tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-06-2017

  • Cập nhật : 27/06/2017

Long An sẽ có nhà máy điện mặt trời 100 triệu USD

Liên doanh BCG Băng Dương (BCG Băng Dương) ký kết hợp tác đầu tư với Tập đoàn Hanwha - Hàn Quốc (Hanwha) về thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời tại Long An.

Theo đó, BCG Băng Dương cùng hợp tác với Hanwha phát triển dự án nhà máy năng lượng mặt trời tại huyện Thạnh Hóa, Long An với mức đầu tư gần 100 triệu USD, công suất 100MW, được xây dựng trên diện tích 125ha. Nhà máy dự kiến xây dựng trong năm 2018 và sẽ phát điện trong năm 2019.

BCG sẽ thu xếp nguồn vốn trong nước, thực hiện thủ tục giấy phép thành lập dự án, nghiên cứu và triển khai dự án, đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN. Hanwha sẽ tham gia cùng đầu tư với vai trò cung cấp thiết bị công nghệ, kỹ thuật, lắp đặt và thu xếp nguồn vốn quốc tế tài trợ dự án.

huyen thanh hoa tinh long an

Huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An

Liên doanh BCG Băng Dương hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như Phát triển dự án kết cấu hạ tầng - bất động sản và năng lượng tái tạo. Dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh 830 và 824 tại Đức Hòa, Long An theo hình thức BOT của BCG Băng Dương chính thức khởi công vào tháng 11/2016 và dự kiến hoàn thành trong quý 1/2018.

Trong đó, Công ty Cổ phần Bamboo Capital (BCG) là công ty đầu tư đa ngành hoạt động chính trong các lĩnh vực như: Thương mại nông sản, Phát triển dự án kết cấu hạ tầng và năng lượng tái tạo.

Công ty Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Băng Dương (Băng Dương) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông.

Được thành lập vào năm 1952, Hanwha là tập đoàn lớn thứ 8 tại Hàn Quốc với tổng tài sản là 117 tỉ USD và nằm trong Top 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới. Hanwha hiện đang có danh mục hoạt động kinh doanh đa dạng với các mảng chính: Hóa dầu, Hàng không vũ trụ và vũ khí quốc phòng; xây dựng công trình; tài chính; du lịch và giải trí; năng lượng tái tạo.(NĐH)
------------------------------------

Ông trùm sản xuất phụ tùng ô tô tuyên bố phá sản do sản phẩm kém chất lượng

Hiện công ty Key Safety Systems của Trung Quốc có trụ sở tại Michigan đang ngỏ ý mua gần như toàn bộ Takata với giá 1,6 tỷ USD.

Công ty sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất thế giới Takata vừa nộp đơn xin phá sản và có thể sẽ bán hầu hết mảng kinh doanh cho đối thủ Key Safety Systems nhằm vực lại sau hàng loạt vụ bê bối liên quan đến sản phẩm kém chất lượng.

Các chuyên gia phân tích trước đó đã cảnh báo rất nhiều lần rằng Takata có thể sẽ phá sản do chi phí mà công ty này phải bỏ ra để vượt qua cuộc khủng hoảng nổ túi khí gây chết người khiến các hãng xe phải thu hồi hàng chục triệu chiếc ô tô trên toàn thế giới.

Theo ước tính sơ bộ, đã có 11 trường hợp tử vong được ghi nhận ở Mỹ do sự cố trên.

Hồi tháng 1/2017, Takata thừa nhận cách đây 15 năm đã che dấu, không công khai nguy cơ nổ túi khí có thể xảy ra để đổi lại khoản đền bù trị giá 1 tỷ USD trong đó 25 triệu USD tiền phạt hình sự, 125 triệu USD đền bù cho các nạn nhân, và 850 triệu tiền nộp phạt cho các hãng sản xuất ô tô vốn chịu nhiều tổn thất sau các đợt thu hồi xe do lỗi túi khí.

Hiện công ty Key Safety Systems của Trung Quốc có trụ sở tại Michigan đang ngỏ ý mua gần như toàn bộ Takata với giá 1,6 tỷ USD, tuy nhiên công ty này sẽ không có trách nhiệm trong vụ bê bối lỗi túi khí.

Được biết, doanh thu mảng túi khí của Takata chiếm nhiều nhất với 36,6%, kế đến là dây an toàn 36%. Doanh thu mảng vô-lăng và các phụ tùng khác chiếm lần lượt 18,1% và 9,3%. (NĐH)
-----------------------------------

Thê thảm nông sản Việt

Hàng loạt hoa quả Nhật đang “cháy hàng” trên thị trường Việt Nam dù với giá “trên trời” như một trái xoài nặng 350-400g có giá 1,7 triệu đồng (4 triệu đồng/kg); một hộp đào 2 trái giá 1,1 triệu đồng (1 kg 10 trái 5,5 triệu đồng); một chùm nho có giá 1,5 triệu đồng... đã khiến người Việt Nam xôn xao.

Thực ra, xoài, đào, nho… của Nhật cũng chẳng thơm, chẳng ngon ngọt gì hơn là những loại quả này của ta, nhưng sao hàng của họ thì giá cao thế, trong khi của ta đổ đống bên đường, giá chỉ trên dưới 20 ngàn đồng một kilogam? Xin thưa, vì hàng của họ có thương hiệu, được trồng bằng công nghệ cao, tuyệt đối không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Còn trái cây của ta thì ra hoa, ra trái hoàn toàn tự nhiên, hễ có sâu là phun thuốc xả láng. Phun một lần không hết thì phun hai, ba lần. Loại thuốc này không hết thì đổi thuốc khác, kỳ cho đến hết sâu thì thôi. Thế nên trái chín ra, chỉ duy nhất bán được cho Trung Quốc qua đường tiểu ngạch với giá bèo, còn lại, xuất sang bất cứ nước nào cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Hễ năm nào thương lái Trung Quốc đỏng đảnh, quay lưng một cái, là lập tức hoa quả đổ cho bò ăn, cả xã hội lại phải xúm vào “giải cứu”.

Thỉnh thoảng, báo chí đưa tin một vài tấn xoài hay vài tấn nho, chuối... lọt được vào những thị trường khó tính như Úc, Mỹ, Nhật... là cả xã hội lại vui mừng. Nhưng, một vài tấn đó có thấm vào đâu so với hàng trăm ngàn tấn làm ra, đang bán đổ bán tháo?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng vậy, đến 40% lượng gạo xuất khẩu của ta (trên 2 triệu tấn) hàng năm là bán sang Trung Quốc, cũng qua đường tiểu ngạch. Nhưng tại các thành phố lớn của họ như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến... người ta hoàn toàn không thấy bóng gạo Việt. Chủ các cửa hàng gạo cũng cho biết: Họ chưa từng nghe đến tên gạo Việt Nam, họ chỉ biết gạo Thái Lan, gạo Campuchia.

Sang các nước khác đấu thầu cung cấp gạo, chúng ta chỉ toàn lấy giá rẻ làm thế mạnh. Giá thắng thầu càng rẻ, nông dân càng bị ép đến sặc tiết. Vì sao? Cũng vì gạo của họ có thương hiệu. Gạo nào ra gạo ấy, mỗi năm họ chỉ cấy một vụ, hoàn toàn sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu. Còn ta? Mỗi năm cấy đến 3 vụ lúa, mà lúa nào lúa nấy đều đẫm thuốc trừ sâu. Thóc của ta đều do các thương lái thu mua rồi cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu, họ mua lẫn lộn rất nhiều loại thóc khác nhau, nên khi thành gạo, chúng ta không thể gọi tên nó là loại gạo gì, mà chỉ đành gọi tên gạo theo thành phần tấm: Gạo 5%; 10% hay 25% tấm.

Thương hiệu là một sức mạnh vô cùng lớn trên thương trường. Có thương hiệu, bất cứ một loại nông sản hay hàng hóa nào cũng có thể tăng giá trị đến hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, mà những thứ hoa quả của Nhật vừa dẫn ở trên là một ví dụ. Thương hiệu là một núi vàng. Việc xây dựng thương hiệu, chúng ta đã đặt ra cả chục năm rồi, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Chỉ vì chưa có thương hiệu mà chúng ta đang phung phí đi cả núi vàng, khiến nông sản Việt trở thành thê thảm.(Baoxaydung)
------------------------------

Nhà thầu Apple Trung Quốc bán thông tin khách hàng, bỏ túi hơn 7 triệu USD

Cảnh sát Trung Quốc vừa bắt giữ 16 đối tượng trong một vụ điều tra ăn cắp và bán trái phép thông tin cá nhân khách hàng Apple.

Ảnh minh họa.

Các thông tin bị lấy cắp bao gồm tên, địa chỉ và tài khoản email của các khách hàng.

Theo truyền thông Trung Quốc, 16 người bị bắt là nhân viên và cựu nhân viên của một nhà thầu Apple tại Quảng Châu, công ty viễn thông Yingke.

Sau khi trở thành nhà cung cấp dịch vụ Apple, nhân viên thuộc công ty này có quyền tiếp cận với thông tin khách hàng, trong đó có tên, số điện thoại, địa chỉ nhà, tài khoản Apple và các thông tin khác.

Công tố viên cho biết từ tháng 8/2013, các đối tượng đã sử dụng hệ thống nội bộ phi pháp lấy thông tin cá nhân người sử dụng iPhone. Sau đó, các đối tượng đã bán thông tin với giá 10 đến 180 NDT trong một giao dịch.

Tháng 7/2014, kẻ chủ mưu đã bị công ty sa thải, song chúng vẫn tiếp tục lấy được thông tin nhờ những nhân viên còn lại trong công ty, cho đến tận tháng 8 vừa qua.

Nhóm đối tượng đã thu về khoản lợi nhuận khủng vào khoảng 50 triệu NDT (tương đương 7,3 triệu USD) bằng việc làm phi pháp trên.

Hiện vẫn chưa rõ các thông tin bị đánh cắp được mua cho mục đích gì.(Baotintuc)

Trở về

Bài cùng chuyên mục