Ngân hàng Nhà nước vừa đã hạ lãi suất tiền gửi đồng USD xuống 0%/năm đối với các cá nhân, sau khi áp dụng biện pháp tương tự với các doanh nghiệp ngày 28/9. Với nỗ lực này, NHNN được đánh giá là đang tận dụng mọi công cụ để ổn định tỷ giá vào thời điểm cuối năm.
Viễn cảnh tỷ giá sau quyết định của Fed từ góc nhìn chuyên gia chứng khoán
- Cập nhật : 18/12/2015
(Tai chinh)
Dưới góc nhìn của các chuyên gia chứng khoán, tỷ giá của Việt Nam được nhận định sẽ ổn định đến hết năm 2015 sau quyết định tăng lãi suất của Fed, và sẽ tăng trong năm 2016 nhưng có thể sẽ không sốc như năm nay.
Sáng sớm ngày 17/12 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ(Fed) đã ra một quyết định lịch sử - tăng lãi suất điều hành từ ngưỡng 0,00-0,25% lên mức 0,25-0,5%, lần tăng lãi suất đầu tiên trong vòng gần 1 thập kỷ.
Đánh giá về tác động ngắn hạn từ quyết định của Fed, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) cho rằng quyết định này có thể tác động không nhiều đến thị trường tiền tệ và ngoại hối của Việt Nam từ nay đến cuối năm do thị trường đã đoán trước được khả năng tăng lãi suất của Fed trong những tháng gần đây.
Từ CTCK Bản Việt (VCSC), ông Nguyễn Thế Minh - một giám đốc phân tích – cũng đưa ra đánh giá tương tự, cho rằng việc Fed tăng lãi suất trong tháng 12 này hầu như đã được mọi dự đoán trước.
“Trong ngắn hạn, NHNN sẽ cố gắng giữ tỷ giá ổn định từ nay đến hết năm để tránh áp lực nợ công,” ông nói, cho rằng ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất gần như đã phản ánh vào thị trường thời điểm trước đó rồi, nên mức độ tác động sẽ không lớn, hoặc thậm chí còn ngược lại.
Ông cho rằng đồng USD có thể sẽ còn hạ nhiệt trong thời điểm cuối năm này, theo đó hỗ trợ cho các kênh đầu tư khác như hàng hóa hay thị trường chứng khoán.
Còn theo ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược thị trường của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thị trường đã có sự chuẩn bị rất dài cho việc tăng lãi suất của Fed, nên khi thông tin được đưa ra, nó có thể “giải tỏa mọi áp lực trong ngắn hạn.”
Về tác động dài hạn hơn, các chuyên gia nhìn chung nhận định tỷ giá sẽ khó tránh khỏi xu hướng tăng, nhưng yếu tố chính lại không phải là từ lộ trình tăng lãi suất dần dần của Fed trong năm tới, mà chủ yếu đến từ khả năng biến động tỷ giá tại Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng nhiều khả năng tỷ giá sẽ có chiều hướng sẽ tiếp tục tăng do quyết định tăng lãi suất lần này của Fed thực ra sự khởi đầu của chính sách thắt chặt. Khi việc này diễn ra, đồng USD sẽ có chiều hướng tăng lên, ảnh hưởng đến tỷ giá tại Việt Nam, “nên năm 2016 tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, hay nói cách khác là đồng VND sẽ tiếp tục bị phá giá”.
Ông Minh cho rằng, sang năm tới, NHNN có thể thực hiện điều chỉnh tỷ giá theo 2 cách là tăng tỷ giá cơ bản và mở rộng thêm biên độ giống như năm nay để thị trường có thể tự điều chỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Minh điều đáng ngại hơn cho năm 2016 là khả năng biến động của đồng tiền Trung Quốc. Do đồng Nhân dân tệ đã được đưa vào rổ tiền tệ dự trữ của IMF, nên mức độ thả nổi của nó cao hơn, và do đó có thể mất giá nhiều hơn, nhất là khi áp lực giá hàng hóa giảm khiến Trung Quốc phải phá giá để bù lỗ phần giảm của xuất khẩu hàng hóa.
Không chỉ đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có thể mất giá, Việt Nam cũng sẽ phải điều chỉnh tỷ giá do đồng tiền của một số thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như Châu Âu và Nhật Bản cũng chịu áp lực giảm do chính sách kích thích kinh tế tại các khu vực này.
Ông Trần Minh Hoàng cũng cho rằng xu hướng tăng của đồng USD là khó có thể đảo chiều sau khi Fed tăng lãi suất.
Áp lực cho câu chuyện tỷ giá của Việt Nam năm 2016 là điều chắc chắn, nhưng ông Hoàng đặt ra nghi vấn là liệu áp lực này có lớn hay không.
“Thực ra nó có tác động, nhưng không quá lớn, chỉ hơn so với năm trước một chút. Ví dụ mọi năm điều chỉnh 2%, năm nay có thêm yếu tố Fed nên có thể tăng thêm 1% nữa. Tôi nghĩ nó có tác động nhưng không nhiều, vì lộ trình tăng lãi suất của Fed cũng theo hướng chậm và vừa phải,” ông nhận định.
Vị chuyên gia của VCBS cho rằng đồng USD có thể sẽ tăng từ từ và khó có khả năng “tăng sốc” như giai đoạn 2013-2015.
“Tại sao giai đoạn 2013-2015 tăng mạnh, vì đó là sự đảo chiều, nó báo hiệu đảo chiều xu hướng,” ông nói: " Nó tương tự tình trạng cổ phiếu của một công ty đang rất xấu nhưng tự nhiên có tin thoát lỗ sẽ tăng vọt, và sau đó mới từ từ tăng tiếp"
Vì vậy, tỷ giá năm 2016 sẽ không phải đến từ Fed, mà là từ Trung Quốc.
“Trung Quốc là một nền kinh tế khổng lồ.Năm 2015 mới là năm bước đầu thể hiện cái không thể che đậy được, bước đầu thể hiện dấu hiệu xấu. Mà một khi bước đầu thể hiện dấu hiệu xấu nghĩa là đáy chưa xuất hiện. Cũng có nghĩa là năm 2016 có thể xấu hơn, nghĩa là khả năng mất giá của đồng Nhân dân tệ ít nhất cũng phải như năm nay, hoặc có thể hơn. Ngoài ra chưa kể đến ý muốn của chính phủ Trung Quốc khi họ có thể muốn vực dậy xuất khẩu nên khiến đồng tiền yếu đi,” ông Hoàng phân tích.
Trong một thông báo gửi khách hàng, SSI Research cũng khuyến cáo “thị trường nên tập trung vào diễn biến của đồng Nhân dân tệ” khi thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã nới rộng lên 29,5 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2015 từ mức 25,9 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.