tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 22-07-2017

  • Cập nhật : 22/07/2017

Quan hệ Mỹ - Trung: Đã hết rồi những giấc mơ đầu?

Không có tiến triển đáng kể nào đạt được trong Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung sau hai ngày bàn bạc ở Washington (Mỹ). Thời kỳ trăng mật đã qua thay vào đó là các bất đồng về thương mại.

co van cao cap cua nha trang jared kushner (phai), con re tong thong trump, tro chuyen cung bo truong tai chinh steven mnuchin trong qua trinh doi thoai voi phia trung quoc o washington ngay 19-7 - anh: reuters

Cố vấn cao cấp của Nhà Trắng Jared Kushner (phải), con rể Tổng thống Trump, trò chuyện cùng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong quá trình đối thoại với phía Trung Quốc ở Washington ngày 19-7 - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên trong đoàn Mỹ ngày 20-7 cho biết hai bên tiếp tục thể hiện những khác biệt khó giải quyết trong một loạt vấn đề, đặc biệt là thâm hụt thương mại.

Bài ca tồn đọng tiếp tục xuất hiện sau khi một loạt đề xuất được xem là quan trọng với Mỹ tiếp tục vấp phải sự cứng rắn từ Trung Quốc.

Đó là mở cửa thị trường tài chính cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận, kiểm soát tình trạng dư thừa thép, xuất khẩu ôtô và quy định bắt buộc kiểm soát dữ liệu, mức độ sở hữu vốn đối với các công ty nước ngoài.

Phái đoàn hai nước cũng không tổ chức họp báo chung sau cuộc gặp mà chỉ ra thông cáo báo chí, theo Hãng tin Reuters.

Trong một tuyên bố ngắn gọn ngày 20-7 của đoàn Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết: “Hai bên đã cùng chia sẻ quan điểm về việc cắt giảm thâm hụt thương mại và sẽ cùng phối hợp tích cực để đạt được điều này”.

Hãng tin Reuters bình luận tuyên bố chỉ là một cách nói khéo của việc Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được sự đồng thuận.

Trong khi đó, từ Washington, Đại sứ quán Trung Quốc ngày 20-7 cũng ra một tuyên bố đầy lạc quan sau cuộc đối thoại.

“Hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ, nhất là thương mại dịch vụ, tăng cường đầu tư lẫn nhau, thiết lập một môi trường đầu tư cởi mở, công bằng, minh bạch và thuận lợi”, Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ.

Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều hiểu họ cần “chơi đẹp” với nhau nhưng lại đang đẩy chương trình nghị sự theo cách mong muốn của riêng họ, Đài CBNC nhận định.(Tuoitre)
------------------------

Úc chấm dứt một phần điều tra chống bán phá giá thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam

Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công thương cho biết, Úc thông báo chấm dứt một phần vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, hôm 17/7, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc đã thông báo về việc chấm dứt một phần vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam.

Được biết, ngoài Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia cũng bị điều tra, tuy nhiên chỉ có Việt Nam được chấm dứt một phần vụ việc.

Theo kết quả của cuộc điều tra cho thấy ADC đã xác định rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam có nhận được trợ cấp có thể đối kháng từ Chính phủ trong giai đoạn điều tra nhưng lượng trợ cấp không vượt quá mức tối thiểu. Do đó, ADC đã quyết định chấm dứt vụ việc điều tra chống trợ cấp với tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam. ADC sẽ không đưa ra thêm bất cứ khuyến nghị nào về vấn đề trợ cấp với Việt Nam trong Báo cáo cuối cùng của ADC trình lên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc.

ADC xác định rằng trong số 3 nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, có 2 nhà sản xuất/xuất khẩu có biên độ phá giá thấp hơn mức tối thiểu, do đó, ADC quyết định chấm dứt vụ việc điều tra chống bán phá giá với 02 công ty này. Đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu còn lại của Việt Nam, vụ việc chống bán phá giá vẫn tiếp tục.

Theo ADC, để đưa ra quyết định này, ADC đã xem xét đơn kiện, các bản đệ trình từ các bên liên quan, bản báo cáo về các dữ kiện thực tế(statement of essential facts- SEF), các bình luận liên quan đến SEF và thông tin có được trong quá trình thẩm tra ngành sản xuất nội địa Úc, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng sản phẩm bị điều tra.

Theo quy định, Nguyên đơn có thể kháng cáo quyết định nêu trên của ADC thông qua việc gửi đơn kiện (theo đúng thể thức) tới Ban Hội thẩm rà soát chống bán phá giá trong vòng 30 ngày sau khi ADC công bố quyết định.(NDH)
-------------------------

Phạt ExxonMobil vì làm ăn với Nga thời Ngoại trưởng Mỹ làm giám đốc

Tập đoàn dầu khí ExxonMobil hôm 20-7 bị khiển trách và phạt 2 triệu USD vì các hợp đồng ký với phía Nga năm 2014, thời điểm ông Rex Tillerson còn làm giám đốc điều hành, theo Reuters.

tong thong nga vladimir putin (giua) dung canh ong igor sechin va bat tay giam doc dieu hanh rex tillerson cua exxonmobil trong le ky ket hop tac khai thac o bien den nam 2012 - anh: reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) đứng cạnh ông Igor Sechin và bắt tay giám đốc điều hành Rex Tillerson của ExxonMobil trong lễ ký kết hợp tác khai thác ở Biển Đen năm 2012 - Ảnh: Reuters

Vào năm 2014, Mỹ bắt đầu áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế lên công ty và cá nhân người Nga, liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như vụ sáp nhập bán đảo Crimea.

Theo đó, những công dân Mỹ hoặc người sống trên đất Mỹ bị cấm giao dịch với những cá nhân và tổ chức bị đưa vào danh sách cấm vận.

Lệnh cấm vận này dính tới Igor Sechin, người đứng đầu tập đoàn quốc doanh Rosneft của Nga. Tuy nhiên tập đoàn ExxonMobil, do ông Tillerson làm giám đốc điều hành, vẫn ký hợp đồng với phía ông Sechin - người bị cho là tuyệt đối trung thành với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cụ thể Bộ Ngân khố Mỹ bắt đầu trừng phạt ông Sechin từ tháng 4-2014. Song từ ngày 14-5-2014 tới 23-5-2014, các lãnh đạo chóp bu của ExxonMobil đã ký tám văn bản với phía Sechin.

Trong một tuyên bố ngày 20-7, Văn phòng Bộ Ngân khố Mỹ về quản lý tài sản nước ngoài (OFAC) cho rằng ExxonMobil đã “liều lĩnh bỏ qua” lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga, bằng việc ký kết với Sechin chỉ vài tuần sau khi Mỹ đưa ông này vào danh sách đen.

Đáp lại, ExxonMobil khẳng định quyết định trên “về cơ bản không công bằng”, và kiện chính quyền bang Texas nhằm đảo ngược quyết định.

Ông Alan Jeffers, người phát ngôn của ExxonMobil cho rằng tập đoàn đa quốc gia này đã tuân thủ hoàn toàn chỉ đạo của cựu tổng thống Barack Obama, rằng việc tiếp tục hợp tác lĩnh vực dầu khí với Rosneft là được chấp thuận.

Câu chuyện về ExxonMobil, xét ở góc độ nào đó, tiếp tục là một chi tiết nữa thu hút truyền thông Mỹ ở yếu tố “Nga” trong mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump hoặc những người liên quan mật thiết với ông.

Ngoại trưởng Tillerson đã rời khỏi nhiệm vụ tại ExxonMobil từ năm 2016, và hiện đứng đầu Bộ Ngoại giao - cơ quan phụ trách chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm những phần việc liên quan tới quyết định cấm vận.

Mặc dù Bộ Ngoại giao có vai trò trong việc thiết lập chính sách cấm vận đối với công ty và cá nhân nước ngoài, nhưng Reuters cho hay các cựu quan chức Mỹ cũng như chuyên gia về cấm vận nhận định rằng ít khả năng Bộ Ngoại giao có tác động quyết định tới việc phạt ExxonMobil vừa qua.(Tuoitre)
------------------------------

Toàn ngành ngân hàng chuẩn bị đẩy nhanh xử lý nợ xấu

“Năm nay thời gian không có nhiều nên không tổ chức hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tại hội nghị sáng nay (21/7), thay vào đó là ưu tiên chuẩn bị đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

Hai ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, cũng như trước thềm nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội bắt đầu có hiệu lực (15/8/2017), Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị toàn ngành nói trên, cũng như có chỉ thị cụ thể tới từng đầu mối trong ngành để chuẩn bị thực hiện.

Về nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: “Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàngliên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước”.

Với ý nghĩa trên, ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tổ chức hội nghị triển khai trong toàn ngành ngân hàng nhằm quán triệt các nội dung cơ bản của nghị quyết và đề án, chỉ đạo một cách kịp thời, cụ thể, hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả trong thực tiễn.

Thống đốc cũng cho biết, ngày 19/7 vừa qua, Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu các tòa án nhân dân các cấp và các đơn vị trực thuộc thống nhất triển khai một số nội dung nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của các hợp đồng tín dụng, góp phần xử lý nợ xấu trên tinh thần của Nghị quyết 42 của Quốc hội.

“Văn bản này thực sự đã làm cho các tổ chức tín dụng hết sức phấn khởi và hy vọng việc xử lý tài sản bảo đảm trong thời gian tới sẽ được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi hơn. Nhân đây, Ngân hàng Nhà nước xin trân trọng cảm ơn Tòa án Nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành văn bản này”, Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu.

Tại hội nghị, một lần nữa thực trạng nợ xấu được nhìn lại. Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song hệ thống vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, quy mô và năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam nhỏ so với khu vực và so với nhu cầu của nền kinh tế; hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao; năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng vẫn còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động; tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn cao.

Một lần nữa, tỷ lệ nợ xấu cao được dẫn giải cụ thể: tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,81% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ xấu đã được cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Tại hội nghị trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ bàn cụ thể, quán triệt các yêu cầu, biện pháp và lộ trình triển khai và mục tiêu xử lý từ nay đến năm 2020, giao cụ thể từng kế hoạch tại các tổ chức tín dụng.

Trong hôm qua (20/7), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ thị chi tiết tới toàn ngành.

Tại chỉ thị trên, Thống đốc yêu cầu toàn hệ thống triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tại đề án đã được duyệt, lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chỉ thị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel 2; có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á.

Ngay khi có hiệu lực, Thống đốc yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu.

“Phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng)”, Chỉ thị nêu mục tiêu cụ thể.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục