tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-08-2017

  • Cập nhật : 23/08/2017

Doanh nghiệp Mỹ mất gần 700 triệu USD vì nhật thực

Theo Russia Today, Công ty Challenger, Gray & Christmas ước tính các doanh nghiệp Mỹ sẽ mất 694 triệu USD giá trị sản lượng vì nhân viên nghỉ làm để xem hiện tượng nhật thực ngày 21.8 (giờ Mỹ). Số liệu được tính toán từ dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS). Nhật thực vào ngày 21.8 kéo dài gần hai phút rưỡi.

doanh nghiep my mat gan 700 trieu usd vi nhat thuc toan phan anh: reuters

Doanh nghiệp Mỹ mất gần 700 triệu USD vì nhật thực toàn phần ẢNH: REUTERS

Phó chủ tịch Andrew Challenger của Challenger, Gray & Christmas cho biết: “Rất ít người ở nhà khi một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đang diễn ra”. Ông Challenger cho rằng một số người có thể mất nhiều hơn ba phút để xem nhật thực và họ cần chuẩn bị kính đặc biệt, hoặc thậm chí xin nghỉ làm, để xem hiện tượng này. Con số tổng thể sử dụng dữ liệu lương bổng trung bình theo giờ và số người làm việc toàn thời gian trên 16 tuổi.

Dù vậy, ông Challenger cho hay con số trên vẫn là khoản tiền nhỏ. “So với mức lương trả cho một nhân viên trong vòng một năm, mức trên rất nhỏ. Nó sẽ không hiển thị trong bất kỳ loại dữ liệu kinh tế vĩ mô nào”, chuyên gia này nói.

Thêm vào đó, nhật thực sẽ gây ảnh hưởng về kinh tế ít hơn so với nhiều sự kiện quan trọng khác. Ngày thứ hai sau chương trình Super Bowl của Mỹ, cứ mỗi 10 phút làm việc trong ngày của các nhân viên đang say sưa bàn tán và xem lại trò chơi thì 290 triệu USD năng suất mất đi. Ngày Cyber Monday sau ngày lễ Tạ ơn, cứ mỗi 14 phút người lao động mua sắm trực tuyến tại nơi công sở thì ước tính ít nhất 450 triệu USD năng suất mất đi. (Thanhnien)
------------------------

KDH chuyển nhượng khu nhà ở 600 tỷ đồng cho công ty con

Ngày 18/8, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua việc hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Đông Phú và phương án vay vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông.

Theo đó, KDH sẽ chuyển nhượng dự án khu nhà ở có diện tích 48.865m2 tại quận 2, TP.HCM cho Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Đông Phú với giá 600 tỉ đồng.

Đồng thời, KDH cũng quyết định vay 450 tỉ đồng tại Ngân hàng Phương Đông chi nhánh quận 4 để hợp tác đầu tư với Đông Phú, thời hạn vay là 18 tháng.

KDH giao cho Tổng Giám đốc Ngô Thị Mai Chi ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Đông Phú, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, các giấy tờ và tài liệu liên quan đến việc vay vốn nói trên.

Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Đông Phú có vốn điều lệ 200 tỉ đồng, mới được thành lập vào ngày 15/2/2017. Địa chỉ của công ty ở tầng 5, toà nhà Paxsky, 123 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM.

Hiện KDH đang giữ 51% cổ phần của Công ty Đông Phú. Một cổ đông khác là ông Đào Công Đạt giữ 30% cổ phần của Công ty Đông Phú lại là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Hào Khang - công ty con do KDH giữ 100% cổ phần. Như vậy Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Đông Phú là công ty con của KDH.

Trong quý II, doanh thu KDH đạt gần 1.150 tỉ đồng, tăng 68% so cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu từ bất động sản chiếm đến 98% và đạt 1.132 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong kỳ cùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Do đó kết thúc quý II, KDH ghi nhận lãi ròng 123 tỉ đồng, tăng 12,5% so với quý II năm 2016.

Lũy kế sáu tháng đầu năm 2017, KDH đạt doanh thu 1.790 tỉ đồng, tăng 43% so cùng kỳ. Lãi ròng đạt 233 tỉ đồng, tăng 16% và thực hiện được 47% chỉ tiêu kế hoạch năm 2017.

Năm 2017, bên cạnh các dự án đang triển khai như Mega Village, Melosa, Lucasta, The Venica thì KDH sẽ mở bán thêm ba dự án mới là Merita, Gia Phước và Jamila. KDH dự kiến bán được tổng cộng hơn 400 căn nhà liên kế và 700 căn hộ,mang về 500 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 35% so với kết quả năm 2016.(NDH)
----------------------

Một thanh chocolate 'gánh' 13 loại giấy phép

Dẫn câu chuyện để sản xuất một thanh chocolate, doanh nghiệp phải xin đến 13 loại giấy phép, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ví von việc doanh nghiệp xin giấy phép chẳng khác nào như đi vào rừng.

Mất 14.300 tỉ mỗi năm

Câu chuyện trên được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kể lại vào hôm qua (21.8), khi chủ trì cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 11 bộ, ngành xung quanh việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Một thanh chocolate 'gánh' 13 loại giấy phép - ảnh 1

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến DũngẢNH: NHẬT BẮC

Cụ thể, theo ông Dũng, trong 13 giấy phép để sản xuất chocolate thì 12 loại nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng là giấy phép xác nhận công bố thành phẩm. Tuy nhiên, câu chuyện giấy phép chồng giấy phép không chỉ riêng với chocolate mà rất phổ biến với nhiều loại hàng hóa khác.

"Một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải thực hiện theo 4 văn bản của Bộ NN-PTNT, gồm 3 thông tư và 1 quyết định của bộ trưởng. Một giống cây trồng cũng phải theo 3 thông tư. Mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ NN-PTNT, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) theo Bộ Y tế. Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải 2 bộ", ông Dũng kể hàng loạt ví dụ rồi bình luận: "Mà các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi ông kia về tôi mới đi. Như vậy có hợp lý không? Tôi nghĩ DN làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như đi vào rừng”.

Thống kê cho thấy, hiện vẫn còn 5.917 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ tại cửa khẩu. Trong khi đó, theo thống kê của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), hiện nay có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Điều này khiến 1 năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công, với chi phí 14.300 tỉ đồng.

Một vấn đề cũng khiến ông Dũng lo ngại là tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. "Nhiều hàng hóa nhập khẩu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra theo cách thủ công. Có tình trạng Bộ chỉ giao một cơ quan trên cả nước thực hiện giám định, khiến chi phí của DN đội lên rất lớn do vận chuyển hàng từ bắc vào nam, từ nam ra bắc chỉ để kiểm tra, giám định”, ông Dũng phản ánh. Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, ông Dũng cho biết yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ là phải giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành xuống còn mức 15% thay vì 30 - 35% như hiện tại.

"Cục trưởng không nên bao biện quá!"

 

Nhiều hàng hóa nhập khẩu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra theo cách thủ công. Có tình trạng Bộ chỉ giao một cơ quan trên cả nước thực hiện giám định, khiến chi phí của DN đội lên rất lớn do vận chuyển hàng từ bắc vào nam, từ nam ra bắc chỉ để kiểm tra, giám định

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

 

 

 

Đáng chú ý, các thủ tục kiểm dịch thú y với thực phẩm đóng gói đã trở thành đề tài tranh luận giữa đại diện Bộ Y tế với các đại biểu khác. "Luật Vệ sinh ATTP quy định kiểm dịch thú y chỉ áp dụng với thực phẩm tươi sống, nhưng Bộ Y tế áp dụng cả với thực phẩm đóng gói sẵn là không phù hợp. Tôi đề nghị bãi bỏ quy định này", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, nói.

 

Đáp lại, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho hay, dù luật Vệ sinh ATTP không quy định kiểm dịch nhưng luật Thú y lại quy định. Trước quan điểm cho rằng thủ tục này nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, ông Phong dẫn các câu chuyện DN bơm tạp chất vào tôm, lợn sề thành thịt bò... để nói rằng, không thể thực hiện do ý thức chấp hành pháp luật kém.

Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Không phải đến mức như thế đâu, cục trưởng ạ. Cũng không nên bao biện quá chuyện ấy. Mình phải nhìn thực tế của ngành mình. Anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không thế đâu. Nếu tốt như thế thì DN đã không kêu”. Ông Dũng cũng đề nghị ngành y tế công bố tỷ lệ phát hiện vi phạm để thấy mức độ nguy hại của vấn đề này, từ đó đặt ra có nên kiểm soát như hiện nay.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho biết thêm những phàn nàn về thủ tục này đã có từ 5 năm qua và DN kêu là đúng. Rủi ro mất an toàn vệ sinh thực phẩm nằm ở nhóm hàng khác chứ không đến từ nhóm thực phẩm bao bì đóng gói nhập khẩu. "Bởi các nhà sản xuất bên ngoài từ đầu đã có tiêu chí, tiêu chuẩn công bố độ an toàn rồi. Còn việc dẫn chứng câu chuyện sử dụng 2, 3 luống rau, bơm tạp chất trong tôm để làm cơ sở nhằm viện giải cần có thủ tục này là không có cơ sở khoa học và thực tiễn", ông Cung lập luận.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, với thủ tục này, thay vì DN cần xác nhận của Bộ Y tế thì chỉ cần gửi thông báo đến cơ quan quản lý là được, như thông lệ nhiều nước. Dù vậy, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong vẫn nói rằng ông không hề bao biện vì thủ tục này trong điều kiện VN thì chưa làm được như các nước phát triển.(Thanhnien)
--------------------------

Đức cảnh báo 'khủng hoảng diesel' có thể tác động lên kinh tế

Theo CNN, hôm 21.8, chính phủ Đức cho biết dù không thể xác định được khả năng sụt giảm của nền kinh tế vào lúc này song nguy cơ đặt ra với tăng trưởng tương lai là không thể bỏ qua. Trong báo cáo tháng 8 hằng năm, Bộ Tài chính Đức đưa “khủng hoảng diesel” vào danh sách các mối đe dọa kinh tế, trong đó có khả năng đàm phán Brexit, tức Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), thất bại và quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về mặt thương mại.

Chính phủ Đức cho hay: “Rủi ro còn liên quan đến vấn đề Brexit và chính sách thương mại Mỹ trong tương lai. Ngoài ra, sự kiện được biết đến với cái tên “khủng hoảng diesel” cũng phải được phân loại là nguy cơ mới, dù ảnh hưởng của nó chưa thể được ước tính ở thời điểm hiện tại”.

Đức là cường quốc kinh tế châu Âu và đang phát triển mạnh. Vụ bê bối khí thải của động cơ diesel đến vào giữa thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị: Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn có nhiệm kỳ thứ tư trên ghế lãnh đạo trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 24.9 sắp tới.

Bộ Tài chính Đức cho hay số liệu và khảo sát cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng để có quý thể hiện tốt tiếp theo trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9. Sản xuất ô tô là ngành công nghiệp lớn nhất của Đức. Ngành này tạo ra 800.000 việc làm và sản xuất nhiều hàng xuất khẩu nhất. Danh tiếng “made in Germany” trong ngành ô tô đại diện cho chất lượng và độ tin cậy của phương tiện.

Bê bối diesel bùng phát cách đây hai năm khi hãng Volkswagen thừa nhận gian lận bài kiểm tra khí thải bằng cách sử dụng phần mềm để động cơ diesel chạy sạch hơn trong các bài kiểm tra so với trong điều kiện lái xe bình thường. Từ lúc đó, nhiều nhà sản xuất ô tô, trong đó có các hãng Đức, bị điều tra vì có hành vi tương tự.

Áp lực càng dâng cao trong những tuần gần đây sau khi giới chức chống độc quyền châu Âu cho hay ngành ô tô Đức có một nhóm doanh nghiệp bắt tay hoạt động bất hợp pháp trong nhiều năm. Một số thành phố và thị trấn Đức cũng dọa cấm ô tô chạy bằng diesel vì lo ngại về mức độ ô nhiễm. Tháng trước, ngành này đồng ý sửa lại hơn 5 triệu chiếc xe diesel để giảm lượng khí thải.(Thanhnien)
------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục