Doanh nghiệp dệt may muốn Chính phủ giảm thuế sợi về 0%; Các ngân hàng Trung ương không thể làm ngơ trước sự bùng nổ của tiền điện tử; Hơn 1 triệu chiếc Ford Explorer có thể bị triệu hồi vì rò rỉ khí thải; Đại sứ Thái Lan kêu gọi doanh nghiệp nhanh chân vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-09-2017
- Cập nhật : 17/09/2017
Tiêu thụ nông sản: Những rào cản cần tháo gỡ
Việc đầu tư vốn, khoa học công nghệ, hình thành các hợp tác xã kiểu mới sẽ là yếu tố quan trọng để sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững.
Ảnh minh họa.
Trong những bài viết trước, chúng tôi đã phân tích nhiều nguyên nhân khiến giá cả nông sản thời gian qua còn bấp bênh, dư thừa. Thực tế cho thấy nhiều thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp hiện nay, trong đó ngoài vấn đề kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu thì còn có 3 vấn đề cần quan tâm là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; vốn, chính sách tín dụng và hình thành các hợp tác xã kiểu mới.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản rớt giá là do phần lớn sản xuất còn manh mún, thiếu thông tin định hướng thị trường, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, chất lượng không đồng đều, quy trình không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và hơn hết là chưa có đầu tư khoa học công nghệ cũng như mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá nên số lượng sản phẩm ít và chưa ổn định.
TS. Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối phân tích, trong thời kỳ hội nhập, thắng thua trên thị trường phụ thuộc nhiều vào công nghệ, do đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản cần đổi mới công nghệ, tăng năng suất tăng chất lượng, giảm chi phí giá thành, khi đó mới thực sự tăng tính cạnh tranh.
Một điều quan trọng nữa để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, đó là cần có sự liên kết giữa người nông dân với những doanh nghiệp có đầu ra. Khi hai bên cùng hợp tác, vai trò của doanh nghiệp sẽ là đầu tàu để đưa khoa học công nghệ mới vào sản xuất, khi đó nông sản sẽ có đầu ra và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng lên. Vì thế, vấn đề liên kết sản xuất hiện nay là cấp bách, cần giải quyết.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, trong thời gian tới sẽ định hướng sản xuất theo vùng chuyên canh, tiếp tục tìm đầu ra đặc biệt là tìm các doanh nghiệp có mạng lưới tiêu thụ, để từ đó tổ chức tiêu thụ nông sản ổn định.
Để phát triển nông nghiệp, nông sản một cách bền vững, một yêu cầu lớn đặt ra là cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Khi đó, doanh nghiệp và người nông dân cùng tham gia vào chuỗi cung ứng để thấy rõ trách nhiệm và lợi ích của mình trong đó.
Doanh nghiệp và người dân cùng nhau đổi mới, đưa khoa học công nghệ vào hàng hóa nông sản để cạnh tranh với các nước. Muốn làm được điều này, cần phải có nguồn tín dụng và đây là một trong những mắt xích quan trọng trong phát triển nông nghiệp.
Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, nhà nước đã ban hành một số nghị định, thông tư thúc đẩy cho vay phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp nông thôn.
“Một số chính sách vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp của người dân, do đó, cần phải có sự điều chỉnh. Các ngân hàng cần phải thiết kế những gói sản phẩm dịch vụ phù hợp để cho doanh nghiệp và người dân vay vốn, có thể cho vay theo chuỗi cung ứng…”, ông Lực đề xuất.
Thiếu sự liên kết theo chuỗi sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp và nơi tiêu thụ cũng là rào cản khiến phần lớn các nông sản ở ĐBSCL chỉ có thể bán cho thương lái, không tìm được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại. Để giải bài toán về tiêu thụ nông sản, cần sự liên kết chặt chẽ, giữ chữ tín, tạo niềm tin và đặt lợi ích chung lên hàng đầu giữa các thành phần kinh tế.
Đây là một trong những vấn đề mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ rõ tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, hay còn gọi là Hợp tác xã kiểu mới ở ĐBSCL và miền Đông Nam bộ được tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường nhưng chưa hoàn hảo và còn bất đối xứng đã ảnh hưởng và gây thua thiệt cho người nông dân. Do đó, người nông dân cần phải liên kết lại, không liên kết sẽ không có sức mạnh như một tất yếu. Hợp tác xã là một tổ chức cung ứng thị trường đầu vào và kết nối các dịch vụ đầu ra cho người nông dân.
Rõ ràng, trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, hợp tác xã kiểu mới sẽ xây dựng được quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, từ đó sản phẩm sẽ dễ tiếp cận và đứng vững trên thị trường. Quá trình liên kết sẽ hình thành được kênh tiêu thụ nông sản, tạo thế cạnh tranh cho người nông dân.
Khi đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân sẽ tìm ra những giải pháp căn cơ, phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự canh tranh gay gắt giữa các mặt hàng nông sản khi hội nhập sẽ hiệu quả hơn.
Trong tình hình hiện nay, xét về tổng thể, hợp tác xã kiểu mới chính là giải pháp hữu hiệu nhất để từng bước tháo gỡ những bất cập trong sản xuất cũng như tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Việt Nam. (VOV)
-----------------------
Nhà đầu tư châu Á mạo hiểm bước vào thị trường Mỹ Latin
Nhiều nhà đầu tư châu Á đang mạo hiểm hơn khi đổ tiền vào một số liên doanh xa đến tận Mỹ Latin, khu vực có lịch sử bất ổn chính trị và đôi khi vỡ nợ.
Theo Bloomberg, chuyên gia Ben Yuen, giám đốc đầu tư thu nhập cố định tại hãng BOCHK Asset Management, một đơn vị của Bank of China, cho hay: “Có rất nhiều công ty phát hành trái phiếu bằng đồng đô la Mỹ từ Mỹ Latin đang đến Hồng Kông và Singapore để tiếp thị. Các nhà băng và khách hàng ngân hàng tư nhân Trung Quốc đang rất quan tâm đến việc mua vì điều kiện tốt và nền kinh tế nhìn chung phục hồi ở các thị trường mới nổi”.
Đơn cử, hãng Mexico City Airport Trust trong tuần này bắt đầu dựng sổ ở châu Á cho đợt phát hành nợ bằng đồng đô la Mỹ. Đây là đơn vị phát hành trái phiếu đầu tiên tại Mỹ Latin thực hiện điều này tại châu Á, là dấu hiệu cho thấy vai trò của vốn đầu tư châu Á đang gia tăng. Vốn đầu tư châu Á trước đây từng tập trung vào việc tích lũy trái phiếu kho bạc Mỹ trong dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, đây cũng là dấu hiệu cho thấy tiềm năng ảnh hưởng của tiền từ Trung Quốc một khi nước này nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn.
Ngay cả với những biện pháp này, nhu cầu đa dạng hóa của Trung Quốc cũng kéo lợi tức trái phiếu đầu cơ bằng đồng đô la của các hãng phát hành châu Á xuống mức thấp nhất trong tháng 4. Lợi tức trái phiếu "rác" tại Mỹ Latin trung bình đang cao hơn 70 điểm cơ bản so với cùng loại trái phiếu ở châu Á.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu nợ Mỹ Latin đang lên cao. Đơn cử, DeepBlue Global Investment, quỹ đầu tư Hồng Kông, đặt mục tiêu tăng phân bổ trái phiếu Mỹ Latin từ 10% lên 30% danh mục đầu tư trong 3 - 6 tháng tới. Chuyên gia quản lý danh mục đầu tư Ziyun Wang của hãng này cho hay: “Mỹ Latin có lẽ sẽ thể hiện tốt hơn thị trường mới nổi nói chung, song các nhà đầu tư nên theo dõi cẩn thận những rủi ro trong tháng 9”. Một ví dụ khác là Fuh-Hwa Investment Trust từ Đài Loan tăng mức nắm giữ trái phiếu Brazil và Argentina trong các quỹ đầu tư thị trường mới nổi của hãng từ 17% lên 22%.
“Một số quỹ đầu tư châu Á quan tâm đến việc đa dạng hóa các khoản tín dụng trong khu vực sang trái phiếu Mỹ Latin vì lợi tức tốt hơn nhiều”, bất chấp thực tế là trái phiếu Mỹ Latin có nguy cơ cao hơn vì khu vực ít ổn định kinh tế hơn so với các nước châu Á, chuyên gia Manjesh Verma thuộc Citigroup ở Hồng Kông cho hay.
Dù Argentina và Brazil đều trải qua nhiều bất ổn chính trị lớn ảnh hưởng đến các trái chủ trong thập niên qua, nhà quản lý quỹ Bryan Wang thuộc hãng Fuh-Hwa vẫn lạc quan trước tín hiệu mới nhất về tình hình chính trị của hai nước. Ông Wang cũng cho hay thị trường trái phiếu "rác" châu Á đã trở nên quá tập trung vào các nhà phát triển bất động sản từ Trung Quốc và doanh nghiệp khai thác mỏ từ Indonsia, cung cấp quá ít cơ hội để nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục.(Thanhnien)
-------------------------
Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về chi tiêu cho hạ tầng
Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về chi tiêu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, chiếm 5,7% GDP.
Theo CBRE Việt Nam, tầm nhìn của Cộng đồng kinh tế ASEAN hướng đến tự do hóa thương mại, tự do dịch chuyển lao động có tay nghề cao giữa các nước đã khiến mỗi quốc gia chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mình.
Nguồn: CBRE
Quá trình đô thị hóa quy mô lớn cùng với triển vọng kinh tế tích cực tạo áp lực phát triển hệ thống hạ tầng mức độ cao tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, tốc độ gia tăng dân cư thành thị (tính theo % tổng số dân cư thành thị) ở Việt Nam đã tăng từ 27% vào năm 2005 lên 34% vào năm 2015, trong khi con số này ở Thái Lan là 50%.
Hiện tại, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về chi tiêu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, chiếm 5,7% GDP.
Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng ở ASEAN vẫn thiếu sự tham gia của nguồn vốn tư nhân, điều này đang là một thách thức trong khu vực. Theo ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hơn 90% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của châu Á đến từ khu vực công.
Hai tuyến tàu điện ngầm tại TP.HCM và Hà Nội là những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế vệ tinh.
Ngoài ra còn có các dự án quan trọng khác đang triển khai như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, sân bay quốc tế Vân Đồn, Quốc lộ 4B,... và các dự án trong giai đoạn lập kế hoạch như Hành lang kinh tế Phía Đông, tuyến đường cao tốc nối TP.HCM và Phnôm Pênh, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, du lịch, nông nghiệp, xây dựng và vận tải.
Nguồn: CBRE
Đặt Việt Nam trong bối cảnh khu vực giúp đánh giá rõ những tác động tiềm tàng của việc thay đổi động lực phát triển kinh tế trong khu vực. Trong các lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực logistics sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc tăng cường giao thương kết nối trong nội bộ lãnh thổ mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau nhờ các khoản đầu tư lớn vào phát triển cơ sở hạ tầng trong ngắn hạn và trung hạn.
Trong dài hạn, sự phân tán trong các khu đô thị cũng như sự mở rộng ra ngoài trung tâm tại các đô thị và các tỉnh thành phụ cận sẽ tạo nhiều cơ hội cho các chủ đầu tư, chủ sở hữu và cư dân.(Bizlive)
--------------------
Liên kết đưa nông sản sạch ra thị trường
Giá cả nông sản luôn bấp bênh nhưng anh Võ Hoài Văn (27 tuổi, xã Hòa Thành, H.Đông Hòa, Phú Yên) quyết chọn sản xuất nông sản sạch để khởi nghiệp và đã thành công.
Lớn lên ở vùng nông thôn xã Hòa Thành, gắn bó tuổi thơ với nông nghiệp nên anh Văn trăn trở phải lập nghiệp bằng chính nghề nông. Ban đầu, anh chọn nuôi heo theo mô hình trang trại khép kín. Vì trang trại cần diện tích lớn, phải xa khu dân cư nên anh Văn chọn khu đất tại KP.Phú Hòa, TT.Hòa Hiệp Trung (H.Đông Hòa) để xây dựng.
Từ chuỗi thịt sạch...
Anh Võ Hoài Văn cho biết riêng rau sạch, mỗi ngày hệ thống siêu thị cung cấp hơn 200 kg rau củ các loại. Mỗi tháng doanh thu mỗi cửa hàng hơn 1 tỉ đồng
Anh Văn đã đầu tư nuôi hơn 100 con heo nái và 2.000 con heo thịt với sản lượng khoảng 200 tấn/năm. “Quy trình chăn nuôi heo theo mô hình khép kín nên phải kiểm soát dịch bệnh rất nghiêm ngặt. Heo nuôi đều được đánh số theo dõi, chuồng trại thì phải luôn thoáng mát, khử mùi, khử trùng sạch sẽ”, anh Văn chia sẻ.
Theo anh Văn, với số lượng heo nái của trang trại thì hằng năm sinh sản hơn 4.000 heo con, đủ cung cấp cho trang trại nuôi heo thịt. Để có đầu ra ổn định, anh liên hệ các nhà hàng, quán ăn giới thiệu về sản phẩm thịt sạch từ trang trại; đồng thời đầu tư mở 2 siêu thị mini với thương hiệu V’Mart để cung cấp thịt heo cho người tiêu dùng TP.Tuy Hòa (Phú Yên). “Toàn bộ số lượng heo này, mình giết mổ để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn và phân phối tại 2 siêu thị. Trong đợt heo rớt giá vừa rồi, người chăn nuôi điêu đứng nhưng trang trại của mình vẫn duy trì đàn nuôi, doanh thu từ trang trại có giảm nhưng bình quân vẫn lãi hơn 500.000 đồng/con. Không bị thua lỗ là do mình áp dụng quy trình nuôi khép kín, theo chuỗi giá trị từ chuồng đến tận tay người tiêu dùng”, anh Văn bộc bạch.
Sau khi mở hệ thống siêu thị, lượng thịt tiêu thụ ngày càng tăng nên anh Văn liên kết cùng người dân để phát triển theo chuỗi, đảm bảo nguồn thịt sạch cung cấp ra thị trường. Anh Văn cho biết: “Trang trại liên kết với 10 hộ dân bên ngoài nuôi khoảng 2.000 con với sản lượng khoảng 200 tấn/năm. Quy trình kỹ thuật được mình hướng dẫn kỹ, cung cấp thức ăn và bao tiêu luôn đầu ra cho bà con”. Ngoài thức ăn chế biến sẵn, để tăng chất lượng thịt heo, anh Văn còn bổ sung thêm các thức ăn như sắn, bắp và rau củ quả. (Bizlive)