Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Than – Khoáng sản, Hàng hải, Sông Đà… là những cái tên dẫn đầu trong danh sách vay nợ tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.
Tại sao Nhà nước lại buông những “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk?
- Cập nhật : 21/10/2015
(Tin kinh te)
Quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp được nhìn nhận là động thái tích cực. Tuy nhiên, cần có lộ trình thoái vốn cụ thể và minh bạch việc sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là cái tên đứng đầu trong danh sách và cũng là DN có số vốn phải thoái lớn nhất, lên tới 2,4 tỷ USD. Những DN còn lại như Bảo Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, nhựa Bình Minh, khoáng sản Hà Giang, FPT… Nhà nước có thể thu về khoảng 500 triệu USD.
Như vậy, nếu thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư & KInh doanh vốn Nhà nước (SCIC), việc thoái vốn ở 10 DN này diễn ra thành công thì sắp tới Nhà nước có thể thu về khoảng 3 tỷ USD.
Giải tỏa áp lực căng thẳng ngân sách?
Bình luận về động thái này, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng đây là bước tiến đáng “hoan nghênh” của Chính phủ. Bởi đây là những DN có tính thương mại, không cần phải có sự điều tiết của Nhà nước, nên việc thoái toàn bộ vốn ra khỏi những DN này được xem là thông tin tích cực.
Cùng quan điểm, ông Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cho rằng việc thoái vốn tại DNNN đã có chủ trương từ lâu. Quyết định này cũng giúp cho DNNN có điều kiện đổi mới, quản trị và nâng cao hiệu quả, năng suất, sức cạnh tranh.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính – ngân hàng, cũng cho rằng quyết định thoái vốn của Chính phủ là hợp lý để đẩy mạnh tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa của các DNNN theo đúng chủ trương.
“Kế hoạch thoái vốn DNNN được đưa ra trong 5 năm nay song việc thực hiện rất chậm, nên đến thời điểm này mới làm quyết liệt và mạnh mẽ. Việc chọn ra 10 DN trên cũng là hợp lý, do đây là những DN làm ăn hiệu quả, có lời nên sẽ dễ thoái vốn trong điều kiện hiện nay”, ông Hiếu bình luận.
Đặc biệt, đặt trong bối cảnh ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, thì đây được xem là phương án cần thiết. Trong phiên họp thường vụ Quốc hội mới đây, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với đề nghị bán bớt cổ phần vốn Nhà nước tại một số DNNN, bổ sung nguồn để chi cho đầu tư phát triển, tập trung cho một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng có sức lan tỏa lớn.
TS. Hiếu cũng cho rằng việc lựa chọn 10 DNNN làm ăn hiệu quả và dễ bán nhất cũng cho thấy áp lực thâm hụt ngân sách của Chính phủ đang khá căng thẳng. Đặc biệt khi đây là những “cục vàng” mà trước nay, Nhà nước đều muốn nắm giữ và không chịu thoái vốn.
Không có lộ trình... SCIC có dễ buông?
“Chi phí đầu tư của Chính phủ ngày càng nhiều, bội chi ngân sách, nợ công… đã đặt Chính phủ trong tình trạng phải dùng nguồn vốn nào đó nhanh và đủ để bù đắp lỗ hổng tài chính. Thoái vốn là phương án dễ nhất thôi, đưa những DN dễ bán nhất kéo ra bán để trám lỗ hồng tài chính”, ông Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về tiến độ thoái vốn đối với những “con gà đẻ trứng vàng” này. Đây đều là những DNNN mang lại lợi nhuận lớn cho Nhà nước, nên việc thoái vốn toàn bộ không phải là điều dễ dàng, nếu không có một lộ trình cụ thể. Trong khi đó, văn bản của Chính phủ về việc thoái vốn lại không đặt ra thời hạn thoái vốn cho những DN này.
Dẫn từ trường hợp của Vinamilk, ông Doanh cho biết trước đây DN này cùng Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã có những tranh luận về việc ai sẽ nắm quyền điều hành lớn ở DN này. Cụ thể, Vinamilk đã đề nghị SCIC thoái vốn nhưng đơn vị này không chấp nhận, tạo nên những tranh luận trái chiều giữa hai bên.
Do đó, ông Doanh lo ngại rằng nếu không có một lộ trình thoái vốn phù hợp, với thời hạn cụ thể thì “không biết” rằng SCIC sẽ thực hiện việc thoái vốn với tốc độ như thế nào? Lộ trình thoái vốn phải tính toán làm sao cho phù hợp để tìm được những nhà đầu tư tiềm năng, với mức giá có lợi cho SCIC.
Việc không có lộ trình, thời hạn hay kế hoạch cụ thể để thực hiện chủ trương thoái vốn này là “thiết sót lớn” theo đánh giá của TS. Hiếu. Vị này cho rằng, không phải cùng lúc có thể bán tất cả cổ phiếu của 10 DN thì tính thanh khoản sẽ không cao và xác xuất thành công sẽ không được như kỳ vọng.
“Phải có thứ tự ưu tiên anh nào trước, anh nào sao. Chính phủ cũng cần cho dư luận biết lộ trình cụ thể, bán giá bao nhiêu, nhắm đối tượng nào, ngoài nước và trong nước, bán trên sàn nào. Cần phải có chương trình cụ thể để người dân biết được chứ không phải đưa ra chủ trương bắt SCIS thoái vốn ở tất cả DN”, TS. Hiếu khuyến nghị