Casino Group muốn bán Big C VN
Dệt may khó đạt mục tiêu xuất khẩu năm
Quản lý thị trường nộp ngân sách 400.000 đồng/vụ vi phạm
Việt Nam buộc khai thác thêm dầu vì giá giảm?
Tháng 12 sẽ có kết luận về vụ phân bón của Công ty Thuận Phong
Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-12-2015
- Cập nhật : 16/12/2015
Việt Nam tiếp tục xuất siêu gần 300 triệu USD trong tháng 11
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt 13,89 tỷ USD; giảm 2,9% so với tháng trước.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 148,24 tỷ USD; tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, điện thoại các loại và linh kiện vẫn đóng vai trò chủ lực với giá trị xuất khẩu 11 tháng năm 2015 đạt 28,44 tỷ USD; tăng 29,5% so với cùng kỳ. Theo sau đó là hàng dệt may với giá trị xuất khẩu đạt 20,63 tỷ USD; tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Ở chiều ngược lại, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11/2015 đạt 13,63 tỷ USD; giảm 1,3% so với tháng trước. Kết quả đạt được trong tháng 11 đã nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước 11 tháng lên 151,1 tỷ USD; tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng nhập khẩu chính trong 11 tháng qua bao gồm: Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 25,1 tỷ USD; tăng 24,7% so với cùng kỳ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,4 tỷ USD; tăng 26,3% so với cùng kỳ; vải các loại đạt 9,3 tỷ USD; tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2014…
Như vậy, sau tháng 10 xuất siêu 500 triệu USD, tháng 11/2015 cả nước tiếp tục xuất siêu 260 triệu USD, đưa thâm hụt thương mại 11 tháng giảm xuống còn 2,86 tỷ USD; bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 195/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008, tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Điều 2 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thông tư cũng quy định rõ về đối tượng không chịu thuế. Theo đó, hàng hóa quy định nêu trên không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong các trường hợp sau: Hàng hóa do cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu, bao gồm hàng hoá do các cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài gồm cả hàng hoá bán, gia công cho doanh nghiệp chế xuất, trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi bán cho doanh nghiệp chế xuất; hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế; hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm ở nước ngoài.
Đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng gồm hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp: Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng, quà biếu; hàng hóa quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn không phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng với số hàng thực tái xuất khẩu; hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế nhập khẩu của cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam; hàng nhập khẩu để bán miễn thuế tại các cửa hàng bán hàng miễn thuế theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng gồm hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hoá từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hoá được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ hai loại hàng hóa sau: hàng hóa được đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có dân cư sinh sống, không có hàng rào cứng và xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.
Ngoài ra tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch và tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng cũng không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp tàu bay, du thuyền thuộc diện không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng sau đó không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch và mục đích an ninh, quốc phòng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cơ sở kinh doanh có tàu bay, du thuyền nhập khẩu chuyển đổi mục đích nêu trên phải kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016.
DN vận tải mất thêm 1.000 tỷ đồng trong 3 tháng sửa đường 5 cũ
Nhiều doanh nghiệp vận tải Hải Phòng đang không dám đi đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng vì phí quá cao nên không cạnh tranh được về giá cước vận chuyển.
Đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng khánh thành đưa vào sử dụng ngày 5/12 với hy vọng giảm tải cho Quốc lộ 5, nhưng có một nghịch lý là đường cao tốc này lại vắng bóng xe, đặc biệt xe container vì chủ xe sợ phí cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Như Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tảihàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết: Đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng biết là đẹp nhưng nhiều chủ xe không dám đi vào bởi giá phí quá cao, gấp 3 lần so với mức thu phí Quốc lộ 5 giá mới. Nếu đi thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ bởi chủ hàng không chịu mức phí đó. Doanh nghiệp cần có thời gian để đàm phán giá cước với chủ hàng tương ứng với việc thu phí cao tốc cần có lộ trình, điều này Hiệp hội Vận tải Hải Phòng đã kiến nghị.
Trước khi thông xe cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tảiđã có văn bản yêu cầu ngay sau khi thông xe, tất cả các xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ (Hải Phòng) phải đi theo đường cao tốc, không được đi vào Quốc lộ 5 để phục vụ việc thi công, sửa chữa mặt đường tại điểm KM 94 đến KM 104+600.
Với 10km đường và thời gian sửa chữa kéo dài 3 tháng khiến doanh nghiệp vận tải buộc phải lưu thông trên đường cao tốc mới với chi phí đắt đỏ.
Văn bản này gặp phải sự phản đối của hàng trăm doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng. Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải Hải phòng, nếu buộc phải đi vào đường cao tốc, doanh nghiệp vận tải sẽ khó cạnh tranh trong vận chuyển hàng hóa, chỉ trong 3 tháng, doanh nghiệp vận tải Hải Phòng sẽ phải mất hơn 1000 tỷ chi phí phát sinh.
Cụ thể, ông Lê Như Tiến phân tích: Mỗi xe đi vận tải vào đường cao tốc sẽ mất phí khoảng 500.000 đồng/ 2 lượt đi về, cộng phí dầu 300.000 đồng, tổng chi một xe/ngày 800.000 đồng. Một ngày Hải Phòng có khoảng 10.000-12.000 xe vận tải hàng hóa, tính ra sẽ mất khoảng 10 tỷ/ngày, tức 300 tỷ/tháng và 1000 tỷ/3 tháng cho khoản chi phí phát sinh thêm nếu lưu thông trên đường cao tốc.
Trong khi đó nếu đi theo lộ trình cũ để vào Quốc lộ 5 mỗi xe chỉ mất từ 80.000 -160.000 đồng/lượt.
“Doanh nghiệp vận tải bị thiệt hại lớn và khó cạnh tranh được, điều này gây bức xúc cho rất nhiều doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng”, ông Tiến cho hay.
Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Hải Phòng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường đồng thời vẫn duy trì giao thông. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cho rằng Nhà nước quá vội vàng trong việc cấm hoàn toàn xe tải 15 tấn lưu thông bởi đường 4 làn xe hoàn toàn có thể duy trì lưu thông được.
"Hơn nữa, trên đường cấm này (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Văn Linh) có rất nhiều doanh nghiệp vận tải, bãi đỗ container, làm sao cấm người ta về nhà được" - ông Tiến bức xúc.
Về vấn đề quyết định gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ sửa chữa hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Còn doanh nghiệp vẫn phải đợi đường sửa xong mới được đi.
Bỉ tiếp tục mở rộng đầu tư khu công nghiệp Đình Vũ thêm 650 ha
Lễ động thổ khu công nghiệp Nam Đình Vũ II/Deep C II với tổng diện tích gần 650 ha vừa diễn ra chiều nay (14/12). Dự kiến, đến 2017, 40 ha đất sẽ được giao cho khách hàng.
Ngày 14/12, Lễ động thổ khu công nghiệp Nam Đình Vũ II/Deep C II và Lễ khởi công xây dựng trung tâm dịch vụ thương mại và logistics cảng cửa ngõ – CDC Hải Phòng được tổ chức tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ II/Deep C II, Hải Phòng.
Khu công nghiệp Đình Vũ hiện tại đang hoạt động với 55 dự án đa quốc gia, thu hút gần 30% FDI vào thành phố Hải Phòng. Với sự thành công của dự án Khu công nghiệp Đình Vũ, nhà đầu tư Bỉ - Rent-A-Port quyết định mở rộng dự án đầu tư tại Hải Phòng, phát triển Khu công nghiệp Nam Đình Vũ II/Deep C II, tạo nên tổ hợp công nghiệp Deep C.
Ông Marc Stordiau – Chủ tịch Khu công nghiệp Nam Đình Vũ II/Deep C II, khẳng định tập đoàn sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp tiện ích và dịch vụ tin cậy như tại Khu công nghiệp Đình Vũ.
Khu công nghiệp Deep C II có tổng diện tích gần 650 ha. Với vị trí chiến lược, Khu công nghiệp Deep C II sẽ nhanh chóng hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng và bàn giao 40 ha đất cho khách hàng vào năm 2017.
2 hợp phần còn lại của tổ hợp công nghiệp Deep C là Khu công nghiệp cửa ngõ (Deep C III) với diện tích gần 500 ha tại đảo Cát Hải và Khu công nghiệp Tiền Phong (Deep C IV) tại khu vực Đầm Nhà Mạc, Quảng Ninh.
Tổng diện tích 4 khu công nghiệp lên tới hơn 2000 ha, là tổ hợp công nghiệp nằm gần nhất cảng nước sâu Lạch Huyện, hệ thống cảng Đình Vũ, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, kết nối trực tiếp với đường cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện. Mô hình xây dựng hệ thống tiện ích tin cậy tại Khu công nghiệp Đình Vũ sẽ được phát triển tại tổ hợp khu công nghiệp Deep C bao gồm hệ thống phân phối điện ngầm kết nối với lưới điện quốc gia, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, hệ thống cung cấp nước, nước cứu hỏa và hệ thống thoát nước tin cậy.
Bà Jehanne Roccass, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam cho biết, Đình Vũ nằm trong danh sách các dự án đầu tư quan trọng nhất của Bỉ tại Việt Nam cũng như trong lĩnh vực logistics. Và Chính phủ Bỉ đã quyết định góp vốn 6% cổ phần vào Khu công nghiệp Đình Vũ.
Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn nhấn mạnh: buổi lễ đánh dấu bước khởi đầu quan trọng và khẳng định cam kết của nhà đầu tư Bỉ với thành phố Hải Phòng. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng cam kết tạo điều kiện phát triển thuận lợi nhất cho tổ hợp khu công nghiệp Deep C và các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư thực hiện dự án “Trung tâm dịch vụ thương mại và logistics cảng cửa ngõ” nhằm xây dựng tòa nhà văn phòng và kho bãi cho thuê với tổng vốn đầu tư gần 2,2 triệu USD. Dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6/2015 và dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 1/2017.
Ông Khalil Boutros Al Sholy – Giám đốc Tập đoàn quốc tế CDC cho biết, sau khi khảo sát nhiều vị trí trong khu vực Đông Nam Á, đã quyết định lựa chọn Khu công nghiệp Nam Đình Vũ II/Deep C II là địa điểm đầu tiên để phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
“Tôi tin tưởng vào tiềm năng của dự án này do lợi thế vị trí chiến lược của dự án cũng như những cơ hội kinh doanh tại thành phố Hải Phòng năng động, nơi nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang được gấp rút hoàn thành”- ông Khalil Boutros Al Sholy chia sẻ.
Trung tâm dịch vụ thương mại và logistics cảng cửa ngõ CDC nằm giữa tổ hợp công nghiệp 2000 ha với vị trí chiến lược, kết nối trực tiếp với đường cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng nước sâu Lạch Huyện).
Do sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp trong khu vực, nhu cầu thuê văn phòng thương mại và kho bãi sẽ chắc chắn tăng cao và CDC mong muốn trở thành người tiên phong trong thị trường tiềm năng này. CDC đặt ra kế hoạch phát triển dài hạn tại Việt Nam.
Ông Khalil Boutros Al Sholy cho biết thêm, công ty dự định sẽ phát triển thêm một dự án trung tâm logistics nữa tại Khu công nghiệp cửa ngõ tại đảo Cát Hải nằm ngay cạnh cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng nước sâu Lạch Huyện) khi hạ tầng được xây dựng. Với nền tảng tài chính vững mạnh, CDC tự tin có thể phát triển thành công tại thị trường bất động sản Việt Nam.
Được biết, Deep C II cũng sẽ xây dựng một nhà máy xử lý nước thải phục vụ khu công nghiệp cho ngành dệt may với diện tích khoảng 100 ha. Nhà máy này sẽ do Rent-A-Port hợp tác với Induss, công ty Bỉ chuyên về cung cấp nước và xử lý nước thải công nghiệp./.
Sẽ có trung tâm trung tâm logistics hạng II tại Cần Thơ
Đề xuất quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics hạng II tại Cần thơ là phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics do Chính phủ phê duyệt.
Thông tin trên được đưa ra trong văn bản của Bộ Công Thương gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Cần thơ về đề xuất quy hoạch trung tâm logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.
Trước đó, Bộ Công Thương nhận được công văn số 5478/UBND-KT ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc đề xuất quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ.
Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ là phù hợp với nội dung quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, Bộ Công Thương ủng hộ đề xuất nêu trên của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ thực hiện các bước để thu hút và triển khai đầu tư xây dựng trung tâm logistics theo đúng quy hoạch và theo đúng các quy định hiện hành có liên quan, bảo đảm hiệu quả của hoạt động đầu tư và vận hành, khai thác trung tâm sau khi hoàn thành.