tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-08-2018

  • Cập nhật : 17/08/2018

Cân nhắc vay vốn Trung Quốc

GS Nguyễn Mại - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư - cho hay không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đang tính toán lại việc nhận ODA của Trung Quốc

Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 đến 2020, tầm nhìn 2025, chỉ rõ vốn ODA Trung Quốc là các khoản vay kém ưu đãi, lãi suất cao hơn so với các nhà tài trợ khác.

Gắn với chỉ định thầu

Cụ thể, vốn vay Trung Quốc thường có lãi suất 3%/năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản 0,4%-1,2%/năm, tùy vào thời hạn vay; Hàn Quốc 0%-2%/năm tùy theo điều kiện đấu thầu hay Ấn Độ 1,75%/năm... Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc còn phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác.

Cân nhắc vay vốn Trung Quốc - Ảnh 1.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bị chậm tiến độ 10 năm Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Đặc biệt, đây là các khoản vay có điều kiện, thường là chỉ định thầu cho các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc. Đáng nói là một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng, tăng tổng mức đầu tư…

Ví dụ, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 10 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và đội vốn từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD do trượt giá nguyên vật liệu cũng như giá nhân công. Hay như 1/3 trong 12 dự án đắp chiếu của ngành công thương cũng sử dụng vốn vay từ Trung Quốc như: Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Đạm Hà Bắc, mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên...

Theo Bộ KH-ĐT, trước hiện trạng trên, định hướng trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc.

GS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, đánh giá chính việc đàm phán vay vốn Trung Quốc với các điều khoản dễ dãi, lỏng lẻo và thiếu thận trọng trong chọn nhà thầu đã dẫn đến tình trạng bị đội vốn bởi những lý do không lường hết được, như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. "Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước cũng đang tính toán lại việc nhận ODA của Trung Quốc, chẳng hạn như Malaysia là quốc gia từng được Trung Quốc tài trợ 17,7 tỉ USD để làm tuyến đường sắt ven biển phía Đông" - GS Nguyễn Mại cho hay.

Ông Mại cũng lưu ý trong tình huống không thể từ chối được vốn Trung Quốc, khi đàm phán cần cẩn trọng trong điều khoản, lựa chọn kỹ lưỡng nhà thầu, chủ đầu tư…

Chiến lược "rút lui ODA"

Theo một chuyên gia về đầu tư nước ngoài, không chỉ vốn từ Trung Quốc, nhìn chung vốn ODA từ mọi nguồn chỉ là kênh huy động ngoại tệ tạm thời. Mục đích là để có được nguồn ngoại tệ phục vụ tiếp cận công nghệ, đầu tư tài sản và các kiến thức chuyên môn tiên tiến. Về lâu dài, cần có chiến lược để tiếp cận được tất cả những yếu tố nói trên mà không cần đến vốn ODA. "Đây có thể được gọi là "chiến lược rút lui". Tức là cần tập trung xây dựng thị trường vốn trong nước, tiếp cận thị trường vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước để tiệm cận dần đến trình độ quốc tế" - vị chuyên gia này phân tích.

Bộ KH-ĐT cho biết do Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA" (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới - WB) từ ngày 1-7-2017 nên sẽ tiếp cận nguồn tài chính ít hơn từ WB. Dự kiến, đầu năm 2019, Việt Nam cũng bị hạn chế vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Như thế, Trung Quốc vẫn sẽ là một địa chỉ cung cấp vốn có ý nghĩa nhất định với Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), trong bối cảnh không thể trông đợi nguồn vốn khi các ngân hàng bắt đầu chuyển sang sử dụng nguồn cho vay kém ưu đãi và tiến tới cho vay theo điều kiện thị trường, Việt Nam vẫn cần phải tìm vốn để đầu tư. Ông chỉ lưu ý cân nhắc sử dụng các nguồn vốn ưu đãi hơn, tránh nhận bất lợi về phía mình.(NLĐ)
------------------

350 tờ báo Mỹ đồng loạt chống lại “cuộc chiến với truyền thông” của Tổng thống Trump

Các cơ quan truyền thông Mỹ đang hưởng ứng chiến dịch do Boston Globe khởi xướng chống lại hành động công kích từ Tổng thống.

Khoảng 350 tờ báo lớn nhỏ của Mỹ tới nay đã tham gia vào chiến dịch do Boston Globe phát động nhằm chống lại cái mà họ gọi là "cuộc chiến dơ bẩn" của Tổng thống Donald Trump nhắm vào giới truyền thông, theo BBC.

Tờ Boston Globe có trụ sở ở Massachusetts tuần trước đăng bài xã luận "Nhà báo không phải kẻ thù", kêu gọi các cơ quan truyền thông trên toàn quốc cùng chống lại hành động tấn công báo chí của Trump bằng hashtag #EnemyOfNone (Không phải kẻ thù của ai).

Tổng thống Mỹ thường xuyên gọi các bản tin trên truyền thông nước này là "tin giả" và tố cáo các nhà báo là "kẻ thù của người dân". Nhiều chuyên gia Liên Hợp Quốc nói rằng những lời công kích như vậy có nguy cơ làm gia tăng bạo lực đối với các nhà báo.

Ban đầu có 100 hãng tin hưởng ứng lời kêu gọi của Boston Globe, sau đó tăng dần lên với sự tham gia của nhiều tờ báo lớn nhỏ tại Mỹ cũng như các cơ quan truyền thông quốc tế như tờ Guardian của Anh.

Hưởng ứng chiến dịch, tờ New York Times có bài viết "Tự do báo chí cần các bạn", gọi những cuộc công kích của ông Trump là "nguy hiểm đối với huyết mạch dân chủ". Bài xã luận này đã được đăng lại trên hàng chục ấn phẩm phụ.

New York Post cũng lập luận rằng việc báo chí đăng những thông tin tiêu cực không có nghĩa là đưa tin sai và nhiệm vụ của các nhà báo là phải tiếp tục đưa tin.

Tờ Philadelphia Inquirer thì cho rằng "nếu báo chí Mỹ không được giải phóng khỏi những khiển trách, trừng phạt và hoài nghi khi đưa ra quan điểm hay thông tin trái chiều, cả đất nước và người dân Mỹ cũng không được tự do".

Nhà xuất bản McClatchy cho đăng một bài xã luận trên 30 tờ nhật báo mà họ quản lý, trong đó có Miami Herald, cho rằng thuật ngữ "kẻ thù của nhân dân" chính là "cách mà Đức quốc xã gọi người Do Thái".

Topeka Capital-Journal, tờ báo từng ủng hộ Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, khẳng định việc tấn công truyền thông của ông Trump là "độc ác, mang tính phá hoại và phải chấm dứt ngay".

Tuy nhiên, không phải tất cả các tờ báo Mỹ đều ủng hộ chiến dịch này.

Bình luận viên Tom Tradup của trang bảo thủ Townhall.com gọi chiến dịch của Boston Globe là một "nỗ lực thảm hại để lấy lại danh tiếng", nói rằng ông và nhiều người khác sẽ "không bỏ ra xu nào để mua báo ngày 16/8".

Tờ Wall Street Journal không tham gia vào chiến dịch. Một bài viết trước đó của nhà báo James Freeman cho rằng Trump được quyền tự do ngôn luận và chiến dịch của tờ Globe lại đang chống lại chính quyền tự do mà họ tìm kiếm.

Hiện chưa rõ tác động của chiến dịch do Boston Globe khởi xướng chống lại Trump đối với tỷ lệ ủng hộ cho Tổng thống Mỹ. Một cuộc khảo sát do Đại học Quinnipiac công bố hôm 14/8 cho thấy 51% cử tri đảng Cộng hòa tin rằng truyền thông hiện nay là "kẻ thù của người dân hơn là một phần quan trọng của nền dân chủ".

Tuy nhiên, 65% người Mỹ nói chung được hỏi thì khẳng định truyền thông vẫn là một bộ phận quan trọng của nền dân chủ nước này, khảo sát cho thấy.(Vnexpress)
---------------------------

34 dự án lát đá vỉa hè tại Hà Nội có sai phạm

UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện xử lý, khắc phục sau thanh tra đối với các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận.

UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện đúng chủ trương và nguyên tắc chỉ đạo trong việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang vỉa hè các tuyến phố theo chỉ đạo của Bí thư Hà Nội trong văn bản công bố ngày 1/8.

Theo đó, các địa phương không triển khai thực hiện tràn lan, chỉ được triển khai thực hiện khi đáp ứng yêu cầu: Đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật: cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cấp điện, thông tin liên lạc, chỉnh trang mặt tiền,...).

Ngoài ra, Hà Nội chỉ đạo chỉ tiến hành chỉnh trang, lát đá ở một số quận nội thành, tập trung khu vực nội đô; tại các quận khác cần xem xét, đánh giá mức độ cần thiết, nếu đáp ứng được các yêu cầu về đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thì tiến hành cải tạo theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Đối với UBND các quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP tại các Văn bản số 816/UBND-ĐT ngày 02/3/2018, số 1882/UBND-ĐT ngày 03/5/2018.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn Thành phố” thay thế cho “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn Thành phố, đảm bảo phù hợp với kiến trúc, cảnh quan, mỹ quan đô thị, báo cáo UBND Hà Nội.

Trước đó, tháng 2/2018, Thanh tra TP Hà Nội công bố hàng loạt sai phạm trong quá trình lát đá vỉa hè. Cụ thể, có 34 dự án tại 8 quận Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Ba Đình có thiết kế mẫu hè đường còn tồn tại các loạt đá dùng trong bê tông lót nền hè, không thống nhất; mạch vữa liên kết giữa các viên đá lát không ghi kích thước. Việc thiết kế kết cấu hè chưa đúng, thiếu các chỉ tiêu nhóm đá, chỉ tiêu đá lát hè theo hướng dẫn sử dụng và phần bản vẽ mẫu ban hành kèm theo quyết định của UBND Hà Nội.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục