Dường như đang có làn sóng các ngân hàng đua nhau có được công ty tài chính rồi lại...bán cho nước ngoài.
Lãi suất phải do thị trường quyết định
- Cập nhật : 15/10/2016
(Tai chinh)
Lãi suất chỉ là một trong những công cụ tái cơ cấu chứ không phải là mục tiêu tái cơ cấu. Chưa kể, lãi suất là biến số được tính toán trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường…
Lãi suất không thể là chỉ số được đưa vào mục tiêu Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, theo TS. Cao Sỹ Kiêm. Ông lý giải thêm, lãi suất chỉ là một trong những công cụ tái cơ cấu chứ không phải là mục tiêu tái cơ cấu. Chưa kể, lãi suất là biến số được tính toán trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường…
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề xuất nên gỡ trần lãi suất. Ông nghĩ sao về phương án này?
Chủ trương tự do hóa lãi suất là đúng. Đây là xu hướng phát triển của các nền kinh tế thị trường. Hiện tại cũng đã có những tín hiệu thuận lợi để chúng ta thực hiện điều này, như: lạm phát đang trong tầm kiểm soát, nguồn vốn NH tăng trưởng tốt… Tuy nhiên, điều kiện để tự do hóa lãi suất thì kinh tế vĩ mô phải thực sự ổn định và sức khỏe hệ thống NH lành mạnh, vững chắc.
Phân tích từng yếu tố trên, tôi cho rằng lạm phát tuy đang ở mức thấp nhưng những yếu tố tăng giá như y tế, giáo dục… nếu không được kiểm soát tốt có thể gây áp lực lên lạm phát. Còn tái cơ cấu hệ thống TCTD vẫn dở dang, đang sắp xếp củng cố lại trong giai đoạn II. Không chỉ các NH yếu kém phải nâng cao chất lượng mà tất cả các NH đều phải thực hiện. Việc này cần có lộ trình, thời gian. Xét hai góc độ trên thì thời điểm này vẫn chưa tự do hóa lãi suất được.
Theo ông, mặt bằng lãi suất hiện đã hợp lý chưa?
Tôi cho rằng mặt bằng lãi suất hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp cũng là yếu tố để các NH xem xét giảm lãi suất huy động. Theo đó, NH có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho DN.
Nếu lãi suất thấp cầu tín dụng sẽ tăng, thưa ông?
Tôi cho rằng, tín dụng năm nay tăng trưởng tốt, dòng vốn NH đã chảy nhiều hơn vào khu vực sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội. Theo đó, chính sách tín dụng vừa góp phần chống lạm phát, vừa hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng. Cho nên, nếu quay lại kiểm soát quá chặt cung tín dụng sẽ kìm hãm sản xuất, tiêu dùng và tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Như hiện tại, lạm phát vào khoảng 5% là phù hợp.
Theo tôi, cách điều hành lãi suất của NHNN trong thời gian vừa qua có nhiều tiến bộ, bám sát với thị trường, thực tiễn đòi hỏi của Việt Nam hiện nay. So với cách đây 4-5 năm, chi phí vốn vay của DN chỉ chưa bằng một nửa. Với mặt bằng lãi suất như hiện nay theo tôi là chấp nhận được. DN cũng đã yên tâm, mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh. Đối với DN, nguồn vốn được đáp ứng đầy đủ, kịp thời để họ tận dụng cơ hội làm ăn quan trọng hơn “mặc cả” lãi suất.
Mặt khác, chúng ta không nên đặt quá nhiều sức ép lên lãi suất. Lãi suất chỉ là một bộ phận cấu thành chi phí hoạt động của DN. Vì thế, muốn kinh doanh có lãi thì DN không thể chỉ trông chờ vào mỗi lãi suất thấp mà bản thân họ phải tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành… Đấy mới là những yếu tố giúp DN phát triển bền vững.
Còn ở góc độ rộng hơn, chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống tài chính hơn nữa để giảm sức ép lên thị trường tiền tệ. Hiện tại, tái cơ cấu thị trường vốn cũng đã có tín hiệu tích cực hơn, nhưng muốn phát triển thị trường vốn dài hạn còn phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, thủ tục hành chính, cách điều hành cải tiến hơn nữa... Có như thế, khi hội nhập sâu rộng thì lĩnh vực tài chính, NH mới cạnh tranh được, nền kinh tế có nền tảng để phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!