Bội chi ngân sách và bùng nổ tín dụng là hai trong số các yếu tố có thể gây bất ổn đối với nền kinh tế Việt Nam, theo Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao. Ảnh: Minh Tuấn/BizLIVE
Tại buổi gặp gỡ báo giới chiều ngày 17/6 tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao nhận xét kinh tế Việt Nam đã ổn định hơn nhiều so với một năm trước, thể hiện ở lạm phát bình ổn và tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt.
ADB dự phóng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ giữ nguyên mức tăng trưởng 6,7% như năm ngoái, là một trong những tốc độ tăng nhanh nhất trong khu vực, dù có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như hạn hán.
Tuy nhiên, ông lưu ý một số yếu tố có thể gây bất ổn cho nền kinh tế. Thứ nhất, đó là bội chi ngân sách có thể tăng mạnh hơn so với dự kiến ban đầu. Thứ hai, tín dụng có khả năng bùng nổ nhanh ngoài tầm kiểm soát.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải để tâm tới các yếu tố khác như tốc độ mất giá của tiền đồng, sự biến động của dự trữ ngoại hối và lạm phát.
“Chính phủ Việt Nam cần sớm có giải pháp tùy theo tình hình biến động, nếu không sẽ phải trả giá đắt”, ông nói.
Chủ tịch ADB lưu ý sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và những điều chỉnh về mô hình tăng trưởng của nước này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch, khu vực tiêu dùng và dịch vụ. Do đó, các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam cũng cần tạo ra vùng đệm để bảo vệ mình.
Ông Nakao gợi ý rằng nếu tiêu dùng trong nước đủ mạnh thì tăng trưởng kinh tế đỡ bị lệ thuộc vào các hoạt động thương mại quốc tế, như với Trung Quốc.
Việt Nam vẫn cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng cần phải có hiệu quả. Đầu tư vào giáo dục phổ thông, dạy nghề, và giáo dục đại học, tạo ra nhân lực có tay nghề cao sẽ tạo ra nền tảng để tăng trưởng dài hạn hơn, ông nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên BizLIVE về sự gia tăng của nợ công Việt Nam, Chủ tịch ADB cho rằng trần nợ công 65% GDP là mốc rất quan trọng mà Chính phủ cần theo dõi sát sao. Hiện nợ nước ngoài ổn định quanh mức 29% GDP, trong khi nợ trong nước ngày càng tăng.
ADB sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong cải cách các doanh nghiệp nhà nước, thủ tục hành chính, xây dựng và thực thi các chính sách thuế, ông nói.
Mỗi năm ADB “bơm ròng” cho Việt Nam 400-600 triệu USD
Đây là thông tin được Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao chia sẻ với báo chí chiều ngày 17/6 tại Hà Nội.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao (phải) trả lời báo chí tại Hà Nội ngày 17/6. Ảnh: Minh Tuấn/BizLIVE.
Tại buổi họp báo chiều nay (17/6) tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao cho biết mỗi năm Việt Nam vay định chế này từ 800 triệu đến 1 tỷ USD, và trả nợ khoảng 400 triệu USD cho ADB.
Như vậy, Việt Nam vay ròng 400-600 triệu USD mỗi năm từ ADB, ông Nakao nói.
Hiện Việt Nam đang vay vốn từ ADB theo hai nguồn, đó là nguồn vốn thông thường (OCR) và Quỹ Phát triển Châu Á (ADF). Nguồn ADF được dành cho các nước nghèo hơn, có kỳ hạn và lãi suất có lợi hơn cho bên vay.
Thu nhập quốc dân (GNI) của Việt Nam hiện đã vượt gần gấp đôi ngưỡng được vay từ ADF. Do đó, ADB đang cân nhắc các yếu tố, trong đó có xếp hạng tín nhiệm quốc gia để cho Việt Nam tốt nghiệp ADF. Tuy nhiên, các điều kiện cho Việt Nam vay vốn ADF vẫn được giữ nguyên trong năm 2017, ông Nakao nói.
Giám đốc ADB cho biết thêm, ngay cả khi tốt nghiệp ADF, nếu Việt Nam chuyển sang vay OCR, dù lãi suất cao hơn, nhưng vẫn có lợi hơn khi đi vay trên thị trường tài chính quốc tế, do kỳ hạn của các khoản vay này dài.
Một điểm khác ông Nakao chia sẻ tại buổi họp báo là ADB đang xem xét cấp vốn cho các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, theo đó sẽ không tác động tới nợ công của quốc gia. Hiện ADB chưa cung cấp khoản vay nào cho lĩnh vực tư nhân ở Việt Nam là do các doanh nghiệp này chưa đề đạt yêu cầu.
Các doanh nghiệp tư nhân ngành nông nghiệp và năng lượng tái tạo ở Việt Nam có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng của ADB, ông nói.
Trong khi đó, ADB đã cho vay các doanh nghiệp tư nhân ở các quốc gia khác trong khu vực, như lĩnh vực viễn thông ở Myanmar, năng lượng tái tạo ở Thái Lan, sản xuất thiết bị y tế ở Trung Quốc.
Trước đó, tại các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Việt Nam, Giám đốc ADB tái khẳng định rằng ngân hàng này sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Chính phủ thông qua các khoản cho vay Chính phủ trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Đồng thời ADB đang xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020.
Trong thời gian tới, ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, gồm đường bộ và các hệ thống vận chuyển hành khách công cộng số lượng lớn, truyền tải và phân phối điện năng, năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn, cơ sở hạ tầng đô thị, thủy lợi, quản lý tài nguyên nước và đối phó với biến đổi khí hậu.
“Vấn đề mấu chốt là Việt Nam cần tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu. Đặc biệt quan trọng là cải cách các doanh nghiệp nhà nước thông qua giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước, nâng cao quản trị doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả tài chính. Chính phủ cũng cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế, và nâng cao hiệu quả chi tiêu công”, ông Nakao nhấn mạnh.
MINH TUẤN
Theo Bizlive