tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-08-2018

  • Cập nhật : 17/08/2018

Trung Quốc bị cáo buộc dùng “Vành đai và Con đường” để do thám

Các chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh dùng dự án "Vành đai và Con đường" để theo dõi nước khác và các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của công ty an ninh mạng FireEye trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc đang sử dụng dự án "Vành đai và Con đường" để thu thập thông tin từ các nước như Belarus, Maldives, Campuchia, các bộ ngoại giao châu Âu và tổ chức phi chính phủ, Financial Times hôm qua đưa tin.

"Trung Quốc dường như quan tâm tới các quốc gia sẵn sàng đầu tư lớn hoặc những nước đang hình thành các chính sách có nguy cơ ảnh hưởng tới những dự án trong tương lai của họ", Phó chủ tịch FireEye Sandra Joyce cho biết.

Việc "Vành đai và Con đường" có thể mang theo mối đe dọa về an ninh mạng làm dấy lên lo ngại về quá trình đấu thầu và động cơ thực sự của Trung Quốc. Samantha Hoffman, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho biết ngoài việc giám sát các dự án khổng lồ hoặc thu thập thông tin, Trung Quốc có khả năng muốn dùng dữ liệu thu thập được để giảm bớt bất đồng với nước khác. "Dữ liệu có thể dùng để kiểm soát các cuộc tranh luận và ý kiến, ảnh hưởng đến an ninh và ngoại giao", bà giải thích.

Được công bố vào năm 2013, sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh hướng tới việc phát triển mạng lưới trên đất liền và biển nối với khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Tuy nhiên, dự án này vấp phải nhiều chỉ trích, chẳng hạn như Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng cáo buộc Trung Quốc đưa ra những hợp đồng "không công bằng".

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào ngày mai, Mahathir dự kiến tìm cách đàm phán lại và có khả năng hủy bỏ các dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD của Bắc Kinh do người tiền nhiệm Najib Razak cấp phép. FireEye tiết lộ các tin tặc Trung Quốc hôm 15/8 có thể đã nhắm vào các công ty và cơ quan nhà nước tại Malaysia, bởi việc xem xét lại các hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến "Vành đai và Con đường".

FireEye cho biết họ đã tìm thấy các dấu hiệu chứng minh hoạt động gián điệp mạng đang tăng lên tại khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh các nhóm tại Trung Quốc tìm cách lấy thông tin về các dự án và giao dịch trong sáng kiến "Vành đai và Con đường".

"Vành đai và Con đường" là dự án xây dựng đã được 71 nước ký kết, dựa trên ý tưởng hồi sinh Con đường tơ lụa từng kết nối Trung Quốc với Trung Á, châu Âu và xa hơn nữa. Mục đích chính của nó là giúp Trung Quốc duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng giúp Bắc Kinh có thêm đối tác thương mại.(Vnexpress)
-----------------------

Trăm bề khó của ngành chè

Hơn một tháng nay bán chè rất khó do đồng USD quá cao, đè nặng lên doanh nghiệp trong nước. Bán chè chậm nhưng doanh nghiệp vẫn phải sản xuất, mua chè cho nông dân.

'Bán chè rất khó do đồng USD quá cao'

Tại cuộc Họp thường niên nhóm công tác PPP ngành hàng thuộc đối tác phát triển bền vững nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó chủ tịch chè Việt Nam cho hay ngành chè đang rất xáo động do tác động của việc thay đổi tỷ giá.

"Hơn một tháng nay bán chè rất khó do đồng USD quá cao, đè nặng lên doanh nghiệp trong nước. Bán chè chậm nhưng doanh nghiệp vẫn phải sản xuất, mua chè cho nông dân", bà Hồng cho hay.

Họp thường niên nhóm công tác PPP ngành hàng thuộc đối tác phát triển bền vững nông nghiệp - Ảnh: Đức Quỳnh Vietnambiz

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 7 đạt 11.670 tấn, trị giá 20,03 triệu USD, giảm 0,1% về lượng và 1,9% về trị giá so với tháng 6. So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu chè giảm 13,2% về lượng và giảm 11,9% về trị giá.

Lũy kế đến hết tháng 7, xuất khẩu chè đạt 68.100 tấn và trị giá 111,2 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thương lái Trung Quốc đứng tên doanh nghiệp Việt Nam gây khó việc mua nguyên liệu

Ngành chè đang phát triển đặc sản chè cổ thụ. Tuy nhiên, bà Hồng cho biết một số doanh nghiệp đứng tên là doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại đưa thương lái Trung Quốc mua với giá cao hơn 50% so với giá doanh nghiệp trong nước. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thu mua nguyên liệu.

Ngoài ra, chính sách thuế VAT áp lên chè xuất khẩu cũng gây trở ngại lớn đối với ngành chè.

Theo đó, chè tươi qua các công đoạn làm héo, vò, lên men, sao, phơi, sấy khô, sàng phân loại thành chè bán thành phẩm để làm nguyên liệu sản xuất chè xanh, chè đen, chè hương là chè khô sơ chế ở khâu kinh doanh thương mại áp dụng thuế suất thuế VAT 5%.

Chè khô sơ chế hoặc chè tươi chế biến thành chè thành phẩm như chè đen, chè xanh, chè hương và các loại chè thành phẩm khác đóng túi lọc, đóng hộp, đóng gói, đóng thùng để xuất khẩu và tiêu dùng trong nước là sản phẩm chè đã qua chế biến, áp dụng thuế suất thuế VAT 10%.

Theo bà Hồng, 80% chè xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu chè phải chịu thuế VAT, sau đó tới 8 tháng sau mới được hoàn thuế. Thủ tục xử lý rất lâu trong khi nguồn vốn thì bị giữ.

Rào cản từ thuốc bảo vệ thực vật

Ngoài ra, vấn đề thuốc bảo vệ thực vật cũng đang là rào cản trong xuất khẩu chè. Mặc dù các doanh nghiệp làm đúng quy trình, liều lượng như trên mác sản phẩm nhưng vẫn bị rơi vào trường hợp dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định.

Một số nơi thuốc không như những gì trên mác, doanh nghiệp làm đúng quy trình nhưng vẫn bị dư lượng thuôc thực vật cao. Trong khi đó, một số thị trường nhập khẩu chè dễ tính của Việt Nam như Pakistan cũng đã bắt đấu siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ thực vật.(Vietnambiz)
------------------------

Chuyên gia cảnh báo khủng hoảng lira Thổ Nhĩ Kỳ có thể xấu hơn nữa

Các chuyên gia thị trường nhận định lira Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hồi phục phần nào từ đáy nhưng điều đó không đồng nghĩa với đợt giảm mạnh của đồng tiền này đã kết thúc.

Với việc không có dấu hiệu xuống thang căng thẳng thuế quan với Mỹ và thiếu một kế hoạch hiệu quả để giải quyết các yếu điểm trong nền kinh tế, khó có niềm tin dài hạn đối với Thổ Nhĩ Kỳ và rủi ro vẫn ở mức cực kỳ cao, theo giới quan sát.

“Tôi nghĩ lira sẽ có một số đợt hồi phục nhanh và khá mạnh nhưng xu hướng thì không tốt. Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng này còn xấu hơn nữa bởi họ không làm gì để thay đổi nó”, Jim McCaughan, giám đốc điều hành Principal Global Investors, London, nói với CNBC.

“Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ có thể thắt chặt chính sách, sẽ làm kinh tế chậm lại nhưng giúp củng cố đồng tiền, có thể là biện pháp giảm thâm hụt thương mại hoặc thâm hụt ngân sách”, McCaughan đề xuất, cho rằng cần có nhiều thay đổi chính sách cơ bản để ổn định lira.

Lira Thổ Nhĩ Kỳ (TRY) được giao dịch với tỷ giá USD/TRY là 5,79 lúc 10h30 giờ Istanbul, hồi phục phần nào từ đáy 7,24 hôm 13/8.

Lira có lúc mất giá 20% so với USD hôm 10/8, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo gấp đôi thuế với kim loại nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, đáp trả việc Ankara không trả tự do cho mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Brunson bị giam tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2016 với cáo buộc gián điệp và âm mưu đảo chính. Brunson bác bỏ.

Lira đã mất giá 40% so với USD kể từ đầu năm, làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng lan rộng và về một đợt bán tháo tại các thị trường mới nổi.

Các nhà đầu tư từ lâu đã kêu gọi các tín hiệu chính sách giúp khôi phục niềm tin vào Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bị chỉ trích vì không để ngân hàng trung ương đủ độc lập trong nâng lãi suất, bất chấp nền kinh tế đang quá nóng và lạm phát vượt 15%, vượt xa mục tiêu 5%.

Lira suy yếu còn tạo ra thảm họa với quá trình trả nợ của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn do Ankara phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ bên ngoài. Nợ nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ đã tương đương 50% GDP.

Trở về

Bài cùng chuyên mục