tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-07-2018

  • Cập nhật : 14/07/2018

Thị phần năng lượng tái tạo thế giới tăng 50% vào năm 2050

Đó là dự báo được đề cập trong Tổng quan năng lượng mới 2018 do Công ty tư vấn Bloomberg NEF (BNEF) của Mỹ soạn thảo và công bố vừa qua.

Trung tuần tháng 6 vừa qua, BNEF đã công bố bản phân tích dài kỳ thường niên về tương lai ngành điện toàn cầu, tựa đề New Energy Outlook 2018 (NEO) dày 150 trang dựa trên các nghiên cứu chi tiết của một nhóm gồm 65 nhà phân tích trên quy mô toàn cầu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo dự báo này thì vào giữa thế kỷ 21, sản lượng nhiệt điện than sẽ giảm từ mức 38% như hiện nay xuống còn 11%, trong khi đó năng lượng từ gió, mặt trời tăng nhanh. Riêng năng lượng gió và mặt trời sẽ có thị phần 50/50, do được hỗ trợ nhờ sự bùng nổ của pin giá rẻ, cân bằng tốt giữa cung và cầu.

Theo NEO, năm 2018, lần đầu tiên báo cáo cho thấy ngành năng lượng thế giới bị tác động bởi chi phí sản xuất pin giảm. Cụ thể, giá pin lithium-ion đã giảm gần 80%/MWh kể từ năm 2010, và sẽ tiếp tục giảm khi ngành sản xuất xe điện phát triển sôi động.

Ông Seb Henbest, người đứng đầu Phân ban châu Âu, Trung Đông và châu Phi của BNEF và là tác giả chính của báo cáo NEO 2018, dự kiến tới năm 2050, thế giới sẽ đầu tư 548 tỷ USD cho ngành sản xuất pin, 2/3 số tiền trên cho lưới điện và phần còn lại cho việc lắp các thiết bị tiện ích tại các hộ tiêu dùng. “Sự xuất hiện của pin dự trữ năng lượng giá rẻ được hỗ trợ từ nguồn điện đi từ gió và mặt trời. Thị trường năng lượng tái tạo ngày càng tăng và thay thế dần điện than, khí và hạt nhân”, Seb Henbest khẳng định.

Dự báo nói trên còn cho biết, từ năm 2018 đến năm 2050 thế giới sẽ đầu tư khoảng 11,5 nghìn tỷ USD cho lĩnh vực phát triển năng lượng mới; 8,4 nghìn tỷ USD trong số này dành cho năng lượng gió và mặt trời; 1,5 nghìn tỷ USD cho các công nghệ sản xuất điện phi carbon khác như thủy điện và hạt nhân.

Cùng với bản dự báo nói trên, ngày 21/5, BNEF còn công bố bản dự báo có tên Electric Vehicle Outlook (Triển vọng Xe điện), đưa ra dự báo các phương tiện xe điện sẽ chiếm 28% doanh số bán xe mới toàn cầu vào năm 2030 và tăng lên 55% vào năm 2040. Xe buýt điện dự kiến sẽ thống trị thị trường với thị phần toàn cầu ước đạt khoảng 84% thị phần vào năm 2030.(tietkiemnangluong)
-------------------------

Nguy cơ phế liệu ồ ạt tràn vào Việt Nam

Ước tính, hiện có khoảng 500.000 container phế liệu đang lênh đênh trên biển khu vực Đông Nam Á, phải tìm bến đỗ, nên nếu VN không dựng hàng rào an toàn thì có thể trở thành bến đỗ của phế liệu.

Điều đó được cảnh báo tại cuộc họp vào ngày 12.7 giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN - MT) với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ GTVT... tìm giải pháp ngăn chặn phế thải tràn vào VN sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu từ cuối năm 2017.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu, các nước thường xuyên xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, một số nước Bắc Âu... phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như VN, Thái Lan, Malaysia... Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á. Ước tính, hiện có khoảng 500.000 container phế liệu đang lênh đênh trên biển khu vực Đông Nam Á, phải tìm bến đỗ, nên nếu VN không dựng hàng rào an toàn thì có thể trở thành bến đỗ của phế liệu.

Theo ông Thức, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017. Tình trạng tồn đọng phế liệu ở các cảng biển đang khá nhiều, đặc biệt là ở TP.HCM, Hải Phòng... Trong đó, tại Tân cảng Sài Gòn (TP.HCM), tính đến hết ngày 26.6 có 4.480 container.

Ông Thức cho biết cơ chế quản lý, kiểm soát nhập khẩu phế liệu của VN còn nhiều khe hở, nếu không kịp thời bịt lại, VN rất có thể phải đối mặt với nguy cơ trở thành bãi thải của thế giới. Trong đó, giữa các cơ quan liên ngành như Bộ Tài chính, TN-MT, Công thương, GTVT, Công an, Quốc phòng... và các đơn vị chuyên môn của địa phương chưa có cơ chế phối hợp. Hiện chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu, chủ hãng vận tải biển quá cảnh trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu... nên khi có vi phạm về vận chuyển sai hàng hóa là phế liệu nhập khẩu hoặc vượt quy chuẩn cho phép, hoặc gian lận thương mại, thì không thể xử lý trách nhiệm của chủ tàu, chủ hãng vận tải biển. “Đáng lo ngại nhất là nước ta chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài. Chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ mới làm thủ tục thông quan, kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Do đó, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm, gian lận nhập phế liệu không đạt chuẩn về”, ông Thức nói.

Ông Trần Thế Cường, Trưởng phòng Dịch vụ vận tải - Cục Hàng hải (Bộ GTVT), cho rằng trước khi hàng hóa phế liệu vào cảng, cần làm rõ: chủ hàng là ai? Hàng hóa nhập khẩu cụ thể là gì?... Nếu không trả lời được các câu hỏi trên thì cần tạm dừng việc nhập hàng phế liệu lên cảng vì nếu không phế liệu sẽ về ồ ạt. Theo ông Trần Lưu Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cần ràng buộc trách nhiệm chủ tàu khi nhập khẩu phế liệu vào VN. Nếu chủ tàu nào có gian lận, cần cương quyết xử lý.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan để kiểm soát nhập khẩu phế liệu, phòng ngừa từ nước ngoài. Ông Hà cũng kiến nghị Chính phủ xem xét đối với những chủng loại hàng hóa mà hiệu quả thấp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì cần loại bỏ.

“Tôi sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT kiên quyết không cho dỡ hàng nếu không có giấy phép, không rõ người nhận. Hàng vô chủ thì kiên quyết không cho bốc dỡ lên bờ, không thể để bị lợi dụng đưa hàng phế liệu vào nước ta. Chuyện này cũng giống như việc nhà của mình, không phải ai muốn mang gì vào thì mang”, ông Hà nói.(Thanhnien)
--------------------------------

Tổng Thư ký LHQ lên tiếng về tranh chấp thương mại Mỹ-Trung

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng những bất đồng thương mại giữa các nước thành viên Liên hợp quốc có thể được giải quyết thông qua đàm phán.

Phát biểu họp báo ngày 12/7, khi được đề nghị bình luận về tranh chấp thương mại đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh ông không cho rằng hai cường quốc này đang "trong tình trạng chiến tranh" xuất phát từ những tranh chấp thương mại, song hai bên đã có một loạt biện pháp thương mại nhằm vào nhau.

Người đứng đầu Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng rằng những tranh chấp này có thể được giải quyết dựa trên tinh thần đàm phán và thông qua vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
 


Ông Guterres nói thêm ông "tin tưởng vững chắc vào thương mại tự do và công bằng," cũng như vai trò của WTO trong việc giải quyết tranh chấp giữa các nước.

Trong khi đó, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho rằng Mỹ cần ngừng "chĩa súng" vào Bắc Kinh và thực thi cam kết tiến hành các cuộc đối thoại hữu ích nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Ông Vương Thụ Văn nhấn mạnh hai nước đã đạt được nhiều tiến triển đáng ghi nhận trong các cuộc đối thoại thương mại, song sự tiến bộ này đã bị một bên lờ đi và nước đó đã khơi mào "cuộc chiến thương mại."

Ông cũng chỉ trích chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chỉ đi ngược lại lợi ích của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động Mỹ.

Cùng ngày, trả lời trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Quân cho rằng các cáo buộc thương mại mà Mỹ đưa ra chống Trung Quốc là "vô căn cứ" và những động thái của Washington trong vấn đề thương mại không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Ngày 10/7, Mỹ công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá đến 200 tỷ USD sẽ bị đánh thuế sớm nhất là trong tháng 9 tới. Trung Quốc ngay lập tức ra tuyên bố chỉ trích động thái của Mỹ là " hoàn toàn không thể chấp nhận", đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả.

Trước đó vài ngày, Mỹ và Trung Quốc đã khai hỏa “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” khi Washington quyết định áp mức thuế mới 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7.

Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực (vietnam+)
-----------------------------

Lazada Việt Nam có Tổng giám đốc mới người Trung Quốc

Phòng Đăng ký kinh doanh TPHCM đã thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Recess (pháp nhân của Lazada tại thị trường Việt Nam) từ ngày 21/6.

Theo đó, người đại diện theo pháp luật mới của công ty là Tổng giám đốc Zhang YiXing, sinh năm 1982 và có quốc tịch Trung Quốc. Người quản lý khác không thay đổi vẫn là Kế toán trưởng Đỗ Đức Thịnh (1988).

Thông tin trước thay đổi, người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc Alexandre Joel David Sylvain Dardy, sinh năm 1976 người Pháp.

Theo giới thiệu của Lazada, ông Alexandre Dardy được bổ nhiệm làm CEO Lazada Việt Nam kể từ tháng 8/2014 và là người giám sát toàn bộ các hoạt động của Lazada tại Việt Nam. Như vậy, ông Dardy đã rời vị trí CEO sau gần 4 năm điều hành.

Trước đó hồi tháng 3, Alibaba tuyên bố đầu tư thêm 2 tỷ USD vào website thương mại điện tử Lazada Group SA. Đồng thời bổ nhiệm bà Lucy Peng làm CEO thay cho ông Max Bittner.

Về Lazada Việt Nam, Công ty Recess báo lỗ 977 tỷ đồng trong năm 2015 và 1.019 tỷ năm 2016 tại thị trường Việt Nam. Đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của trang thương mại điện tử này đạt gần 2.743 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so đơn vị khác như Shopee, Tiki, Sendo,...(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục