Ngành xi măng: Xuất khẩu khởi sắc
Ngành giấy đang gặp nhiều khó khăn
Xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 10 tỷ USD
6 tháng, gần 50 nghìn ô tô được nhập về Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh 27-09-2015
- Cập nhật : 27/09/2015
Vượt dư lượng thuốc trừ sâu, chè Việt Nam không được vào Đài Loan
8 lô trà, chè các loại không xuất khẩu vào Đài Loan được do dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép.
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Đài Loan (TFDA) trong tháng 8 và 9 năm 2015, Đài Loan đã phát hiện ra hơn 120 lô hàng dược và thực phẩm từ 21 đối tác xuất khẩu vào Đài Loan không đạt yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch theo quy định của Đài Loan.
Theo đó, Nhật Bản là nước có nhiều lô hàng bị cảnh báo không đạt yêu cầu nhất (35 lô), tiếp đến là Việt Nam (12 lô), Thái Lan (11 lô), Mỹ (10 lô), Trung Quốc (8 lô), Hàn Quốc (7 lô), Ấn Độ (7 lô) vv... Đài Loan đã yêu cầu nhà nhập khẩu phải tiêu hủy hoặc tái xuất về nước tất cả các lô hàng không đạt yêu cầu.
Trong số 12 lô hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan không đạt kể trên chủ yếu là trà, chè các loại. Cụ thể, 8 lô trà, chè các loại không được nhập khẩu do có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép. Số còn lại là số ít các mặt hàng cải thảo, rau xanh và nước mắm.
Sửa đổi quy định nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (Nghị định sửa đổi, bổ sung) áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình soạn thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu, tập trung vào các vấn đề: các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai Nghị định 36; sự cần thiết phải áp dụng VietGap hoặc chứng chỉ quốc tế; cân nhắc thay thế quy định về hàm lượng nước tối da và tỷ lệ mạ băng bằng cơ chế doanh nghiệp tự công khai thông tin về thành phần, chất lượng sản phẩm; xem xét việc tiếp tục áp dụng thủ tục đăng ký, xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra.
Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2015, diện tích nuôi thả mới cá tra đạt hơn 1.950 ha, tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2014. Diện tích thu hoạch hơn 1.850 ha, giảm 0,51% so cùng kỳ, sản lượng đạt 516.000 tấn, tăng 1,22% so với cùng kỳ. Thị trường cá tra nguyên liệu dao động từ 19.000 - 24.500 đ/kg.
Theo nhận định của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, ngành hàng cá tra Việt Nam có khả năng tiêu thụ rất lớn, xuất khẩu đến 142 thị trường các nước trên thế giới (chiếm tới 90% sản lượng), còn thị trường nội địa đang bỏ ngỏ, chỉ tiêu thụ khoảng 10.000 tấn/năm.
Vì thế, để phát huy lợi thế của ngành hàng này, cần triển khai hiệu quả Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành về đầu tư, tín dụng hỗ trợ cho sản xuất giống, thức ăn thủy sản, kiểm soát môi trường, dịch bệnh và chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, cần có đề án để vực dậy ngành cá tra, giải quyết bài toán cung - cầu, xác định thị trường cần gì, phụ phẩm bán đi đâu...
Số giao dịch BĐS thành công tăng gấp 2 lần so cùng kỳ
Sau 8 tháng năm 2015, tại Hà Nội và TPHCM có khoảng 14.750 giao dịch bất động sản (BĐS) thành công (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014).
Cụ thể, trong tháng 8/2015, tại Hà Nội có khoảng 1.900 giao dịch thành công, tăng khoảng 5% so với tháng trước, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ 2014. Tại TPHCM, trong tháng 8, có khoảng 1.800 giao dịch thành công, tăng khoảng 6% so với tháng trước và tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung, trong tháng 8, thị trường BĐS Hà Nội và TPHCM có khoảng 3.700 giao dịch thành công (tăng khoảng 6% so với tháng trước). Tính lũy kế, 8 tháng năm 2015, tại Hà Nội và TPHCM có khoảng 14.750 giao dịch thành công (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014).
Cũng theo báo cáo của VNREA, tính đến thời điểm 20/8/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS trên thị trường đã giảm 3.444 tỷ đồng so với tháng 7/2015 và còn khoảng gần 60.300 tỷ đồng.
Luật đầu tư thoáng nhưng vẫn khó thực hiện
Luật đầu tư khá thoáng nhưng khó triển khai vào thực tế do có nhiều luật khác với nội dung chồng chéo nhau. ..
Người dân đến làm thủ tục tại phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Ngày 25-9, tại hội nghị giao ban tình hình sản xuất kinh doanh tháng 9 và chín tháng năm 2015 do Bộ KH-ĐT tổ chức, ông Sử Ngọc Anh, phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cho rằng dù Luật đầu tư khá thoáng nhưng khó triển khai vào thực tế do có nhiều luật khác với nội dung chồng chéo nhau.
Chẳng hạn Luật đầu tư cho phép doanh nghiệp chỉ cần đăng ký đầu tư, nhưng Luật bảo vệ môi trường lại yêu cầu dự án phải được thẩm định về tác động môi trường.
“Do có sự chồng chéo này, doanh nghiệp cầm giấy phép đăng ký xong cũng chẳng để làm gì vì phải chờ đánh giá tác động môi trường. Nhiều luật khác như Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản... cũng tương tự. Cứ chồng chéo thế ở dưới rất khó thực hiện” - ông Sử Ngọc Anh nói.
Ông Huỳnh Văn Thanh, phó giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng, cho rằng pháp luật ban hành thông thoáng, nhưng các nghị định và thông tư hướng dẫn ban hành rất chậm nên các địa phương rất khó khăn để triển khai luật.
“Nhiều nhà đầu tư đến hỏi, có lĩnh vực vướng phải làm văn bản hỏi các bộ nhưng chờ đợi rất lâu. Cho nên đề nghị Bộ KH-ĐT tham mưu Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn cho phù hợp” - ông Huỳnh Văn Thanh chia sẻ.
Công ty Phú Lễ thắng kiện Cục Thuế TP.HCM
Chiều 25-9, TAND TP.HCM đã tuyên Công ty CP thương mại Phú Lễ VN thắng kiện trong vụ kiện Cục Thuế TP.HCM về việc truy thu và phạt công ty gần 5,6 tỉ đồng thuế.
Tại buổi tuyên án, đại diện tòa án cho rằng chiết khấu thương mại và khuyến mãi là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Công ty Phú Lễ đã tuân thủ các quy định về chiết khấu thương mại và trong các hợp đồng của Công ty Phú Lễ với các đối tác có thỏa thuận về điều khoản chiết khấu thương mại, hỗ trợ khách hàng và nhà phân phối cũng thỏa điều kiện là mua hàng theo khối lượng lớn.
Do vậy, các quyết định về truy thu thuế, phạt khai sai, phạt chậm nộp do tranh chấp giữa khái niệm chiết khấu thương mại và khuyến mãi giữa Cục Thuế TP.HCM và doanh nghiệp buộc phải hủy bỏ.
Riêng các khoản cho, biếu, tặng thuộc về hoạt động khuyến mãi nhưng doanh nghiệp không thông báo trước khi thực hiện, tòa đồng ý theo xử lý của Cục Thuế TP.
Đại diện tòa yêu cầu Cục Thuế TP phải hủy quyết định cũ và ban hành quyết định mới, theo đó chỉ xử lý truy thu thuế đối với phần cho, biếu, tặng chứ không thực hiện truy thu toàn bộ như trước.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty Phú Lễ cho biết sẽ kháng cáo nội dung xử lý về hoạt động cho, biếu, tặng.
Trước đó chiều 18-9, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa hành chính xét xử vụ Công ty Phú Lễ VN kiện Cục Thuế TP.HCM nhưng phải tạm ngưng phiên xử sau phần tranh luận và đến chiều 25-9 mới tuyên án.