Goldman Sachs và Miga tham vấn dự án Thủy điện Hồi Xuân
Đồng Tháp: doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ nhập xoài Cao Lãnh
Lâm Đồng đưa vào hoạt động nhà máy chế biến đông dược
Không ưu đãi xóa nợ thuế cho doanh nghiệp Nhà nước
EVN cần 6-7 tỷ USD vốn đầu tư mỗi năm
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-09-2015
- Cập nhật : 24/09/2015
VIB tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Moody’s
Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service (Moody's) vừa công bố báo cáo xếp hạng tín nhiệm mới nhất trong tháng 9 năm 2015.
Theo đó, trong số 9 ngân hàng lớn của Việt Nam được Moody’s đánh giá thì 8 ngân hàng được giữ nguyên mức tín nhiệm như bảng xếp hạng cũ. Riêng Ngân hàng Quốc tế (VIB) tiếp tục là ngân hàng có xếp hạng tín nhiệm cơ sở cao nhất ở mức B3 trong số 9 ngân hàng lớn tại Việt Nam và là ngân hàng duy nhất được nâng triển vọng lên “tích cực” từ mức “ổn định” trong kỳ đánh giá lần này.
Đồng thời, Moody’s cũng giữ nguyên xếp hạng tiền gửi ngoại tệ VIB ở mức B2 (ở mức cao nhất, cùng với 2 ngân hàng quốc doanh được cổ phần hóa), và xếp hạng tiền gửi nội tệ ở mức B2 (xếp thứ 3, cao nhất trong nhóm các ngân hàng TMCP).
Theo Moody’s, cơ sở cho việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm cơ sở cao nhất mức B3 và nâng triển vọng lên tích cực cho VIB xuất phát từ chiến lược đúng đắn và thận trọng. Cụ thể, ngân hàng có chất lượng vốn chủ sở hữu tốt với hệ số an toàn vốn cao nhất thị trường. Hạn chế cho vay khách hàng rủi ro, tích cực trong việc tăng cường chất lượng tài sản và trích lập dự phòng cao
VIB cũng được Moody’s đánh giá có Bảng tổng kết tài sản có tính thanh khoản cao; quản trị doanh nghiệp tốt với việc xây dựng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Thuận lợi của VIB là có sự tham gia hỗ trợ của cổ đông chiến lược CBA sở hữu 20% vốn - là 1 trong số 15 ngân hàng an toàn nhất thế giới. Moody’s cũng ghi nhận VIB có quản trị rủi ro tốt, khẩu vị rủi ro hợp lý
Theo Moody’s, VIB là ngân hàng có hệ số an toàn vốn tốt nhất trong số 9 ngân hàng Việt Nam được tổ chức này đánh giá. Tỷ lệ vốn tự có trên tổng tài sản cũng tăng từ 10,5% cuối năm 2014 lên 10,8% vào tháng 6/2015. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức tốt, với lượng tiền mặt và trái phiếu chiếm khoảng 32% tài sản. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tiếp tục ở mức thận trọng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, VIB là một trong số các ngân hàng có kết quả kinh doanh tích cực với mức lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 283 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2014. Cho vay khách hàng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu VAMC) đạt 48.641 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2014.
Về chất lượng nợ, tỷ lệ nợ xấu sau 6 tháng đầu năm của VIB ở mức 2,12%, giảm so với mức 2,51% tại thời điểm đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tăng 1,2% so với đầu năm. Theo quyết định của NHNN, năm nay VIB được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng lên 20%.
Mời nước ngoài đầu tư 9 dự án đường sắt
Bộ Giao thông vận tải vừa công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài từ nay tới năm 2020 cho chín dự án đường sắt với tổng mức đầu tư khoảng 7,45 tỉ USD.
Trong đó có ba dự án đầu tư mới gồm: xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (đường sắt đôi, đường ray rộng 1,435m) giai đoạn 1 dài 120,5km, vốn đầu tư 2,7 tỉ USD.
Xây dựng tuyến đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (đường sắt đôi, đường ray rộng 1,435m) dài 57km có vốn đầu tư 1,55 tỉ USD. Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn 2 có vốn đầu tư 927 triệu USD.
Bộ Giao thông vận tải cũng kêu gọi đầu tư nước ngoài ở dự án thí điểm nhượng quyền kinh doanh khai thác tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài 381km theo hình thức PPP (hợp tác nhà nước và tư nhân) nhằm thu hồi vốn về ngân sách nhà nước.
Đồng Nai đón nhận dự án 160 triệu USD
Công ty cao su Kenda dự kiến đầu tư 160 triệu USD xây dựng nhà máy tại KCN Giang Điền (Trảng Bom, Đồng Nai)
Tăng 40% thuế nhập ô tô tải?
Cụ thể, xe tải thường dưới năm tấn có thuế hiện hành 68% sẽ tăng lên 70%; xe chạy dầu loại 20-24 tấn chịu thuế 25% (tăng 5%), xe chạy xăng loại 20-24 tấn đang chịu thuế 15% thì lên 25% và đang chịu 20% thì lên 35%; ba dòng xe 5-10 tấn hiện chịu thuế suất 50% sẽ tăng lên 70%; xe 10-20 tấn chạy bằng động cơ khác, đang chịu thuế 30% cũng sẽ chịu thuế 70%. Có bảy dòng xe tải đông lạnh hiện chịu thuế 15% sẽ tăng lên thành 20%.
Việc tăng thuế này dựa trên kiến nghị của Công ty Cổ phần Ô tô TMT. Công ty này cho rằng hiện nay các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu linh kiện để sản xuất lắp ráp ô tô phải chịu nhiều loại chi phí đầu tư và sản xuất, lắp ráp cao so với nhập khẩu nguyên chiếc xe tải; giá nhập khẩu bộ linh kiện rời rạc cao hơn so với khi nhập ô tô tải hoàn chỉnh; giá đầu vào các linh kiện nội địa hóa cao… Vì vậy cần tăng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và giảm thuế nhập linh kiện.
EVN còn "kẹt" vốn đầu tư ngoài ngành tại 4 công ty
Theo Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại 7 Công ty cổ phần (CTCP) đến hết năm 2015. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo đơn vị này cho biết đang tập trung thực hiện quyết liệt việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đạt được kết quả.
Cụ thể, đến hết năm 2014, Tập đoàn này đã thoái toàn bộ vốn ở 3 doanh nghiệp bất động sản (CTCP Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina và Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung) với hình thức đấu giá công khai.
Tập đoàn này cũng đã thực hiện giảm vốn ở 4 CTCP còn lại. Trong đó, luỹ kế đến hết tháng 8/2015, tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC), EVN đã chuyển nhượng 1 triệu cổ phần (CP), giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20% vốn điều lệ của GIC.
Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), EVN đã chuyển nhượng 25,2 triệu CP, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 21,27% xuống còn 16,02% vốn điều lệ của ABBank. Hiện tại, EVN còn lại vốn là phần lợi nhuận được chia bằng cổ phiếu, tiền mặt tại ABBank.
Tại CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), các thủ tục thoái toàn bộ vốn của EVN theo phương án đấu giá công khai toàn bộ 11,49 triệu CP theo phê duyệt của Bộ Công Thương đã được EVN triển khai từ năm 2014. Hiện tại, EVN đang xúc tiến làm việc với các nhà đầu tư về việc bán thỏa thuận số cổ phần chưa bán hết tại ABS.
Tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), EVN chỉ nắm 16,5% vốn điều lệ của EVNFinance. Hiện tại, EVN đang làm việc với các nhà đầu tư về việc mua thỏa thuận 3,75 triệu cổ phần của EVN tại EVNFinance (chiếm 1,5% vốn điều lệ của EVNFinance) để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ 15% vốn điều lệ tại Công ty theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Tính đến hết tháng 8/2015, tổng giá trị thoái vốn, giảm vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính của EVN đạt 958,318 tỷ đồng.
Về yêu cầu giảm vốn tại các doanh nghiệp phục vụ trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính, đến hết năm 2015, EVN phải bán bớt phần vốn đến mức EVN nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần tại 4 CTCP: Cơ điện Miền Trung, Cơ điện Thủ Đức, Cơ khí Điện lực và Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - Công ty cổ phần. EVN đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại CTCP Cơ điện miền Trung (CEMC).
Ngoài ra, theo EVN, luỹ kế đến hết quý II/2015, 5 Tổng công ty Điện lực đã thoái vốn thành công tại 23 đầu mối doanh nghiệp. Tổng số vốn thu về là 648,4 tỷ đồng, thặng dư 38,1 tỷ đồng so với giá trị vốn đầu tư ban đầu. Hiện nay, 5 Tổng công ty Điện lực còn 12 đầu mối doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn, với tổng số vốn còn phải thoái là 484 tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng số vốn cần phải thoái theo Phương án tái cơ cấu các Tổng Công ty Điện lực đã được Hội đồng thành viên EVN phê duyệt.