Bộ Tài chính muốn mở rộng thu thuế tài sản; Khách Việt chi 8 tỉ USD/năm đi du lịch ngoại; Người Thái chuộng hàng Việt vì ngon, bổ, rẻ; Mỹ, Nga hưởng lợi khi Ả Rập Xê Út giảm cung dầu cho châu Á
Tin kinh tế đọc nhanh 09-08-2017
- Cập nhật : 09/08/2017
Hyundai trúng gói thầu 320 triệu USD tại dự án Nhà máy hóa dầu Long Sơn
Việc Hyundai thắng thầu cho thấy Công ty Hóa dầu Long Sơn sắp sửa khởi công dự án có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD.
Công ty Xây dựng Hyundai (HEC) cho biết vừa nhận được thư thông báo trúng thầu từ Công ty Hóa dầu Long Sơn, chủ đầu tư của dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Long Sơn, để xây dựng các công trình tại tổ hợp này. Giá trị của gói thầu lên đến 320 triệu USD.
Theo hợp đồng, HEC sẽ xây dựng một số cơ sở hạ tầng như nồi hơi và hệ thống xử lý nước, nhằm tạo ra hơi và nước công nghiệp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Long Sơn tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án dự kiến hoàn thành sau 47 tháng kể từ ngày khởi công.
Cấu phần nước công nghiệp và hơi là một dự án quan trong để giúp tổ hợp này vận hành một cách trơn tru.
Việc HEC thắng thầu cho thấy Công ty Hóa dầu Long Sơn, một liên doanh giữa Tập đoàn đa ngành SCG của Thái Lan và PetroVietnam, sắp sửa khởi công dự án có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD.
Tại buổi họp báo cuối tháng trước, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của SCG, khẳng định tập đoàn này sẽ khởi công dự án Nhà máy Lọc dầu Long Sơn vào năm 2018 và vận hành thương mại vào năm 2022.
Trước đó, HEC tham gia thiết kế xây dựng Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 tại Cẩm Phả, Quảng Ninh. Nhà máy này được nhà thầu EPC Hyundai Engineering and Construction Co., Ltd (Hyundai E&C) hoàn thành vào năm ngoái.
Nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, theo quy hoạch điện VII, Chính phủ sẽ đảm bảo công suất phát điện đạt 55.300 MW vào năm 2030. Theo đó, HEC kỳ vọng sẽ thắng thêm nhiều gói thầu nữa tại các dự án điện tại Việt Nam. (Bizlive)
----------------------------------
Bắt giữ hơn 100 container “mất tích bí ẩn”
Không chỉ riêng vụ 213 container mất tích bí ẩn tại Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh), quá trình kiểm tra, rà soát, lực lượng hải quan cả nước đã bắt giữ thêm hơn 100 container có vi phạm tương tự.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 7/8, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết trong quá trình phối hợp điều tra truy tìm hơn 213 container mất tích bí ẩn ở cảng Cát Lái, lực lượng hải quan đã bắt giữ thêm hơn 100 container hàng lậu được xác định sẽ "mất tích" tương tự như số 213 container nói trên.
“Tại Cát Lái và Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện 60 - 70 container, còn nếu tính trên địa bàn cả nước, số lượng container bị bắt giữ là hơn 100”, ông Cẩn cho biết.
Tri thức trực tuyến đưa tin thêm, hiện Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công An để rà soát, kiểm điểm trách nhiệm các doanh nghiệp và cá nhân liên quan.
Trước đó, Tổng cục Hải Quan đã phát hiện 213 container nhập từ tháng 4/2015 đến tháng 2/2016, quá cảnh cảng Cát Lái để xuất đi Campuchia, đột ngột biến mất. Tháng 11/2016, Tổng cục Hải quan đã lập đoàn kiểm tra, chỉ đạo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM yêu cầu cán bộ liên quan của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tường trình vụ việc.
Đến cuối tháng 3/2017, đoàn kiểm tra Tổng cục Hải quan xác định hàng loạt cán bộ, công chức hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 làm thủ tục cho các lô hàng quá cảnh trên không đúng quy định hoặc được giao thực hiện các bước nghiệp vụ theo quy trình trong thời gian các lô hàng quá cảnh ra khỏi cảng nhưng không có hồ sơ.(Thanhnien)
-----------------------------
Máy giặt Samsung, LG bị điều tra tại Mỹ: Lo ngại lan truyền sang ngành hàng khác
Việc sản phẩm máy giặt của Samsung, LG sản xuất tại Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại tại Mỹ đang đặt ra một vấn đề: Liệu xuất khẩu của Việt Nam có bị ảnh hưởng và có thể bị ảnh hưởng như thế nào?
Máy giặt Samsung, LG đang bị điều tra phòng vệ thương mại tại Mỹ được cho rằng sản xuất tại Việt Nam. Ảnh minh họa.
Cáo buộc từ đối thủ cạnh tranh
Quyết định điều tra về phòng vệ thương mại đối với sản phẩm máy giặt của Samsung, LG nhập khẩu từ Việt Nam được Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ đưa ra từ đơn kiện của tập đoàn Whirlpool (Mỹ). Theo số liệu hãng này đưa ra, từ năm 2012-2016 lượng máy giặt nhập khẩu vào Mỹ tăng gấp đôi từ 1,6 triệu lên 3,21 triệu chiếc mỗi năm khiến cho ngành sản xuất máy giặt tại Mỹ sụt giảm doanh số và lợi nhuận, dẫn đến thất nghiệp tăng.
Nhưng có lẽ, yếu tố lớn nhất thúc đẩy Whirlpool đâm đơn kiện chính là sự thất thế của hãng này trước Samsung và LG. Số liệu nghiên cứu thị trường đã chỉ ra rằng, trong vòng một năm qua Whirlpool liên tục giảm mạnh doanh số, và từ ngôi đầu thị phần của hãng này đã rơi từ 19,2% xuống còn 17,3% tính đến hết quý I/2017. Bị Samsung giật ngôi đầu với thị phần tăng từ 16,2% lên 19,7%, song song đó LG cũng trỗi dậy mạnh mẽ lên vị trí thứ ba với thị phần đạt 16,8%. Và Whirlpool, trong một động thái quen thuộc là khởi kiện phòng vệ thương mại cáo buộc Samsung và LG bán “phá giá hàng loạt” sản phẩm máy giặt, đồng thời lẩn tránh thuế mà Mỹ đã áp đối với Trung Quốc bằng cách chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam.
Cần biết rằng, mức thuế bình thường mà Mỹ áp cho máy giặt nhập khẩu là 1% và các bộ phận đi kèm là 2%. Tuy nhiên, trường hợp Trung Quốc và Hàn Quốc sau khi bị điều tra phòng vệ thương mại tại Mỹ và bị áp mức thuế rất cao, dao động từ 32,1%-52,5%.
Tác động từ nhỏ đến lớn…
Một thông báo từ LG tại Mỹ hé lộ rằng vụ kiện của Whirlpool là “nỗ lực lần thứ ba” nhằm sử dụng các qui định của chính phủ hạn chế việc nhập khẩu máy giặt. Nếu Whirlpool thắng trong vụ kiện này, máy giặt của Samsung, LG từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đối mặt với khả năng bị áp hạn ngạch.
Cần biết rằng khu phức hợp của LG tại KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD trong vòng 10 năm, trong số ba dòng sản phẩm chủ lực được sản xuất tại đây hiện có máy giặt, với công suất hơn 1,5 triệu sản phẩm/năm, và tỷ trọng xuất khẩu đến 70%.
Trong khi đó, tổ hợp nhà máy SEHC của Samsung tại Khu công nghệ cao TPHCM sản xuất các sản phẩm bao gồm tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, máy hút bụi với công suất 1,1 triệu sản phẩm/tháng. Sản phẩm điện gia dụng từ SEHC xuất đi 75 quốc gia trong đó có thị trường Mỹ.
Năm 2016, Samsung Việt Nam đạt doanh thu 46,3 tỷ USD trong khi đạt kim ngạch xuất khẩu 39,9 tỷ USD - chiếm tỷ trọng hơn 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2017, Samsung Việt Nam đặt mục tiêu đẩy kim ngạch xuất khẩu lên 50 tỷ USD. Qua những con số kể trên có thể thấy, vụ kiện của Whirlpool nếu kết cục có phán quyết bất lợi cho Samsung, LG thì nhìn chung cũng không tác động quá lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của nội bộ Samsung, LG hay bộ phận kinh doanh ngành hàng máy giặt của Samsung, LG tại Mỹ, thì phán quyết bất lợi – được cho rằng công bố vào cuối năm nay - sẽ gây ảnh hưởng lớn. Bởi khi đó, mức thuế cao khiến cho sản phẩm máy giặt Samsung, LG đến từ Việt Nam đội giá bán rất khó cạnh tranh; hoặc bị áp hạn ngạch sẽ giới hạn khả năng tăng trưởng.
Song song đó theo những số liệu thị trường đề cập ở trên, thị phần của Top 3 ngành hàng máy giặt tại Mỹ hiện so kè chứ không quá cách biệt, vì thế những bất lợi lớn có thể làm thay đổi cục diện trong Top 3 theo hướng rất có lợi cho Whirlpool và theo đó những thương hiệu máy giặt khác cũng có thể được hưởng lợi. Song điều đáng lo ngại hơn nữa là, từ vụ kiện của Whirlpool đối với sản phẩm máy giặt nếu thành công, có thể dẫn đến những vụ kiện đối với các ngành hàng khác trong tương lai, bởi Samsung và LG tại Việt Nam đâu chỉ sản xuất mỗi máy giặt được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. (Laodong)
-----------------------------
Mượn tay ngân hàng soi pháp lý dự án
Gần đây, nhiều nhà đầu tư bất động sản rỉ tai nhau về cách soi pháp lý cho dự án định mua, đó là chủ động vay tiền ngân hàng, kể cả khi không có nhu cầu.
Thông thường, khi nhận được đề xuất vay vốn của khách hàng, các ngân hàng sẽ rà soát tính pháp lý của dự án như đã đủ điều kiện mở bán, có được bảo lãnh ngân hàng hay không. Trường hợp bị từ chối vay tiền, thì lý do cơ bản là pháp lý dự án chưa ổn. Vì dù rất cần cho vay, nhưng các ngân hàng cũng muốn né các dự án tiềm ẩn rủi ro, tránh nỗi lo nợ xấu.
Với các dự án được công bố là có bảo lãnh ngân hàng, người mua nhà cũng cần phải nắm trong tay chứng thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh cho căn hộ của mình. Để làm được điều này, người mua cần yêu cầu chủ đầu tư cho xem thỏa thuận bảo lãnh của ngân hàng. Sau khi ký hợp đồng mua nhà, khách hàng cần yêu cầu ngân hàng nhận bảo lãnh dự án phát hành cam kết bảo lãnh cho mình.
Nếu là dự án đầy đủ pháp lý và chủ đầu tư làm ăn nghiêm túc, thì điều này là hoàn toàn có thể thực hiện được. Trường hợp chủ đầu tư hoặc các đơn vị môi giới chối quanh và không đồng ý cấp bảo lãnh riêng lẻ cho khách hàng, thì người mua nhà cần cân nhắc trước khi quyết định thực hiện giao dịch.
Người mua cần quan tâm đến các loại giấy tờ liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn khu dự án, quy hoạch 1/500, từ đó, rà soát với tình hình thực tế để tìm ra những điểm bất thường trước khi quyết định mua nhà hay không.
Thông thường, để được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh với số tiền nhất định, thì chủ đầu tư phải có số tiền tương đương đặt tại ngân hàng, hoặc tài sản đảm bảo có giá trị gấp khoảng 1,3 lần. Theo nhiều chuyên gia, trong tình trạng chung là hầu hết các doanh nghiệp bất động sản thường đói vốn, thì điều này là rất khó khả thi. Do đó, việc bảo lãnh dự án đến nay vẫn chỉ mang tính hình thức.
Hiện nay, dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo các chuyên gia thì ở những dự án được bảo lãnh, do mất những chi phí nhất định nên các chủ đầu tư thường tăng giá bán sản phẩm và phần tăng thêm này người phải gánh chính là khách hàng. Không ít khách hàng nhận ra điều này và thay vì lựa chọn dự án có bảo lãnh, họ lại tìm đến những chủ đầu tư uy tín, hoặc đã từng mua hàng trước đó và thấy tin tưởng để mua sản phẩm với mức giá “thật” hơn.
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Ngay cả với các dự án nhận được sự bảo lãnh của ngân hàng thì phía ngân hàng cũng chỉ bảo lãnh về tiến độ dự án, chứ chất lượng và các vấn đề khác nảy sinh giữa người mua nhà và chủ đầu tư không được bảo lãnh. Cùng với vấn đề về giá, nhiều khách hàng đã chuyển hướng lựa chọn chủ đầu tư uy tín thay vì chọn dự án được bảo lãnh”.
Đã 2 năm kể từ khi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đi vào thực tế (từ ngày 1/7/2015), đến nay, vẫn chưa có những đánh giá tổng thể, chính xác về tình hình, thực trạng triển khai công tác bảo lãnh của các ngân hàng cho dự án. Thậm chí, có trường hợp khách hàng mua nhà của dự án được bảo lãnh nhưng mãi không nhận được nhà, hoặc nhận được nhà thì chờ dài cổ vẫn chưa nhận được sổ đỏ.
Nguyên nhân chủ yếu của việc nợ sổ đỏ là do chủ đầu tư một mặt huy động vốn của khách hàng, mặt khác lại vay tiền ngân hàng để phát triển dự án (bằng cách thế chấp cả dự án). Khi tình trạng nợ đọng kéo dài, thì người mua chỉ biết chờ đến khi chủ đầu tư trả hết nợ mới có thể nhận được sổ đỏ. (ĐTBĐS)