NHNN muốn kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình lãi suất NH, tránh những biến động không đáng có. Trên cơ sở đó NHNN đưa ra điều chỉnh cho phù hợp để đạt được mục tiêu của Chính phủ.
Những điểm nghẽn khó gỡ
- Cập nhật : 11/06/2016
Nhà đầu tư (NĐT) trong nước quá hào hứng với PPP trong khi chính bản thân họ chưa lường hết các rủi ro tương lai. Trong khi đó ở trạng thái ngược lại, NĐT nước ngoài dù được kỳ vọng sẽ mạnh tay đầu tư vào PPP, thì thời gian qua lại hết sức dè dặt.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), việc thu hút các nguồn lực trong nước đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP có khá nhiều hạn chế. Có thể hiểu rằng nhiều NĐT trong nước quá hào hứng với PPP trong khi chính bản thân họ chưa lường hết các rủi ro tương lai. Trong khi đó ở trạng thái ngược lại, NĐT nước ngoài dù được kỳ vọng sẽ mạnh tay đầu tư vào PPP, thì thời gian qua lại hết sức dè dặt.
Nhiều rủi ro, NĐT dè dặt
Từ năm 2007, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây đi Phan Thiết dưới dự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2013 Chính phủ mới phê duyệt cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Hay như vừa qua Bộ GTVT cũng thông báo mời sơ tuyển các NĐT quốc tế dự án xây dựng đường vành đai III TP. Hồ Chí Minh với cơ chế phù hợp với điều kiện hiện nay. Tuy nhiên các NĐT quốc tế sau khi mua hồ sơ tuyển và nghiên cứu chi tiết đã có thư không tham gia.
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT lý giải, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến NĐT nước ngoài từ chối thẳng thừng là cơ chế phân bổ rủi ro hiện nay không theo thông lệ quốc tế. Đây là vấn đề làm mất rất nhiều thời gian giữa các bộ, ngành mà vẫn không thống nhất được do các nội dung đều vượt quá thẩm quyền của các bộ, ngành.
Qua làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế, NĐT quốc tế và đặc biệt là từ thực tiễn dự án PPP đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, NĐT đều yêu cầu có các chính sách bảo lãnh để chia sẻ rủi ro đối với các vấn đề Nhà nước quản lý tốt hơn như doanh thu, tỷ giá hối đoái, chuyển đổi ngoại tệ…
Mặt khác, chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao nên chưa đủ hấp dẫn NĐT nước ngoài. Hoặc các NĐT đều đòi hỏi lợi nhuận ở một mức cao do phải tính cả chi phí rủi ro dự án. Vấn đề quan trọng khác là Nghị định PPP đã ra đời nhưng do mới dừng lại ở mức Nghị định nên NĐT cho rằng tính ổn định của chính sách không cao, gây ra quan ngại lớn cho NĐT.
Bộ GTVT quả quyết, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thì việc kêu gọi NĐT nước ngoài là đòi hỏi tất yếu khi thị trường vốn tín dụng dài hạn trong nước đã chuyển sang trạng thái khan hiếm.
Hoá giải không dễ
Với các điểm nghẽn về cơ chế như hiện nay, thì theo các chuyên gia, việc thu hút NĐT nước ngoài chắc chắn vẫn sẽ “dậm chân tại chỗ”. Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nhận định, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng giao thông hiện nay có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như đầu tư tài chính, đầu tư trực tiếp, qua các quỹ đầu tư toàn cầu. Trước các cơ chế chưa hoàn thiện của Việt Nam, mỗi nhóm có lo ngại khác nhau và thực tế cũng chưa có nhóm nào tham gia trực tiếp vào các dự án PPP ở Việt Nam.
Ông Bình chỉ ra, đơn cử như vấn đề giải phóng mặt bằng bị NĐT đánh giá là luôn được tiến hành chậm chạp, khiến họ không thể chờ đợi. Vấn đề pháp lý cũng là quan ngại lớn khi đã thay đổi qua tới 4 Nghị định, trong đó mỗi Nghị định quy định một phương pháp quản lý khác nhau của Nhà nước với dự án, khiến NĐT khó theo được.
Liên quan tới vấn đề định giá và mức thu phí, theo NĐT, hợp đồng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định nhưng giá phí thì do Hội đồng Nhân dân phê duyệt. Như vậy sau khi hợp đồng đã ký, mức giá phí không có cơ sở chắc chắn là sẽ được thông qua. Vậy là phương án thu phí thất bại và NĐT lại chịu rủi ro. Cũng theo ông Bình, không có NĐT nước ngoài nào đồng ý mức tỷ suất lợi nhuận dưới 15% bằng USD theo như quy định hiện nay. Vì vậy sau khi đánh giá tất cả các yếu tố rủi ro về mặt kinh tế, pháp lý… thì không còn NĐT nào dám tiếp cận các dự án hạ tầng.
Là người tiếp xúc với nhiều NĐT nước ngoài, ông Bình thay mặt NĐT kiến nghị các giải pháp tháo gỡ cơ chế. Theo đó, trước hết là hoàn thiện các chính sách bảo lãnh của Nhà nước với các vấn đề doanh thu, tỷ giá hối đoái… Về hình thức chọn NĐT, theo ông Bình phải tổ chức đấu thầu quốc tế và cho NĐT đề xuất dự án. Sau khi đã trực tiếp xem xét, họ mới có thể nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tối ưu, lộ trình hiệu quả nhất… rồi từ đó đề xuất dự án. Nhà nước cũng cần bỏ tiền đền bù giải phóng mặt bằng sau đó có thể xem như tiền đó là vốn góp của Nhà nước tham gia BOT…
Đây sẽ là bài toán không đơn giản với cơ quan quản lý. Bởi tất cả những vấn đề vướng mắc hiện nay đều đang nằm rải rác ở thẩm quyền quản lý của nhiều bộ, ngành. Và như Bộ GTVT nhận định, đây đều là các nội dung vượt quá thẩm quyền quyết định của mỗi bộ.
Chỉ đơn cử như vấn đề bảo lãnh doanh thu hoặc bảo lãnh vay tín dụng, theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, phải theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công. Bà Mai cho rằng, việc bảo lãnh sẽ dẫn tới rủi ro lớn đối với ngân sách, không phù hợp quy định về quản lý nợ công. Do đó quyết định vấn đề này vượt ngoài thẩm quyền của Bộ Tài chính và tới nay bộ cũng kiên quyết không thông qua.
Ngọc Khanh
(Thời báo Ngân hàng)