Trung Quốc và nhiều nước từ bỏ USD trong giao dịch dầu thô; Cuộc chiến huynh đệ trong tập đoàn Lotte đã đến hồi kết thúc?; Ant Financial thúc đẩy Mỹ chấp nhận việc mua lại MoneyGram; Mặc tình hình kinh doanh bết bát, giới tài chính vẫn lạc qua về cổ phiếu ngân hàng
Tin kinh tế đọc nhanh 16-09-2017
- Cập nhật : 16/09/2017
Volkswagen triệu hồi 4,9 triệu ô tô tại Trung Quốc
Đài Fox News ngày 14.9 dẫn nguồn Tập đoàn Volkswagen (VW) của Đức cho biết sẽ triệu hồi khoảng 4,9 triệu ô tô tại Trung Quốc do lo ngại khả năng xảy ra lỗi túi khí do bên thứ ba cung cấp.
Các cơ quan chức năng Trung Quốc trước đó ra khuyến cao liên quan đến túi khí do Hãng Takata (Nhật) sản xuất REUTERS
Theo đại diện hãng, việc triệu hồi nhằm đáp ứng khuyến cáo của các cơ quan chức năng Trung Quốc liên quan đến túi khí do Hãng Takata (Nhật) sản xuất, đồng thời khẳng định chưa có trường hợp lỗi túi khí nào xảy ra đối với xe VW trên toàn thế giới.
Thông báo được đưa ra 10 ngày sau khi VW cho biết sẽ triệu hồi 1,8 triệu ô tô tại Trung Quốc do lỗi tiềm ẩn liên quan đến bộ phận bơm nhiên liệu. (Thanhnien)
------------------------------
Loạt doanh nghiệp khí gas bị loại khỏi thị trường
Bộ Công thương vừa công bố danh sách thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí và danh sách thương nhân phân phối khí.
Theo đó, chỉ có 23 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu khí ở Việt Nam. Thương nhân phân phối khí thì có 51 doanh nghiệp đạt điều kiện. Đây là các doanh nghiệp đạt điều kiện theo Nghị định 19 của Chính phủ về kinh doanh khí.
Danh sách 23 thương nhân đủ điều kiện xuất nhập khẩu khí có nhiều “ông lớn” trong ngành như Công ty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Bắc, Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty Cổ phần Dầu khí V-Gas, Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.HCM, Tổng công ty Gas Petrolimex, Công ty TNHH Total Gaz Việt Nam, Công ty Cổ phần Dầu khí Sài Gòn-Hà Nội,…
Ngoài ra, còn có 4 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu khí hoá lỏng gồm Công ty TNHH Tannan Việt Nam, Công ty TNHH Birz Việt Nam, Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.
Riêng Tổng công ty Khí Việt Nam (PV gas) có tên trong danh sách thương nhân đủ điều kiện sản xuất, chế biến LPG để thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu LPG.
Mới đây, Bộ Công Thương có ban hành Nghị định 19 thay thế cho Nghị định 107, quy định các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp kinh doanh khí gas phải đáp ứng một số điều kiện như: số lượng chai LPG thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 3.930.000 lít (tương đương 150.000 chai LPG loại 12 kg, quy định trước đây là 300.000 chai LPG) đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG ); tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít (tương đương 100.000 chai LPG loại 12 kg, quy định trước đây là 300.000 chai LPG) đối với thương nhân phân phối LPG chai.
Ngoài ra, tổng sức chứa các bồn LPG tối thiểu xuống còn 300 m3 (quy định trước đây là 800 m3) đối với thương nhân phân phối LPG chai.
Trước đó, hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh khí gas nhỏ đã kiến nghị phản đối Nghị định 19 khi cho rằng họ bị đẩy đến phá sản, rời khỏi thị trường vì quy định này.
Đại diện một công ty gas nêu quan điểm: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt hại rất lớn, chúng tôi không thua vì thị trường và khách hàng nhưng với những điều kiện của Nghị định 19 chúng tôi sẽ bị giết chết, biến mất khỏi thị trường. Xin Nhà nước đừng để doanh nghiệp lớn “ép chết” doanh nghiệp nhỏ”.(Vneconomy)
-----------------------------
Nestle thâu tóm chuỗi cửa hàng cà phê tại Mỹ
Nestle đã mua 68% cổ phần của Blue Bottle với giá khoảng 425 triệu USD vào thứ Năm vừa rồi.
Theo nguồn tin của Bloomberg, tập đoàn hàng tiêu dùng Nestle (Thụy Sĩ) vừa thông báo họ đã mua lại phần lớn cổ phần của Blue Bottle Coffee, một công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm và chuỗi cửa hàng cà phê cao cấp tại Mỹ. Đây là thương vụ mới nhất trong số một loạt các chuỗi thương vụ thâu tóm của Nestle trong năm nay, tập trung vào các doanh nghiệp có ý thức về sức khoẻ và thực phẩm cao cấp.
CEO của Nestle là Mark Schneider chia sẻ rằng cà phê là một trong những cơ hội tăng trưởng lớn nhất của Nestle. Ông cũng đang tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm và thức ăn chay.
Trong lĩnh vực cà phê, Schneider đang tập trung mở rộng doanh thu tại Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới. Nestle hiện đang bánkhá chạycác sản phẩm máy pha cà phê Nespresso tại Mỹ, nhưng vẫn còn thua đối thủ Keurig. Công ty mẹ của Keurig là JAB Holding (thuộc gia đình tài phiệt Reimann tại châu Âu) cũng đang thách thức vị trí số 1 toàn cầu của Nestle trong thị trường cà phê đóng gói.
"Động thái này cho thấy sự tập trung của Nestle vào việc đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng cao và hành động bắt kịp xu hướng tiêu dùng", Schneider nói trong một tuyên bố.
Hiện tại, Blue Bottle đang trực tiếp bán sản phẩm cà phê cho khách hàng qua các kênh online, và hiện có tổng cộng 40 cửa hàng tại Mỹ và Nhật, tăng mạnh so với con số 29 hồi cuối năm 2016. Blue Bottle đang nỗ lực mở rộng để nâng con số này lên 55 vào cuối năm nay.Các sản phẩm cà phê đóng chai của hãng cũng đã được đưa vào chuỗi siêu thị cao cấp Whole Foods, gần đây đã được mua lại bởi Amazon.
CEO của Blue Bottle là Bryan Meehan cho biết công ty đang nỗ lực để duy trì các tiêu chuẩn chất lượng của mình trong lúc tìm cách mở rộng thị phần bán lẻ, cũng như có thể sẽ xuất hiện tại tất cả các siêu thị Whole Foods vào năm tới. "Nestle đã đầu tư bởi vì họ nghĩ rằng chúng tôi có nhiều điểm mạnh", Meehan nói trong một cuộc phỏng vấn sau thông báo.
Trước đó, Meehan và Schneider bắt đầu thảo luận về một mối quan hệ hợp tác kể từ hồi tháng 2.Thỏa thuận giữa hai bên vẫn bảo đảm cho Blue Bottle là một đơn vị độc lập, ông Meehan nói. Ông cũng không lo ngại rằng việc bán cổ phần cho một tập đoàn lớn như Nestle sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu mà ông đã tạo ra.
"Khi mọi người nhìn thấy điều này xảy ra, họ e rằng chất lượng sản phẩm sẽ trở nên tồi tệ hơn", Meehan nói. "Tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra."
Ngoài ra, việc hợp tác này cũng giúp Blue Bottle được thoát khỏi những áp lực mà nhiều công ty khởi nghiệp gặp phải. Bản thân Meehan cũng không ham muốn gì việc IPO công ty của mình. Ông nói: "Thị trường chứng khoán đại chúng gây nhiều xao nhãng. Tôi không muốn tham gia vào trò chơi đó, những công ty như Blue Bottle không bao giờ nên trở thành công ty niêm yết". (NCĐT)
-----------------------------------
Samsung tăng vốn, Nhật đầu tư mạnh vào nhiệt điện Việt Nam
Không chỉ vốn giải ngân mà cả nguồn vốn đầu tư mới từ các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam cũng đang gia tăng mạnh từ đầu năm 2017.
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng qua, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 23,36 tỷ USD, tăng đột biến hơn 45% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tăng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ảnh:Đình Dân.
Cụ thể, cả nước có 1.624 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 13,45 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với đó là 773 lượt dự án đang hoạt động đăng ký điều chỉnh tăng vốn thêm 6,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã và đang gia tăng rót vốn mạnh vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa.
Đến đầu tháng 9, đã có 3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 3,5 tỷ USD, tăng 101,3% so với cùng kỳ 2016.
Trao đổi vớiZing.vn,đại diện Cục đầu tư nước ngoài cho biết Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đang là các quốc gia đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư phía Hàn Quốc đã đăng ký trong 9 tháng qua là 6,02 tỷ USD. Nhật Bản có tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,74 tỷ USD...
Đại diện tập đoàn SanYang SYM (Đài Loan), ông Harrison Liu, cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn, đặc biệt là khi kinh tế vĩ mô đang ổn định và tăng trưởng.
Hàn Quốc đang đứng đầu về số vốn FDI đổ vào Việt Nam.
Vốn FDI nổi lên mạnh nhất từ đầu năm nay đổ vào các dự án nhiệt điện. Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore đã rót vốn mạnh vào thị trường này. Tiêu biểu như dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Thanh Hoá với công suất khoảng 1.200 MW, tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD. Hay dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD công suất thuần khoảng 1.109,4 MW...
Ngoài ra, Samsung cũng gia tăng vốn vào dự án SamSung Display Việt Nam tại Bắc Ninh, với tổng số vốn tăng thêm là 2,5 tỷ USD. Nhà đầu tư Hàn Quốc này cho biết sẽ gia tăng quy mô sản xuất và đẩy mạnh dự án tại khu vực này.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 182,59 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 51,27 tỷ USD; ngành sản xuất, phân phối điện, khí nước đứng thứ ba với 17,8 tỷ USD. (ZIng News)