Brexit là cụm từ có lẽ đã trở nên quen thuộc với những người quan tâm tình hình kinh tế và chính trị trên thế giới trong nhiều tháng qua. Nó chỉ về một sự kiện sẽ diễn ra vào hôm nay, thứ Năm, ngày 23/6 - khi người dân Anh sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU).
TPP: Quốc gia nào mới thực sự được hưởng lợi?
- Cập nhật : 08/06/2016
Lao động ở các quốc gia đang phát triển gặp nhiều thuận lợi
Thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo ở các nước đang phát triển thông qua cải cách theo hướng kinh tế - thị trường là ưu tiên toàn cầu và mang tính lâu dài đối với Mỹ và các nước phát triển khác. Có thể nói, không một nơi nào lại có cách tiếp cận chính sách này thành công hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với thành quả là đưa khoảng một tỷ người thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Tuy nhiên, vai trò của TPP trong việc duy trì hội nhập kinh tế quốc tế đã nhận được không ít lời chỉ trích từ những phe đối lập ở Mỹ. Thực tế, đó là những suy nghĩ thiển cận, khi số người chỉ trích chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt của Mỹ hiện nay, thay vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, Hiệp định TPP sẽ mang lại lợi ích mạnh mẽ cho các thành viên nghèo nhất của khối. Đặc biệt là Việt Nam, với mức tăng GDP là 8,1%/ năm, Malaysia 7,6%/ năm, và Peru 2,6%/ năm. Đối với một số nền kinh tế khác, TPP cũng trở thành một công cụ đắc lực trong việc tăng cường cải cách nội bộ.
Ngoài ra, phân tích Bảng 1 đã cho thấy, trong tất cả các nền kinh tế đang phát triển của khối TPP, nhóm lao động phổ thông sẽ đạt được nhiều lợi ích nhất trong số tất cả các yếu tố khác của nền kinh tế. Cụ thể, tại Việt Nam, 93% sản lượng hàng may mặc và dệt may là lao động bán phổ thông (tay nghề ở mức trung bình) và lao động phổ thông (không có tay nghề), trong đó 52% số lao động không có tay nghề là nữ giới (Plummer et al. 2014). Do đó, TPP sẽ có tác động đặc biệt tích cực đối với quá trình giảm nghèo tại các nước đang phát triển.
Cùng trong nhóm TPP, Việt Nam sẽ trở thành "trọng tâm" trong chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ. (Nguồn ảnh: WH.gov)
Cũng như tất cả các thỏa thuận thương mại hiện đại, TPP đang gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những lợi ích của TPP mang lại, đó là phân phối lại thu nhập một cách hiệu quả, đồng thời cắt giảm chi phí và hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Chắc chắn rằng, có một bộ phận người lao động tại một số quốc gia sẽ cần phải thay đổi công việc hoặc thậm chí là mất việc, nhưng họ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số lao động nói chung, và lợi ích mà quốc gia tham gia TPP thu được sẽ dư sức bù đắp được tỷ lệ thất nghiệp đó. Đặc biệt, người lao động tại các quốc gia nghèo trong khối TPP sẽ là nhóm đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Việt Nam – cơ hội và thách thức trên nhiều mặt trận
Tờ báo nổi tiếng Bloomberg mới đây đã khẳng định rằng: “Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Barack Obama tới Việt Nam, quốc gia với hơn 90 triệu dân này sẽ trở thành một đối tác quan trọng trong chiến dịch xoay trục châu Á của Mỹ. Xét cả về kinh tế và chính trị, quan hệ Việt – Mỹ đang ở mức độ nồng ấm nhất kể từ khi chiến tranh kết thúc cách đây 40 năm”.
Cũng theo đánh giá từ Bloomberg, Việt Nam sẽ là nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP – Hiệp định tự do thương mại hướng đến xóa bỏ 18.000 loại thuế khác nhau giữa 12 nước thành viên. Trong khoảng một thập kỷ tới, nhờ TPP, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng 11%, tức tăng thêm 36 tỷ USD. Xuất khẩu cũng có thể tăng trưởng 28% vì nhiều công ty nước ngoài sẽ chuyển nhà máy đến Việt Nam.
Khi gia nhập TPP, Mỹ và Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu và đem đến nhiều lợi ích hơn cho các công ty dệt may của Việt Nam. Cùng với lợi thế chi phí nhân công rẻ hơn, Việt Nam có được lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc. Theo đánh giá của Eurasia Group, xuất khẩu giày dép và dệt may của Việt Nam có thể tăng trưởng 50% trong 10 năm tới.
Thủy sản cũng là ngành được hưởng lợi khi thuế nhập khẩu áp dụng lên tôm, mực và cá ngừ hiện đang ở mức 6,4 – 7,2% sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với những quy định ngặt nghèo về xuất xứ hàng hóa.
Ngành nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là mảng gia súc được dự báo sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn nước ngoài có lợi thế về quy mô và hiệu quả hoạt động. Xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với dược phẩm (hiện đang ở mức 2,5%) cũng khiến thị trường khốc liệt hơn. Tuy nhiên, TPP sẽ tăng cường quyền sở hữu trí tuệ, khiến khả năng tiếp cận sản phẩm mới cũng như sản xuất thuốc mới của các công ty Việt Nam bị giới hạn.
Khánh Hồng – Hoàng Anh (dịch)
(Theo Báo Hải Quan)