Giá thuê vỉa hè Sài Gòn sẽ được tính theo tuyến đường; Bầu Đức sắp thu hơn 1.000 tỷ đồng từ dự án Myanmar; Phó tổng Seaprodex Sài Gòn vừa miễn nhiệm bán tháo 79 tỷ đồng cổ phiếu; Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-05-2017
- Cập nhật : 25/05/2017
Một số lô thủy sản bán sang EU bị cảnh báo, trả về
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), với yêu cầu về ATTP người tiêu dùng trong khối EU ngày càng cao, trong tháng 6-2017 Ủy ban châu Âu (EU) sẽ thanh tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Theo đó, tất cả khâu liên quan đến ATTP trong nuôi thủy sản đều được thanh tra, từ cấp phép cho lưu hành thức ăn thủy sản, thuốc thú y, sản phẩm phục vụ nuôi thủy sản, sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi… tới việc đảm bảo ATTP trong quá trình chế biến ở các nhà máy.
Bên cạnh đó, yêu cầu của người tiêu dùng trong khối EU ngày một cao. Vì vậy, việc tiếp cận thị trường EU không dễ dàng đối với các doanh nghiệp thủy sản. Thực tế một số lô hàng xuất khẩu sang EU đã bị cảnh báo về các vấn đề hàm lượng kháng sinh, thậm chí một số lô hàng đã bị trả về.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU sẽ khó khăn hơn.
Trước tình hình đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đã đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét ban hành quyết định ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản sản xuất từ các cơ sở có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo hóa chất, kháng sinh.
Việc cấp chứng thư sẽ được thực hiện trở lại khi doanh nghiệp có báo cáo điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục được thẩm tra phù hợp.
Theo NAFIQAD, để các lô hàng thủy sản có thể xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp cũng phải chủ động trong việc tự kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu.
Theo Bộ NN&PTNT, Ủy ban châu Âu (EU) sẽ tiến hành thanh tra hệ thống kiểm soát ATTP thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU từ ngày 20 đến 29-6-2017.(PLO)
------------------------------
Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu
Tại hội thảo "Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật" tổ chức ngày 23-5 ở Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Nguyễn Đức Kiên - cho biết do nợ xấu lớn đe dọa nghiêm trọng đến hệ thống tài chính và toàn bộ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia nên chúng ta buộc phải có quyết sách đặc thù để xử lý.
Theo đó, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu ngay tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, cho phép thực hiện thí điểm theo cơ chế đặc thù để xử lý các vấn đề cấp bách xảy ra trong lúc chờ sửa luật.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, khi xây dựng nghị quyết, các bên đã phải bàn thảo rất nhiều để đi đến thống nhất các nội dụng cơ bản. Trong đó, nghị quyết có nội dung không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; cho phép bán nợ xấu theo giá thị trường có cao, có thấp, không bắt buộc phải bảo toàn vốn nhà nước; không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân sai phạm gây ra nợ xấu.
Dự kiến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua nghị quyết riêng về xử lý nợ xấuẢnh: Tấn Thạnh
Dự thảo nghị quyết có 4 điểm mới, gồm: quy định thời hạn hiệu lực 5 năm; không phân biệt nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo sở hữu (nợ xấu của ngân hàng thương mại nhà nước hay cổ phần); giới hạn thời gian nợ xấu chỉ kết toán đến hết ngày 31-12-2016; hệ thống hóa lại quy trình xử lý tài sản bảo đảm của nợ xấu và quy định giải quyết tranh chấp qua tòa án theo quy trình rút gọn.
Số liệu được công bố tại hội thảo cho thấy năm 2012, nợ xấu lên đến 17,4% tổng dư nợ tín dụng. Sau thời gian nỗ lực xử lý - trong đó có các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản, thu hồi nợ từ thi hành án... - đến nay, nợ xấu đã giảm khoảng một nửa.
Tính đến tháng 1-2017, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 616.700 tỉ đồng, trong đó nợ xấu tự xử lý là 349.700 tỉ đồng, chiếm 56,7% tổng nợ xấu được xử lý, còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3-2017 giảm xuống còn 2,56% tổng dư nợ tín dụng, tính cả khối lượng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản là 5,81%.
Nếu tiếp tục chậm xử lý nợ xấu, phí tổn phát sinh càng cao. Bởi lẽ, nợ xấu có thể dẫn đến bất ổn vĩ mô, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh, từ đó hạn chế đầu tư; ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến thu ngân sách và khó giảm lãi suất như mong muốn.(NLĐ)
-------------------------
Thị trường thực phẩm như "ma trận"
Ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP HCM, đánh giá như trên tại hội thảo khoa học "Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc ở TP HCM - thực trạng và giải pháp", do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP tổ chức ngày 23-5.
Theo TS Lê Trường Giang, chuỗi cung ứng thực phẩm của Việt Nam vận hành trên nền sản xuất nhỏ lẻ với nhiều khâu trung gian tác động lên thực phẩm, mỗi khâu đều có khả năng gây mất an toàn.
TP HCM hiện chỉ chủ động sản xuất được 20%-30% thực phẩm, còn lại lệ thuộc vào các tỉnh và nguồn nhập khẩu nên khó kiểm soát từ gốc. TS Giang cho rằng đã đến lúc đòi hỏi toàn bộ thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng; qua thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm có thể xử lý tiêu hủy. Từ đó, buộc người kinh doanh phải thu mua từ nơi có đầy đủ pháp lý.
Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm được xem là biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tốt cho người tiêu dùng Ảnh: Ngọc Ánh
Nhằm quản lý nông sản từ gốc, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, kiến nghị nông dân khi sản xuất để bán phải đăng ký sản phẩm mình trồng, đăng ký vật tư sử dụng (phân bón, hóa chất...) với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp. Khi xuất ra khỏi tỉnh - thành, sản phẩm phải có phiếu kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và nên có thương hiệu.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, nêu một nghịch lý là các doanh nghiệp (DN) thực phẩm lớn có hệ thống kiểm soát chất lượng hiện đại, có thương hiệu thì thường xuyên bị kiểm tra, mỗi năm đến 5-6 đoàn. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có nguy cơ mất an toàn thực phẩm lại ít bị kiểm tra.
Cùng ngày, tại hội thảo "Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản xuất khẩu Việt Nam" tổ chức ở Hà Nội, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng nông sản, thực phẩm Việt rất được yêu thích tại nhiều thị trường trên thế giới nhưng sức tiêu thụ còn hạn chế vì thiếu tuân thủ chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Theo bà Hạnh, thay vì tìm hiểu thị hiếu thị trường, người tiêu dùng, hệ thống pháp luật và quy định của các nước nhập khẩu, DN "có gì xuất nấy" nên hàng Việt lệch pha so với nhu cầu. Ví dụ, ở các nước quen với chai "nước mắm cầm tay" loại nhỏ nhưng nước mắm Việt Nam xuất khẩu sang chủ yếu là chai to, không phù hợp thị hiếu.
Bà Hạnh cho biết bắt đầu từ năm 2017, các tiêu chuẩn an toàn đã được siết chặt hơn với việc áp dụng Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm năm 2011 của Mỹ. Do đó, các DN phải hết sức lưu ý đáp ứng các yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt được xuất khẩu sang các thị trường lớn. Vấn đề này rất quan trọng bởi gần đây, nông sản, thực phẩm Trung Quốc bị ảnh hưởng do người tiêu dùng thế giới quan ngại về nạn thực phẩm bẩn, độc hại từ quốc gia này. Do đó, tại nhiều hội chợ triển lãm quốc tế gần đây, các gian hàng của Trung Quốc rất vắng khách. Đây là bài học cho Việt Nam trong quá trình hội nhập.(NLĐ)
----------------------
55% người Việt xài điện thoại thông minh
Ước có khoảng 55% người VN sử dụng điện thoại thông minh trong năm 2016, tăng 25% so với năm 2015.
Trong đó sử dụng nhiều nhất, chiếm đến 34% là dùng cho Facebook, 29% để xem video, 28% sử dụng bản đồ hướng dẫn…
Thống kê này được ông Jay Hartwell, giảng viên, chuyên viên tư vấn truyền thông của ĐH Hawaii và Tạp chí văn học Hawaii Review, đưa ra trong buổi nói chuyện về “Tầm quan trọng của mạng xã hội đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp VN”, do trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức chiều 23-5.
Theo dữ liệu được ông Jay Hartwell nghiên cứu, Facebook, Zalo, Facebook messenger và Google là những dịch vụ, mạng xã hội được dùng nhiều nhất tại VN. Đây chính là kênh quảng cáo, quảng bá, tiếp thị mang lại rất nhiều hữu dụng cho doanh nghiệp nếu muốn tiếp cận được với người dùng, vốn có các độ tuổi khác nhau, cho từng kế hoạch truyền thông của mình.
Ông Jay Hartwell cũng cho rằng, tùy theo quan điểm và thị phần người tiêu dùng mà doanh nghiệp muốn nhắm đến, các phương thức quảng bá, truyền tải thông điệp của sản phẩm cần phải tương thích với sở thích, nhu cầu sử dụng mạng xã hội (kể cả kênh video riêng) của người tiêu dùng trẻ hiện nay.
Những quan điểm nên quảng cáo, tiếp thị sản phẩm theo khung “giờ vàng” phát sóng trên tivi, hoặc đăng tải trên trên trang nhất của nhật báo, website của một số ấn phẩm báo chí có tên tuổi dần không còn được người tiêu dùng là giới trẻ quan tâm nhiều như trước.(Tuoitre)