Trung Quốc bất ngờ 'ăn' mạnh tôm Việt Nam; Mỹ mất hàng tỉ USD mỗi năm từ khi Nga cấm nhập khẩu; Sacombank thoái sạch vốn khỏi NASCO; Doanh nhân Nga phát hành tiền ảo cho người Do Thái
Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-08-2017
- Cập nhật : 08/08/2017
Không phải dầu mỏ, đây mới là loại tài nguyên đang khiến Trung Quốc thèm khát
Việc Trung Quốc tăng cường sản xuất và đầu tư cho ngành xe điện cũng như ắc quy đang khiến nhu cầu về Lithium, nguyên liệu đóng vai trò chủ chốt cho dòng sản phẩm này ngày một đi lên.
Cũng từ đây, một cuộc chiến trong ngành khai khoáng trị giá tiềm năng 90 tỷ USD của Australia.
Nhờ nhu cầu tăng cao tại thị trường Trung Quốc, giá thành phẩm cũng như tài sản của ngành khai thác Lithium tại Australia, quốc gia khai thác Lithium lớn nhất thế giới đã tăng mạnh. Những nhà đầu tư tại đây đã đổ thêm tiền vào các mỏ khai thác cũng như gia tăng hợp đồng mua bán nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà máy sản xuất ắc quy ở Trung Quốc.
Vùng phía Tây Australi đã có 4 mỏ khai thác chính Lithium nhưng 3 mỏ lớn nữa đang được xây dựng để đưa vào hoạt động. Số liệu của hãng tư vấn Benchmark Mineral Intelligence cho thấy rất nhiều công ty đang tăng cường khai thác cũng như đầu tư gia tăng công suất để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong vòng 20-30 năm tới.
Công ty khai thác Lithium lớn nhất thế giới, hãng Greenbushes cho biết đã tăng hơn 100% sản lượng hàng năm của mình. Có lịch sử từ năm 1888, hãng khai thác Lithium này hiện chiếm khoảng 30% sản lượng toàn cầu.
Australia là nhà sản xuất Lithium lớn nhất thế giới (nghìn tấn)
Trong khi đó, công ty chủ quản của Greenbushes là hãng Tianqi Lithium Corp cho biết sẽ đầu tư thêm khoảng 717 triệu Dollar Australia (578 triệu USD) để mở rộng hoạt động khai thác và sản xuất.
Ngoài ra, hàng loạt các hãng khai thác Lithium lớn khác cũng đang tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất hoặc hợp tác cho các dự án khai thác lớn.
“Đây là đợt mở rộng khai thác Lithium lớn chưa từng có và thậm chí chúng tôi vẫn chưa đáp ứng đủ được nhu cầu thị trường”, CEO Chris Reed của Neometals nói.
Số liệu của hãng UBS cho thấy giá Lithium Carbonate, nguyên liệu chính trong ngành hóa chất đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua tính đến năm 2016. Nguyên liệu này cũng đã tăng giá 9% lên 13.625 USD/tấn vào tháng 6 vừa qua so với tháng trước đó bất chấp xuất khẩu Lithium tăng mạnh từ Australia.
Theo Benchmark Mineral, thậm chí nếu chỉ 25% số dự án xây dựng các nhà máy ắc quy trên thế giới được hoàn thành thì lượng cung Lithium hiện nay cũng vẫn không đủ cầu.
Các mỏ Lithium lớn tập trung ở phía Tây Australia
Hiện nay, Trung Quốc đang có kế hoạch nâng công suất sản xuất ắc quy lên 120 GWh mỗi năm vào năm 2021 và khoảng 55% sản lượng ắc quy dùng Lithium hiện nay trên thế giới đến từ quốc gia Châu Á này, cao hơn rất nhiều so với mức 10% của Mỹ. Đến năm 2025, tỷ lệ này của Trung Quốc có thể đạt tới 65%.
Trong khi đó, dự báo của Bloomberg New Energy Finance cho thấy doanh số xe điện sẽ sớm vượt ô tô truyền thống trong vòng 20 năm nữa do giá thành ắc quy điện giảm xuống.
Một số tập đoàn khai thác lớn như Mineral Resources hay Galaxy Resources của Australia đã chuyển hướng tập trung vào thị trường Trung Quốc nhằm bắt kịp tiềm năng phát triển của quốc gia này.
Báo cáo của Deutsche Bank cho thấy Mineral Resources đã trở thành hiện tượng thời gian gần đây khi lợi nhuận của hãng trong năm tài khóa vừa qua đến từ Lithium nhiều hơn là từ mảng sản phẩm sắt thép truyền thống. Bởi vậy, hãng đã quyết định chuyển hướng tập trung sảng mảng sản phẩm mới này.
Lithium của Australia thống trị trong nhiều mảng, từ xây dựng cho đến các dự án nghiên cứu (tiêu thụ tấn/năm)
Tổng giá trị giao dịch trên thị trường Lithium hiện nay mới chỉ đạt 2,5 tỷ USD trên tổng mức 86 tỷ USD của thị trường kim loại, qua đó cho thấy tiềm năng còn rất lớn của mảng kinh doanh này.
Báo cáo chính thức cho thấy ngành khai khoáng Lithium, Coban và than chì tăng trưởng nhờ nhu cầu ngày một lớn của thị trường ắc quy sẽ đóng góp to lớn cho ngành xuất khẩu cũng như tăng trưởng của Australia. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu kim loại của nước này sẽ đạt 89,6 tỷ USD vào năm tới. (cafeF)
--------------------------
Mỹ "lơ là" khiến vai trò Trung Quốc ngày càng lớn trong ASEAN
Bước sang tuổi 50 vào thứ 3 (8/8), hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN đã chứng kiến nhiều thay đổi địa chính trị. Tuy nhiên, những bất ổn trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump khiến ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực ngày càng lớn.
Nguyên thủ các nước chụp ảnh trong hội nghị ASEAN 50 diễn ra ở Manila, Philippines vào cuối tuần vừa rồi
Tăng sức mạnh
Sự hiện diện của Trung Quốc có thể được cảm nhận ở vùng ngoại ô của Luang Prabang, cố đô của Lào. Đây là điểm khởi đầu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối thành phố Côn Minh và Singapore, một phần trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh.
Các công ty Trung Quốc cũng đang giám sát việc xây dựng nhà máy điện đốt than Vĩnh Tân 1 thuộc tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Than cung cấp 1/3 lượng điện của đất nước và doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu cho khoảng 90% số nhà máy than đề xuất.
Thực tế mới
Hiện nay, khu vực này đang phải đối mặt với triển vọng thay đổi động lực giữa 2 cường quốc trên thế giới. Chính quyền ông Trump ủng hộ cách tiếp cận giao dịch trong quan hệ với Bắc Kinh trong khi vị trí đại sứ Mỹ tại ASEAN vẫn bị bỏ trống kể từ tháng 1.
Không chỉ có vậy, Trung Quốc cũng đang mở rộng quan hệ thương mại với khu vực. Năm 2000, Mỹ chiếm 19% giá trị xuất khẩu của ASEAN trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 4%, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Tuy nhiên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Đông Nam Á, vượt mặt Mỹ.
Tầm nhìn lâu dài về một Cộng đồng Kinh tế ASEAN cuối cùng đã được thực hiện vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, di chuyển tự do về nhân lực, tiền bạc và hàng hoá mà khối mong muốn vẫn còn là một viễn cảnh xa xôi. Để đạt được tiềm năng tăng trưởng của mình, liên minh kinh tế này cần phải đoàn kết hơn nữa, nhất là trong bối cảnh chính trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay. (NDH)
-------------------------
Toyota mua 5% cổ phần Mazda
Tuần trước, Toyota vừa công bố kế hoạch mua 5% cổ phần Mazda. Cả 2 nhà sản xuất sẽ "bắt tay" xây dựng một nhà máy tại Mỹ nhằm đẩy mạnh sản xuất.Vị trí đặt nhà máy chưa được xác nhận, nhưng Toyota và Mazda kỳ vọng những chiếc xe đầu tiên lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất vào năm 2021. Nhà máy dự kiến tiêu tốn hết 1,6 tỷ USD và tạo ra khoảng 4.000 việc làm.
Thông báo của Toyota và Mazda đã nhận được lời chúc mừng của tổng thống Mỹ Donald J. Trump. "Toyota và Mazda sẽ xây dựng một nhà máy mới trị giá 1,6 tỷ USD và tạo ra khoảng 4.000 việc làm. Một sự đầu tư lớn vào nước Mỹ", ông viết trên mạng xã hội. Cách đây 7 tháng, Donald J. Trump từng cảnh báo nếu Toyota sản xuất xe tại Mexico sẽ phải chịu mức áp thuế cao khi bán xe vào thị trường Mỹ.
Liên minh giữa Toyota và Mazda là bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố ngành công nghiệp bốn bánh Nhật Bản. Hai nhà sản xuất cho biết họ dự định theo đuổi phát triển xe điện và công nghệ an toàn.
Trong kỷ nguyên chi phí phát triển tăng cao và tốc độ công nghệ đi lên không ngừng, nhiều nhà sản xuất đang lo ngại thiếu nguồn lực để theo kịp. Mối lo hiện hữu ở cả Toyota, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới với sản lượng mỗi năm 10 triệu chiếc, nhưng bị nhiều nhà phê bình đánh giá tụt hậu về mảng nghiên cứu và phát triển.
Ông Toyoda cho biết trong tương lai, các nhà sản xuất ôtô truyền thống sẽ phải đối mặt với các đối thủ mới. Ngay tại buổi họp báo tuần trước, ông cho biết mình đang chú ý tới Thung lũng Silicon. Các công ty công nghệ ở đây đang quan tâm đến ngành công nghiệp ôtô."Tất cả các hãng công nghệ như Google và Amazon đều đã có kế hoạch tham gia ngành công nghiệp ôtô", ông Toyoda nói. "Chúng ta cần hợp tác để cạnh tranh lại với họ".
Các nhà sản xuất ôtô của Nhật Bản từng có tiền lệ tìm kiếm sự hợp tác với nhà sản xuất lớn hơn. Ford Motor có một ít cổ phần trong Mazda, và Gerenal Motors có cổ phần trong Suzuki, nhưng cả hai đối tác Mỹ đều đã rút lui.
Năm ngoái, Mitsubishi gia nhập liên minh Renault-Nissan. Đây là hệ quả của việc Nissan mua 34% cổ phần của Mitsubishi, trị giá 2,2 tỷ USD để phục hồi lại thương hiệu sau bê bối khí thải.
Cũng trong 2016, Toyota thâu tóm thành công Daihatsu. Bên cạnh việc tăng cường quan hệ với Fuji Heavy Industries, nhà sản xuất ôtô Subaru. Và Toyota đã thảo luận về một mối quan hệ đối tác mới với Suzuki.
Toyota và Mazda đã và đang hợp tác từ 2010, khi Mazda mua hệ thống hybrid của Toyota. Năm 2015, cả hai nhà sản xuất cho biết đang tìm cách để mở rộng mối quan hệ hợp tác.
Phía Mazda cho biết họ dự định phát hành cổ phiếu mới cho Toyota trị giá 450 triệu USD, cho phép đối tác sở hữu 5,05% cổ phần tại Mazda. Đổi lại, Toyota có kế hoạch chuyển cổ phần của mình cho Mazda. Lượng cổ phiếu tương đương theo tiền mặt. Bởi thế Mazda chỉ sở hữu 0,25% cổ phần trong Toyota do giá trị cổ phiếu Toyota lớn hơn rất nhiều so với Mazda. (Zing)
-----------------------
Hơn 1.200 tỷ đồng xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tiền Giang sẽ đầu tư 1.204 tỷ đồng xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích trên 197 ha.
Tiền Giang sẽ đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN
Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, thực hiện Quyết định 575/QĐ-TTg ngày 4/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng 2030, địa phương sẽ đầu tư 1.204 tỷ đồng xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích trên 197 ha nằm trên địa bàn các xã Tam Hiệp, Long Định (huyện Châu Thành) và Tân Lập I (huyện Tân Phước). Thời gian thực hiện từ năm 2017 – 2030.
Theo đó giai đoạn I (từ năm 2017 – 2020), tỉnh triển khai thực hiện trên quy mô 44 ha; trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mời gọi các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào đầu tư. Tổng vốn huy động thực hiện dự án khoảng 280 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách 21 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác.
Giai đoạn II (từ năm 2021 – 2030), Tiền Giang mở rộng thêm 153,3 ha với tổng mức đầu tư 924 tỷ đồng. Vốn đầu tư này được sử dụng để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, khu trung tâm hành chính, khu nghiên cứu, khu thực nghiệm, chuyển giao và đào tạo nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực và các dịch vụ khác… Phương thức đầu tư đa dạng, lồng ghép từ nhiều chương trình và nhiều nguồn theo quy định trong Luật Công nghệ cao.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp của tỉnh quản lý điều hành việc xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn I. Giai đoạn II sẽ thành lập Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiền Giang. Trước mắt, Tiền Giang quan tâm đầu tư hoàn thiện kiến thiết hạ tầng, đặc biệt là giao thông trong đó xây dựng đường huyện 39, hệ thống đường điện 3 pha cùng các công trình phụ trợ.
Song song đó, tiến hành thủ tục cần thiết mời gọi các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đăng ký các dự án khoa học công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng chính sách mời gọi đầu tư nhằm thu hút đầu tư, tạo hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế - nông nghiệp địa phương đóng góp vào sự phát triển bền vững thời kỳ đổi mới và hội nhập.(TTXVN)