Như vậy là “Ông kẹ” của giới tài chính đã chính thức hiện hình. Thật lạ khi ông ấy xuất hiện lại chẳng mấy người sợ hãi: Dow Jones tăng “bùng nổ” 224.20 điểm tương ứng 1.26%, các thị trường lớn từ Âu sang Á cũng tăng điểm hưởng ứng.
Cần quan tâm gì khi NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD của cá nhân?
- Cập nhật : 18/12/2015
(Tai chinh)
Quyết định lần này của NHNN không được xem là một bất ngờ lớn vì chính sách này nằm trong lộ trình nâng cao vị thế của đồng Việt Nam và từng bước chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ.
NHNN vừa phát đi thông báo chính thức hạ lãi suất tiền gửi bằng USD cá nhân về 0% và có hiệu lực từ ngày 18/12/2015.
Sau quyết định tăng lãi suất USD của FED lên 0,25% thì đồng loạt các đồng tiền mạnh trên thế giới đều mất giá từ 1 – 1,5% so với đồng USD như EUR, GBP, JPY, AUD, CAD… trong khi đó tiền VNĐ trên thị trường phi chính thức mất giá khoảng 0,5% của sáng ngày 17/12 so với chiều ngày 16/12/2015, còn trên thị trường chính thức thì tỷ giá mua và bán gần bằng nhau và giá USD bán ra bằng với mức giá trần do NHNN công bố là 22.547 đồng.
Cùng với việc FED tăng lãi suất và tin đồn về việc tiếp tục phá giá đồng bản tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong thời gian tới để hỗ trợ cho nền kinh tế đang yếu đi, việc mất giá của hàng loạt các đồng tiền mạnh khác trên thế giới so với đồng USD lại càng tạo ra tâm lý đầu cơ và găm giữ USD trên thị trường Việt Nam.
Mục đích của chính sách giảm lãi suất USD đối với cá nhân về 0%
Trong một nền kinh tế có hai thành phần giữ USD, đó là các tổ chức (Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức khác) và cá nhân, hộ gia đình. Trừ khi thị trường biến động mạnh và các thành phần găm giữ ngoại tệ để đầu cơ, còn trong bối cảnh bình thường, mục đích giữ ngoại tệ trên tài khoản ngân hàng của hai thành phần này là khác nhau. Doanh nghiệp vì mục đích thanh toán nên lãi suất không phải là điều quan tâm đầu tiên. Còn các cá nhân và hộ gia đình giữ ngoại tệ trong tài khoản tiết kiệm là để bảo tồn giá trị đồng vốn và hưởng lãi suất. Vì vậy, lãi suất ảnh hưởng khá nhiều đến quyết định nắm giữ đồng tiền nào của người dân.
Cho nên, mục tiêu chính của quyết định điều chỉnh của NHNN lần này là gửi thông điệp đến các cá nhân, khi mà lãi suất của tổ chức gửi USD vẫn giữ mức 0% như cũ và lãi suất tiền gửi USD của cá nhân cũng về mức 0%, giống như chính sách về lãi suất của FED đã áp dụng trong suốt gần 10 năm qua. Từ đó, các cá nhân và hộ gia đình sẽ hạn chế tích trữ USD dưới hình thức tiết kiệm tại ngân hàng cũng như nhiều khả năng sẽ chuyển qua VNĐ để gửi và hưởng lãi suất cao hơn nhiều (nếu gửi dài hạn, lãi suất VNĐ có thể lên đến 7,2%). Kết quả là thanh khoản USD sẽ dồi dào trở lại và tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ dần mất đi.
Ngoài ra, quyết định lần này của NHNN không được xem là một bất ngờ lớn vì chính sách này nằm trong lộ trình nâng cao vị thế của đồng Việt Nam và từng bước chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ. Công cụ lãi suất chỉ là một trong các công cụ điều hành thông thường của chính sách tiền tệ một đất nước. Việc làm lần này của NHNN, nhìn bên ngoài thì tưởng rằng chúng ta đang đi ngược lại với xu hướng tăng lãi suất USD của nhiều nước thế giới sau khi mà lãi suất cơ bản của Mỹ vừa công tăng lên 0,25% vào rạng sáng ngày 17/12/2015, được xem là hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam khi mà tỷ lệ đô la hoá nền kinh tế, theo số liệu của IMF, đang ở mức khoảng gần 12%, giảm từ mức gần 40% năm 1992, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực thấp hơn rất nhiều, như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, ...chỉ khoảng từ 5% - 7%.
So sánh với các công cụ khác trong chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại, rõ ràng công cụ lãi suất USD lần này mà NHNN sử dụng vẫn được xem là hiệu quả nhất và ít gây thiệt hại nhất đến nền kinh tế. Việc điều chỉnh lần được xem là NHNN đang sử dụng một công cụ vừa đủ để chữa cho căn bệnh tâm lý găm giữ và đầu cơ tiền USD đã có từ lâu nay trên thị trường.Các công cụ khác có thể kể đến trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN như: tăng tỷ giá USD/VNĐ, nới biên độ giao dịch, bán dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường hay các biện pháp hành chính khác. Như đã phân tích trong các bài viết trước đây, việc sử dụng các công cụ trên đều tạo ra nhiều thiệt hại hơn là có lợi cho nền kinh tế Việt Nam thời điểm này.
Hai vấn đề cần quan tâm thêm
Trên thực tế việc giảm lãi suất của tổ chức xuống 0% kể từ ngày 29/9/2015 từ Quyết định 1938 của NHNN là sau khi tỷ giá đã biến động mạnh trong tháng 8 năm nay, khi màđồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục bị phá giá kết hợp với những thông tin từ việc Mỹ tăng lãi suất và NHNN cũng đã bán ngoại tệ nhiều lần ra thị trường để can thiệp. Sau quyết định trên thì doanh số tiền gửi USD tại NHTM của doanh nghiệp đã không giảm thậm chí còn tăng, vì nhu cầu chính của họ vẫn là gửi tiền USD vào ngân hàng để đáp ứng cho việc thanh toán cho các hoạt động xuất nhập khẩu vào dịp cuối năm. Do đó, sau chính sách lần này, NHNN cần tiếp tục theo dõi doanh số tiền gửi USD của cá nhân và hộ gia đình tại NHTM để có các chính sách tiền tệ phù hợp tiếp theo.
Về rủi ro thanh khoản USD của hệ thống NHTM: khi thực hiện chính sách trên, một khả năng đã được các nhà hoạch định chính sách xác định trước là doanh số tiền gửi USD tại ngân hàng của cá nhân có thể giảm xuống. Theo thông tin từ NHNN, nếu tính tỷ lệ tín dụng trên huy động ngoại tệ của thị trường 1 trong nước ở mức khoảng 80%, giảm từ 100% trong khi giai đoạn 2011 – 2012, tức là sử dụng phần lớn nguồn vốn huy động USD để cho vay. Do đó, một khi người dân ồ ạt rút tiền gửi USD về do lãi suất gửi USD bằng 0% và ngân hàng khó mua được USD thì rất có khả năng NHTM sẽ gặp khó khăn thanh khoản USD trong ngắn hạn.
Vậy đâu là giải pháp mang tính dài hạn để ổn định tỷ giá?
Các biện pháp hành chính thường chỉ mang tính ngắn hạn, NHNN cần cùng với các Bộ ngành khác phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, phải kể đến như: tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm trên thị trường ngoại tệđể ngăn chặn đầu cơ; thu hút mạnh hơn lượng ngoại tệ từ các nguồn, nhất là FDI, ODA, kiều hối, khách quốc tế đến Việt Nam, ... đây là biện pháp không chỉ là thu hút nguồn lực mà còn góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá
Ngoài ra, chúng ta cần chú trọng kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng cần hạn chế, cần kiểm soát, nhất là những hàng hiệu; giữ chênh lệch giữa lãi suất huy động giữa VND và USD đủ lớn để tăng sức hấp dẫn đối với VND, để tăng việc chuyển đổi từ USD sang VND, tăng thu hút ngoại tệ từ kiều hối, du lịch; các NHTM tiếp tục chuyển nhanh quan hệ tín dụng (gửi và cho vay bằng ngoại tệ) sang quan hệ mua bán đứt đoạn về ngoại tệ. Giải pháp này còn góp phần hạn chế tình trạng đô la hoá; thực hiện chặt chẽ hơn trong việc cung ứng ngoại tệ cho các đối tượng, kể cả nghiên cứu thẩm định kỹ hơn việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài đầu tư của các doanh nghiệp, trong điều kiện Việt Nam cần thu hút ngoại tệ; yêu cầu các NHTM, các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cung USD ra thị trường; tăng cường phối hợp nhiều biện pháp để ổn định tâm lý, lòng tin vào đồng VNĐ.
Tóm lại, chính sách giảm lãi suất USD lần này đối với cá nhân xuống 0% được xem là phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện tại và được xem là liều thuốc vừa đủ để chữa căn bệnh đầu cơ và tâm lý găm giữ ngoại tệ trên thị trường. Tuy nhiên, cơ quan điều hành chính sách cần quan tâm đến 2 vấn đề, gồm: tác động của chính sách giảm lãi suất tiền gửi USD của cá nhân xuống 0% đối với doanh số tiền gửi của họ tại ngân hàng và rủi ro thanh khoản USD tại ngân hàng trong thời gian tới.