Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ?; Australia sẽ ký FTA với Indonesia và Hong Kong vào cuối năm nay; “Điểm nóng” đất nền Củ Chi hiện giờ ra sao?
Tin kinh tế đọc nhanh 17-08-2018
- Cập nhật : 17/08/2018
Đồng ruble Nga sụt giá mạnh nhất kể từ năm 2016
Ngày 13/8, tại phiên mở cửa Sàn giao dịch Moskva, tỷ giá giữa đồng USD và ruble (rúp) đã tăng mạnh lên mức 68,66 ruble/USD và ghi dấu lần đầu tiên kể từ tháng 4/2016 tỷ giá phá ngưỡng 68 ruble/USD.
Tỷ giá giữa đồng euro và ruble cũng tăng mạnh lên 78,15 ruble/USD. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2016 đồng USD vượt ngưỡng 78 ruble/euro.
Đồng ruble bắt đầu sụt giá so với đồng USD và đồng euro kể từ ngày 8/8 ngay theo sau các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt với Nga sau khi Washington cáo buộc Moskva đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia tại thành phố Salisbury của Anh hồi tháng Ba.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên “Skripal”. Những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8 tới.
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ được thực hiện thành 2 đợt, trong đó đợt đầu tác động lớn nhất, bao gồm việc cấm cấp phép xuất khẩu các mặt hàng an ninh quốc gia nhạy cảm sang Nga.
Các mặt hàng này bao gồm công nghệ khí đốt và dầu mỏ, một số mặt hàng điện tử và cảm biến. Cũng theo quan chức trên, hãng hàng không Aeroflot lớn nhất của Nga có thể sẽ bị tác động nếu nhập khẩu các mặt hàng bị cấm trong khuôn khổ lệnh trừng phạt.
Phía Nga cho rằng lý do Washington đưa ra để áp đặt trừng phạt là gượng ép. Không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cáo buộc của Mỹ, trong khi phía Mỹ vẫn từ chối giải đáp các thắc mắc của Nga.
Trước đó, hôm 10/8, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố, việc đồng ruble sụt giá mạnh trong những ngày vừa qua là phản ứng bình thường của thị trường sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt Nga. Ngân hàng này nhấn mạnh họ có đủ công cụ để ngăn chặn nguy cơ đe dọa ổn định tài chính.(TTXVN)
--------------------
Vì sao Trung Quốc rút dầu thô khỏi danh sách đánh thuế hàng Mỹ
-“Trung Quốc sẽ tự bắn vào chân mình nếu họ đánh thuế dầu thô nhập khẩu”.
Khi thực hiện lời cảnh báo áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ, Trung Quốc đã rút một mặt hàng quan trọng ra khỏi danh sách dọa đánh thuế ban đầu. Đó là dầu thô.
Trong bản danh sách dự kiến đưa ra hồi tháng 6, Trung Quốc tính áp thuế lên dầu thô nhập khẩu từ Mỹ. Ý định này đe dọa phá hỏng một mối quan hệ vừa mới manh nha: trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã trở thành một trong những khách lớn nhất mua dầu xuất khẩu của Mỹ. Năm 2017, thị trường Trung Quốc chiếm 1/5 xuất khẩu dầu thô của Mỹ.
Tuy nhiên, khi bản danh sách chốt được đưa ra hôm thứ Tư tuần này, dầu thô không còn có mặt, mà thay vào đó là nhiều sản phẩm khác. Bộ Thương mại Trung Quốc không hề đưa ra một lý giải nào cho thay đổi đó.
"Dầu Mỹ sẽ chẳng bị ế"
Theo tờ Wall Street Journal, giới phân tích cho rằng đây có thể là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang đánh giá lại tình hình. Xét tới những yếu tố như nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, các nước bán dầu có thể dễ dàng tìm khách mua mới, và hơn hết là mức độ phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào nguồn dầu nhập khẩu, Bắc Kinh "không dại gì" lại áp thuế lên dầu thô Mỹ.
Hiện nay, khoảng 70% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc được đáp ứng bằng nguồn nhập khẩu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo con số này sẽ tăng lên mức 80% vào năm 2040.
"Trung Quốc sẽ tự bắn vào chân mình nếu họ đánh thuế dầu thô nhập khẩu", nhà phân tích Shane Oliver thuộc AMP Capital Markets phát biểu. "Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào dầu".
Trong vòng 2 năm qua, khối lượng dầu mà Trung Quốc mua của Mỹ đã tăng khoảng 200 lần, nhưng dầu Mỹ mới chỉ chiếm khoảng 3% nhập khẩu dầu của Trung Quốc. Hai nguồn cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc là Nga và Saudi Arabia.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ dầu thô ngọt nhẹ - loại dầu thô chính của Mỹ - đã được bán với giá rẻ hơn so với các loại dầu chua có độ nặng trung bình (medium sour grade) suốt gần hai năm qua. Dầu chua nặng trung bình là loại dầu chủ yếu mà các nhà cung cấp truyền thống của Trung Quốc sản xuất. Trong khi đó, dầu chua nặng trung bình đòi hỏi phải được lọc kỹ hơn và gây ô nhiễm nhiều hơn.
Trong những năm gần dây, các nhà máy lọc dầu ở châu Á, bao gồm ở Trung Quốc, đã điều chỉnh trang thiết bị để phù hợp hơn với việc lọc dầu Mỹ. Bởi vậy, nếu Trung Quốc giảm nhập dầu Mỹ, thì các khách mua khác ở châu Á sẽ dễ dàng nhảy vào lấp chỗ trống.
"Dầu nhẹ của Mỹ sẽ chẳng bị ế", chuyên gia kinh tế cấp cao Erik Norland thuộc CME Group nhận định. "Nếu không được bán sang Trung Quốc, dầu Mỹ sẽ được bán sang thị trường khác, có thể là các quốc gia ở khu vực này hoặc khu vực khác trên thế giới".
Thời điểm bất lợi
Một lý giải khác mà dân trong ngành dầu lửa đưa ra là Trung Quốc đang tạo điều kiện để nước này có thể tiếp tục nhập khẩu dầu lửa từ Iran, cho dù Mỹ tái áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa của Iran vào tháng 11 năm nay.
"Nếu Trung Quốc áp thuế lên dầu thô của Mỹ, thì sẽ khó có chuyện Mỹ miễn trừ trừng phạt để Trung Quốc tiếp tục mua dầu thô Iran", ông Dan Eberhart, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty dịch vụ khoan dầu Canary LLC, nhận định. "Một hành động như vậy sẽ khiến nước Mỹ nổi giận thêm".
Ngoài ra, theo hãng tin Bloomberg, kế hoạch ban đầu về đánh thuế dầu Mỹ của Trung Quốc được đưa ra vào một thời điểm bất lợi đối với các công ty nhập khẩu dầu lửa của nước này. Unipec, một công ty con của hãng dầu lửa quốc doanh Sinopec , rơi vào một cuộc tranh cãi với Saudi Arabia, cho rằng giá dầu của Saudi Arabia quá đắt đỏ. Vì lý do này, Unipec giảm mua dầu của Saudi Arabia và tăng mua dầu Mỹ.
Hiện nay, Trung Quốc và nhiều nước nhập khẩu dầu khác còn đang đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ Iran và Venezuela, nên nguồn cung cấp dầu tư Mỹ càng trở nên quan trọng hơn.
Tháng 6 năm nay, xuất khẩu dầu thô Mỹ sang Trung Quốc đạt 15 triệu thùng, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1996 - theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Với mức nhập này, Trung Quốc trở thành khách mua dầu Mỹ lớn nhất tại châu Á.
Trong khi đó, sản lượng dầu đá phiến tăng bùng nổ đã nâng tổng sản lượng khai thác dầu của Mỹ lên mức kỷ lục 11 triệu thùng/ngày trong tháng 7, củng cố vị thế của Mỹ trong hàng ngũ những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới cùng với Nga và Saudi Arabia.
Bloomberg đánh giá rằng việc Trung Quốc rút dầu thô khỏi danh sách đánh thuế hàng Mỹ là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đã trở thành một lực lượng quá lớn để có thể bị xem thường trên thị trường dầu lửa.(Vneconomy)
----------------------
Mỹ xác nhận sẽ đàm phán thương mại với Trung Quốc
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow xác nhận Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại vào cuối tháng 8, cảnh báo Tổng thống Donald Trump có quyết tâm mạnh mẽ để đảm bảo Washington có một thỏa thuận tốt.
“Chúng tôi đang có tiến triển tốt tại châu Âu, có tiến triển tại Mexico. Chúng tôi sẽ đón một phái đoàn Trung Quốc vào tuần tới”, ông Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, nói hôm nay. “Có thể họ sẽ nối lại đàm phán. Tôi đặc biệt lạc quan về châu Âu và Mexico”.
Kudlow còn là một cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Văn phòng của Kudlow có thể sẽ tham gia khi phái đoàn Trung Quốc tới Mỹ dù ông cho biết David Malpass, Thứ trưởng Tài chính phụ trách vấn đề quốc tế, mới là người đại diện phía Mỹ.
“Chính quyền Trung Quốc không nên coi thường sự cứng rắn và quyết tâm của Tổng thống Trump trong việc duy trì cuộc chiến nhằm xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hạn ngạch, ngăn ăn cắp tài sản trí tuệ, chấm dứt tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ”, theo Kudlow. “Đó là những yêu cầu chúng tôi đã nêu ra”.
Tuyên bố của Kudlow xuất hiện trong bối cảnh thị trường đang lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tránh được một cuộc chiến thương mại, đe dọa khiên kinh tế toàn cầu bất ổn, thúc đẩy đà hiện tại của kinh tế Mỹ.
Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ hành động để thiết lập lại các thỏa thuận thương mại toàn cầu gây bất lợi cho Mỹ. Ông đã nhắm vào Trung Quốc, áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, trong đó thuế với 34 tỷ USD hàng hóa đã có hiệu lực từ đầu tháng 7.
“Hãy chờ xem chuyện gì sẽ tới”, ông Kudlow nói. “Đàm phán đôi khi có thể mang lại kết quả tốt hơn mong đợi”.(NDH)