Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên quy mô lớn của các tập đoàn kinh tế.
10 phát ngôn ấn tượng về ngành điện năm 2015
- Cập nhật : 19/12/2015
(Kinh te)
Không tăng giá điện EVN sẽ phá sản, giá điện tăng mọi người đều hưởng lợi, tiền điện tăng đột biến vì thời tiết, giá điện đáng ra phải tăng 12,8%, EVN có nhiều đóng góp cho đất nước ... là những phát ngôn ấn tượng về ngành điện năm 2015.
Từ trái qua: Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ông Đinh Quang Tri, bà Bùi Thị An, ông Cao Sỹ CươngDÒNG SỰ KIỆN:
Năm 2015, giá điện đã được điều chỉnh tăng 7,5% từ ngày 16/3. Trước và sau khi giá điện được điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam(EVN) liên tục đưa ra những giải thích, chứng minh tăng giá điện là hợp lý khi các yếu tố đầu vào tăng.
Tuy nhiên, những lý giải của "nhà đèn" cũng như Bộ Công Thươngdường như chưa khi nào nhận được sự đồng thuận từ giới chuyên gia và dư luận.
Đầu tháng 9 vừa qua, EVN cùng với một số doanh nghiệp như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từng được Bộ Công Thương đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2015. Song sau đó, Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương quyết định rút EVN khỏi danh sách.
Cùng BizLIVE điểm lại 10 phát ngôn ấn tượng về ngành điện trong năm 2015 của lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo EVN và giới chuyên gia.
1. Không tăng giá điện EVN sẽ phá sản
Ý kiến trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải đưa ra bên lề cuộc gặp báo chí chiều 26/1.
Thứ trưởng Hải cho biết, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) khuyến nghị giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới tính từ năm 2015 mới có thể "cứu" nổi ngành điện. Hiện WB phải xem xét tình hình tài chính của EVN, giá thành điện cũng như giá bán ra của ngành điện để quyết định việc có cho các dự án điện của EVN vay vốn hay không.
“Nếu không tăng giá điện, EVN rất khó vay vốn và việc thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ vô cùng khó khăn”, ông Hải cho hay
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, để chủ động điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam không có cách nào khác là phải tăng đầu tư sản xuất điện trong nước, giảm nhập khẩu mà trước mắt là giảm nhập điện từ Trung Quốc. Muốn tăng sản xuất điện trong nước, thu hút được đầu tư vào ngành điện thì buộc phải tăng giá điện lên.
2. Giá điện tăng mọi người đều hưởng lợi
Trả lời chúng tôi trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 1/2015 diễn ra vào chiều 2/2, về việc ai được hưởng lợi nhờ tăng giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, giá điện tăng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều được lợi.
Theo phân tích của Thứ trưởng Hải, tương tự như giá xăng dầu, giá điện cần được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Hiện giá xăng đã tiệm cận giá thị trường khi điều hành theo Nghị định 83. Do đó, giá đầu vào rẻ sẽ cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân với giá rẻ, giá dầu tăng sẽ bán theo giá tăng. Các đối tượng khi dùng xăng dầu chấp nhận giá tăng đó.
Phân tích kỹ hơn về việc điều chỉnh tăng giá sẽ "mang lại lợi ích cho mọi người", Thứ trưởng phân tích: "Giá bán lẻ là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán điện thì chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất".
3. Không nên thách đố để tăng giá điện
Trước những tuyên bố "nói hộ" doanh nghiệp từ cơ điều hành như "không tăng giá điện EVN sẽ phá sản", tại cuộc hội thảo ngày 11/2 tại CIEM, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, trật tự và kỷ luật của thị trường là vấn đề rất cần quan tâm trong cải cách thể chế mà mối quan hệ giữa Bộ Công thương – EVN và giá điện là điều rất đáng suy nghĩ.
“Vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu mà là cách thức tăng giá. Vì đáng ra phải bảo vệ lợi ích người dân thì Bộ chủ quản lại đi bảo vệ đề xuất thay cho doanh nghiệp”, ông Cung nói.
Ông Cũng cũng nhấn mạnh, cách thức hợp lý trước mắt là Bộ Công Thương cần rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện xem đã hợp lý chưa, tham vấn ý kiến chuyên gia, người dùng và kiểm soát giá điện thay vì có những "tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá điện EVN sẽ phá sản, ngành điện sẽ sụp đổ".
4. EVN có nhiều đóng góp cho đất nước
Ngày 29/10, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, đề cập đến việc EVN bị gạt khỏi danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 2015 vì "nhân dân không đồng tình", Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, khi xem xét vấn đề gì cần khách quan, kể cả khen thưởng hay phê bình.
"Nói nhân dân không đồng tình với đề nghị xét tặng danh hiệu anh hùng lao động cho EVN, vậy phải có con số chính xác, chứ nói chung chung thì chưa hẳn đã đúng", Thứ trưởng Hải nói.
Thứ trưởng Hải cũng phân tích, EVN đã có nhiều đóng góp cho đất nước, từ lúc Việt Nam mất điện thường xuyên, sản xuất khó khăn, nay khoảng 90% người dân đã có điện.
5. Điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá
Chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về giá điện chiều ngày 11/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương ví von: “Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá! Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa! Đó là điệp khúc mà có lẽ ra đời từ thuở khai sinh ra ngành điện”.
Theo đại biểu Cương, việc tăng giá điện không phải là không có lý. Nhưng lẽ ra việc tăng giá điện phải khiến người dân được lợi vì nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất.
Về mặt lý thuyết, giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất thì giá bán sẽ giảm. Khi đó, người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất. “Nói vậy quá đúng, đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, bao giờ lý thuyết ấy đúng với ngành điện?”, ông Cương đặt câu hỏi.
6. Tiền điện tăng đột biến vì thời tiết
Tháng 5- 6 vừa qua, nhiều hộ gia đình tại Hà Nội phản ánh chuyện hóa đơn tiền điện tăng đột biến, gấp từ 1,5 đến 3 lần so với bình thường, thậm chí gấp 8 lần.
Đại diện EVN cũng như Bộ Công Thương cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói trên song, lý do chủ yếu được đưa ra là trùng với kỳ tính giá tháng 5 (thu trong tháng 6), Hà Nội phải chịu đợt nắng nóng kéo dài liên tục, dẫn tới sản lượng điện tiêu thụ để phục vụ làm mát tăng cao.
7. Giá điện tăng lũy tiến, khách cần kiểm soát lượng điện tiêu thụ
Khác với các loại hàng hoá khác, càng dùng nhiều giá càng rẻ, mặt hàng điện của Việt Nam ngược lại, dùng càng nhiều giá càng đắt.
Cụ thể, sử dụng điện từ 0kWh-50kWh người dùng phải trả 1.484 đồng/kWh, từ 51kWh-100kWh người dùng phải trả 1.533 đồng/kWh, từ 101-200kWh người dùng phải trả 1.786 đồng/kWh, từ 201kWh-300kWh người dùng phải trả 2.242 đồng/kWh, đến bậc thang thứ 5, từ 301-400kWh người dùng phải trả 2.503 đồng/kWh và ở bậc thang cuối cùng từ 401kWh trở lên người dùng phải trả 2.587 đồng/kWh.
"Số tiền tăng lũy tiến, cho nên chúng tôi mong muốn khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, để làm sao cho sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả”, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN nói.
8. Bộ Công thương không thiên vị cho EVN
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra vào chiều 27/4, trước câu hỏi về việc hóa đơn điện tăng mạnh trong tháng vừa qua với cách tính phức tạp, phải chăng Bộ Công thương thiên vị, bảo vệ lợi ích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Tuấn Anh khẳng định, Bộ không thiên vị doanh nghiệp, và quyết định tăng giá điện đã được Chính phủ thông qua.
9. Giá điện đáng ra phải tăng 12,8%
Tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều 6/3, một ngày sau quyết định tăng giá điện của Chính phủ, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, nếu tính toán đầy đủ chi phí phát sinh, giá điện tăng 12,8%.
"Nhưng chúng tôi kiến nghị tăng 9,5% thì lợi nhuận/vốn chủ sở hữu 3%. Tuy nhiên với 3 phương án Bộ Công thương đưa ra tăng 7,5%, tăng 8,5% và 9,5% việc tăng 7,5% lợi nhuận 1%, còn khoảng trên 7.000 tỷ chênh lệch tỷ giá phải để xử lý vào các năm sau", ông Tri thông tin.
Cũng theo ông Đinh Quang Tri việc tăng giá điện lên 7,5% dự báo doanh thu năm 2015 toàn tập đoàn tăng thêm 13.000 tỷ và lợi nhuận đạt 1.500 tỷ đồng.
10. Khách hàng chán làm thượng đế của EVN
Là ý kiến được đưa ra bởi Đại biểu Quốc Hội Bùi Thị An tại Diễn đàn: "Cơ sở khoa học của việc tính giá điện" diễn ra sáng 16/10.
Đặt câu hỏi chất vấn ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), bà An cho biết, về biểu giá điện bậc thang đâu là cơ sở để EVN đưa ra biểu giá với 6 bậc thang hiện tại.
Thứ hai, về vấn đề đầu vào giá điện theo quan điểm của Cục điều tiết điện lực đã minh bạch hay chưa. "Chúng tôi quan tâm sự minh bạch liệu cách tính đầu vào giá điện đã minh bạch chưa vì lúc EVN nói lỗ, lúc EVN báo lãi. Lỗ nhà nước bù hay EVN bỏ ra hay người dân phải chịu?", bà An nhấn mạnh.