Quốc hội hoãn thông qua xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước
Dồn dập dự án bất động sản nghìn tỷ đầu tư vào vùng Tây Bắc
Giá thép xây dựng tiếp tục đi xuống
Kiểm tra chặt thủy sản nhập khẩu từ Đài Loan
Mỹ kiện chống bán phá giá ống thép của VN
Tin kinh tế đọc nhanh 24-11-2015
- Cập nhật : 24/11/2015
Tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ nước ngoài hơn 380.000 tỷ đồng
Trong một báo cáo mới đây của Chính phủ, cơ quan điều hành cho hay số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty khi kết thúc năm 2014 đã lên đến trên 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013.
Trong số này, số vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng là 550.000 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2013.
Một số doanh nghiệp có số nợ vay ngân hàng lớn như Tập đoàn Dầu khí 174.000 tỷ, Điện lực 108.000 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải trên 32.000 tỷ...
Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty cho biết riêng nợ nước ngoài của khối này vào khoảng 381.500 tỷ đồng. Trong đó vay lại vốn ODA của Chính phủ gần 118.000 tỷ, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 124.000 tỷ. Riêng nợ nước ngoài của các công ty mẹ là 253.450 tỷ đồng, mà dẫn đầu là công ty mẹ EVN với gần 162.000 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hơn 27.000 tỷ đồng; Dầu khí khoảng 20.000 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo của các bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2014, có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó, 8 tập đoàn kinh tế, 85 tổng công ty (không bao gồm Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam do đang thực hiện tái cơ cấu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị) và 26 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con... (VNexpress)
250.000 lao động ngành dầu khí toàn cầu đã mất việc
Số người mất việc tại các công ty dầu khí trên thế giới đã vượt mốc 250.000 và sẽ còn tăng, công ty ty vấn Graves & Co tại Houston cho biết.
Ngành dầu khí toàn cầu đã ngừng hoạt động 1.000 giàn khoan và cắt giảm hơn 100 tỷ USD chi tiêu đầu tư trong năm 2015 để đối phó với tình trạng giá dầu giảm hơn 50% kể từ tháng 6/2014. Các công ty dịch vụ, khoan dầu và cung cấp cho ngành dầu khí đang gánh chịu khó khăn khi dầu mất giá, chiếm đến 79% lượng công nhân bị mất việc, theo Graves.
Tuần qua, các nhà sản xuất dầu thô của Mỹ lại tiếp tục tạm dừng hoạt động của khoan dầu, khi số giàn khoan giảm 10 giàn, trong một nỗ lực cắt giảm chi phí và giảm tình trạng thừa cung, khiến giá dầu xuống sát 40 USD/thùng.
Tình trạng cắt giảm việc làm trong ngành dầu khí hiện nay tồi tệ như cuối những năm 1980 khi chỉ riêng các công ty dầu khí tại Texas đã cắt giảm 240.000 việc làm. Với tình trạng thừa cung toàn cầu như hiện nay, dự đoán việc giãn thợ của ngành dầu khí vẫn chưa thể kết thúc.
Xuất trên 2,4 tỉ USD vali, túi xách: DN Việt chủ yếu gia công
Mỹ hiện là đối tác nhập khẩu chính của VN, đạt hơn 1 tỉ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỉ USD hiện nay, bỏ rất xa hai thị trường chủ lực khác là EU và Nhật.
Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), kim ngạch xuất khẩu mặt hàng vali, túi xách, mũ trong 10 tháng năm nay ước đạt trên 2,4 tỉ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ Hàn Quốc hiện là “trụ cột” xuất khẩu chính của lĩnh vực này, và đang chiếm khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt được kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi số doanh nghiệp 100% vốn trong nước tham gia sản xuất trong ngành hàng này hiện chiếm rất ít, chủ yếu chỉ gia công.
Riêng số doanh nghiệp trong nước đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia chuỗi sản xuất của các thương hiệu vali, túi xách toàn cầu ước chỉ có... 1-2 doanh nghiệp.
Theo Lefaso, Mỹ hiện là đối tác nhập khẩu chính của VN, đạt hơn 1 tỉ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỉ USD hiện nay, bỏ rất xa hai thị trường chủ lực khác là EU và Nhật
Pfizer “sáp nhập ngược” với Allergan để né thuế
Thương vụ sáp nhập trị giá 160 tỉ USD được xem là một thách thức đối với chính sách thuế của Washington.
Theo báo Le Figaro ngày 23-11, thương vụ này nhằm tạo ra tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới với doanh số lên đến 60 tỉ USD.
Pfizer vốn danh tiếng với các sản phẩm như Lipitor (chữa trị thừa cholesterol), Celebrex chống bệnh hư khớp và Viagra trị rối loạn cương dương. Allergan cũng có tiếng với sản phẩm chống nếp nhăn Botox và Lumigan ngăn ngừa tăng nhãn áp.
Vụ sáp nhập đã được đàm phán nhiều tuần qua và được xem là một thách thức đối với bộ Tài chính Mỹ cũng như với Quốc hội Mỹ bởi giới chuyên môn xem đây là vụ “sáp nhập ngược”. Tức là công ty Allergan của Ireland có quy mô nhỏ hơn sẽ mua lại công ty Pfizer của Mỹ!
Thỏa thuận khổng lồ này cũng sẽ cho phép công ty dược của Mỹ được dịch chuyển trụ sở từ New York ra nước ngoài, hưởng mức thuế suất kinh doanh thấp hơn.
Hiện Pfizer đang phải chịu mức thuế 25%, cao nhất trong số những công ty y dược "cá mập", theo số liệu của Evercore ISI. Bắt tay được với Allergan, mức thuế mà Pfizer phải đóng giảm xuống còn dưới 20%. Bản thân Allergan chỉ phải chịu mức thuế suất gần 15%.
Thông qua thương vụ này, Pfizer nay có thể được hưởng lợi từ tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ của Allergan. Sự thực là tại Mỹ, Pfizer cũng đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các phiên bản thuốc generic giá rẻ.
Theo Reuters, giám đốc điều hành (CEO) của Pfizer là Ian Read sẽ trở thành CEO của công ty sau sáp nhập. CEO Brent Saunders của Allergan giữ vị trí cấp cao số 2, ngang hàng với một số chủ tịch và giám đốc điều hành của Pfizer. Nhiều lãnh đạo của Allergan cũng sẽ về đầu quân cho công ty mới.
Từ năm ngoái, Ian Read từng tính “đào thoát” khỏi Mỹ qua thương vụ mua AstraZenaca của Anh nhưng cuối cùng thương vụ không thành công.
Vinalines lỗ lũy kế hơn 20.000 tỉ đồng
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước (DNNN) nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Theo đó, báo cáo cho thấy có 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lỗ lũy kế là 24.451 tỉ đồng và 10 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 2.891 tỉ đồng. Cụ thể, Tổng Công ty Hàng hải VN - Vinalines lỗ 20.687 tỉ đồng; Tổng Công ty Lương thực miền Nam (1.125 tỉ đồng); Tổng Công ty Sông Đà (413 tỉ đồng); Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (334 tỉ đồng); Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC (196 tỉ đồng),… Riêng công ty mẹ Vinalines có mức lỗ lũy kế là 388 tỉ đồng; công ty mẹ Tổng Công ty Lương thực miền Nam là 1.095 tỉ đồng,…
Theo báo cáo của Chính phủ, những DNNN có mức doanh thu lớn như Tập đoàn Dầu khí VN - PVN (381.359 tỉ đồng); Tập đoàn Điện lực VN - EVN (209.241 tỉ đồng); Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel (193.003 tỉ đồng); Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (80.205 tỉ đồng); Tổng Công ty Hàng không VN (70.611 tỉ đồng); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN - VNPT (68.495 tỉ đồng); Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (36.258 tỉ đồng).
Trong đó, lợi nhuận trước thuế của PVN là 67.846 tỉ đồng; Viettel là 42.184 tỉ đồng; EVN là 5.351 tỉ đồng; Mobifone là 7.483 tỉ đồng; VNPT là 6.373 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Chính phủ, kết quả hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty chưa cao. Có tập đoàn, tổng công ty báo cáo hoạt động của công ty mẹ có lãi nhưng báo cáo hợp nhất vẫn bị lỗ và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất đến thời điểm hết năm tài chính 2014 còn cao hơn thời điểm hết năm tài chính 2013. Chính phủ cho rằng xây dựng, kinh doanh bất động sản còn gặp khó khăn. Hầu hết hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty đều dựa trên vốn vay.