Giảm giá tới đáy có giúp thị trường ô tô Việt lặp lại kỷ lục 300.000 xe/năm?; Nga và EU bất đồng về trung chuyển khí đốt qua Ukraine; Tiền ảo bitcoin lao dốc không phanh trước tin đồn Trung Quốc đóng sàn; Đề xuất xây lại ga Hà Nội cao 40 – 70 tầng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-09-2017
- Cập nhật : 15/09/2017
Việt Nam nhập than giá cao từ Trung Quốc
Trung Quốc là nhà đầu tư nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam, than mua từ thị trường này cũng đang có giá cao nhất so với các thị trường khác
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết từ đầu năm đến hết tháng 8, cả nước nhập khẩu gần 9,374 triệu tấn than, tổng giá trị kim ngạch đạt gần 934 triệu USD.
Dù sản lượng giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng trị giá kim ngạch lại tăng đến 49,4%.
Như vậy, dù mới qua 8 tháng đầu năm 2017, nhưng ngoại tệ chi ra để nhập khẩu than đã vượt giá trị nhập khẩu cả năm 2016. Trước đó, năm 2016, nhập khẩu than của Việt Nam đạt 13,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 927 triệu USD. So với năm 2015, tăng 92,4% về lượng và 69,4% về giá trị.
Xét về thị trường nhập khẩu than, Indonesia, Australia, Nga, Trung Quốc, Malaysia... là các thị trường nhập khẩu than chủ yếu của Việt Nam trong 8 tháng qua.
Trong đó, 3 thị trường có sản lượng nhập khẩu trên 1 triệu tấn là Indonesia, Australia, Nga.
Đối với Trung Quốc, trong 8 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu 721.216 tấn than, trị giá 128,45 triệu USD từ thị trường này và xuất khẩu 13.330 tấn than, trị giá 937.122 USD.
Trung Quốc là nhà đầu tư nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam, than mua từ thị trường này cũng đang có giá cao nhất so với các thị trường khác, đạt trung bình 178 USD/tấn, cao hơn mức bình quân cả nước gần 80% và tăng gần 121% so với cùng kỳ năm trước. Thế nên dù sản lượng nhập từ thị trường này giảm gần 640.000 tấn, nhưng trị giá kim ngạch vẫn tăng gần 19 triệu USD.
Trước đó, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từng phát biểu, năm 2017, để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện than, tập đoàn này dự kiến phải nhập khẩu 4,7 triệu tấn than và con số này sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào năm 2020, 19 triệu tấn vào năm 2025.
Ngoài EVN, còn có các nhà máy nhiệt điện của nước ngoài, nhà máy của các tập đoàn khác như Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng phải nhập khẩu than.(ĐVO)
------------------------------
Top 10 dòng xe bán chạy nhất trong tháng 9-2017
Tháng 9 các hãng xe tiếp tục tung ra các chương trình khuyến mãi, tặng tiền mặt cho khách hàng như trong tháng trước.
Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA), trong tháng 8 vừa qua, các thành viên bán ra 22.099 xe, tăng 7% so với tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số này, Toyota Vios tiếp tục đứng đầu về doanh số bán hàng trong tháng 8 với 2.129 chiếc tăng tới 146% so với tháng 8-2016. Hiện mẫu xe này đang được giảm khoảng 60 triệu đồng/xe (đã bao gồm hỗ trợ 30 triệu đồng phí trước bạ).
Đứng thứ hai cũng là một mẫu xe của hãng Toyota, Fortuner với doanh số kỷ lục với 1.808 xe tới tay người tiêu dùng dù không có chương trình khuyến mại, giảm giá. Chỉ mới đây trong tháng 9-2017, Fortuner 2017 mới được hãng tặng ưu đãi khuyến mãi từ 20-25 triệu đồng (từng phiên bản).
Vị trí thứ 3 là Ford Ranger với 1.186 chiếc được bán ra, hiện mẫu xe này có mức giảm giá dao động từ 15-73 triệu đồng.
Hãng xe Nhật Toyota tiếp tục lấn át doanh số bán chạy trên thị trường ô tô Việt Nam là Innova với vị trí thứ 4 bảng xếp hạng với 1.018 được bán ra trong tháng 8-2017.
Các mẫu xe của Thaco Group cũng góp mặt trong top những xe bán chạy nhất thị trường là Mazda CX-5 đứng ở vị trí thứ 5 với 804 chiếc được bán ra.
Thứ hạng thứ 6 thuộc về mẫu xe Kia Morning khi bán được 707 chiếc. Mazda3 vị trí thứ 7 với 678 chiếc được bán ra trong tháng 8-2017.
Honda City, Kia Cerato, Toyota Corolla Altis lần lượt xếp sau trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam trong tháng 8-2017.(PLO)
-------------------------
Mỹ cấm cửa công ty an ninh mạng Nga
Chính quyền Mỹ ngày 13-9 đã yêu cầu các cơ quan chính phủ gỡ bỏ tất cả phần mềm chống virut của công ty an ninh mạng Kaspersky của Nga vì lo ngại ảnh hưởng của Matxcơva.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết các cơ quan chính phủ có 90 ngày để gỡ bỏ và thay thế toàn bộ phần mềm của Kaspersky.
"Bộ quan ngại về mối quan hệ giữa một số quan chức Kaspersky với tình báo Nga và các cơ quan chính phủ khác, và các yêu cầu trong luật pháp Nga cho phép các cơ quan tình báo yêu cầu hoặc bắt buộc Kaspersky hỗ trợ hoặc can thiệp vào các giao tiếp đi qua mạng lưới của Nga" - Reuters dẫn tuyên bố Bộ An ninh nội địa Mỹ.
Theo Bộ trưởng Elaine Duke, chính phủ Nga, dù tự mình hành động hay phối hợp với Kaspersky, có thể lợi dụng việc truy cập thông qua các sản phẩm của Kaspersky nhằm xâm nhập các hệ thống thông tin và thông tin liên bang trực tiếp tác động đến an ninh quốc gia Mỹ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga gia tăng do những cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Công ty công nghệ Nga bác bỏ các cáo buộc và cho biết sẽ chứng minh các cáo buộc này là sai. Kaspersky là một công ty cung cấp giải pháp an ninh cho hơn 400 triệu khách hàng toàn cầu nhưng chưa bao giờ là khách hàng lớn của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên Bloomberg hồi 7-2017 đưa tin đã nhìn thấy các bức thư điện tử giữa nhà lãnh đạo Eugene Kaspersky và thành viên cấp cao của công ty vạch ra một dự án an ninh bí mật theo yêu cầu của cơ quan tình báo Nga FSB.
Các công cụ này được cho là không chỉ chống các vụ tấn công mạng mà còn thu thập thông tin của các tin tặc và chuyển về cho tình báo Nga.(Tuoitre)
---------------------------
Chi 2,6 tỉ đồng để định giá dự án 8.000 tỉ "trùm mềm"
Bộ Công thương đã chi 2,6 tỉ đồng để thuê một công ty trong nước định giá Dự án gang thép Thái Nguyên có vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng nhưng bị trùm mền, không hoạt động.
Thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) vừa cho biết đã lựa chọn được nhà thầu để định giá và đánh giá hiệu quả Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên
Theo đó, đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC).
Mức giá mà Bộ Công thương chi ra cho nhà thầu để định giá dự án Gang thép Thái Nguyên là trên 2,6 tỉ đồng.
Sau khi trúng thầu, Công ty VVFC sẽ trực tiếp làm việc với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - TISCO để có kế hoạch hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 nằm trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương đang được Chính phủ chỉ đạo xử lý.
Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại vướng mắc 12 dự án ngành công thương do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trưởng ban chỉ đạo chủ trì, Bộ Công thương cho biết sau khi Chính phủ chỉ đạo rút 1.000 tỉ đồng vốn góp vào dự án, nhà thầu MCC đã trở lại đàm phán, giải quyết một số vướng mắc với chủ đầu tư.
Việc lựa chọn đơn vị tư vấn để thẩm định giá đối với dự án Gang thép Thái Nguyên nhằm có cơ sở để báo cáo Thủ tướng, đề xuất phương án xử lý đối với dự án và TISCO.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đầu tư đầu tư mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Thái Nguyên được phê duyệt năm 2005 với tổng vốn đầu tư là 3.843 tỉ đồng (cơ cấu nguồn vốn: 45% vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam, 45% Vietinbank và 10% vốn tự có của chủ đầu tư), với công suất 0,5 triệu tấn/năm.
Công ty này đã ký hợp đồng với tổng thầu Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) theo hình thức EPC.
Do sự biến động giá cả của thị trường và các cơ chế chính sách của Nhà nước, quý I-2012 chủ đầu tư đã rà soát lại tổng mức đầu tư của dự án này.
Tổng mức đầu tư được Thủ tướng chấp thuận với mức điều chỉnh là 8.104 tỉ đồng và được HĐQT của Công ty phê duyệt điều chỉnh vào tháng 4-2013.(Tuoitre)