Nhiều cơ hội để doanh nghiệp VN tiếp cận thị trường EU
Hãng taxi bất ngờ dừng hoạt động
68.000 doanh nghiệp mới, 54.000 doanh nghiệp giải thể
Quảng Nam đồng ý bồi hoàn tài sản Công ty Quasapharco
Thủ tướng chỉ đạo quy định việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-09-2015
- Cập nhật : 25/09/2015
Trên 600 lô hàng nhập khẩu tồn đọng tại sân bay Tân Sơn Nhất
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tính đến tháng 4/2015, còn 612 lô hàng nhập khẩu qua đường hàng không tồn đọng tại cửa khẩu.
Các lô hàng nêu trên nhập khẩu về theo các chuyến bay từ năm 2012, gửi cho người nhận là các cá nhân và tổ chức, trong đó phần nhiều là hàng cá nhân được gửi về từ Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Đức, Hàn Quốc…
Toàn bộ số hàng tồn đọng đang được lưu giữ lại kho hàng nhập khẩu của Công ty TNHH dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS), địa chỉ 46-48 Hậu Giang, Phường 4, Quận Tân Bình, TP HCM.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sân Nhất, để xử lý số hàng tồn đọng này, đơn vị đã thông báo đến chủ hàng hóa/người vận chuyển có hàng hóa nhập khẩu tồn đọng trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu, nếu chủ hàng hóa/ người vận chuyển đến nhận hàng sẽ được giải quyết làm thủ tục hải quan và bị phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và phải chịu các chi phí phát sinh do việc chậm nhận hàng.
Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo mà không có người đến nhận, cơ quan Hải quan sẽ xử lý hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22- 12- 2014 của Bộ Tài chính. ( Báo Hải Quan)
Sản phẩm nông nghiệp VN chịu nhiều áp lực phải giảm giá
Rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của VN đã giảm giá trong quý III-2015, như: thóc, ngô, chất bột, quả chứa dầu, cà phê, chè... Tại sao?
Thu hoạch cà phê xuất khẩu ở vườn cà phê của chị Nguyễn Thị Quý tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - Ảnh Nguyễn Công Thành
Ngày 24-9, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã công bố Chỉ số giá một số nhóm sản phẩm nông nghiệp. Kết quả, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của VN đã giảm giá trong quý III-2015, như: thóc, ngô, chất bột, quả chứa dầu, cà phê, chè...
Theo nguyên nhân TCTK đưa ra thì nông sản VN đã chịu khá nhiều áp lực giảm giá: như giá thóc giảm tại hầu hết các tỉnh (giảm khoảng 200-300 đồng/kg) vì không chỉ nguồn cung trong nước dồi dào mà giá xuất khẩu lúa gạo giảm đã tạo áp lực lên giá thị trường trong nước.
Đặc biệt, TCTK nêu sản phẩm cây lương thực VN đang phải cạnh tranh giá với các sản phẩm nhập khẩu. Như ngô làm thức ăn gia súc thì ngô nhập từ 3 thị trường Braxin, Achentina và Ấn Độ đang cạnh tranh rất mạnh. Thịt gia cầm thì gia cầm nhập khẩu có giá bán thấp hơn nhiều giá gia cầm trong nước...
Ngoài ra, TCTK nhận định một phần giá thịt lợn giảm là do thông tin người nuôi đã sử dụng chất tạo nạc khiến người tiêu dùng ít mua...
Bên cạnh chỉ số giá nông sản trong nước, giá xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thực phẩm, theo TCTK, cũng giảm trong quý III năm 2015. Một số nhóm hàng đã giảm giá khá rõ rệt so với quý trước như: thủy sản giảm 2,02%; rau quả giảm 4,8%; cà phê giảm 1,64%; gạo giảm 7,46%...
Lý do giá xuất khẩu giảm, TCTK khẳng định vì nền kinh tế tại các thị trường nhập khẩu hàng thủy sản của Việt Nam như Nhật Bản, EU, Đông Âu, Nam Mỹ tăng trưởng chậm, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ít đi... Điều này khiến hầu hết các nước xuất khẩu thủy sản đều giảm giá bán, Việt Nam cũng không thể ngoại lệ.
Riêng giá gạo xuất khẩu giảm là do bị ảnh hưởng bởi việc Thái Lan quyết định bán ra hơn 1,2 triệu tấn gạo chất lượng thấp (độ gẫy trên 15%) vốn là phân khúc xuất khẩu quan trọng của lúa gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang chịu những sức ép cạnh tranh lớn từ các nước Campuchia, Myanmar, khi các nước này cũng tập trung xuất khẩu và phân khúc gạo chất lượng trung bình khiến giá gạo 10-15% tấm xuất khẩu đã giảm gần 10% so với quý trước. (Tuổi Trẻ)
Giá thép bán lẻ giảm, Thái Lan tiếp tục kiện thép Việt
Ngày 23-9, một số doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt hạ giá bán thép bình quân 400.000 - 500.000 đồng/tấn khi giá nguyên liệu đầu vào như thép phế, phôi thép giảm khá mạnh.
Giá thép xây dựng của Vina Kyoei ở mức bình quân 12,4 triệu đồng/tấn, Pomina khoảng 12,3 triệu đồng/tấn, giảm 700.000 - 800.000 đồng/tấn so với thời điểm tháng 4-2015.
Theo nhận định của Hiệp hội Thép VN, giá nguyên liệu thép phế và phôi thép giao hàng trong hai tháng tới vẫn nằm trong xu thế giảm, mức giảm ít nhất từ 10 - 20 USD/tấn. Hiện giá thép phế giao tại cảng VN trong tháng 9-2015 ở mức 215 - 225 USD/tấn, phôi thép khoảng 300 - 310 USD/tấn.
* Ngày 23-9, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan vừa quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với ống thép không gỉ nhập khẩu từ VN, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.
Giữ vai trò nguyên đơn là Công ty Thailand - German Products và Puerto The Millennium. Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ ba của Thái Lan đối với hàng hóa xuất khẩu của VN trong vòng một tháng gần đây, sau tôn lạnh và tôn mạ màu.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm một nửa
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt 373,8 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ 2014.
Nguyên nhân là do áp lực cạnh tranh về giá và nguồn cung từ các nước như Ấn Độ, Indonesia. Cùng với đó, các nước này ngày càng tăng cường xuất khẩu hàng sang Mỹ để tận dụng đồng USD mạnh trong khi đồng nội tệ của họ hạ giá so với đôla Mỹ. Đây cũng là thách thức khiến tôm Việt chịu nhiều thiệt hại về giá trong thời gian qua.
Vasep cũng dự báo, thời gian tới nếu Hiệp định TPP có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ sáng sủa hơn. Tuy nhiên, tham gia TPP đồng nghĩa với việc tôm trong nước phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và những quy định do phía Mỹ đề ra. Ngoài ra, làn sóng ồ ạt xuất khẩu vào Mỹ sẽ gây áp lực lên ngành tôm nội địa của họ, từ đó Chính phủ nước này có thể nghĩ tới những biện pháp bảo hộ.
Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức tại thị trường Mỹ, Vasep khuyên doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm hơn đến sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì chỉ xuất tôm thịt, tôm nguyên liệu đông lạnh. Bên cạnh đó, tìm cách nâng cao năng lực quản trị, lường trước diễn biến thị trường và phải thay đổi từ chất lượng, chi phí sản xuất.
Về phía điều hành trong nước, các doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn, tạo điều kiện và ưu đãi cho các khoản vay tới đơn vị nhập khẩu để họ có thể đảm bảo nguồn vốn sản xuất.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập từ Việt Nam giai đoạn từ 1/2/2013 đến 31/1/2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8. Đây là một tín hiệu đáng mừng với tôm của Việt Nam.
Nữ giám đốc và cú lừa 200 tỷ đồng ở phố núi Pleiku
Ngày 24/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đã bắt tạm giam bị can Dương Thị Hoài Thu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tâm Thành Phát ở TP.Pleiku, Gia Lai về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Điều tra ban đầu xác định, từ tháng 7 đến 9/2014, Dương Thị Hoài Thu đã dùng thủ đoạn kêu gọi góp vốn để kinh doanh tại Công ty TNHH MTV Tâm Thành Phát với “lợi nhuận khủng” nên lừa được nhiều người để huy động vốn rồi chiếm đoạt số tiền 25,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo tài liệu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai thu thập, đến nay có khoảng 20 cá nhân khác góp vốn đầu tư cho Dương Thị Hoài Thu với số tiền lên đến 200 tỷ đồng.
Để có căn cứ điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Dương Thị Hoài Thu và giải quyết triệt để yêu cầu vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai thông báo ai là người bị hại trong vụ án trên đến Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an tỉnh Gia Lai, địa chỉ 267A Trần Phú, phường Diên Hồng, TP. Pleiku, Gia Lai; số điện thoại: (059) 3869148 gặp điều tra viên Lê Đình Hoàng để giải quyết theo quy định của pháp luật.