Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chỉ ra nhiều chỉ số tài chính ở tầm quốc gia như nợ công, chi thường xuyên của bộ máy... vẫn còn chưa phù hợp.
Fed nâng lãi suất không ảnh hưởng nhiều dòng tiền vào Việt Nam
- Cập nhật : 18/12/2015
(Kinh te)
Quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được nhận định là không có tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam và cũng không cản trở dòng tiền vào Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Đó là quan điểm được TS. Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Trước đó, rạng sáng ngày 17/12 (theo giờ Việt Nam), Fed đã quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ, đồng thời phát tín hiệu rằng lãi suất sẽ được nâng lên “từ từ” và phù hợp với các dự báo trước đây.
Quyết định này được đưa ra sau 2 ngày họp, Ủy ban thị trường mở(FOMC) đã nhất trí nâng khoảng mục tiêu cho lãi suất liên bang từ mức 0 – 0,25% lên 0,25 – 0,5%. FOMC cũng dự báo đến cuối năm 2016, lãi suất sẽ ở mức khoảng 1,375%, tức trong năm tới sẽ có thêm 4 lần tăng lãi suất, mỗi lần tăng 0,25%.
Ông nhìn nhận gì từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất và đây liệu có là cú số cho nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam nói riêng?
Việc tăng lãi suất của Fed đã được nhận định từ lâu. Trong kinh tế học, nếu một động thái đã được dự báo từ trước, tức là các tác nhân kinh tế sẽ phải có đối sách từ trước và như vậy không gây cú sốc cho nền kinh tế. Có nghĩa là những tác nhân kinh tế này đã có giải pháp, tính toán khả năng xảy ra khi nâng lãi suất.
Mức nâng lãi suất 0,25% là không lớn. Thực tế cho thấy phản ứng thị trường chứng khoán Mỹ với các chỉ số Nasdaq và Dow Jones không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí là đi lên. Nhiều nhà kinh tế trước đây dự đoán Fed nâng lãi suất thì có thể gây ra cú sốc lớn, dòng tiền quay trở lại thị trường Mỹ, làm cho tỷ giá, USD trở nên khan hiếm…
Với thị trường Việt Nam chính sách của Fed có thể tác động trong ngắn hạn và trung hạn. Trong ngắn hạn là sẽ đẩy áp lực lên tỷ giá, tức là Fed nâng lãi suất, USD khan hiếm, có xu hướng tạo nên cú sốc ngắn hạn và có thể làm tỷ giá tăng lên kịch trần. Nhưng về trung hạn, lãi suất ổn định thì tác động của nó sẽ giảm đi.
Cũng có lo ngại đặt ra là quyết định tăng lãi suất của Fed có thể tác động đến thị trường chứng khoán, vàng và lạm phát, từ đó tác động đến nền kinh tế?
Điều quan trọng cần phải xem USD lên giá so với các giỏ tiền tệ khác như Euro, NDT, Yên Nhật và một số đồng khác… trong giỏ tiền tệ như thế nào. Việc quan trọng là cần xem xét tỷ giá đồng đô có tăng lên hay không.
Tôi thấy có tác động nhưng không lên nhiều như đối với tỷ giá đồng USD so với đồng tiền khác. Ngay cả khi các đồng tiền khác mà tỷ giá không biến động mạnh thì cũng không ảnh hưởng đến tỷ giá đồng Việt Nam.
Về lo ngại biến động tỷ giá sang biến động lạm phát trong nền kinh tế. Điều đó chỉ xảy ra nếu Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh hoặc tỷ giá vẫn nằm trong biến động khung mà ngân hàng cho phép.
Tôi cho rằng, tác động của Fed không tác động nhiều đến nền kinh tế Việt Nam mà cái chính là kinh tế Việt Nam cần phải thay đổi, tái cơ cấu, cân bằng cán cân thương mại.
Theo ông việc điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước liệu có gặp khó khăn khi Fed nâng lãi suất?
Tôi không nghĩ vậy, nền kinh tế Việt Nam và chính sách điều chỉnh tiền tệ, đặc biệt là lãi suất có 2 yếu tố quan trọng là chênh lệch lãi suất thương mại và dòng tiền bên ngoài vào.
Thời gian tới ngoài việc Fed tăng lãi suất, đồng thời kinh tế Việt Nam đang tạo ra cơ hội lớn với vốn đầu tư nước ngoài, nên lãi suất trên thị trường Mỹ tăng lên không gây ra sự chênh lệch lớn với Việt Nam thì không ảnh hưởng tới dòng tiền đi vào Việt Nam.
Trong khi ở Việt Nam, cuối năm dòng kiều hối lớn đổ về, dòng FDI đang tăng như hiện nay thì không gây sức ép lên tỷ giá nhiều. Vấn đề tạo nên sức ép tỷ giá là cuối năm đáp ứng mùa no-en, nhu cầu xuất nhập khẩu lớn, một số nhà xuất khẩu hạch toán khoản vay nên cân bằng lại trạng thái và về dài hạn tạo sức ép lớn lên tỷ giá.