Các cam kết FTA đã có tác động nhất định trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, song lại tác động gián tiếp giúp tăng thu ngân sách từ nội địa, đồng thời làm chuyển dịch cơ cấu ngân sách.
Tại sao Việt Nam phải đi đàm phán nhiều hiệp định FTA?
- Cập nhật : 18/12/2015
(Kinh te)
Việc tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp Việt Nam có điều kiện cân bằng lại cán cân thương mại và tạo động lực cho cải cách.
Quan điểm trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra khi phổ biến thông tin về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia.
Quá trình hội nhập của Việt Nam đã được diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Cùng với các hiệp định đã ký kết với các nước trong khu vực ASEAN và châu Á, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng tiến trình hội nhập chủ động và tích cực thời gian qua là sự hiện thực hóa chủ trương Đảng và Nhà nước. Theo đó, Việt Nam đã tham gia đàm phán một số thoả thuận thương mại tự do quan trọng, nổi bật là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với Liên minh châu Âu (EU), FTA với Liên minh Kinh tế Á Âu trong đó có liên bang Nga, đã được ký kết chính thức và chuẩn bị có hiệu lực.
“Các FTA vừa kết thúc đàm phán trong năm 2015 đều có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, giúp mở ra các cơ hội mới cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP hay là FTA với EU cũng sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tiếp tục hoàn thiện thể chế dựa trên thể chế kinh tế thị trường” – Thứ trưởng Khánh cho biết.
Theo đó, hiện nay Đảng xác định ba đột phá chiến lược, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như tái cơ cấu nền kinh tế. Từ đó, các Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, minh bạch hơn, dễ dự đoán hơn và tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN.
Những hiệp định thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết cũng giúp cân bằng lại cán cân thương mại. Theo ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết hiện nay Việt Nam đang nhập siêu từ các thị trường Trung Quốc, ASEAN và Hàn Quốc. Tuy nhiên, với một số thị trường vừa đàm phán, ký kết các FTA mới như Mỹ, EU, Nhật Bản… Việt Nam đang xuất siêu.
“Có tới 80% kim ngạch xuất khẩu đang tập trung vào các Hiệp định Thương mại tự do mới mà Việt Nam đàm phán, ký kết. Do đó, đây sẽ là là cơ hội để Việt Nam cân bằng cán cân thương mại trong thời gian tới” – ông Tùng nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng bên cạnh các cơ hội thì các hiệp định mới cũng đặt ra các thách thức không nhỏ cho cả DN và cho các nhà quản lý.
Với DN đó là sức ép cạnh tranh và là sức ép hoàn thiện chính mình để vươn lên, nắm bắt được các cơ hội do các hiệp định đem lại.
Với các nhà quản lý, đó là sức ép về thay đổi tư duy quản lý, tư duy minh bạch hóa khi làm chính sách và tăng cường khả năng tương tác với khu vực DN, để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, kiến tạo trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu vào khu vực cũng như kinh tế toàn cầu.