Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ giá cơ bản ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên, khắc phục tình trạng vàng hóa, đô la hóa trong nền kinh tế.
Chính phủ sẽ bán 40.000 tỉ đồng vốn tại doanh nghiệp
- Cập nhật : 21/10/2015
(Tin kinh te)
Trong phiên làm việc của Quốc hội chiều 20-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu đề xuất: Chính phủ sẽ bán 40.000 tỉ đồng vốn tại doanh nghiệp.
Sau khi thông tin Nhà nước sẽ bán hết vốn đang nắm giữ tại 10 doanh nghiệp hàng đầu, đặc biệt là Vinamilk với giá trị hơn 2,5 tỉ USD, nhiều chuyên gia cho rằng đây là động thái hợp lý nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu hút thêm vốn đầu tư.
Báo cáo Quốc hội về ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỉ đồng (tăng 1,8% so với dự toán). Khoản tăng này chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỉ đồng), còn ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỉ đồng. Trong đó, hụt thu chủ yếu từ dầu và khí (32.000 tỉ/63.000 tỉ đồng).
Để đảm bảo bố trí nhiệm vụ chi cả năm 2015 và 2016, Chính phủ trình Quốc hội cho phép trong năm 2015 và 2016 bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thu về khoảng 40.000 tỉ đồng. Ông Dũng nói dự kiến khoản vốn thu về này sẽ được sử dụng vào hai mục đích chính.
Một là, xử lý giảm thu cân đối ngân sách trung ương năm 2015 khoảng 10.000 tỉ đồng. Hai là, đưa vào cân đối ngân sách năm 2016 khoảng 30.000 tỉ đồng để tăng chi đầu tư ngân sách trung ương, tập trung cho một số công trình hạ tầng quan trọng.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, do NSNN năm 2016 khó khăn nên chưa cân đối được nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở.
Cùng với việc tiếp tục bố trí nguồn thực hiện mức điều chỉnh tăng 8% lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với đối tượng công chức, viên chức có thu nhập thấp, dự toán NSNN năm 2016 sẽ bố trí thêm 1.500 tỉ đồng để điều chỉnh đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hiện đang hưởng hằng tháng dưới 2 triệu đồng... và thực hiện tinh giản biên chế.
Cùng ngày, Quốc hội đã nghe các báo cáo về chương trình mục tiêu quốc gia. Ủy ban Tài chính và ngân sách cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc tổ chức lại chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng thu gọn đầu mối, chỉ để lại hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Phát hành 3 tỉ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế
Đây là đề xuất nhằm tái cơ cấu trái phiếu chính phủ, được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày trong báo cáo về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ, việc phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế.
Ông Dũng cho biết trong 9 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ là hơn 127.000 tỉ đồng, chỉ bằng 51% kế hoạch cả năm, nếu không có biện pháp thì dự kiến năm 2015 chỉ huy động được 160.000 tỉ đồng.
“Trong khi đó, việc trả vốn và lãi từ trái phiếu chính phủ các năm trước 9 tháng đầu năm đã hơn 160.684 tỉ đồng. Như vậy là huy động không đủ để trả nợ trái phiếu chính phủ đến hạn” - ông Đinh Tiến Dũng cho biết.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, giải pháp trước mắt trong giai đoạn 2015 - 2016 là phát hành 3 tỉ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, sẽ đạt được mục đích cơ cấu lại trái phiếu chính phủ và vẫn đảm bảo dư nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ.
Về lâu dài, Chính phủ đề nghị đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ, cho phép phát hành tất cả các kỳ hạn. Tăng huy động vốn trái phiếu chính phủ thông qua thị trường quốc tế, giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường trái phiếu chính phủ trong nước.