Ngân hàng Trung ương Nga hạ lãi suất và nâng dự báo tăng trưởng năm 2017; Airbus đối mặt cuộc điều tra kéo dài vì cáo buộc gian lận; Nhập siêu từ Thái Lan: Không cực đoan dùng rào cản thương mại; 8 tháng, Việt Nam nhập khẩu gần 65.500 ô tô
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-09-2017
- Cập nhật : 16/09/2017
Bank of America: Đà tăng mới chỉ bắt đầu, thị trường mới nổi có thể tăng trưởng gấp đôi trong 2 năm tới
“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ là hợp lý nếu danh mục đầu tư chú trọng vào cổ phiếu ở các thị trường mới nổi ở châu Á”, Ajay Kapur, trưởng bộ phận chiến lược tại châu Á – Thái Bình Dương và các thị trường mới nổi, nói.
Những phân tích sâu quá mức cần thiết về tình hình địa chính trị, chính sách phức tạp của các NHTW và sự tập trung vào lợi nhuận doanh nghiệp là những thứ khiến nhà đầu tư rối trí khi cố gắng kiếm lời từ đà tăng của các thị trường mới nổi.
Đó là quan điểm được ngân hàng Mỹ Bank of America Merrill Lynch đưa ra dựa trên kết quả phân tích 6 đợt tăng giá trên các thị trường mới nổi từ năm 1976 đến nay. Cũng theo báo cáo này, đợt tăng giá hiện nay có đôi chút khác biệt so với những đợt trước đây nhưng các thị trường mới nổi có thể tăng trưởng gấp đôi trong 2 năm tới.
“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ là hợp lý nếu danh mục đầu tư chú trọng vào cổ phiếu ở các thị trường mới nổi ở châu Á”, Ajay Kapur, trưởng bộ phận chiến lược tại châu Á – Thái Bình Dương và các thị trường mới nổi, nói.
Các thị trường mới nổi đã tăng trưởng khoảng 60% kể từ đầu năm 2016 đến nay, nhưng việc thị trường này vẫn tăng điểm trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên dâng cao khiến một số nhà đầu tư cảnh báo thị trường sắp bước vào giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, Bank of America vẫn cho rằng giống như 6 đợt tăng điểm trước, đà tăng này sẽ chỉ kết thúc khi nền kinh tế rơi vào suy thoái hoặc thị trường “kiệt sức” vì được định giá quá cao so với giá trị thực.
Theo phân tích của Bank of America, các nhà đầu tư nên bán khi tỷ lệ P/B đạt 3 lần (hiện chỉ số MSCI Emerging Market Index có chỉ số P/B ở mức 1,77 lần) hoặc khi nhìn thấy nguy cơ suy thoái trong kinh tế Mỹ, kinh tế toàn cầu hoặc kinh tế châu Á. Nếu lịch sử lặp lại, giai đoạn “thị trường con bò” trên các thị trường mới nổi sẽ kéo dài khoảng 42 tháng, với mức tăng trưởng 230%.
Bank of America cũng liệt kê một số rủi ro khác có thể xảy ra trên thị trường mới nổi: xung đột vũ trang nổ ra ở châu Á; Trung Quốc rơi vào trạng thái giảm phát hoặc bị khủng hoảng tín dụng, dòng vốn tháo chạy; áp dụng luật chống độc quyền khiến các tập đoàn khổng lồ của châu Á bị chia tách hoặc phải chịu mức thuế cao, đặc biệt trong lĩnh vực Internet; dòng tiền khổng lồ của các tập đoàn châu Á bị sung công
“Các đợt điều chỉnh và pullback là không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư hãy tận dụng chúng như là cơ hội để mua vào”, báo cáo viết.(Trithutre)
------------------------------
Việt Nam sẽ tham gia Hội đồng cao su Quốc tế nhằm ổn định giá cao su
Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan hôm thứ 6 cho biết Việt Nam sẽ tham gia Hội đồng Cao su quốc tế 3 bên (ITRC), đại diện cho các nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới nhằm đảm bảo ổn định giá cao su.
Các thành viên của ITRC bao gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã họp và nhất trí quết định này trong một cuộc họp tại Bangkok, Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Chatchai Sarikulya. Sản lượng cao su của 3 nước thành viên ban đầu chiếm gần 70% tổng sản lượng của toàn thế giới. Nếu cộng thêm Việt Nam, con số này được nâng lên gần 80%.
"Cả 3 quốc gia đều đồng thuận Việt Nam tham gia ITRC. Điều này sẽ nâng năng sản lượng của ITRC và thiết lập nên tính bền vững cho ngành công nghiệp cao su", vị bộ trưởng cho hay.
Trong cuộc họp năm ngoái, IRTC đã đồng tình cắt giảm 615.000 tấn cao su nhằm ổn định giá. Hôm thứ 6, IRTC vẫn chưa quyết định cắt giảm xuất khẩu nhưng ông Chatchai cho biết IRTC sẽ theo dõi sát sao diễn biến giá và biện pháp cắt giảm xuất khẩu vẫn đang được xem xét "Nếu giá cao su giảm xuống mức đáng ngại, biện pháp cắt giảm xuất khẩu là cần thiết nhằm đẩy giá lên".
Giới chức dự đoán sản lượng cao su của Thái Lan và Malaysia sẽ giảm trong năm nay do giá cao su giảm và thời tiết xấu trong đó bao gồm mưa lớn và ngập lụt khu vực phía bắc Thái Lan.(NDH)
-----------------------
WB dự kiến cho Việt Nam vay 4 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2020
Dự kiến, Việt Nam sẽ được vay vốn hỗ trợ chuyển tiếp IDA và cả vốn IBRD trong giai đoạn 2018 - 2020 với tổng giá trị có thể đạt hơn 4 tỷ USD.
Khung hợp tác giữa Việt Nam - Nhóm Ngân hàng Thế giới 2017-2022 đã chính thức được công bố sáng nay (14/9) tại Hà Nội.
Văn kiện Khung đối tác quốc gia Việt Nam - Nhóm Ngân hàng Thế giới (CPF), được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay ưu đãi IDA và phải chuyển qua vay vốn IBRD, tức là nguồn vốn vay đắt hơn nhưng linh hoạt hơn theo thị trường.
Với việc tiếp cận nguồn vốn vay ít ưu đãi hơn trước, làm sao để sử dụng nguồn tài trợ hiệu quả là điều được Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh trong buổi sáng ngày hôm nay. Ba mục tiêu Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung là nâng cao năng lực của kinh tế tư nhân, đầu tư vào con người và tri thức, đảm bảo bền vững môi trường.
Với Khung đối tác mới sẽ có sự thay đổi trong cách tiếp cận và hỗ trợ từ phía Ngân hàng Thế giới như tham gia nhiều hơn ở cấp địa phương, phối hợp đa ngành, tăng cường đổi mới sáng tạo và thúc đẩy bình đẳng giới. Dự kiến, Việt Nam sẽ được vay vốn hỗ trợ chuyển tiếp IDA và cả vốn IBRD trong giai đoạn 2018 - 2020 với tổng giá trị có thể đạt hơn 4 tỷ USD.(VTV)
------------------------------
Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định bổ nhiệm 2 Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cụ thể, tại Quyết định 1368/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Tấn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ông Lê Tấn Dũng sinh năm 1966, quê quán tỉnh Long An. Ông Lê Tấn Dũng từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Long An; Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Long An; Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, tỉnh Long An; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng và Lê Quân
Tại Quyết định 1369/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ông Lê Quân sinh năm 1974, quê quán tỉnh Quảng Ngãi. Ông Lê Quân từng đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Bộ môn Quản trị nguồn nhân lực (Trường Đại học Thương mại); Giám đốc Trung tâm Đào tạo và giáo dục quốc tế (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội); Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội.(ChinhPhu)