Doanh nghiệp Đài Loan xin 1.000 ha đất Vũng Áng
Nhà đầu tư đề xuất dự án cảng biển có vốn đầu tư 1,5 tỉ USD và dự án chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm có vốn 1 tỉ USD...
Tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức chấp thuận về mặt chủ trương cho Wei Yu Engineering - một doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc)- thực hiện dự án nông nghiệp, cầu cảng tại khu kinh tế Vũng Áng.
Theo đó, nhà đầu tư đề xuất sẽ triển khai dự án cảng biển có vốn đầu tư 1,5 tỉ USD, dự án chăn nuôi và công nghiệp thực phẩm có vốn 1 tỉ USD. Tổng vốn đầu tư hai dự án là 2,5 tỉ USD.
Nhà đầu tư cam kết sử dụng công nghệ cao, hiện đại, bảo vệ môi trường. Tổng diện tích dự án là 1.000 ha.
Trong đó, Wei Yu sẽ xây dựng 5 cầu cảng tại Vũng Áng bao gồm các cảng số 7, 8, 9, 10, 11. Đây là các cầu cảng vẫn chưa được xây dựng. Khu hậu cần cảng được Wei Yu đề xuất sử dụng 96,8 ha.
Về dự án nuôi trồng, Wei Yu dự định phát triển ngành chăn nuôi lợn, gà, sản xuất rau quả với diện tích tổng hợp là 800 ha. Xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chế biến bột mì, dầu ăn, thịt đông lạnh, bảo quản thực phẩm…
Một góc khu kinh tế Vũng Áng.
Wei Yu còn dự định xây nhà điều hành và ký túc xá cho các chuyên gia, kỹ sư của công ty, với diện tích 80 ha.
Trong văn bản gửi lên UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nhận định đây là dự án có quy mô lớn, phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. Dự án đầu tư vào nông nghiệp, sử dụng công nghệ cao, thu hút nhiều lao động.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cũng đề xuất UBND tỉnh đồng ý về nguyên tắc cho phép Wei Yu khảo sát, đề xuất các nội dung phát triển cầu cảng, phát triển tổng hợp ngành nuôi trồng trên cơ sở quy hoạch và điều kiện thực tế đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và phát triển bền vững. Trước mắt sẽ khảo sát giai đoạn 1 của dự án để thực hiện rồi đề xuất các giai đoạn tiếp theo.
Về đề xuất sử dụng diện tích 1.000 ha đất, tỉnh Hà Tĩnh cho biết có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, về công nghệ, Wei Yu chưa nêu rõ các biện pháp xử lý môi trường trong báo cáo đầu tư.
Trong dự thảo văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh ủng hộ và cho phép Wei Yu khảo sát, lập dự án sau đó trình cơ quan thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Giao các cơ quan ban ngành, ban quản lý kinh tế của tỉnh giúp đỡ, hướng dẫn thông tin cần thiết cho nhà đầu tư.
Những năm gần đây, luồng vốn đầu tư trực tiếp từ Đài Loan chảy mạnh vào miền Trung, đặc biệt là khu kinh tế Vũng Áng. Trước đó, tập đoàn Formosa đã rót 10,5 tỉ USD thực hiện dự án thép giai đoạn 1, dự định nâng tổng mức đầu tư lên 28,5 tỉ USD.
4 tháng đầu năm 2016, Đài Loan là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam với 666 triệu USD. Luỹ kế, hiện nhà đầu tư Đài Loan đã rót khoảng gần 29 tỉ USD vào Việt Nam, tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hà Tĩnh và Đồng Nai hiện là hai tỉnh thu hút vốn đầu tư lớn nhất từ Đài Loan.(NLĐ)
90% dự án bị thế chấp
Doanh nghiệp không minh bạch, cố tình xây dựng sai phép và đem dự án thế chấp ngân hàng, đẩy người mua nhà vào tình thế rủi ro
Đây là nội dung chính của buổi tọa đàm “Tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chung cư” do Tạp chí Đầu tư Bất động sản CafeLand tổ chức ngày 23-6 tại TP HCM.
Chung cư Petroland (quận 2, TP HCM) liên tục bị kiện vì chậm giao nhà, thiếu minh bạch với khách hàng Ảnh: TẤN THẠNH
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng 90% dự án hiện nay đều thế chấp ngân hàng để huy động vốn. Nhiều dự án mở bán khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý. Việc thế chấp có thể là hợp pháp nhưng vấn đề là ngân hàng có giám sát, quản lý dòng tiền để bảo đảm an toàn hay không vẫn chưa được quan tâm, làm chặt. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, ví dụ căn hộ 1 tỉ đồng nhưng vay hồ sơ 100 triệu đồng thế chấp bằng căn hộ hình thành trong tương lai, khi đó phải loại trừ căn hộ này ra khỏi danh sách để tránh thế chấp lần hai. Do đó, lỗi là ở ngân hàng giám sát không kỹ, trong khi pháp luật hiện nay đã có quy đình đầy đủ.
Cũng có ý kiến cho rằng người mua nhà hiện nay đa phần chỉ quan tâm đến giá, vị trí dự án, chủ đầu tư là ai nhưng lại không quan tâm nhiều đến pháp lý, để rồi khi gặp sự cố mới vỡ lẽ. Giai đoạn ký hợp đồng mua bán là quan trọng nhất, người mua phải tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký giao dịch để tránh gặp rủi ro về sau.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà - Bộ Xây dựng, cho rằng chủ đầu tư không cung cấp đầy đủ thông tin, buộc người mua nhà phải tự tìm hiểu về chủ đầu tư và dự án. Vấn đề là họ tìm hiểu đến đâu. Theo ông Khởi, hiện nay, Sở Xây dựng là đơn vị cung cấp thông tin về dự án đầy đủ nhất nhưng tùy dự án mà mức độ cung cấp khác nhau. “Thực tế, Sở Xây dựng đã công bố hơn 30 dự án đủ cơ sở pháp lý để bán, trong khi có rất nhiều dự án đang triển khai, mở bán rầm rộ nhưng không có tên trong danh sách này” - ông Khởi nêu.
Chuyên gia tài chính Hồ Bá Tình cho rằng hầu như người mua nhà không am hiểu các cơ sở pháp luật. “Họ không biết điều kiện để nhận sổ hồng, sổ đỏ. Người mua nhà thường ở thế yếu nên họ cần được bảo vệ bởi cơ quan quản lý. Ví dụ, nếu khách hàng nghi ngờ và muốn tìm hiểu thông tin dự án nào thì có thể đến cơ quan quản lý để tìm hiểu dự án đó xem có đủ tiền sử dụng đất, giấy phép hay không… Có như vậy mới bảo đảm quyền người mua nhà” - ông Tình nói.
Giá nhà đất TP HCM đang tăng rất nhanh?
Từ đầu năm tới nay, thị trường bất động sản có những dấu hiệu tăng giá trở lại. Theo khảo sát của các công ty tư vấn, mặt bằng giá ở nhiều phân khúc đã tăng so với thời điểm của năm 2015, đồng thời xuất hiện tình trạng đầu cơ, gom hàng tại nhiều dự án.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, trong tháng 5/2016, thị trường bất động sản hầu như không có thêm nhiều nguồn cung mới mà đa số các nhà đầu tư chỉ mở bán để công bố điều chỉnh giá hoặc chính sách bán hàng mới. Điều nay khiến giá bán tăng đáng kể.
Cụ thể, theo khảo sát tại thị trường TP HCM, ở một số dự án, giá bán sơ cấp đã tăng 5 - 7% so với tháng đầu năm, giá bán thứ cấp cũng lên khoảng 10 - 15%.
Hiện tại, lượng giao dịch toàn thị trường TP HCM chỉ đạt 6.400 căn, giảm 18% so với năm 2015. Sức tiêu thụ của căn hộ giá từ 2 - 4 tỉ đồng/căn giảm mạnh khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2015.
Nếu 4 tháng đầu năm 2016, thị trường đất nền, nhà phố vẫn im hơi lặng tiếng thì trong tháng 5, phân khúc này đang dần lấy lại phong độ.
Khu vực quận 9, quận 2 (TP HCM) có lượng khách mua tăng đáng kể. Giá bán tăng cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp. Quỹ đất hạn chế cộng thêm việc tăng giá liên tục sẽ tạo đà cho giao dịch đất nền, căn hộ tầm trung tiếp tục sôi động trong các tháng tiếp theo.
Theo một nhà đầu tư, tại khu vực quận 9 những dự án hạ tầng hoàn chỉnh, có sổ đỏ, đã tăng khoảng 40% trong vòng 3-4 tháng qua. Tại các dự án nhà phố được đầu tư bài bản tại khu Đông như Him Lam Phú Đông do Him Lam Land làm chủ đầu tư hay Lake View (quận 2) do Novaland làm chủ đầu tư, có tính thanh khoản rất nhanh trong thời gian qua.
Song, các dự án này chưa thấy có hiện tượng đẩy giá lên cao. Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land, tiết lộ do hầu hết khách hàng mua để khai thác, không bán lại nên chưa xảy ra hiện tượng sốt giá. Sắp tới, chắc chắn thị trường đất nền sẽ rất sôi động, đặc biệt là những dự án hạ tầng hoàn chỉnh, kết nối tốt và pháp lý rõ ràng.
Cũng theo VNREA, đa số các dự án căn hộ hiện nay đều có khung giá vừa phải, khoảng dưới 1 tỉ đồng nhằm hợp túi tiền với người có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, không mấy dự án hội tụ đủ các yếu tố tiện ích, chất lượng xây dựng hay quy hoạch tổng thể về hạ tầng, an ninh.
Bên cạnh đó, sau vụ lùm xùm dự án bất động sản bị ngân hàng siết nợ, người mua nhà càng cẩn thận hơn, lựa chọn dự án một cách sàn lọc hơn. Ngoài ra, hầu hết các dự án bất động sản rao bán thời điểm hiện tại đều nhận được sự hỗ trợ, bảo lãnh từ ngân hàng, giúp khách hàng có điều kiện mua nhà dễ dàng hơn và niềm tin vào dự án được củng cố hơn.
Còn theo nhận định của JLL Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng cả về cung và cầu đối với nhà ở, văn phòng và khách sạn nghỉ dưỡng. Giá bán của phân khúc nhà ở được dự báo sẽ tăng 1-2% mỗi quý. Đối với phân khúc văn phòng cao cấp, mức giá thuê được dự báo sẽ tiếp tục tăng, từ 5% đến 10% trong những quý tới.
Doanh nghiệp lo mất thị trường vì kháng sinh
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đang đau đầu trước nguy cơ mất thị trường xuất khẩu thủy sản. Lý do là gần đây, Liên minh châu Âu (EU) liên tiếp cảnh báo chất lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư gửi Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Việt Nam (Nafiqad) phản ánh về biện pháp kiểm soát chất kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.
“Nếu không nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về kiểm soát dư lượng kháng sinh, cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản Việt có nguy cơ bị đình chỉ xuất khẩu sang EU” - ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad, cảnh báo.
Trước đó, không ít lô hàng thủy sản Việt Nam xuất sang Nhật cũng bị cảnh báo có dư lượng các kháng sinh vượt mức cho phép và phải chịu hình thức kiểm tra 100% lô hàng khi xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm tra và an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng vừa cảnh báo sản phẩm cá tra của hai công ty Việt nhiễm hóa chất, kháng sinh không cho phép.
Trước thực tế trên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho hay công ty phải chật vật đối phó với nạn kháng sinh, tạp chất tồn dư trong thủy sản xuất khẩu. Dù công ty chủ động được vùng nguyên liệu, kiểm soát chặt quy trình từ con giống đến nuôi trồng, thu mua rồi chế biến nhưng vẫn dính tôm bơm tạp chất. Lý do có thể do người nuôi hoặc nhân viên thu mua thông đồng với thương lái bán tôm bơm tạp chất để có lợi nhuận cao.
“Hậu quả là nước nhập khẩu siết chặt hàng rào kỹ thuật, như Nhật kiểm từng lô hàng. Điều này dẫn đến chi phí tăng kéo theo giá thủy sản bán ra cao, khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác như Thái Lan và Indonesia” - ông Quang chia sẻ.
Đại diện một công ty thủy sản khác cho hay hiện nay dù có đơn hàng nhưng không đủ nguyên liệu “sạch” để đáp ứng hợp đồng, nhà máy chế biến chỉ hoạt động 50% công suất. “Vừa qua tình hình hạn mặn đã khiến nguyên liệu thủy sản giảm, lại thêm việc người nuôi lạm dụng kháng sinh nên nguồn nguyên liệu đạt chất lượng không nhiều” - đại diện công ty trên cho hay.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng cách tốt nhất là các DN liên kết chặt với nông dân từ khâu nuôi đến thu hoạch. Đồng thời khi mua tôm nguyên liệu phải kiểm tra chất lượng tại ao, vựa thì mới có thể kiểm soát được kháng sinh.
Bên cạnh đó, Nafiqad vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu khẩn trương và nghiêm túc rà soát chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; thực hiện đầy đủ biện pháp kiểm soát cần thiết đối với hóa chất kháng sinh, tránh trường hợp bị “cấm cửa” xuất khẩu
Giá cà phê lên ‘đỉnh’ cao nhất từ đầu năm
Những ngày qua, giá cà phê nhân khô robusta tại các tỉnh Tây Nguyên liên tục tăng mạnh.
Đến thời điểm này, giá cà phê đã tăng lên mức 36.600-37.000 đồng/kg, trong khi trước đó có lúc xuống dưới mức 33.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết đây là mức giá cao nhất tính từ đầu năm đến nay. Do giá tăng trở lại nên nhiều nông dân có tâm lý trữ hàng, không bán ra để chờ giá cà phê có thể tăng nữa.
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định giá cà phê tăng trở lại là do tình hình hạn hán ảnh hưởng đến nhiều nước trồng cà phê, trong đó có Việt Nam khiến nguồn cung sụt giảm. Cụ thể tình trạng thiếu nước, khô hạn đã đe dọa trên 165.000 ha (chiếm gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó tới 40.000 ha cây cà phê bị hư hỏng.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cà phê năm tháng đầu năm nay đạt 797.000 tấn với giá trị 1,4 tỉ USD.
(
Tinkinhte
tổng hợp)