Nếu hàng Việt chất lượng tốt, giá rẻ, uy tín chẳng ai dại gì bỏ tiền mua hàng ngoại, nhưng đáng tiếc hiện nay muốn yêu hàng Việt cũng khó.
Tin trong nước đọc nhanh 21-02-2016
- Cập nhật : 21/02/2016
Cần luật hóa quy định Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có báo cáo tổng quát hơn để thấy rõ vai trò của Chủ tịch nước cũng như luật hóa quyền hạn theo quy định của Hiến pháp.
Chiều 19/2, tại phần thảo luận về Báo cáo công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá báo cáo được chuẩn bị kỹ, thể hiện đóng góp quan trọng của Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cần có nhận định tổng quan để thấy được vai trò của Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Từ đó để thấy Chủ tịch nước là người đứng đầu, người thay mặt nhà nước XHCN Việt Nam trong vai trò đối nội và đối ngoại.
“Phải làm rõ để người ta thấy nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thể hiện vai trò ra sao, nếu không sẽ mờ nhạt” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là báo cáo của Chủ tịch nước trình ra Quốc hội để Quốc hội đánh giá, hiểu rõ hoạt động của Chủ tịch nước. Báo cáo cần đưa ra bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ này để Chủ tịch nước nhiệm kỳ sau sẽ rút kinh nghiệm, kế thừa những cái hay, tránh cái dở.
Ông Hùng cũng cho rằng, dự thảo báo còn chung chung trong việc phân tích các nguyên nhân tồn tại của nhiệm kỳ. “Báo cáo có nêu nhưng nói Hiến pháp và pháp luật chưa rõ thì phải kiến nghị sửa đổi chứ” - ông Hùng nói.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có kiến nghị để Quốc hội sửa ngay việc lệch nhau giữa nhiệm kỳ của Quốc hội và Đại hội Đảng thời gian kéo dài tới gần 1 năm, để một khoảng trống quyền lực. Vì thế, Quốc hội khoá XII đã rút ngắn lại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cần làm rõ thông điệp thông qua những hoạt động của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ qua. Ảnh: Quochoi.vn.
Góp ý cho dự thảo, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch nước đã có nhiều dấu ấn. Tuy nhiên, cách đưa số liệu khiến báo cáo không có điểm nhấn tổng quát thể hiện vai trò, nhiệm vụ của Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Cụ thể như hoạt động của Chủ tịch nước trong công tác đối ngoại, đóng góp rất lớn nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; động viên sức mạnh của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, xây dựng quân đội; hành động trong thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, báo cáo không cần dài mà cái chính phải nêu lên thông điệp về chương trình hoạt động, bỏ bớt số liệu và chi tiết.
Nhắc tới hai lần Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời mình sang nghe về tình hình chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho biết, đó là điều rất quý. Theo ông, có việc Chủ tịch nước điện sang Chính phủ giải quyết như di cư tự do, có cái có ý kiến ngay như chuyên đề công tác trong vùng đồng bào thiểu số...
"Đây là vai trò nguyên thủ trong thực hiện chính sách dân tộc, đoàn kết dân tộc", ông Ksor Phước đánh giá.
Góp ý cho báo cáo, ông cũng cho rằng, dự thảo phải đưa thêm kiến nghị để thể chế hoá quy trình thủ tục Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ vì Hiến pháp đã quy định. Tuy nhiên, từ thời Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến giờ chưa có lần nào Chủ tịch nước triệu tập.
"Có rất nhiều việc Chủ tịch nước thấy cần phải làm việc với Chính phủ nhưng ta chưa có cơ sở pháp lý cụ thể. Cần thì đưa luôn nội dung này vào dự án xây dựng luật hay pháp lệnh tại Quốc hội khoá XIV", ông Phước nói.
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh Sơn La và Quảng Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh Sơn La, Quảng Nam nhiệm kỳ 2011- 2016.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Lò Minh Hùng, Tỉnh ủy viên.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lò Mai Kiên, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, để nhận nhiệm vụ mới.
Với tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với: Ông Lê Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thượng tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; ông Nguyễn Hồng Quang, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh; ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Chín, để nhận nhiệm vụ mới.
Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với: Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh, để nhận nhiệm vụ mới; ông Phan Văn Thu, Đại tá, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, để nghỉ chờ hưu theo chế độ; ông Trần Văn Tri, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để nghỉ hưu theo chế độ.
Bình Dương, Đồng Nai thiếu hơn 50 nghìn lao động sau Tết
Bình Dương và Đồng Nai phải tổ chức sàn giao dịch việc làm để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp...
Ngày 19/2, nguồn tin từ Sở Lao động-Thương binh & Xã hội Bình Dương và Đồng Nai cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động sau kỳ nghỉ Tết Bính Thân 2016 trên địa bàn hai tỉnh cao hơn năm ngoái.
Theo đó, tại tỉnh Bình Dương, sau Tết Nguyên đán Bính Thân, đã có hơn 110 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng với số lượng hơn 20.000 lao động nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng với các đối tác trong năm mới. Trong đó hầu hết doanh nghiệp tuyển lao động trong lĩnh vực giày da, may mặc, điện tử...
Còn tại Đồng Nai, các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động mới để mở rộng sản xuất. Ðã có 500 doanh nghiệp đăng ký cần tuyển trên 31.000 lao động mới sau kỳ nghỉ Tết Bính Thân. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cần tuyển gần 25.000 lao động, còn lại là các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ xuất khẩu có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất.
Ðiều đáng lưu ý là dịp đầu năm mới, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn là lao động phổ thông (chiếm tới gần 90%), đặc biệt đối với các ngành da giày, dệt may, sản xuất hàng điện tử.
Ngay trong tháng 2 này, các tỉnh nói trên sẽ tổ chức các sàn giao dịch việc làm để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đơn hàng cho các đối tác nước ngoài.
Hà Nội kiểm tra công vụ đột xuất nhiều cơ quan
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về kiểm tra công vụ dịp đầu năm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở Nội vụ Hà Nội đã thành lập Đoàn công tác thực hiện kiểm tra công vụ đột xuất tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã… thuộc Thành phố.
Cụ thể, trong 3 ngày 16-18/2, đoàn đã kiểm tra đột xuất 12 đơn vị, gồm: UBND huyện Phúc Thọ, UBND huyện Đan Phượng, Công an huyện Phúc Thọ - bộ phận giải quyết hộ khẩu, UBND một số xã tại huyện Đan Phượng, UBND quận Hai Bà Trưng, một số phường của quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa, Sở Xây dựng, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh tại các quận, huyện này…
Nội dung kiểm tra chủ yếu là: Việc tập trung chỉ đạo điều hành sau Tết Nguyên đán; tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công; thực hiện quyết định của Bộ Nội vụ về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương.
Đoàn kiểm tra ghi nhận những chuyển biến tích cực, đồng thời nghiêm túc chỉ ra những sai phạm tại một số đơn vị trong lề lối làm việc sau Tết; đề nghị người đứng đầu các đơn vị áp dụng những biện pháp theo thẩm quyền để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi vi phạm. Trong thời gian sớm nhất, đoàn sẽ tổng hợp báo cáo kết quả trình UBND TP. Hà Nội và văn bản chính thức gửi lại từng đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, sau đó quay trở lại kiểm tra việc khắc phục.
Được biết, trong tuần sau, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra công vụ đột xuất tại nhiều cơ quan đơn vị khác trên địa bàn TP. Hà Nội.
Cả nước có 8.161 tổ chức vi phạm hơn 128 nghìn ha đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã những giải pháp quyết liệt trong việc xử lý các dự án treo, nhằm thu hồi lại đất để chuyển cho các dự án khác hiệu quả hơn hoặc giao cho người dân phục vụ sản xuất.
Trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh (đoàn Tp.HCM) mới đây về tình trạng sử dụng đất đai, xử lý tình trạng dự án treo, Bộ Tài Nguyên và Môi trường khẳng định: “Những vấn đề mà đại biểu Minh nêu đã và đang là những vấn đề xã hội quan tâm, tác động không tốt đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.
Cụ thể, về kết quả kiểm tra tình hình sử dụng đất của các dự án, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết qua tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến ngày 30/6/2013 có 8.161 tổ chức vi phạm với diện tích 128.033,131 ha. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử lý 5.178/8.161 tổ chức (đạt 63,45%) với diện tích đất 105.037,467 ha/128.033,131 (đạt 82,04%).
Năm 2015, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất tại một số địa phương, trong đó tổng hợp tình trạng chậm triển khai các dự án đầu tư, tình trạng đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng của một số địa phương như sau:
Đất khu công nghiệp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất những chưa xây dựng sơ sở hạ tầng tại tỉnh Bắc Ninh còn 37,06%; Vĩnh Phúc còn 47,06%; Hưng Yên còn 76,15%; Bắc Giang còn 60,95%; Phú Thọ còn 71,51%. Đối với đất đô thị tại tỉnh Bắc Ninh còn 37,60% diện tích đã có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất chưa xây dựng hạ tầng; Hưng Yên còn 75,06%; Phú Thọ còn 55,09%.
Để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, gây thất thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời có những giải pháp quyết liệt trong việc xử lý các dự án treo, nhằm thu hồi lại đất để chuyển cho các dự án khác hiệu quả hơn hoặc giao cho người dân phục vụ sản xuất.