Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chưa tận dụng được các cơ hội hợp tác đối với mỗi hiệp định thương mại đã ký kết cùng Việt Nam. Vì bản thân doanh nghiệp chưa hiểu biết về lợi ích hợp tác và còn e ngại trước một vài khó khăn về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách tại Việt Nam.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 21-02-2016
- Cập nhật : 21/02/2016
Chính phủ yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2016. Theo đó, Chính phủ yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, chương trình tổng thể của Chính phủ yêu cầu rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời thu hồi các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; không để phát sinh thêm và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.
Để tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ yêu cầu cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Đối với đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải được quản lý sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và đảm bảo thực hành tiết kiệm. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định.
Được biết, theo quyết định về tiêu chuẩn nhà ở công vụ được Thủ tướng ban hành trước đó, nhà công vụ là các biệt thự loại A có diện tích đất từ 450 - 500 m2, diện tích sử dụng là 300 - 350 m2 được bố trí cho các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Biệt thự loại B với diện tích đất tối đa 350 - 400 m2, diện tích sử dụng từ 250 - 300 m2 được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên (trừ chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư).
Nhà công vụ là căn hộ chung cư loại 1 tại khu vực đô thị, có diện tích sử dụng 140 – 160 m2, được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên đến dưới 10,4. Tương tự, căn hộ chung cư loại 2 có diện tích sử dụng từ 100 – 115 m2được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; Trung tướng, Thiếu tướng trong các lực lượng vũ trang; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các chức danh tương đương.
Sở Giao thông TP HCM lập Facebook nhận góp ý
Trao đổi với VnExpress sáng 20/2, bà Nguyễn Thị Việt Thu, Chánh văn phòng Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết, cơ quan đang hoàn thiện trang Facebook của Sở, dự kiến sẽ ra mắt cộng đồng mạng vào đầu tháng 3.
"Trang Facebook của Sở sẽ là nơi tiếp nhận tất cả những ý kiến đóng góp của người dân liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn TP HCM", bà Thu nói và cho biết lãnh đạo Sở đã có ý định lập trang Facebook để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân từ lâu nhưng Văn phòng chưa thực hiện được do thiếu nhân sự.
Cũng theo Chánh văn phòng Sở, bên cạnh thiếu người thì việc trang Facebook sẽ hoạt động thế nào? Ai sẽ là người trả lời các ý kiến của người dân gửi đến? Công tác kiểm tra sau đó ra sao?... cũng khiến Văn phòng Sở băn khoăn nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
"Lập Facebook mà không cho người ta chia sẻ thông tin, không cho bình luận thì không có ý nghĩa gì. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định sẽ để chế độ mở để mọi người có thể tự do góp ý hoặc chia sẻ thông tin trên trang này", bà Thu cho hay.
Là một đô thị lớn nhất nước với 10 triệu dân, lĩnh vực giao thông vận tải với các vấn nạn kẹt xe, ngập nước... luôn là những vấn đề gây bức xúc cho người dân TP HCM. Từ năm 2013, thành phố đã thiết lập tổng đài 0839 111 333 để tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật
Thêm 13.500 tỷ đồng xanh hóa các kênh đen ở Sài Gòn
UBND TP HCM hôm 19/12 cho biết sẽ tiến hành thực hiện giai đoạn 3 của Dự án cải thiện môi trường nước. Kinh phí dự kiến khoảng 13.500 tỷ đồng, trong đó vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khoảng 8.700 tỷ đồng. Phần còn lại là vốn ngân sách đối ứng.Dự án sẽ tập trung cải tạo kênh Đôi, kênh Tẻ, hoàn thành các tuyến đường ven kênh, giải quyết nhu cầu thoát nước, chống ngập nước. Hệ thống sẽ thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý có công suất gần 300.000 m3 ngày.
Giai đoạn 3 của dự án sẽ xây dựng hệ thống thu gom nước thải khu vực Nam Sài Gòn gồm 33 km tuyến cống, xây dựng một trạm xử lý nước thải cục bộ, công suất 35.000 m3 ngày.
Khi hoàn thành, kênh Bến Nghé, Tàu Hủ, Đôi và Tẻ bị ô nhiễm nặng sẽ cải thiện để trở thành dòng kênh xanh. Sau đó, TP HCM sẽ tiến hành khai thác du lịch trên kênh, chống ngập nước, cải thiện cuộc sống của người dân.
Trong thời gian qua, TP HCM đã hoàn thành Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn một có diện tích 915 hecta năm 2011. Giai đoạn 2 cũng đang triển khai thi công với diện tích 2.588 hecta.
Hiện các tuyến kênh đã bớt màu đen, giảm mùi hôi thối, hàng triệu con cá được thả xuống có thể sinh sống được và đang góp phần xanh hóa dòng kênh.Tuy nhiên, hơn 10 km từ kênh Tẻ (gần cầu Nguyễn Văn Cừ) đến kênh Đôi nước vẫn đen kịt, hôi thối do ô nhiễm nặng. Dọc hai bên kênh vẫn còn hàng nghìn căn nhà lụp xụp, dột nát chưa giải tỏa được gây mất mỹ quan đô thị.
UBND TP HCM cũng đánh giá cao sự giúp đỡ của chính phủ Nhật đối với hạ tầng giao thông. Trong quá trình thực hiện dự án giai đoạn 3, TP sẽ quan tâm đền bù, giải tỏa hộ dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn. Việc triển khai dự án có ý nghĩa lớn trong việc chỉnh trang đô thị TP HCM.
Hơn 2.000 cảnh sát bảo vệ lễ khai ấn đền Trần
Bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch tỉnh Nam Định, Trưởng ban Tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần năm 2016 cho biết sẽ có hơn 2.000 cảnh sát tham gia bảo vệ đêm khai ấn. Lực lượng an ninh chia 5 vòng bảo vệ với 23 chốt để đảm bảo trật tự.
Người dân chen nhau, cố với tay thật xa để quẹt tiền hoặc chạm được thanh kiếm linh thiêng ở trong hậu cung trong lễ khai ấn năm 2015.
"Năm trước, người của ban tổ chức đang thu dọn đồ lễ thì người dân ùa vào chen lấn, cướp lộc. Chúng tôi đã cố gắng làm hết mọi cách để hạn chế tình trạng trên nhưng vì nhu cầu tâm linh nên người dân vẫn làm vậy", bà Oanh nói và cho biết, để hạn chế tình trạng trên, ban tổ chức đề ra giải pháp khai ấn xong là thu dọn hết đồ lễ trên ban thờ, dùng loa tay để thông báo tới người đi lễ không chen lấn, cướp lộc.
Lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra từ ngày 18 đến 23/2 (tức ngày 11 đến 16 tháng giêng năm Bính Thân) với 3 nghi lễ truyền thống là khai ấn, rước kiệu Ngọc Lộ và rước nước tế cá. Trong đó, lễ khai ấn sẽ diễn ra vào đêm 14, phát ấn sáng 15 tháng Giêng. Lễ phát ấn năm nay sẽ bắt đầu từ 5h30 sáng, sớm hơn mọi năm 30 phút tại ba nhà Gải Vũ và Nhà trưng bày đền Trùng Hoa. Từ ngày 16 tháng giêng, ấn được phát tại các nhà Giải Vũ cho tới khi hết.
Ngoài ra, UBND thành phố Nam Định cũng đã thành lập các tiểu ban nghi lễ, tuyên truyền... phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm quy định trong suốt lễ hội như: thu phí trông giữ phương tiện không đúng quy định, chèo kéo du khách đổi tiền lẻ.
Hơn 300 sĩ quan được phong tướng trong 5 năm
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 19/2, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đã đọc dự thảo báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước để xin ý kiến các đại biểu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định thăng quân hàm cho cán bộ cấp cao quân đội và công an nhân dân. Ảnh: QĐND.
Theo báo cáo, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang luôn quan tâm, góp phần chỉ đạo mọi mặt công tác, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.
Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; thăng quân hàm cấp tướng cho 194 sĩ quan Quân đội nhân dân, trong đó từ đại tá lên thiếu tướng là 139; từ thiếu tướng lên trung tướng là 35; từ trung tướng lên thượng tướng là 17; từ thượng tướng lên đại tướng là 2; thăng một quân hàm Đô đốc hải quân.
Ông Trương Tấn Sang đã ký quyết định thăng hàm 119 sĩ quan Công an nhân dân, trong đó từ đại tá lên thiếu tướng là 92; từ thiếu tướng lên trung tướng là 20; từ trung tướng lên thượng tướng là 6; thượng tướng lên đại tướng là 1.
Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch nước đã thay mặt Hội đồng ký quyết định cử 7 sĩ quan quân đội nhân dân tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Xu Đăng và Cộng hòa Trung Phi.
Lãnh đạo Quốc hội cho biết, dự thảo báo cáo sau khi lấy ý kiến tại Thường vụ Quốc hội sẽ được hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội.