VinaCapital rót 11 triệu USD vào Tasco
Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital mua lượng cổ phiếu lớn nhất của Tasco trong đợt phát hành riêng lẻ mới đây.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình (hợp đồng BOT). Ảnh: tasco.com.vn
Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital vừa ra thông báo đã đầu tư 11 triệu USD, tương đương 250 tỷ đồng, vào CTCP Tasco (mã HUT) trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ mới đây.
Tasco đã thu về 23 triệu USD từ đợt phát hành riêng lẻ lượng cổ phiếu tương đương 21% cổ phần sau phát hành cho một số nhà đầu tư, trong đó VOF mua lượng cổ phiếu lớn nhất.
Khoản đầu tư vào HUT phù hợp với chiến lược đầu tư của VOF vào các công ty gắn liền với đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và cải thiện cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam, ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital kiêm Giám đốc điều hành của quỹ VOF, cho biết.
Theo một công bố thông tin của Tasco ngày 1/8, công ty dự kiến phát hành riêng lẻ thành công 50 triệu cổ phiếu vào đầu tháng 8 với giá chào bán 10.500 đồng/cổ phiếu.
Trong danh sách những nhà đầu tư dự kiến mua, Winstar Resources Limited mua 23,4 triệu cổ phiếu, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital mua 4,72 triệu cổ phiếu và Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth mua 1,88 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu của 3 nhà đầu tư này vừa tròn 30 triệu cổ phiếu, tương đương 12,5% cổ phần sau phát hành.
Ngoài ra, Quỹ PYN Elite Fund, hiện nắm 10,3% cổ phần, mua 5 triệu cổ phiếu và 5 thành viên thuộc Hội đồng Quản trị mua lượng cổ phiếu còn lại.
Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được Tasco đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, dự án Foresa Mỹ Đình và bổ sung nguồn vốn lưu động.
Hiện HUT là công ty chuyên đầu tư vào bất động sản, xây dựng dân dụng và công nghiệp, trong đó có các dự án đường thu phí theo hình thức BT và BOT.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, công ty đạt 181 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi cơ bản trên cổ phiếu giảm còn 1.031 đồng so với 1.200 đồng so với cùng kỳ. (Bizlive)
-------------------------------------------------------
Thế giới Di động tính nâng ngân sách M&A lên 2.500 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG-HOSE) thông báo tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và gửi về công ty trước ngày 20/8/2017.
Theo đó, Hội đồng Quản trị công ty trình đại hội đồng cổ đông xem xét và thông qua mức ngân sách mới cho hoạt động M&A từ 500 tỷ lên 2.500 tỷ đồng với mục đích của việc nâng ngân sách M&A là thực hiện M&A với các công ty bán lẻ. Nguồn vốn tài trợ cho việc nâng ngân sách M&A lấy từ vốn và và phát hành trái phiếu, lợi nhuận chưa phân phối và phát hành cổ phiếu mới.
Đồng thời, Hội đồng quản trị công ty cũng trình đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện hoạt động M&A thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.
Bên cạnh đó, công ty dự kiến sẽ phát hành 6,7 triệu cổ phiếu, chiếm 2,18% số lượng cổ phiếu đang lưu hành theo hình thức phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ cho không quá 10 nhà đầu tư.
Về giá phát hành dự kiến, công ty sẽ ủy quyền cho Hội đồng quản trị phán với nhà đầu tư để chốt mức giá phù hợp. Vốn điều lệ dự kiến sau phát hành là hơn 3.144 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2017, sau khi được đại hội đồng cổ đông thông qua và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Toàn bộ số lượng cổ phần phát hành theo hình thức riêng lẻ trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, kể từ ngày hoàn tất phát hành.
Được biết, kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của công ty đạt 31,2 tỷ, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 49% kế hoạch năm (63,280 tỷ); lợi nhuận sau thuế đạt 1.070 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ và hoàn thành 49% so với kế hoạch năm (2.200 tỷ đồng).
MWG cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công ty đã mở thêm 272 siêu thị mới trên toàn quốc. Trong đó, có 62 siêu thị Thegioididong.com; 148 siêu thị Điện máy Xanh và chuỗi Bách hóa Xanh đã mở thêm 62 siêu thị mới. (Vneconomy)
---------------------------
Habeco có gần 1.500 tỷ gửi ngân hàng lấy lãi
Đến hết 30/6/2017, lượng tiền của Habeco còn 1.928 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.724 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng có tới gần 1.500 tỷ đồng.
Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa công báo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét quý 2 năm 2017.
Theo đó, quý 2/2017, Habeco đạt 2.950 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng nhẹ 6,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Habeco đạt doanh thu 4.225 tỷ đồng, tăng 4,6% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Đáng chú ý, thời gian qua, Habeco đã chi rất mạnh tay cho quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ. Cụ thể, riêng trong quý 2/2017, chi phí này lên đến hơn 141 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm lên 223 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Với việc chi đậm cho quảng cáo, lợi nhuận sau thuế riêng quý 2/2017 của Habeco chỉ đạt 215 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng năm ngoài. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt 313 tỷ đồng, giảm so với mức gần 320 tỷ đồng cùng kỳ.
Đặc biệt, theo báo cáo, tại ngày 30/6/2017, lượng tiền của Habeco còn 1.928 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.724 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, có 17,7 tỷ đồng tiền mặt, 1.479 tỷ đồng tiền gửi ở ngân hàng không kỳ hạn, khoảng 430,7 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. (DNVN)
------------------------
Tập đoàn của Warren Buffett đang có gần 100 tỷ USD tiền mặt
Đó là một cột mốc mà có lẽ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett không bao giờ muốn đạt tới: tập đoàn Berkshire Hathaway của ông mới đây cho biết đang nắm giữ gần 100 tỷ USD tiền mặt.
Nhà đầu tư huyền thoại, tỷ phú Warren Buffett.
Đó là một cột mốc mà có lẽ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett không bao giờ muốn đạt tới: tập đoàn Berkshire Hathaway của ông mới đây cho biết đang nắm giữ gần 100 tỷ USD tiền mặt.
Theo hãng tin Bloomberg, theo báo cáo công bố hôm thứ Sáu tuần trước, Berkshire - tập đoàn đa ngành mà Buffett điều hành suốt hơn 5 thập kỷ qua - có mức dự trữ tiền mặt xấp xỉ 100 tỷ USD vào thời điểm cuối quý 2.
Lượng tiền mặt khổng lồ trên cho thấy khả năng kiếm tiền siêu đẳng của những doanh nghiệp mà Buffett dần thâu tóm qua năm tháng. Tuy nhiên, đây cũng là một gánh nặng. Do Berkshire không trả cổ tức và hiếm khi mua lại cổ phiếu, Buffett đang đứng trước áp lực phải tìm cách đầu tư số tiền tiền này.
“Đưa số tiền đó vào sử dụng sẽ là một điều tuyệt vời”, ông David Rolfe, Giám đốc đầu tư của quỹ Wedgewood Partners, nhận xét. Nhưng “danh sách những công ty mà Buffett muốn mua lại là rất, rất nhỏ”.
Buffett, 86 tuổi, đã đề cập đến dự trữ tiền mặt của Berkshire tại đại hội cổ đông thường niên của Berkshire vào tháng 5 vừa qua. Khi đó, ông nói rằng ông chưa hề có một vụ mua lại nào trong một khoảng thời gian, và không nên giữ số tiền lớn như vậy mà không làm gì trong một thời gian dài.
“Vấn đề nằm ở chỗ liệu chúng ta có thể triển khai được hay không”, Buffett nói trước hàng ngàn cổ đông hội tụ ở Omaha, Nebraska. “Tôi muốn nói rằng lịch sử đứng về phía chúng ta, nhưng sẽ vui hơn nếu chuông điện thoại reo”.
Buffett mới chỉ tìm được một vài địa chỉ để đầu tư, trong đó có việc mua vào cổ phiếu của hãng công nghệ Mỹ Apple đến đầu năm nay. Tiếp đó, hồi tháng 6, Berkshire có hai vụ đầu tư cổ phần nhỏ hơn, bao gồm rót vốn vào một quỹ địa ốc và công ty cho vay thế chấp nhà HomeCapital đang gặp khó khăn của Canada.
Đáng kể nhất là vào tháng trước, công ty dịch vụ điện nước của Berkshire đã ký thỏa thuận mua lại công ty phát điện lớn nhất ở Texas với giá khoảng 9 tỷ USD. Thỏa thuận này đang gặp một số trở ngại, nhưng nếu được hoàn tất sẽ tiêu bớt một phần đáng kể trong dự trữ tiền mặt của Berkshire.
Theo dự báo, Berkshire sẽ còn có thêm nhiều tiền mặt trong thời gian tới. Trong quý 2 năm nay, tập đoàn này lãi ròng 4,26 tỷ USD.
Một thách thức đối với Buffett trong việc tìm nơi rót vốn đầu tư chính là việc thị trường chứng khoán Mỹ đã liên tục tăng điểm suốt mấy năm qua. Khi các chỉ số liên tục lập kỷ lục, rất khó để tìm được những thương vụ hấp dẫn. Khối tiền mặt ngày càng lớn cũng là một dấu hiệu cho thấy Buffett sẵn sàng chờ cho tới khi có cơ hội đúng đắn.
“Đây không phải là một điều đáng lo ngại. Trong vài năm tới, họ sẽ có một số vụ đầu tư thực sự thú vị”, ông Jim Shanahan, nhà phân tích thuộc Edward Jones, nhận xét.
Một điều có thể đẩy nhanh tốc độ tiêu tiền của Berkshire là một đợt điều chỉnh của thị trường, hoặc thậm chí là thị trường rơi vào trạng thái giá xuống (bear markket) - theo ông Bill Smead thuộc công ty quản lý quỹ Smead Capital Management. Trước đây, Buffett thường mạnh tay thực hiện các vụ thâu tóm khi các công ty hoặc nền kinh tế nói chung gặp khó, ký những thỏa thuận với điều khoản hấp dẫn.
Nếu điều đó xảy ra, “Buffett ở vào một vị thế hoàn hảo”, Smead nói về Buffett.(VNeconomy)