3 năm tham gia thị trường, Grab và Uber đã tác động đến người Việt Nam như thế nào?; Đề xuất mới về thuế giá trị gia tăng; Tăng lương tối thiểu 2018: Doanh nghiệp than khó; Đề xuất về lập khu chợ biên giới Việt - Trung
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-08-2017
- Cập nhật : 08/08/2017
Hàn Quốc gia hạn điều tra chống bán phá giá sản phẩm hợp kim
Cục Quản lý cạnh tranh ngày 7/8 dẫn nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Ủy ban thương mại Hàn Quốc (KTC) đã ra thông báo về việc gia hạn thêm 2 tháng (thời hạn mới là 1/10/2017; thời hạn cũ là 1/8/2017) đối với vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm Ferro-Silico-Managnese nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam (mã HS: 7202.30.0000).
Theo quy định, KTC có thể gia hạn thêm 2 tháng đối với mỗi giai đoạn điều tra.
Trước đó, KTC đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá với mặt hàng này vào ngày 7/12/2016 căn cứ trên đơn kiện của nguyên đơn.
Tháng 4/2017, KTC đã ban hành kết luận sơ bộ cho rằng có đủ bằng chứng về hành vi bán phá giá sản phẩm nhập khẩu nêu trên và dự định kiến nghị Bộ Tài chính nước này áp mức thuế chống bán phá giá từ 6,08% -32,32% (mức thuế đối với Việt Nam dự kiến là 7,48%).
KTC đã tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tháng 6/2017.(HaiQuan)
---------------------------------
Dự án thành phố 100 tỉ USD của Malaysia tìm khách mua Việt Nam, Thái Lan
Country Garden Holdings đang tìm cách thu hút khách hàng ở nhiều nước như Thái Lan và Việt Nam trong bối cảnh khách mua Trung Quốc bị kiểm soát vốn đã rút khỏi dự án Forest City 100 tỉ USD ở miền nam Malaysia.
Theo Bloomberg, nhiều động thái mạnh tay của Trung Quốc trong việc chặn dòng vốn thoái năm nay khiến nhiều người mua nước này ngại đầu tư vào bất động sản nước ngoài. Một số nhà đầu tư đang xem xét lại các khoản mua sắm trong quá khứ hoặc hoãn dự định mua sắm trong tương lai.
Các nhà phát triển ở khu vực Johor của Malaysia để đón đầu nhu cầu gia tăng từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện cố gắng thu hút nhiều khách hàng không phải người Trung Quốc. Hãng Country Garden cho biết họ kỳ vọng mở các gian hàng nhắm đến khách hàng Philippines, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và Dubai từ tháng 8 đến tháng 10, lên kế hoạch đầu tư thêm 5 tỉ ringgit, tương đương 1,2 tỉ USD, vào dự án Forest City trong năm nay.
Dự án Forest City tọa lạc tại bốn hòn đảo nhân tạo ở Johor, gần đường đi bộ nối Singapore và Malaysia và gồm hàng ngàn căn hộ dân cư có thể là nơi ở cho khoảng 700.000 người khi được hoàn tất. Hãng Country Garden bán được 16.000 căn từ dự án này hồi năm ngoái, cho hay họ nhận được thông tin hủy đặt mua từ khoảng 60 khách hàng. Dù vậy, công ty từ chối tiết lộ về doanh số của năm nay.
Country Garden hiện có 15 gian hàng trên khắp Malaysia và sẽ có thêm 5 gian hàng khác vào cuối tháng này để quảng cáo bán căn hộ. Doanh nghiệp kỳ vọng đa dạng hóa khách mua hàng từ nửa đầu năm sau.
Sau lần đầu Forest City được tiếp thị ở Trung Quốc, hàng ngàn người đặt tiền cọc để tậu những căn hộ có chi phí trên mỗi mét vuông cao gấp đôi so với mức trung bình mà dân Malaysia phải trả. Song từ khi chính phủ Đại lục thắt chặt kiểm soát vốn, một số khách mua phải dừng thanh toán vì mối lo vi phạm quy định ngoại hối nước nhà. Dự án Forest City vì thế được ngừng tiếp thị tại Trung Quốc và Country Garden không còn tổ chức các chuyến tham quan cho khách mua nước này đến khu vực Johor.(Thanhnien)
------------------------
‘Vốn rẻ’ mới chỉ chảy vào doanh nghiệp có nhu cầu vay ngắn hạn
Sau 1 tháng Ngân hàng nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nền kinh tế đã có sự chuyển động tích cực, nhất là các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn chuẩn bị cho sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, động thái điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,25% - 0,5% đã giúp cho các DN dễ thở hơn khi cần vốn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm mới dừng lại ở ngắn hạn cũng như tập trung vào các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… Vì thế, “vốn rẻ” chảy vào DN được các ngân hàng thương mại (NHTM) chọn lựa rất kỹ.
Dù vậy, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, cho rằng đây vẫn là cơ hội tốt cho các DN sản xuất, tích trữ hàng hóa chuẩn bị phục vụ thị trường Tết dương lịch và Tết nguyên đán 2018 tiếp cận “vốn rẻ”, đồng thời góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
"Vốn rẻ" đã hỗ trợ tích cực cho DN có nhu cầu vay vốn sản xuất, tích trữ hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm.
Tuy nhiên, với những DN cần vốn trung và dài hạn gần như khó vay. Trong khi đó, hiện nay đa phần DN cần vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư công nghệ, nhà xưởng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi vậy, theo các DN, lãi suất vay ngắn hạn giảm trong giai đoạn này là tốt nhưng cần phải giảm thêm nữa ở nguồn vốn trung và dài hạn để tạo điều kiện cho DN trong nước sử dụng vốn rẻ vào sản xuất, kinh doanh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu chỉ được vay vốn ngắn hạn giá rẻ, DN rất khó tính toán chiến lược lâu dài vì chưa kịp đầu tư, làm thị trường đã phải lo trả nợ. Không chỉ thế, việc hạn chế trong tiếp cận vốn đồng nghĩa với việc hạn chế cơ hội cho DN tăng trưởng.
Luật sư – Tiến sĩ (LS.TS) Bùi Quang Tín cho rằng, NHNN cần gỡ nút thắt này cho các NHTM để họ mạnh dạn hơn cho vay. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính… để hỗ trợ thiết thực hơn cho DN. Có như vậy mới giúp DN giảm bớt gánh nặng chi phí đầu tư chứ không riêng gì vay vốn đển phát triển sản xuất.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, để DN dễ dàng tiếp cận vốn thì NH cần phải cải tiến về quy trình, thủ tục cho vay theo hướng vẫn bảo đảm an toàn nhưng không quá phức tạp; cải tiến, đưa ra sản phẩm tín dụng phù hợp hơn với nhu cầu DN; tư vấn giúp DN minh bạch hơn về thông tin tài chính, qua đó đánh giá được dòng tiền làm cơ sở cho vay chứ không để phụ thuộc vào tài sản thế chấp như hiện tại.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số tiêu dùng tháng 7/2017 tăng 0,31% so với tháng 12/2016 và tăng 0,11% so với tháng trước. Lãi suất cho vay của các NHTM đều giảm, góp phần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.(Baotintuc)
-----------------------------
Gặp khó vì Uber, Grab, Taxi truyền thống lại than về đề xuất mới của Hà Nội
Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội góp ý về quy chế quản lý taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong bản góp ý này, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất bỏ nhiều quy định về vùng phục vụ, trung tâm điều hành chung của các đơn vị vận tải...
Phân vùng phục vụ gây khó doanh nghiệp?
Cụ thể, văn bản do Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội ông Đỗ Quốc Bình ký cho hay, tại khoản 1, điều 9, quy định về tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi ghi rõ: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi xây dựng phương án kinh doanh theo vùng trình Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phê duyệt; phương án kinh doanh phải đảm bảo các tiêu chí: vùng phục vụ, biển số xe hoạt động theo vùng, màu sơn, điểm đỗ, điềm dừng đón trả khách…
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được đăng ký nhiều khu vực hoạt động trên mỗi vùng phục vụ. Trong một tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng phục vụ tối thiểu 70%.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc quy định lấy địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với xe taxi là không khả thi.
Nguyên nhân là vì, thực tế, việc phân định địa giới hành chính giữa các quận, huyện là điều khó khăn, lái xe không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được để phục vụ. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có địa bàn hoạt động ở các khu vực giáp ranh như: Long Biên - Gia Lâm; Hoàng Mai - Thanh Trì; Từ Liêm - Hoài Đức - Đan Phượng… thì việc phân vùng phục vụ như trên sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích, hiện nay, dư luận xã hội cũng như cơ quan quản lý đều cho rằng taxi truyền thống phải giảm thiểu chi phí hoạt động, tăng tỷ lệ có khách, giảm số km rỗng để hạ giá thành sản phẩm dịch vụ. Vậy thì việc phân vùng phục vụ sẽ càng làm tăng số km rỗng hay không? Bởi vì các xe ở vùng 1 chở khách sang vùng 2 lại phải quay về vùng 1 để hoạt động.
Ngoài ra, việc phân vùng hoạt động bắt buộc các doanh nghiệp phải tăng bộ máy quản lý, giám sát. Như vậy sẽ làm gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh.
“Việc quy định các xe phải hoạt động trong vùng đã đăng ký thì công tác giám sát sẽ thực hiện thế nào khi tại khoản 3, điều 5 của quy chế quy định: Từ năm 2025, thống nhất màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố?”, Hiệp hội Taxi Hà Nội đặt câu hỏi.
Kiến nghị bỏ nhiều đề xuất “lạ”
Tại khoản 2, điều 9 quy định: “Từ ngày 1/7/2018, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải sử dụng phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi (đặt/gọi taxi). Dữ liệu phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi được kết nối với dữ liệu thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe taxi và kết nối với dữ liệu phần mềm điều hành chung của trung tâm quản lý điều hành giao thông thành phố”.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Hiệp hội Taxi Hà Nội đánh giá việc sử dụng Trung tâm điều hành chung không làm chất lượng dịch vụ của taxi Hà Nội tốt hơn.
Trung tâm điều hành cũng không làm cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động taxi của thành phố tốt hơn, mà ngược lại, làm gia tăng thêm bộ máy con người, tăng gánh nặng cho ngân sách Thành phố. Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách nhà nước vào để điều hành một hoạt động thay cho doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân thì chưa có tiền lệ.
“Việc này sẽ tạo nên mô hình mang dáng dấp hợp tác xã, bao cấp, trái với quy luật của nền kinh tế thị trường”, văn bản khẳng định.
Hiệp hội này cho rằng, không thể đảm bảo các nhân viên điều hành không có hành vi “ăn dơ” với các doanh nghiệp, lái xe để điều chuyển các cuốc khách cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã phải có lực lượng thanh tra, giải pháp công nghệ, giám sát trực tiếp từ trung tâm điều hành đến giám đốc, các bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp để ngăn chặn việc này, vậy thành phố có xây dựng lực lượng thanh tra chuyên trách ngày đêm theo dõi hiện tượng ăn chặn này không?
“Những chi phí này do thành phố gánh chịu hay phân bổ cho các doanh nghiệp taxi? Chưa kể, các doanh nghiệp đều có trung tâm điều hành được đầu tư hiện đại, mua phần mềm ứng dụng đặt/gọi xe cho hãng với giá trị lớn, thành phố sẽ giải quyết thế nào với trung tâm và ứng dụng này?”.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, quan hệ giữa các taxi và khách hàng là quan hệ trực tiếp, khách hàng lựa chọn dịch vụ taxi trên cơ sở chất lượng và giá của dịch vụ.
“Việc sử dụng trung tâm này thực chất là làm mất đi giá trị thương hiệu từ các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều năm để san sẻ cho các doanh nghiệp mới, quản lý yếu kém, ít đầu tư. Hệ quả là các doanh nghiệp không đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, dịch vụ taxi Hà Nội sẽ đi xuống. Từ đánh giá trên, chúng tôi góp ý bỏ quy định này”, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị.
Ngoài ra, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng kiến nghị bỏ quy định về đấu giá quyền khai thác kinh doanh.
Chia sẻ thêm, ông Đỗ Quốc Bình cho hay, các doanh nghiệp taxi đều lo ngại nếu quy chế này được thông qua và ban hành như một quy phạm pháp luật sẽ tạo ra nhiều rủi ro, dẫn đến sự phá sản của toàn bộ các doanh nghiệp taxi trên địa bàn thành phố.
“Trong các lần dự thảo quy chế trước, các doanh nghiệp taxi và Hiệp hội Taxi Hà Nội đã góp nhiều ý kiến bổ ích, mang tính thực tiến nhưng ít được cơ quan soạn thảo tiếp thu, quan điểm của cơ quan soạn thảo quy chế vẫn không thay đổi”, ông Bình nói.( Vneconomy)