Giới chức nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tận dụng lợi thế từ việc đưa tin về Brexit và các sự kiện khác như Olympics Rio và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để từ từ hạ giá nhân dân tệ (NDT) so với cả USD và các đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ mà không gây ra cơn hoảng loạn cho thị trường tài chính toàn cầu. Điều này trái ngược với sự biến động của thị trường toàn cầu sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá NDT hồi tháng 8/2015 và đợt lao dốc của đồng tiền này hồi tháng 1/2016.
Nhưng việc giới đầu tư đang không chú ý không có nghĩa rằng họ sẽ không làm như vậy. Trung Quốc đang sử dụng NDT yếu để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trì hoãn việc thanh toán nợ công và nợ tư nhân.
Do được sử dụng để “che giấu” những vấn đề liên quan đến nền kinh tế đang bị đòn bẩy quá mức một cách nguy hiểm, việc đều đặn hạ giá NDT gây ra mối nguy lớn hơn cho nền kinh tế toàn cầu so với Brexit, Michael Arone, chiến lược gia đầu tư tại State Street Global Advisors, nhận định.
Rõ ràng, giới chức Trung Quốc đã tận dụng lợi thế mối bận tâm của thị trường về sự kiện Brexit. Hôm 23/6 - ngày người dân Anh đi bỏ phiếu về việc đi hay ở lại EU - giới chức Trung Quốc lặng lẽ hạ giá NDT thêm 1% so với USD - mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 11/8/2015 - sự kiện được “đổ lỗi” cho sự biến động thị trường toàn cầu vào cuối tháng 6 sau sự kiện Brexit.
Điều kỳ lạ là việc hạ giá NDT trong năm qua có tác động rất nhỏ (nếu có) đến thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng điều này có lẽ vì các nhà đầu tư xao nhãng chưa quan tâm đúng mức mà thôi, ông Arone nhận định.
NDT yếu đang giúp Trung Quốc trì hoãn việc tìm ra phương thức bền vững để giảm khối nợ. “Chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ, quy định mềm dẻo và hoạt động cho vay không hiệu quả đang làm xấu hơn thực trạng nợ của Trung Quốc”, ông Arone nói.
Đứng ở 160% GDP, Trung Quốc đang có tỷ lệ nợ công ty cao nhất thế giới. Năm 2015, có đến 44% lượng phát hành mới chỉ để trả nợ hiện có. IMF dự báo rằng thua lỗ tiềm tàng của Trung Quốc do các công ty mất khả năng trả nợ có thể vượt 7% GDP. McKinsey & Company cho rằng tỷ lệ này có thể lên đến 15% vào năm 2019 nếu Trung Quốc tiếp tục lộ trình cho vay như hiện nay.
Các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ hơn đã giúp kiềm chế dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc. Nhưng giới chức nước này cũng tìm ra những phương thức sáng tạo để che giấu những dấu hiệu về sự tháo chạy dòng vốn. Điều này rất quan trọng: lo ngại về dòng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã châm ngòi cho 2 đợt bán tháo chứng khoán toàn cầu vừa qua.
Theo Goldman Sachs, có đến 170 tỷ NDT đã tìm đường chạy sang thị trường Hong Kong kể từ tháng 10/2015. Trong khi đó, một báo cáo của Nomura Holdings cho rằng, Trung Quốc đang che giấu sự tháo chạy của dòng vốn bằng cách nâng giá trị hóa đơn nhập khẩu từ các thiên đường thuế như American Samoa.
12 tháng qua, USD đã tăng 4% so với NDT giao dịch tại thị trường đại lục. Trong khi so sacsnh với các đồng tiền đối thủ trong giỏ tiền tệ, đồng nội tệ của Trung Quốc giảm đến 7% trong năm qua.
--------------------------------------------------
Chủ tịch Fed Janet Yellen dự báo Mỹ sắp tăng lãi suất ngắn hạn
Đài TNHK đưa tin, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen tối 26/8 vừa qua dự báo rằng trong vài tuần hoặc vài tháng tới, Mỹ sẽ tăng lãi suất ngắn hạn do thị trường lao động trong nước có dấu hiệu tăng trưởng đều và vững chắc.
Trong bài diễn văn tại bang Wyoming, bà Yellen nhấn mạnh: "Trước một hiệu suất vững chắc của thị trường lao động cùng viễn cảnh về hoạt động kinh tế và lạm phát, theo tôi khả năng Fed tăng lãi suất càng rõ nét trong những tháng gần đây."
Bà Yellen không cho biết khi nào lãi suất có thể tăng, tuy nhiên nhận xét của bà cho thấy điều này có thể xảy ra vào cuối tháng Chín tới khi các quan chức ngân hàng trung ương nhóm họp.
Một thời điểm khả dĩ khác là sau cuộc họp của Fed trong tháng 12 tới. Nhiều nhà phân tích cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất vào tháng 11tới vì thời điểm này quá gần với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Lãi suất của Fed vẫn ở mức thấp kỷ lục kể từ cuối năm 2008 nhằm kích thích các hoạt động kinh doanh và chi tiêu. Lần cuối cùng cơ quan này tăng lãi suất là cách đây 9 tháng.
Kể từ đó, Fed luôn hết sức cẩn trọng trước mức tăng trưởng trì trệ ở nước ngoài và những cú sốc thị trường do việc Anh tách khỏi EU.
------------------------------------------------
Trung Quốc lên kế hoạch cải cách trong lĩnh vực tài chính
Trung Quốc hiện đang gặp phải một vấn đề quản lý khá nhức nhối, đó là sự “chồng lấn” giữa trách nhiệm về tài chính của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
Trước thực trạng trên, Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết trong năm nay sẽ tiến hành các cải cách cần thiết trong lĩnh vực quốc phòng và dịch vụ công, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường.
Theo kế hoạch này, chính quyền trung ương cần tăng chi tiêu công còn các địa phương sẽ được giao trách nhiệm quản lý thêm một số lĩnh vực dịch vụ công nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của địa phương.
Trung Quốc cũng sẽ phân định rõ ràng trách nhiệm chi tiêu giữa các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, bên cạnh đó cũng sẽ cắt giảm các công việc hiện đang chồng chéo giữa các đơn vị này.
Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn tìm cách tập trung "quyền lực" tài chính nhằm thực hiện hiệu quả nhất hoạt động thu-chi ngân sách, nhất là khi chính quyền địa phương tại nước này đang phải đối mặt với gánh nợ ngày một nặng thêm, trong khi nguồn thu từ thuế giảm.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay sẽ chậm lại ở mức 6,6% do nhu cầu bên ngoài kém và hoạt động đầu tư tư nhân giảm xuống. Trong trung hạn, mức này được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 6,2% vào năm 2017 và ở mức 6% trong các năm 2018 và 2019, trước khi trượt xuống 5% năm 2020.
Triển vọng trong trung hạn đã bị “phủ mờ” bởi tình trạng phân bổ sai nguồn lực, nợ doanh nghiệp ngày một tăng và ở mức cao, công suất dư thừa và lĩnh vực tài chính trì trệ.
(
Tinkinhte
tổng hợp)