Triều Tiên ngồi trên nguồn tài nguyên khoáng sản trị giá 10.000 tỉ USD; 72 dự án của DNNN với tổng vốn 42.700 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả; Standard & Poor’s nâng hạng triển vọng tín nhiệm của Techcombank; Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết với WTO
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 16-09-2017
- Cập nhật : 16/09/2017
Tấn công mạng khiến Việt Nam thiệt hại hàng nghìn tỷ mỗi năm
Trong điều kiện đất nước khó khăn, chúng ta xác định đảm bảo mục tiêu phòng thủ, bảo vệ an ninh mạng quốc gia, bởi hiện trên thế giới đã xuất hiện những cuộc “chạy đua vũ trang” trên mạng với những máy móc, trang bị, nhân lực hết sức tốn kém.
Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật An ninh mạng, diễn ra chiều 15/9.
Tại đây, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, dù hoạt động bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam phải thực hiện trên nền tảng mạng thông tin chung của thế giới, quốc gia nào có đầy đủ khả năng, tiềm lực vươn lên được thì chi phối được không gian đó, nhưng Việt Nam cũng sẽ cố gắng giảm thiểu một cách tốt nhất các tác động tiêu cực.
Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng đã nêu nhiều lý do thuyết minh sự cần thiết phải xây dựng dự án luật này.
Đó là phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động.
Luật được ban hành cũng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, phòng, chống chiến tranh mạng.
Tờ trình về dự án Luật An ninh mạng nêu rõ, hiện nay, hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin Việt Nam gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Hệ thống mạng thông tin Việt Nam mỗi năm phải chịu hàng ngàn cuộc tấn công mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, làm thất thoát, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, và là tiền đề để thực hiện các hành vi xâm nhập, thu thập thông tin, tài liệu trái pháp luật.
Nhận định của cơ quan soạn thảo là khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, không gian mạng đã trở thành môi trường cho các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động. Hiện nay, tình hình này đang diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt là các hoạt động xâm nhập, tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia...
Các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành sự cần thiết phải ban hành luật và khẳng định đây là một dự án luật rất quan trọng. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải thêm việc xử lý mối quan hệ với các luật khác để bảo đảm tính thống nhất và tránh sự chồng chéo.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn: đối với hành vi truy cập bất hợp pháp vào cơ sở dữ liệu quốc gia để lấy cắp, chiếm đoạt bí mật Nhà nước, có cần yếu tố “theo sự chỉ đạo của nước ngoài” thì mới xử lý về tội gián điệp mạng hay không?
Theo Bộ trưởng Tô Lâm thì đặc trưng của tội gián điệp theo Bộ luật Hình sự là phải có liên hệ với nước ngoài. “Nếu chỉ đánh cắp thông tin thông thường mà không chuyển ra nước ngoài thì chưa cấu thành tội gián điệp. Cái này chúng tôi quán triệt tinh thần chung của Bộ luật Hình sự”, ông nói.
Về xử lý mối quan hệ với các luật khác, Bộ trưởng nói: “Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi đã tham khảo các luật và cố gắng chỉ những vấn đề đặc trưng nhất của an ninh mạng mới đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này. Đây cũng là sự cố gắng hết sức của ban soạn thảo. Qua sự phát hiện, góp ý của các đồng chí, còn những lĩnh vực chưa bao quát hết hoặc chồng lấn nhau, chúng tôi sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để không trùng dẫm, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo để thẩm tra chính thức dự án luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.(Vneconomy)
----------------------------------
Nạn nhân bất ngờ của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD
Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đang cân nhắc bán bớt cửa hàng, siêu thị ở Trung Quốc trước sự tẩy chay của nước sở tại vì Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD.
Một trung tâm thương mại của Lotte Mart tại thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) bị đóng cửa REUTERS
“Chúng tôi đang bắt đầu bán một số cửa hàng ở Trung Quốc vì chúng tôi không thể hoạt động bình thường trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chúng tôi chưa quyết định bán toàn bộ hay chỉ một vài cửa hàng”, theo AFP ngày 15.9 dẫn lời một người phát ngôn Lotte.
Người phát ngôn cho biết Lotte đã chọn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ đứng ra quản lý việc bán lại chuỗi cửa hàng ở Trung Quốc. Tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan được cho là đang đàm phán để mua lại.
Trước đó, Lotte đã nhượng lại đất cho chính quyền Hàn Quốc để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ nhằm đề phòng mối đe dọa tên lửa CHDCND Triều Tiên.
Trung Quốc sau đó phản đối vì cho rằng THAAD đe dọa đến an ninh nước này và đưa ra một số trừng phạt không chính thức đối với Lotte. Khoảng 80% trong 112 cửa hàng Lotte tại Trung Quốc đã bị đóng cửa trong hơn 6 tháng qua khiến tập đoàn này thua lỗ hàng trăm triệu USD.
Giới chức Hàn Quốc được cho là đã siết chặt việc thanh tra kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm với Lotte trong khi người tiêu dùng nước này cũng tẩy chay hàng hóa của Lotte.
Hồi tháng 3, công ty Lotte Mart thuộc tập đoàn Lotte đã duyệt chi khẩn cấp số tiền 360 tỉ won (318 triệu USD) cho các cửa hàng ở Trung Quốc và gần đây chi thêm 340 tỉ won. Công ty ước tính sẽ thiệt hại 1 ngàn tỉ won trong năm 2017 nếu tiếp tục trong tình trạng này.(Thanhnien)
-----------------------------
LG Electronics nộp phạt 541 triệu euro cho EC
LG Electronics, hãng sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu Hàn Quốc, đã lên kế hoạch nộp khoản tiền phạt 541 triệu euro (645 triệu USD) cho Ủy ban châu Âu (EC) do hành vi thao túng giá bán ống chiếu tia cathode sử dụng trong công nghệ sản xuất màn hình.
Năm 2012 EC đã đưa ra án phạt LG Electronics và năm công ty khác, trong đó có Philips (Hà Lan) và Panasonic (Nhật Bản), tổng cộng 1,47 tỷ euro với lý do các nhà sản xuất này đã cấu kết để ấn định giá cả từ năm 1996 đến 2006.
Vào thời điểm đó mức phạt mà EC đưa ra với LG Electronics chỉ là 492 triệu euro, song số tiền thực mà hãng phải nộp phạt lên tới 541 triệu euro do phải tính cả tiền lãi do hãng nộp phạt chậm.
Theo báo cáo kinh doanh mới nhất, lợi nhuận ròng của LG Electronics trong quý II/2017 đạt 514 tỷ won (tương đương 462 triệu USD), tăng mạnh so với con số 268 triệu won của cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn trên, lợi nhuận hoạt động của LG Electronics tăng 13,6% lên 664 tỷ won, còn doanh thu đạt 14.000 tỷ won và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2016. Lĩnh vực Thiết bị giải trí gia đình của LG Electronics đạt lợi nhuận hoạt động 343 tỷ won, với doanh số của các dòng tivi có màn hình OLED và tivi có độ phân giải Ultra HD đều gia tăng.(TTXVN)
--------------------------------
2 quỹ ngoại sang tay 1,2 triệu cp MBB trong phiên 15/09
Giao dịch được thực hiện giữa Kim Vietnam Growth Equity Fund và Vietnam Holding Limited.
Cụ thể, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo, Kim Vietnam Growth Equity Fund đã chuyển nhượng 1,2 triệu cp của Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) cho Vietnam Holding Limited, giao dịch được thực hiện trong ngày 15/09.
Được biết, trong phiên 15/09, đã có gần 1,9 triệu cp MBB được khớp lệnh với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 43 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, thị giá cổ phiếu MBB đã tăng 73% từ mức 9.700 đồng/cp và hiện đang dừng ở mức 22.900 đồng/cp phiên ngày 15/09.
Nửa đầu năm 2017, MBB ghi nhận thu nhập lãi thuần vượt ngưỡng 5.100 tỷ đồng, tăng trưởng 42%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ hơn 660 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn đạt gần 123 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 42 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về 54 tỷ đồng, gấp đôi con số thu về 6 tháng đầu năm 2016. Các hoạt động kinh khác cũng ghi nhận kết quả khả quan, tăng 33% lên 370 tỷ đồng.
Lãi trước thuế 6 tháng của MBB đạt 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong quý II, lợi nhuận ròng của Ngân hàng hơn 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 38%.(NDH)