Lãnh đạo tài chính thế giới lên kịch bản đối phó Anh rời EU
Hong Kong đã đầu tư 6 tỷ USD vào Việt Nam
Kinh tế Trung Quốc chật vật chuyển mình
Hiệp hội Bất động sản: Giá nhà đang tăng
FPT thu về hàng nghìn tỷ đồng từ xuất khẩu phần mềm
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 24-06-2016
- Cập nhật : 24/06/2016
11 triệu người Mỹ chi một nửa thu nhập cho thuê nhà
Báo cáo nghiên cứu mới nhất của Đại học Harvard cho biết 11 triệu người Mỹ đang phải bỏ ra một nửa thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê nhà.
Theo CNN, ngày càng nhiều người Mỹ rơi vào cảnh lao đao khi giá thuê nhà ngày càng tăng, tăng nhanh hơn tốc độ tăng lương của họ.
Báo cáo thường niên về tình trạng nhà ở quốc gia của Trung tâm nghiên cứu nhà ở thuộc Đại học Harvard vừa công bố có biết, năm 2014, khoảng 21,3 triệu người Mỹ phải bỏ ra tối thiểu 30% trong thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê nhà. Trong đó có 11 triệu người phải trả tới 50% thu nhập.
Việc phải bỏ ra khoản quá lớn như vậy để trang trải tiền thuê nhà tất yếu sẽ dẫn tới việc những người này phải “thắt lưng buộc bụng” ở những khoản chi tiêu khác.
Điều này đồng nghĩa với việc họ phải cắt giảm chi tiêu ở những lĩnh vực thiết yếu như thực phẩm, quần áo, chăm sóc sức khỏe, và gặp nhiều khó khăn hơn trong các kế hoạch an toàn tài chính lâu dài.
Tại 10 thành phố có giá thuê nhà cao nhất ở Mỹ, những người thuê nhà thuộc tầng lớp thu nhập trung lưu đang đối mặt với giai đoạn khó khăn hơn cả.
Gần 75% trong số họ kiếm được 30.000 - 44.999 USD/năm và 50% kiếm được 45.000 - 75.000 USD/năm đều đang phải bỏ ra ít nhất 30% thu nhập để thuê nhà.
Người thuê nhà không chỉ những người trẻ mới thuê nhà. Họ thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau, nhiều mức thu nhập và nhiều mô hình hộ gia đình khác nhau.
Trong nhóm dân cư mới có nhu cầu thuê nhà tăng, số người trung niên chiếm tỉ lệ lớn. 40% người thuê nhà thuộc độ tuổi 30-49.
Doanh nghiệp đa cấp phải báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016
Đây là thông báo vừa được phát đi từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương).
Căn cứ quy định tại Điều 28 Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Điều 15 Thông tư 24/2014/TT-BCT ngày 30 tháng 07 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm 2016.
Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải thông tin về kết quả hoạt động bán hàng đa cấp trong 6 tháng đầu năm 2016 về Cục Quản lý cạnh tranh trước ngày 15/7/2016.
Theo đó, các doanh nghiệp phải thông tin đầy đủ về tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp, điện thoại, fax, email; số, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đã được cấp, sửa đổi, bổ sung; địa chỉ chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, tên và số điện thoại của người liên hệ tại các địa phương nơi doanh nghiệp tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp.
Doanh nghiệp phải báo cáo về về Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, địa chỉ số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại 04.22205015, fax 04.22205003 trước ngày 15/7/2016; đồng thời gửi bản điện tử báo cáo nêu trên vào email leph@moit.gov.vn.
Doanh nghiệp phải thông tin về kết quả hoạt động bán hàng đa cấp trong 6 tháng đầu năm 2016 của doanh nghiệp: doanh thu bán hàng đa cấp, thống kê về các sản phẩm kinh doanh đa cấp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế trả cho người tham gia bán hàng đa cấp.
Đồng thời, báo cáo về số lượng hội nghị, hội thảo, đào tạo đã thông báo với từng Sở Công Thương và được các Sở Công Thương xác nhận có nội dung quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP trong 6 tháng đầu năm 2016, kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm 2015;
Thông tin về kết quả nộp thuế của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước năm 2015 và trong 6 tháng đầu năm 2016 kèm theo tờ khai nộp các loại thuế vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhắm đối tác từ Nga, Trung Đông
Hiện nay, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang tìm kiếm đối tác ở Nga và các nước Trung Đông để thực hiện cổ phần hóa Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất.
Trong tháng 7 tới, một đối tác ở Nga sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam để đàm phán việc thực hiện cổ phần hóa Nhà máy này.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn một mặt xúc tiến nâng cấp mở rộng nhà máy, một mặt tiếp tục đàm phán với đối tác để cổ phần hóa nhà máy theo lộ trình từ năm 2016 – 2017.
Trước đó, Tập đoàn Gazprom Neft của Nga đã có kế hoạch sẵn tham gia vào nhà máy lọc dầu Dung Quất của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Alexandr Dyukov, lãnh đạo Gazprom Neft cho rằng, hiện phía Việt Nam chưa sẵn sàng cung cấp cho dự ánnày những ưu đãi mà phía Gazprom Neft trông đợi, tương ứng với mức sinh lợi thấp hơn.
Với văn kiện ký kết trước đó giữa Gazprom Neft và Petrovietnam, Gazprom Neft dự định mua 49% tỷ lệ sở hữu và quản lý nhà máy của công ty Binh Son Refining and Petrochemical.
Lãi suất sẽ khó tăng mạnh
Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, việc giảm lãi suất rất khó khăn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để ổn định lãi suất như hiện nay. Song lãi suất cũng khó tăng cao.
Ngân hàng HSBC nhận định, NHNN sẽ giữ lãi suất trên thị trường mở (OMO) không đổi đến hết nửa đầu năm 2017, dù áp lực giảm phát dần đi xuống và tăng trưởng kinh tế 2016 được dự báo thấp hơn năm 2015. Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 5/2016 vừa được HSBC công bố, áp lực giảm phát đã dần đi xuống, nhưng NHNN sẽ không vội tăng lãi suất. Trong khi đó, lạm phát toàn phần vẫn tiếp tục tăng trong tháng 4, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Giảm được lãi suất trước diễn biến thị trường hiện nay không phải là điều dễ, dù Chính phủ và NHNN đã có yêu cầu. Trước khi tính tới chuyện tìm cách giảm lãi suất cho vay, cần phải tìm hiểu vì sao mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, trong khi nhu cầu vốn trên thị trường vẫn bình thường, chưa có gì đột biến. Hơn nữa, do các ngân hàng phải sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nên khó lòng giảm lãi suất được.
Tương tự, trong huy động trái phiếu chính phủ mấy năm trước đây, ngân sách nhà nước chủ yếu huy động thời hạn ngắn để đầu tư cho các công trình, dự án có thời gian hàng chục năm, để rồi đến thời điểm đáo hạn, lại phải huy động ngắn hạn để đáo hạn, nên lãi suất trái phiếu chính phủ tăng liên tục và ở mức rất cao. Vì thế, các ngân hàng, thay vì huy động vốn để cho doanh nghiệp vay, lại tham gia tích cực vào đấu thầu trái phiếu chính phủ. Doanh nghiệp muốn vay phải chấp nhận lãi suất cao hơn.
Trong những ngày đầu và giữa tháng 6/2016, các ngân hàng lại rục rịch tăng lãi suất tiền gửi. Từ ngày 14/6, Viet Capital Bank đồng loạt tăng lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm, với mức tối đa lên đến 7,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Eximbank, VIB... cũng điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn.
Các ngân hàng cho rằng, có thể do NHNN đã mua vào khoảng 8 tỷ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối đồng nghĩa với việc đã có hơn 150.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường, nên thanh khoản toàn hệ thống dồi dào hơn. Điều này được thể hiện khá rõ qua diễn biến trên thị trường 2, khi lãi suất bình quân liên ngân hàng thời gian qua có xu hướng giảm.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), ông Nguyễn Tiến Đông cho rằng, khả năng tín dụng 2 quý cuối năm sẽ tăng trưởng hơn so với nửa đầu năm, vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp luôn tăng cao trong những tháng cuối năm khi thời điểm kinh doanh vào mùa. Tuy nhiên, để kỳ vọng lãi suất giảm sâu thêm so với hiện nay là rất khó, nhưng mặt bằng lãi suất cũng sẽ khó tăng mạnh, bởi nếu lãi suất tăng thì sẽ khó kích cầu được tín dụng.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 5,48%, tăng 17,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm, nên việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 17-18% là khả thi, thậm chí dự báo còn đưa ra mức tăng trưởng cao hơn.(BĐT)
Nhiều hạ nghị sỹ Mỹ đề nghị bác bỏ chương trình giám sát cá da trơn
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn nguồn tin từ mạng Politico cho biết cuộc vận động hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã giành được động lực mới tại Hạ viện nước này với việc liên minh gồm 180 hạ nghị sỹ cùng ký vào bức thư gửi lãnh đạo Hạ viện yêu cầu thông qua nghị quyết hủy bỏ chương trình.
Theo văn phòng của Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Vicky Hartzler, người đi đầu trong chiến dịch trên, ít nhất 180 hạ nghị sỹ đã ký vào bức thư đề ngày 13/6 gửi Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số Nancy Pelosy để yêu cầu đưa vấn đề này ra thảo luận.
Những người phản đối Chương trình Giám sát cá da trơn, vốn được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2008 trong Luật Trang trại, cho rằng công việc giám sát các lô hàng cá da trơn nhập khẩu cần phải được chuyển trở lại cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), vốn đang giám sát việc nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản khác.
Trước đó, với 55 phiếu thuận và 43 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 26/5 đã thông qua nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn do Thượng nghị sỹ John McCain đệ trình.
Tuy nhiên, nghị quyết này vẫn đang phải chờ Hạ viện thông qua và Tổng thống Barack Obama ký ban hành mới có hiệu lực.
Theo đánh giá, đây là một tin vui đối với cuộc đấu tranh đòi Mỹ hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn, vốn hết sức phi lý, vốn ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương Việt-Mỹ cũng như sinh kế của hàng triệu nông dân làm nghề nuôi cá tra, cá ba sa tại Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam./