Các khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ hứa hẹn sẽ trở thành hình thức cấp vốn được nhân rộng trong thời gian tới, trước bối cảnh DNNN buộc phải tách dần khỏi “bầu sữa” ngân sách.
Để dệt may không tụt hậu
- Cập nhật : 19/12/2015
(Kinh te)
Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo quy tắc xuất xứ, thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất nguyên liệu là một số yêu cầu cấp bách đặt ra với ngành dệt may nước ta trong thời gian tới.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong các hiệp định thương mại tự do thì dệt may xác định lộ trình vào thị trường châu Âu có nguyên tắc xuất xứ đơn giản hơn và tốc độ giảm thuế nhanh hơn thị trường Mỹ (lộ trình giảm thuế dài nhất 7 năm và ngắn nhất 3 năm).
Ngoài ra còn nhiều mặt hàng thuế suất về 0% ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Trong đó, Việt Nam có rất nhiều mặt hàng thế mạnh như áo dệt kim, áo chui đầu, áo khoác (jacket).
Trong khi đó, Mỹ là thị trường rất lớn, rất tiềm năng nhưng hàng dệt may của Việt Nam cũng đang phải chịu thuế suất rất cao, có dòng thuế tới hơn 30%, còn mức trung bình là 17%.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), vì dệt may xuất khẩu với số lượng lớn nên phải chịu “rào cản” cao, nhất là thuế.
Chẳng hạn, cùng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng thuế của DN Việt Nam phải nộp lớn hơn tiền thuế của tất cả các nước tham gia TPP phải nộp cộng lại.
Về thị trường Mỹ, ông Lê Tiến Trường cho biết thêm, đoàn đàm phán TPP của ta đã tận dụng được thêm cơ hội cho mặt hàng quần áo gió mùa đông cho nam và nữ. Đây là mặt hàng được nhận định sẽ tăng trưởng rất tốt vì thị trường Mỹ nhập khẩu riêng loại này khoảng 10 tỉ USD/năm.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu các mặt hàng dệt may sang Mỹ cũng có những khó khăn nhất định do quy tắc xuất xứ chặt chẽ. Quy tắc này yêu cầu Việt Nam phải sản xuất hàng dệt may từ sợi trở đi. Tức là, hàng dệt may của Việt Nam chỉ được hưởng ưu đãi nếu tuân thủ 3 công đoạn “sợi-vải-may”, nghĩa là từ sợi sản xuất được vải, từ vải cắt ra và may thành sản phẩm.
Theo thống kê, hiện nay, mức cung ứng trong nước về sợi vải của DN FDI và đầu tư trong nước mới đạt 40%. Vì thế, ông Lê Tiến Trường cho rằng cần hình thành chuỗi cung ứng hữu cơ liên kết theo nguyên tắc thị trường sợi-vải-may để đảm bảo tới năm 2018, trên 55% loại vải và 70% nguyên phụ liệu sẽ có mặt trong nước, hướng tới mục tiêu năm 2020, tỉ lệ nội địa của các sản phẩm trên sẽ vượt 65%.
Tiếp theo là tập trung nâng cao năng suất lao động. Hiện tại, năng suất kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam tương đương các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Bangladesh, Mexico nhưng kém Trung Quốc.
Vì vậy cần đặc biệt chú trọng cải thiện năng suất lao động kỹ thuật dệt may, cần nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt là chất lượng nhân lực thiết kế, kỹ thuật, sản xuất nguyên liệu, xử lý đơn hàng tổng hợp và tổ chức sản xuất.
Ông Lê Tiến Trường cho rằng cần tiếp tục thu hút đầu tư cho ngành sản xuất nguyên liệu theo chiến lược chung của cả nước. Mục tiêu đến năm 2020, cần có khoảng 15 trung tâm sản xuất nguyên liệu, trung tâm thiết kế, qua đó tạo việc làm cho 50 triệu lao động trong ngành dệt may và kim ngạch xuất khẩu đạt mức 50 tỉ USD, gấp đôi hiện nay.