho biết chiều 29-1, phía công ty chỉ hứa hẹn đến ngày 15-2 (theo như thời gian trả lương của các tháng trước) sẽ trả, điều này khiến hàng trăm công nhân lo lắng.
Công nhân này còn nói nhiều trang thiết bị bên trong phân xưởng sản xuất cũng bị công ty âm thầm di chuyển đi nơi khác.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH G-Tech chuyên sản xuất các mặt hàng đồ chơi trẻ em, có nguồn vốn 100% của Trung Quốc, vừa mới đi vào hoạt động khoảng bốn tháng. Phía bên ngoài cổng công ty vẫn còn căng tấm bạt lớn đề dòng chữ “Tuyển gấp 2.000 lao động”.
Ông Trần Quốc Khánh - chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm - cho biết ngay khi nhận được thông tin, chính quyền đã cùng với Liên đoàn Lao động TP đến công ty tìm hiểu sự việc.
Theo ông Khánh, lãnh đạo Công ty G-Tech Việt Nam bước đầu cam kết với Liên đoàn Lao động TP và lãnh đạo UBND quận Lê Chân sẽ giải quyết dứt điểm số tiền lương cho anh chị em công nhân trong ngày 1-2.
Thông xe dự án 1.899 tỉ đồng nâng cấp quốc lộ 217
Chiều 30-1, tại xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, Bộ GTVT tổ chức thông thông xe dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) phía Bắc thứ 2 - Nâng cấp quốc lộ (QL) 217 tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1.
Lãnh đạo Quốc hội, Bộ GTVT Việt Nam và Bộ GTVT Lào cắt băng thông xe dự án nâng cấp quốc lộ 217 - Ảnh: T.Phùng
Dự án được khởi công từ tháng 6-2013 với tổng mức đầu tư 97,4 triệu USD (tương đương với khoảng 1.899 tỉ đồng) gồm 75 triệu USD vay ưu đãi từ nguồn vốn ADF của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 22,4 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Chủ đầu tư của dự án là Ban Quản lý dự án 1 (Bộ GTVT); tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát dự án là Liên danh TV Yooshin (Hàn Quốc) và Nippon Koei (Nhật Bản).
Dự án thực hiện nâng cấp 94,7km QL217 đi qua ba huyện Cẩm Thủy, Bá Thước và Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Điểm đầu của dự án tại Km104+475 (giao giữa QL217 với QL15) xã Đồng Tâm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa và điểm cuối tại Km195+400 cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Sau 22 tháng thi công, các nhà thầu hoàn thành việc nâng cấp tuyến chính đoạn Km107+200 đến Km195+400 (cửa khẩu Na Mèo) dài khoảng 88,2km, rộng 7,5m đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, tốc độ thiết kế 40km/h.
Tuyến tránh thị trấn Cẩm Thủy Đông, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế là 80km/h, chiều rộng nền đường 12m và tuyến tránh thị trấn Cẩm Thủy Tây thì thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h, chiều rộng nền đường 9m.
Dự án cũng thực hiện hai gói thầu bổ sung: Nâng cấp 2,8km đoạn đi trùng QL15 với quy mô đường phố chính đô thị thứ yếu có bề rộng mặt đường 11m. Xây dựng mới cầu Eo Lê tại Km38+383,67 và đường dẫn hai đầu cầu. Toàn dự án có 20 cầu được xây dựng mới.
Dự án hoàn thành không chỉ có ý nghĩa lớn đối với tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam nói riêng, dự án này còn có vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển chung của khu vực khi tuyến QL217 - tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam và các đoạn tuyến đường 6, 6A, 6B - tỉnh Hủa Phăn của Lào thuộc Hành lang Đông Bắc của GMS kết nối vùng đông bắc Lào với bắc Việt Nam và nối ra biển tại Thanh Hóa.
Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cấp các tuyến đường này để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của Hành lang Đông Bắc GMS và để giúp cho phía Bắc Lào tiếp cận thuận lợi với cảng biển Nghi Sơn - Thanh Hóa.
* Ngày 30-1 Bộ GTVT và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng tổ chức khánh thành dự án xây dựng Khu hàng không dân dụng cảng hàng không Thọ Xuân tại Thanh Hóa. Đây là dự án do ACV làm chủ đầu tư khởi công xây dựng vào ngày 28-12-2014 với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỉ đồng.
Dự án gồm các hạng mục: Nhà ga hành khách (hai tầng, tổng diện tích sàn sử dụng 5.000m2) có năng lực phục vụ 600 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 1,2 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng lên 2 triệu hành khách/năm; cải tạo và mở rộng sân đỗ máy bay, nâng tổng số vị trí đậu máy bay từ 2 vị trí lên 5 vị trí đậu máy bay A321 và tương đương; hệ thống đèn tín hiệu hàng không và thiết bị hạ cánh chính xác ILS nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận tàu bay, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các chuyến bay trong điều kiện thời tiết xấu và tầm nhìn hạn chế.
Khởi tố 2 cựu lãnh đạo ngân hàng MHB
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) xác nhận các cựu lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) bị khởi tố gồm ông Huỳnh Nam Dũng (59 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Phước Hòa (59 tuổi, nguyên tổng giám đốc).
Chiều 30-1, đại diện BIDV xác nhận với Tuổi Trẻ Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với một số thành viên hội đồng quản trị của BIDV - trước đó từng là lãnh đạo của MHB trước khi bị sáp nhập vào BIDV.
Hai cựu lãnh đạo của MHB bị khởi tố gồm ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa. Ông Dũng trước đó đồng thời làm chủ tịch HĐQT của MHB và MHBS, chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Mekong, chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển đô thị Sen Vàng.
Ngoài hai lãnh đạo này, cơ quan điều tra còn khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn với một số người nguyên là cán bộ của Công ty chứng khoán thuộc MHB (MHBS), đồng thời triệu tập nhiều người có liên quan khác để phục vụ công tác điều tra trong thời gian dài vừa qua.
Thông tin cho biết, cơ quan điều tra khởi tố các bị can và triệu tập hàng loạt nguyên cán bộ, nhân viên của MHB, MHBS để làm rõ nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều hành của MHB và Công ty chứng khoán MHBS.
Những hành vi vi phạm pháp luật này là nguyên nhân dẫn tới việc MHB kinh doanh không hiệu quả, bị cơ cấu lại, sáp nhập vào BIDV theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tháng 5-2015, khi MHB sáp nhập vào BIDV, ông Dũng và ông Hòa được điều chuyển làm thành viên HĐQT của BIDV và được phân công chuyên trách giải quyết tiếp những vấn đề còn tồn tại liên quan tới hoạt động của MHB trước khi sáp nhập vào BIDV.