Đây là phát biểu của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, tại một hội nghị sáng nay tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Tuấn/BizLIVE.
Tại Hội nghị “Việt Nam: nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng ngày 15/6, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cập nhật về tình hình phê chuẩn của 12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Về nguyên tắc, Hiệp định TPP có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau ngày tất cả các nước thông báo với New Zealand (nước lưu chiểu văn bản) về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước về phê chuẩn Hiệp định.
Trường hợp không đủ toàn bộ các nước hoàn thành các thủ tục pháp lý trong vòng 2 năm kể từ ngày ký (4/2/2016), TPP sẽ có hiệu lực trong vòng 20 ngày kể từ khi hết thời hạn 2 năm nếu có ít nhất 6 nước, với ít nhất 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cộng gộp theo giá trị năm 2013, hoàn thành các thủ tục pháp lý trong thời gian này.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ có tỷ lệ GDP lớn trong số 12 nước tham gia TPP. Bởi vậy, nếu Hoa Kỳ không phê chuẩn TPP thì Hiệp định này sẽ không có hiệu lực, ông Khánh nhấn mạnh.
Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) của Hoa Kỳ đang đánh giá Hiệp định này theo TPA. Chính phủ nước này đang tham vấn với Quốc hội và đang tính toán thời điểm trình Quốc hội.
Cập nhật về tình hình phê chuẩn của các nước khác tham gia TPP, ông Khánh cho biết Úc đã trình Quốc hội để tiến hành thủ tục phê chuẩn, nhưng còn chờ Chính phủ mới. Còn Brunei đang rà soát các văn bản pháp luật, dự kiến trình Hội đồng lập pháp vào tháng Ba năm tới.
Một số nước dự kiến trình TPP ra quốc hội vào cuối năm nay như Canada, Chile, Mehico, New Zealand và Singapore. Nhật Bản đã trình TPP ra Quốc hội và dự kiến thông qua vào cuối năm 2016.
Malaysia là một trường hợp đặc biệt, Chính phủ nước này đã trình Quốc hội cho phép ký TPP nhưng cần hoàn thiện các luật cần sửa đổi trong nước trước khi chính thức công bố thời gian phê chuẩn Hiệp định. Còn Peru đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn nhưng thời điểm chưa rõ do Chính phủ mới được thành lập.
Còn tại Việt Nam, ngày 9/5/2016, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan hoàn thiện Tờ trình phê chuẩn TPP trình Thủ tướng tay mặt Chính phủ ký trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV (dự kiến bắt đầu từ 20/7).
Đối với Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), Thứ trưởng Khánh cho biết sau khi kết thúc đàm phán vào tháng 11/2015, Việt Nam và EU đã công bố lời văn và đang tiến hành rà soát pháp lý Hiệp định.
Sau khi quá trình rà soát kết thúc, hai bên sẽ tiến hành ký kết, dự kiến trong năm 2016. Sau đó, hai bên sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn theo quy định của mỗi bên, ông nói thêm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Tuấn/BizLIVE.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói rằng để chuẩn bị cho việc thực thi các FTA thế hệ mới, Chính phủ đã rà sát các luật của Việt Nam, và 3 năm liên tiếp ban hành nghị định 19 để cải thiện môi trường kinh doanh. Ngoài ra, Chính phủ ban hành nghị quyết 35 để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, tăng gần gấp đôi so với hiện nay.
Chính phủ đang làm hết sức để cải thiện kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là xử lý nợ xấu và xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Tái cơ cấu nợ công và cân đối ngân sách, nền công nghiệp, đảm bảo an toàn hệ thống là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phát triển kinh tế và hội nhập thành công.
Xuất khẩu là động lực chính giúp Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng mạnh. Kể từ năm 2000, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế tạo đã tăng trưởng trên 20% mỗi năm và đến nay đã đạt kim ngạch trên 100 tỷ USD. Tỷ trọng thương mại trên GDP của Việt Nam đã gần đạt mức 180%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết xuất khẩu là động lực chính giúp Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng mạnh. Kể từ năm 2000, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế tạo đã tăng trưởng trên 20% mỗi năm và đến nay đã đạt kim ngạch trên 100 tỷ USD. Tỷ trọng thương mại trên GDP của Việt Nam đã gần đạt mức 180%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Kết quả tính toán sơ bộ cho thấy TPP có thể góp phần làm cho thu nhập của Việt Nam gia tăng thêm 8 điểm phần trăm vào năm 2035 và EVFTA có thể đóng góp thêm 4 điểm phần trăm nữa.
MINH TUẤN
Theo Bizlive