Hà Nội “bêu” tên 121 DN nợ hơn 59 tỷ đồng tiền thuế, phí; Nhiều khách hàng bị lừa khi mua dự án đất nền Đồng Nai; Lại đề xuất đánh thuế lãi gửi tiết kiệm; Cắt giảm chi phí: Doanh nghiệp vẫn đợi chờ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-09-2017
- Cập nhật : 15/09/2017
Nghị sĩ Mỹ đòi trừng phạt 12 ngân hàng Trung Quốc vì Triều Tiên
Nằm trong danh sách nói trên có cả Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, ngân hàng lớn nhất thế giới
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce vừa đề nghị chính quyền Washington cấm vận 12 ngân hàng Trung Quốc nhằm cắt nguồn tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế của Triều Tiên.
Nằm trong danh sách nói trên có Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông Nghiệp Trung Quốc và cả Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, ngân hàng lớn nhất thế giới, theo Yonhap ngày 14.9 dẫn một nguồn tin được xác nhận cho hay.
Hồi năm 2005, Mỹ đã đưa vào danh sách đen ngân hàng Banco Delta Asia ở Macau với cáo buộc rửa tiền cho chính quyền Triều Tiên, khiến nhiều tổ chức tài chính khác cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng vì sợ sẽ bị áp đặt biện pháp trừng phạt tương tự.
Nếu được thực hiện, đề xuất trừng phạt mới có thể đánh dấu sự gia tăng áp lực đáng kể đối với Trung Quốc nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và gây nguy hiểm cho quan hệ Mỹ-Trung.
Hôm 11.9, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua biện pháp trừng phạt mới cho việc Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch hôm 3.9. Một ngày sau đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dọa sẽ đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không thực hiện nghị quyết này, the Yonhap.(Thanhnien)
------------------------
Rác thải nhựa đang đe dọa ngành dầu mỏ?
Chính phủ các nước ngày càng quyết tâm hơn trong việc hạn chế các sản phẩm liên quan đến nhựa, khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu giảm xuống.Nguồn ảnh: The Inertia
Tuần trước, Kenya đã cấm tất cả mọi hoạt động liên quan đến những chiếc túi nylon: sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng, với hình phạt có thể lên đến 4 năm tù hoặc phạt tiền 38.000 USD.
Lệnh cấm này là lời cảnh báo cho ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn đang phụ thuộc vào các hóa phẩm của dầu để đối phó giữa lúc người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chuyển sang dùng xe hơi điện. Tập đoàn dầu khí quốc gia của Arab Saudi là Saudi Aramco đang đặt cược tương lai của mình vào ngành hóa dầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thì cho rằng các sản phẩm hóa dầu sẽ chiếm đến 44% tổng cầu dầu gia tăng trong giai đoạn 2015-2020.
Hóa dầu cũng được xem là nguồn tăng mạnh nhất của nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong giai đoạn 2015-2040.
Ngành hóa dầu (petrochemicals) là ngành có tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu nhiều nhất, với mức tăng 4,9 triệu thùng/ngày. Ảnh: Bloomberg
Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Kenya cho thấy rằng có thể sắp đến ngày tàn của những chiếc túi nylon chỉ dùng 1 lần. Do những chiếc túi này chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhựa được sử dụng, điều này sẽ có tác động sâu sắc đến ngành công nghiệp hóa dầu.
Tình trạng ô nhiễm nhựa đang trở nên trầm trọng hơn. Bãi rác Khổng lồ giữa Thái Bình Dương (The Great Pacific Garbage Patch) chuyên tích tụ các rác thải biển, đa số là nhựa, được ước lượng là to gần bằng bang Texas của Mỹ.
Bản chất của nhựa là không thể bị phân hủy một cách tự nhiên, nó chỉ chia tách thành những miếng nhỏ hơn. Bạn còn nhớ tất cả những khoản vay thế chấp dưới chuẩn cách đây một thập kỷ? Chúng đã bị chia nhỏ ra và trộn lẫn với nợ "tốt" và được bán dưới dạng chứng khoán đạt cấp độ đầu tư, và gần như một tay chúng đẩy hệ thống tài chính đến bờ vực sụp đổ. Hãy nghĩ đến nhựa như một chất hóa học tương đương với những khoản vay đó: cho dù nó có chia nhỏ đến đâu đi nữa, nó vẫn là nhựa.
Theo báo cáo năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Quỹ Ellen MacArthur, các đại dương của chúng ta có thể chứa nhiều nhựa hơn cá, tính theo khới lượng. Rác thải nhựa là chủ đề được nói đến ngày càng nhiều trong các chương trình nghị sự của nhiều nước trên thế giới. Lệnh cấm của Kenya là một trong nhiều sáng kiến đã được đưa ra để hạn chế rác thải nhựa.
Tháng trước, Ấn Độ tái khẳng định lệnh cấm sử dụng các túi nylon không phân hủy được ở Delhi. Tại Anh, việc áp dụng mức phí 5 xu đối với loại túi dùng 1 lần kể từ tháng 10/2016 dẫn đến việc giảm sử dụng loại túi này tới 85 %. Tuy nhiên, theo Green Alliance thì túi nylon chỉ là một phần nhỏ của vấn đề, vì loại sản phẩm này chỉ chiếm 1% chất thải nhựa vào lòng đại dương.
Các chai nhựa chiếm đến 1/3 lượng rác thải nhựa trên biển. Việc tái chế chúng sẽ có một tác động rất lớn, cả về vấn đề rác thải và nhu cầu nguyên liệu hóa dầu.
Tuần trước, Thủ hiến Scotland là bà Nicola Sturgeon đã cam kết đưa ra một kế hoạch thu phí và hoàn trả (deposit and return) cho tất cả các chai nhựa trong nước. Một cơ chế tương tự đã được áp dụng ở Đức vào năm 2003, làm tăng cường tỷ lệ tái chế chai nhựa lên tới 98,5%. Một số nước châu Âu đã làm như vậy và sẽ còn nhiều nước nữa bắt chước theo.
Tất cả những điều này làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu của các nhà máy hóa dầu: vừa giảm nhu cầu về các sản phẩm cuối, vừa thúc đẩy nguồn cung nguyên liệu tái chế cho quá trình sản xuất.
Giống như việc tăng cường sử dụng ôtô điện, việc xiết chặt lại các sản phẩm nhựa sẽ ảnh hưởng đến ngành dầu. Đây là một thách thức không nhỏ cho Saudi Aramco và những công ty khai thác dầu.(NCĐT)
---------------------------------
Ưu tiên khai thác nhà máy thủy điện có mực nước tốt
Hệ thống điện sẽ đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng. EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm theo quy trình điều tiết liên hồ chứa, đồng thời tranh thủ khai thác tối ưu lượng nước về các hồ.
Ngày 13-9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 8, EVN đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân cũng như các sự kiện, hoạt động dịp lễ kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 8 đạt 18,1 tỉ kWh, lũy kế 8 tháng sản lượng toàn hệ thống đạt 130,4 tỉ kWh, tăng 7,64% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN 8 tháng ước đạt 113,9 tỉ kWh, tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 9,03%.
EVN và các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong việc vận hành điều tiết các hồ thủy điện lớn ở phía Bắc, thực hiện nghiêm việc đóng/mở cửa xả lũ các công trình thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Công tác chủ động ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6 và số 7 được các đơn vị triển khai thực hiện rất tích cực, khôi phục nhanh nhất có thể các sự cố về điện tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Về tình hình vận hành hệ thống điện, từ ngày 17 đến 30-8, hệ thống khí PM3 - Cà Mau ngừng khai thác để bảo dưỡng sửa chữa định kỳ, dẫn đến tạm ngừng vận hành, huy động Nhà máy Điện Cà Mau (1500 MW) trong khoảng thời gian này. Trào lưu truyền tải vẫn theo hướng từ miền Bắc vào miền Trung, miền Nam với sản lượng điện truyền tải ước đạt 14,88 tỷ kWh. Công suất truyền tải cao nhất trên trên các đường dây 500kV Bắc - Trung là 2.300 MW và Trung - Nam lên tới 4.750 MW. Các hồ thủy điện nước về tương đương hoặc khá hơn giá trị trung bình nhiều năm. Do đó trong tháng 8 các nhà máy thủy điện tiếp tục được huy động cao, các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí huy động hợp lý theo tình hình thực tế.
Dự kiến trong tháng 9, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 563 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 30.300 MW. Hệ thống điện sẽ đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng. EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm theo quy trình điều tiết liên hồ chứa, đồng thời tranh thủ khai thác tối ưu lượng nước về các hồ, ưu tiên khai thác các nhà máy thủy điện đang có mực nước cao và/hoặc nước về tốt. Các nhà máy nhiệt điện than và tua bin khí khai thác theo kế hoạch điều tiết thủy điện, đảm bảo cung cấp điện miền Nam, trong đó ưu tiên huy động tối đa các nguồn điện chạy khí. Tiếp tục đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam.
Về công tác đầu tư xây dựng nguồn điện, trong tháng 9, EVN tiếp tục công tác chạy thử nghiệm tổ máy 1 Nhiệt điện Thái Bình; khẩn trương hoàn thiện công trình để tiến hành nghiệm thu bàn giao các dự án Thủy điện Trung Sơn, Thác Mơ mở rộng; Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Tổng Công ty Điện lực miền Trung tiếp tục hoàn thiện các công trình đảm bảo cấp điện cho các sự kiện của Hội nghị APEC 2017…(PLO)
-------------------------
'Kẻ ăn mày xuyên lục địa' Benjamin Holst muốn quay lại Đông Nam Á
ờ The Star ngày 14.9 đưa tin Hãng hàng không Thai Airways đã từ chối cho Benjamin Holst đáp chuyến bay từ Đức đi Lào do người này nằm trong danh sách đen của hải quan Thái Lan.
Theo Thai Airways, Holst dự định đón chuyến bay từ thành phố Zurich đi Lào, quá cảnh tại Bangkok.
Kẻ ăn mày nổi tiếng này từng “vang danh” tại Thái Lan vào năm 2014 khi lợi dụng bàn chân bị sưng to như bị phù chân voi để xin tiền tại nước này.
Câu chuyện của Holst nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội và thậm chí kênh truyền hình quốc gia Thái Lan cũng đưa tin về anh này.
Thậm chí "đệ tử cái bang" này còn nhận được 50.000 baht (3,4 triệu đồng) từ một tổ chức hỗ trợ người Đức ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Holst sau cùng bị bắt ở Pattaya và bị trục xuất. Kẻ ăn mày này sau đó xuất hiện tại Hồng Kông, Philippines, Indonesia và Singapore.
Năm ngoái, Holst bị bắt gặp ăn xin ở Việt Nam. Trên Facebook, Holst khoe mình đang đi du lịch khắp thế giới, sống buông thả với các cô gái. Có một số ảnh anh ta khoe mình ăn những món đắt tiền, qua đêm tại “phố đèn đỏ”.
Truyền thông Thái Lan và nhiều cư dân mạng xã hội tại nước này đặt cho Holst biệt danh “người Đức bị ghét nhất ở Thái”.(Thanhnien)
--------------------------