tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 17-12-2015

  • Cập nhật : 17/12/2015

Vì sao nhà đầu tư Hàn Quốc “ồ ạt” đến Việt Nam?

vi sao nha dau tu han quoc “o at” den viet nam?

Vì sao nhà đầu tư Hàn Quốc “ồ ạt” đến Việt Nam?


Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi tạo ra việc làm cho 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2014.

Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 25 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Lũy kế đến tháng 7/2015, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 39,5 tỷ USD với 4.555 dự án đầu tư còn hiệu lực. Nếu tính cả các dự án của Samsung, Hyosung và một số tập đoàn khác đầu tư qua nước thứ 3 (Singapore, BVI, Thổ Nhĩ Kỳ ...).

Tổng vốn FDI lũy kế của Hàn Quốc tại Việt Nam có thể lên tới 50 tỷ USD, chiếm khoảng 18,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam và cao hơn 12 tỷ USD so với Nhật Bản, đối tác FDI thứ 2 tại Việt Nam.

“Có thể nói FDI của Hàn Quốc đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, đóng góp tới 47% tổng vốn FDI vào Việt Nam, gấp 7,8 lần vốn FDI của Nhật Bản, gấp 15,6 lần Singapore và gấp 8,3 lần Đài Loan - những đối tác FDI truyền thống đứng thứ 2,3,4 của Việt Nam” – Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Theo kết quả khảo sát năm 2015 của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 3% trong 3 năm qua đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015.

Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi tạo ra việc làm cho 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2014.

Theo đánh giá của Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động cạnh tranh, chi phí nhân công rẻ, cần cù. Tốc độ tăng trường kinh tế ổn định cũng là một trong những nhân tố thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam.

Năm 2015, dự kiến thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên 2.200 USD/người, quy mô nền kinh tế đạt 204 tỉ USD. Thị trường tiêu thụ tiềm năng, có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm Hàn Quốc và tương đối mở, dễ tiếp cận, thân thiện, có thiện cảm với các sản phẩm Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi; chính sách ưu đãi tương đối cạnh tranh với mức thuế TNDN khá thấp so với các nước trong khu vực… khiến Việt Nam hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư Hàn Quốc.

Trong số các nước ASEAN có thu nhập dưới 10,000 USD, doanh nghiệp Hàn Quốc thường so sánh Việt Nam với Indonesia, Myanmar và Campuchia về cơ hội và môi trường đầu tư. Đặc biệt khi hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương vào tháng 5/2015.

Việc thực hiện hiệp định này chắc chắn sẽ đưa đến những hợp tác về thương mại và đầu tư có chất lượng hơn, có chiều sâu hơn, ví dụ như những cam kết của Việt Nam về các dịch vụ và các hoạt động đầu tư đối với các công ty Hàn Quốc trong khuôn khổ VKFTA. Ngoài ra, Hàn Quốc và ASEAN cũng đã ký gói cam kết đầu tiên của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc.

“Việt Nam là quốc gia đang phát triển “mở” nhất khu vực ASEAN với tiềm năng trở thành thành viên của TPP, Hiệp định Việt Nam - EU trong thời gian tới” – báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.


VEC tiếp tục hoàn chỉnh phương án cổ phần hóa

Báo cáo tình hình triển khai công tác tái cơ cấu (TCC), cổ phần hóa (CPH) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC cho biết, từ cuối tháng 11/2015, Bộ Tài chính có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh tăng vốn điều lệ VEC, sau đó Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến của các Vụ liên quan và tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Tổng Giám đốc Mai Tuấn Anh, hiện VEC đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn tất công tác TCC, điều chỉnh vốn điều lệ để chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định của Chính phủ.

VEC cũng đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, xác định vốn điều lệ, làm việc với Văn phòng Chính phủ để thông qua phương án tài chính 5 dự án đường bộ cao tốc, thiết lập cơ chế xử lý bù đắp thiếu hụt dòng tiền của 2 Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ngoài ra, VEC cũng đang xây dựng cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, mô hình đầu tư, vận hành, khai thác các dự án đường cao tốc; chuẩn bị hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của VEC và trình Bộ GTVT dự toán chi phí CPH.

Theo đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), công tác TCC, CPH của VEC đã trải qua hàng loạt giải trình, báo cáo bổ sung từng phương án, đến nay Bộ GTVT đã có báo cáo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. VEC hoàn toàn có cơ hội tốt để chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với quy mô vốn điều lệ đang ở mức khởi điểm ban đầu 32.000 tỷ đồng, nhưng tương lai có thể tăng lên 71.000 tỷ đồng./.


Vì sao nhiều tập đoàn đa quốc gia lại thoát án chuyển giá trốn thuế?

Hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đình đám thế giới đang đầu tư kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam có nghi án chuyển giá, trốn thuếnhư Coca-Cola, Metro, Keangnam Vina...

Mất quyền đánh thuế vì hiệp định tránh đánh thuế hai lần?

Thế nhưng, những nghi án đưa ra vẫn chỉ là “nghi án”, khi mà đến thời điểm này hầu như số vụ việc bị phát hiện chuyển giá, trốn thuế chính thức mới chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Trong đó, phải kể đến vụ việc đình đám nhất liên quan đến việc cơ quan ngành thuế kết luận hãng phân phối của Đức – Công ty Metro Cash & Carry có vi phạm.

Theo đó, sau đợt thanh, kiểm tra về chống chuyển giá tại Tập đoàn đa quốc gia này cơ quan thuế của Bộ Tài chính khẳng định đã phát hiện nhiều vi phạm tại doanh nghiệp và yêu cầu xử lý, truy thu nộp vào ngân sách Nhà nước 507 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là hành vi chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ tại Đức.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó trưởng ban cải cách Tổng cục thuế (Bộ Tài chính), việc ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với nhiều nước không chỉ khiến cho việc truy thu thuế gặp nhiều thách thức, mà còn “làm khó” các lực lượng chức năng trong việc giành quyền kiểm soát thuế, đánh thuế với các DN nước ngoài khi có vấn đề liên quan đến chuyển giá, trốn thuế.

Dẫn chứng với Hà Lan là nước mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần vào năm 1995, ông Tiến cho biết theo quy định quốc tế thì nơi nào có luật thì tòa án phải xử ở đấy, dù tranh chấp tài sản là bất động sản nhỏ đến đâu thì quyền tài phán cũng là nơi có tài sản ấy.

Như vậy, đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng mà Việt Nam ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được quyền xét xử tài sản ở Việt Nam và cơ quan chức năng Việt Nam không có quyền tài phán trong việc đánh thuế hay xử lý các vấn đề khác.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo ông Tiến, là do Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với nhiều nước/quốc gia trong giai đoạn chưa phát triển nền kinh tế thị trường. Do đó, chưa hiểu biết hết về kinh tế thị trường và những vấn đề liên quan nên phải chịu phần bất lợi khi thực thi Hiệp định.

Cơ quan thuế phải "đau đầu"

Đặt trong bối cảnh nền kinh tế số, với nhiều thách thức thuế liên quan xác định đặc điểm thu nhập, trong khi chủ thể lại không cần hiện diện nên ông Tiến cho rằng vấn đề khai thuế, quản lý và kiểm soát thuế như thế nào cũng là đặt ra với cơ quan quản lý ngành thuế. Trong khi hiện nay, chính sách thuế chưa có quy định rõ ràng, chưa tương thích để có thể quản lý có hiệu quả hoạt động này.

Bên cạnh đó, nguyên tắc xác định tiêu thụ hàng hóa cũng là vấn đề được đặt ra. Đặc biệt với những giao dịch xuyên biên giới, cá nhân mua và đặt hàng trực tiếp trên mạng vấn đề đặt ra với cơ quan chức năng là thu thuế và xem xét lại thuế nhà thầu. Bởi vấn đề này liên quan đến việc bảo hành công trình của doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam.

Ngoài ra, vấn đề chính sách thuế phải thay đổi do những điều kiện và phương thức hoạt động trong nền kinh tế số, chức năng của DN và các hoạt động trong khái niệm sản xuất trực tiếp thay đổi. Do đó, ông Tiến thừa nhận những vấn đề trên không chỉ làm cho nhà quản lý đau đầu mà cả những nhà chính sách thuế cũng phải đau đầu với hoạt động này.

“Nếu cúng ta không làm lại thuế thì ta mất thuế và cần phải có tiếng nói của của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành cùng Chính phủ trong việc định hướng lại quyền đánh thuế. Nghiên cứu và kiểm tra lại từ khâu xem xét cơ sở thường trú, những nội dung trong hiệp định tránh đáh thuế hai lần. Tới đây chúng tôi sẽ có khuyến nghị” – ông Tiến khuyến nghị.


Sẽ yêu cầu Mỹ điều chỉnh nếu quy định về cá tra không đúng chuẩn

“Mỹ đã đưa ra một số điều khoản mới mà có thể người nuôi cũng như cơ sở thu gom sơ chế, chế biến cá tra phải điều chỉnh so với thực tại thực hành đang áp dụng".

Các doanh nghiệp và người nuôi cũng phải sẵn sàng điều chỉnh những gì nằm trong khả năng có thể và phù hợp với chuẩn mực thông lệ quốc tế. Còn những vấn đề trong quy định của Mỹ không phù hợp với chuẩn mực quốc tế thì chúng ta phải đấu tranh,” ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.​

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản, nếu không tuân theo quy định mới của Mỹ, chắc chắn hàng cá tra của Việt Nam sẽ không xuất khẩu được vào thị trường này.​

Mỹ đã đưa ra quy định yêu cầu cho Việt Nam. Chẳng hạn như trước tháng 3/2016, Việt Nam sẽ phải cung cấp danh sách các cơ sở hiện xuất khẩu, cũng như các tài liệu bằng văn bản của cơ quan quản lý và điều kiện tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu tại Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA).​

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, qua khoảng thời gian ngắn nghiên cứu cũng thấy một số điểm trong các quy định của Mỹ chưa thực sự phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đó là việc điều chuyển cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm đối với loài cá da trơn. Trước đây vấn đề này do FDA chịu trách nhiệm quản lý, giám sát.​

FDA yêu cầu các nhà máy muốn xuất khẩu sang Mỹ phải áp dụng hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) và phía FDA sẽ định kỳ sang kiểm tra. Nhưng nay lại chuyển sang Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong khi phương thức quản lý của Bộ Nông nghiệp Mỹ không giống như của FDA.​

Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu nước nào muốn xuất khẩu sản phẩm cá da trơn, trong đó có cá tra, basa Việt Nam phải có hệ thống pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật tương đương với Mỹ. Điều đó tức là họ sẽ đánh giá hệ thống luật lệ của Việt Nam, các năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam và xem xét hệ thống pháp luật, năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam có tương đồng với Mỹ hay không. Sau đó mới tiến đến công nhận tương đương với Mỹ. So với cách làm trước đây của FDA, cách làm hiện tại của Bộ Nông nghiệp Mỹ là theo hệ thống.​

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, một quốc gia đáp ứng được theo hệ thống sẽ khó hơn, phức tạp hơn và mất thời gian hơn. Điều chúng ta quan ngại nhất là sẽ mất nhiều thời gian để phía Mỹ có thể sang kiểm tra và tiến đến công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất cá tra, cá basa Việt Nam là tương đương với các quy định của Mỹ.​

Theo đánh giá ban đầu của ông Nguyễn Thanh Bình, Việt Nam đã có nhiều điều kiện tương đương nhưng chưa thành hệ thống giống như Mỹ. Các quy định trong sản xuất cá tra, cá basa của Việt Nam có thể có trong văn bản này, văn bản kia nhưng vấn đề là cần tập hợp để so sánh với quy định của Mỹ. Từ khâu chế biến, phía Mỹ đã có các đoàn kiểm tra và công nhận chất lượng.​

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đăng ký với Mỹ và phía Mỹ cũng đã cho phép nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào từ trước đến nay. Hiện Việt Nam có khoảng gần 500 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn của EU. Khi đã đạt tiêu chuẩn của EU thì đạt tiêu chuẩn tương đương của Mỹ sẽ không có khó khăn nhiều.​

“Vấn đề ở khu vực nuôi sẽ nhiều hơn. Cần phải thống kê các quy định của Việt Nam và so sánh xem có tương đương hay không. Cái nào có thể làm được, cái nào có thể phải thay đổi hoặc không làm được,” ông Nguyễn Thanh Bình đánh giá.​

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban phát triển thủy sản bền vững, Trung ương Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến đã đạt điều kiện xuất khẩu vào châu Âu, đã có tên trong danh sách xuất khẩu vào Mỹ. Do đó, vấn đề sẽ không nằm nhiều ở doanh nghiệp chế biến mà nằm ở vùng nuôi, cơ sở sản xuất thức ăn, cơ sở sản xuất con giống... Nay phải xâu chuỗi tất cả thứ đó lại, sản xuất theo chuỗi và điều này Việt Nam chưa làm được nhiều.​

Quy định của Mỹ đưa ra một số điều kiện, yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng, thu gom, vận chuyển, sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Mỹ cũng đưa ra các tiêu chuẩn quy chuẩn và Việt Nam cũng có các tiêu chuẩn quy chuẩn.​

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, vấn đề là sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Mỹ đưa ra với của Việt Nam khác nhau như thế nào. Quan trọng hơn là tiêu chuẩn, quy chuẩn mà phía Mỹ đưa ra có phù hợp với chuẩn mực thông lệ quốc tế hay không.​

Nếu trong quá trình nghiên cứu thấy quy định nào của Mỹ chưa thực sự phù hợp với các Hiệp định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những quy định của Tổ chức Nông lương liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hay tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Codex sẽ yêu cầu Mỹ giải trình, điều chỉnh sao cho phù hợp với các quy chuẩn quốc tế. Đồng thời đề nghị Mỹ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam đáp ứng được yêu cầu.​

“Chúng ta phải nghiên cứu toàn diện và đầy đủ và tất cả điểm gì của Mỹ chưa phù hợp với thông lệ quốc tế thì sẽ đề nghị phía Mỹ điều chỉnh. Những gì đã phù hợp cũng đề nghị phối hợp với Việt Nam để làm sao quy định của Mỹ ban hành ra không cản trở thương mại giữa hai nước. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ và tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những văn bản với Mỹ về những điểm không phù hợp với chuẩn mực quốc tế thì đề nghị điều chỉnh. Đồng thời, cũng phải có thời gian chuyển tiếp đủ lớn để Việt Nam có thể đủ thời gian hoàn chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như năng lực thực thi để đáp ứng yêu cầu tương đương. Trong thời gian đó, Việt Nam cần sự hợp tác của Mỹ để duy trì xuất khẩu, không để gián đoạn xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ," ông Nguyễn Như Tiệp cho hay.​

Nếu sau khi nghiên cứu đầy đủ và toàn diện, thấy rằng việc ban hành quy định này không phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu đến cả phương án là khởi kiện ra WTO. Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để có thể nói rằng các quy định của Mỹ so với chuẩn mực quốc tế là không phù hợp ở mức độ nào. Nếu vấn đề về kỹ thuật không phù hợp thì có thể đề nghị họ điều chỉnh. Còn nếu sai về mặt phương thức, sai về nguyên tắc thì chúng ta có thể xem xét phương án khởi kiện.

Ông Nguyễn Như Tiệp cũng cho biết, sẽ nghiên cứu kỹ và phối hợp với các ban ngành để phổ biến các quy định với người nuôi, cơ sở thu gom, chế biến xuất khẩu


Xuất khẩu cua ghẹ sang các thị trường chính đều giảm

xuat khau cua ghe sang cac thi truong chinh deu giam

Xuất khẩu cua ghẹ sang các thị trường chính đều giảm


Theo VASEP, tính riêng trong tháng 10, giá trị xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam chỉ bằng 73,5% của cùng kỳ năm trước. Điều này khiến tổng giá trị xuất khẩu cua ghẹ 10 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm 2014.

Xuất khẩu cua ghẹ sang 3 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và EU đều giảm lần lượt là 32%, 16% và 34%.

Đối với thị trường Mỹ, VASEP cho biết, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sang Mỹ trong 4 tháng gần đây cũng giảm liên tục. Sự sụt giảm tại thị trường lớn nhất, chiếm gần 48% tổng giá trị xuất khẩu cua ghẹ, chính là nguyên nhân chính khiến tổng giá trị xuất khẩu cua ghẹ sang các nước trên thế giới của Việt Nam giảm.

Do sụt giảm liên tục, nên 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cua ghẹ sang đây chỉ đạt gần 45,5 triệu USD, giảm hơn 18% so với cùng kỳ.

Thị trường Nhật Bản, sau khi tăng trưởng tốt trong quý 3 năm nay, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 10 đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu cua ghẹ sang Nhật Bản trong tháng 10 chỉ đạt gần 3,7 triệu USD, giảm hơn 16% so với tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, với xuất khẩu cua ghẹ sang đây trong 10 tháng đầu năm hầu hết đều tăng trưởng tốt, nên tổng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng vẫn tăng hơn 22% so với cùng kỳ, đạt gần 19 triệu USD.

Và với kết quả này, Nhật Bản đã vượt qua EU đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các thị trường xuất khẩu cua ghẹ chính của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015.

Với thị trường EU, từ tháng 6 trở lại đây, xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường EU của Việt Nam giảm liên tục. Tốc độ sụt giảm càng về cuối năm càng tăng. Chính sự sụt giảm này khiến thị trường này tụt xuống vị trí thứ 3. Giá trị xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sang đây trong tháng 10 chỉ đạt gần 1,7 triệu USD, giảm hơn 34% so với cùng kỳ. Và trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất gần 17 triệu USD các sản phẩm cua ghẹ sang đây, giảm hơn 18% so với cùng kỳ.

Với tình hình như hiện nay VASEP dự kiến, 2 tháng cuối năm, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sẽ phục hồi, tuy nhiên lượng tăng sẽ không nhiều. xuất khẩu sang thị trường EU và Nhật Bản sẽ tiếp tục giảm trong từng tháng do ảnh hưởng của đồng EUR và JPY.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-08-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-08-2016

    Lạm phát của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp trong 10 tháng
    Giá cà phê Việt Nam giảm theo xu hướng thế giới
    Sản lượng thép không gỉ 6 tháng đầu năm của Trung Quốc tăng 8%
    Nhật Bản phê duyệt 130 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 04-08-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 04-08-2016

    Dư nguồn cung xi măng không ít chông chênh
    Chuỗi cửa hàng Cà phê Vpresso mở rộng nhượng quyền tại Việt Nam
    DIC Corp và bài toán xoay sở trong chiếc chăn hẹp
    PJICO: Lợi nhuận 6 tháng tăng 22,6%

  • Tin kinh tế đọc nhanh 04-08-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh 04-08-2016

    Chiến thắng trong vụ kiện tôm sẽ thúc đẩy hàng hóa Việt Nam sang Mỹ
    Có hơn 1.000 tỷ USD tiền mặt nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn hoang mang lo sợ
    Thương vụ MobiFone - AVG: AVG được định giá 16.565 tỷ đồng?
    Terra Wood muốn đầu tư 400 triệu USD vào các dự án điện gió, điện mặt trời tại Quảng Ngãi

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 03-08-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 03-08-2016

    Ngân hàng Quốc dân: Lợi nhuận trước thuế đạt...1 tỷ đồng trong quý II
    Phó Thống đốc nói gì về nợ xấu tăng đột biến ở một số ngân hàng?
    Ngân hàng Quân đội: Kinh doanh không khởi sắc, lợi nhuận quý II giảm so với cùng kỳ
    SHB: Chi phí hoạt động tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế quý II giảm 16% so cùng kỳ

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-08-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-08-2016

    Iran cho biết thị trường dầu mỏ dư cung và sẽ tái cân bằng để phục hồi
    Trung Quốc sẽ cắt giảm diện tích trồng ngô 9% vào năm 2020
    Xuất khẩu dầu thô từ phía nam Iraq tăng lên 3,2 triệu thùng/ngày trong tháng 7
    Các nhà sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản thúc đẩy sản xuất

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-08-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-08-2016

    Gỗ Trung Quốc bị tố đội lốt, chèn ép doanh nghiệp Việt
    Nhập khẩu dầu thô của châu Á từ Iran tăng 47,1% lên trêm mức cao 4 năm
    Mexico áp thuế chống bán phá giá với thép tấm mạ kẽm Trung Quốc
    Trái cây sắp “vượt mặt” lúa gạo

     

  • Tin kinh tế đọc nhanh 03-08-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh 03-08-2016

    Nhật thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 274 tỷ USD
    Toyota chính thức sở hữu hoàn toàn Daihatsu
    Công ty mẹ - TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam sắp IPO
    NHTW Úc giảm lãi suất xuống thấp nhất lịch sử để chống giảm phát

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-08-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-08-2016

    Uber Trung Quốc sẽ sáp nhập vào Didi Chuxing?
    Trung Quốc xem xét thành lập 2 “siêu tập đoàn” thép
    Vingroup lấy ý kiến cổ đông phát hành 484 triệu cổ phiếu tăng vốn
    Vinamilk báo lãi gần 5.000 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch năm
    Thanh khoản thừa mà lãi suất huy động vẫn tăng

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-08-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-08-2016

    Doanh nghiệp chế biến điều: Thiếu nguyên liệu
    Giá gas giảm tháng thứ 3 liên tiếp
    Mỹ và châu Âu đồng loạt giáng đòn đau vào thép Trung Quốc
    Thép dây hợp kim được miễn trừ thuế nhập khẩu
    Xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-08-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-08-2016

    Khả năng EU dỡ bỏ trừng phạt đối với một bộ phận của nền kinh tế Nga
    ICO: Xuất khẩu cà phê thế giới giảm 11% trong tháng 6
    Saudi Aramco cắt giảm giá dầu thô Arab nhẹ bán sang châu Á
    Giá gạo Thái Lan giảm, gạo Ấn Độ tăng
    Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 7 có thể cao kỷ lục