tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 20-06-2018

  • Cập nhật : 20/06/2018

Fed tăng lãi suất và cơ hội tiềm năng dành cho các thị trường mới nổi

Các lần tăng lãi suất đã và sắp diễn ra của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay có thể mang lại cơ hội cho một nhóm nhỏ nền kinh tế châu Á, những bên không lo sợ đồng tiền của họ mất giá.

Fed đã tăng lãi suất hai lần trong năm nay và dự kiến tăng hai lần nữa trong nửa cuối năm. Động thái này đã khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, khiến đồng tiền của những nước này mất giá.

Các thị trường bị ảnh hưởng nặng nhất là Argentina, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại châu Á, ngân hàng trung ương Ấn Độ, Indonesia và Philippines đã tăng lãi suất và can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ.

Thặng dư và thâm hụt thương mại của các quốc gia châu Á. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, không như các nước có thâm hụt vãng lai, ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế có thặng dư như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan không cảm thấy phải theo kịp đà tăng lãi của Mỹ, giới phân tích nhận định.

Hay như tại Việt Nam, thặng dư cán cân vãng lai tính đến hết quý 1/2018 đạt 3,934 tỷ USD.

“Tôi không thấy những nước trên buộc phải hành động vì Fed bởi một số nước trong số này đã có thặng dư thương mại lớn tới mức họ cảm thấy hài lòng khi đồng nội tệ yếu hơn, nguồn vốn thoát ra ngoài”, Frederic Neumann, đồng lãnh đạo nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC, nói.

Đồng tiền suy yếu do nguồn vốn chảy ra ngoài có thể giúp nâng lạm phát còn ở dưới mục tiêu và mang lại lợi thế cho xuất khẩu, trong bối cảnh bất ổn liên quan đến thương mại toàn cầu gia tăng và kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu mất đà tăng trưởng.

Các cuộc họp của ngân hàng trung ương Thái Lan và Đài Loan trong tuần này dường như củng cố cho triển vọng trên. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo lãi suất chỉ tăng một lần tại Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc trong 18 tháng tới còn Fed có thể tăng 5 hoặc 6 lần.

Đồng peso của Philippines (PHP) mất gần 7% giá trị từ mức đỉnh hồi tháng 1 và đang thấp nhất 12 năm. Đồng rupee Ấn Độ (INR) mất giá tương đương PHP và đang gần mức thấp kỷ lục. Đồng rupiah Indonesia (IDR) giảm 5% sau hai lần ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất và mua vào nội tệ.

Ngược lại, đồng won Hàn Quốc (KRW), baht Thái Lan (THB) và đô la Đài Loan (TWD) giảm 3% kể từ mức cao nhất nhiều năm hồi tháng 1. Ngân hàng trung ương những nền kinh tế này trong khi đó lại giữ lãi suất ở gần mức thấp kỷ lục.

Một trong những lý do những nền kinh tế thặng dư chịu ít áp lực hơn là vị thế của nhà đầu tư nước ngoài.

Tại các quốc gia thâm hụt, giới đầu tư thường có xu hướng mua trái phiếu ngắn hạn, vốn có tính thanh khoản hơn và ít rủi ro hơn trái phiếu dài hạn. Tại những quốc gia thặng dư thương mại, họ lại thích nắm giữ nợ dài hạn.

Từ khi Fed bắt đầu nâng lãi suất cách đây 3 năm, chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu ngắn hạn của Indonesia và Ấn Độ với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Mỹ đã giảm thêm 2%. Tại Philippines, chênh lệch này cũng giảm gần như tương tự trong 12 tháng qua.

Trong khi đó, chênh lệch trên thu hẹp khoảng 2% tại Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan, thậm chí còn âm. Tuy nhiên, nhờ các nhà đầu tư ưa thích các khoản nợ dài hạn, áp lực nội tệ mất giá đã được giới hạn.

Chênh lệch với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm Mỹ giảm 1% hoặc ít hơn. Trong bối cảnh đường cong lãi suất đang thẳng ra khi chu kỳ kt đạt đỉnh, chênh lệch này sẽ còn giảm tiếp.

Một lý do ngân hàng trung ương các nền kinh tế có thặng dư thương mại không cần phải theo chân Fed là Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc kinh tế đồng nghĩa châu Á ít bị đồng bộ hóa với chu kỳ kinh tế Mỹ như thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giá trị thương mại giữa các thị trường mới nổi với Mỹ (màu xanh) và Trung Quốc (màu vàng). Ảnh: Reuters.

Việc sụp đổ của Lehman Brother năm 2008 diễn ra cùng lúc với việc thương mại giữa các nước châu Á đang phát triển với Trung Quốc vượt qua thương mại với Mỹ. Đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại ở Trung Quốc do đó có ảnh hưởng tới triển vọng lãi suất ở châu Á hơn là việc chu kỳ kinh tế Mỹ đạt đỉnh.

“Các nền kinh tế châu Á – sự đồng bộ hóa của họ với kinh tế Mỹ đã bị suy yếu bởi Trung Quốc”, Tan Hui, chiến lược gia trưởng về thị trường châu Á tại công ty quản lsy tài sản J.P.Morgan, nói. “Không có nhiều ngân hàng trung ương châu Á nối gót Fed”.(NDH)
--------------------------

Trung Quốc kêu gọi Mỹ hãy sáng suốt hơn về vấn đề thương mại

THX đưa tin, ngày 19/6, Trung Quốc kêu gọi Mỹ phải sáng suốt hơn về vấn đề thương mại đang tồn tại và phải dừng việc làm xói mòn những lợi ích của các nước khác cũng như của chính nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc họp báo hàng ngày nhằm trả lời câu hỏi về phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Câu lạc bộ Kinh tế Detroit.

Ông Cảnh Sảng nêu rõ: "Người phát ngôn của Bộ Thương mại đã tuyên bố vị trí trang trọng của Trung Quốc trong kinh tế và thương mại," đồng thời chỉ ra rằng Mỹ đã lẫn lộn đúng sai và mục đích của cáo buộc là nhằm che giấu cho chính sách bảo hộ thương mại và đơn phương của Washington.

Ông Cảnh Sảng nói thêm: "Đối với sự nhất trí đạt được giữa cả hai bên là hoàn toàn coi thường, Mỹ gần đây đã bị bối rối và cuối cùng đã kích động một cuộc chiến tranh thương mại."

Quan chức này cũng nhắc lại rằng động thái của Washington không chỉ làm giảm lòng tin, mà còn làm suy yếu những lợi ích của người dân Trung Quốc và Mỹ, những lợi ích của các công ty hai nước và những lợi ích của người dân toàn thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: "Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh thương mại nhưng không sợ nó."

Ông nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ những lợi ích quốc gia và người dân nước này, cũng như mạnh mẽ ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế và hệ thống thương mại đa phương (Vietnam+)
---------------------------

Môi trường kinh doanh: Cải thiện nhưng phải đột phá

Môi trường kinh doanh Việt Nam đã có cải thiện nhưng trong bối cảnh phải chạy đua với khu vực và quốc tế, cần động lực mới cho phát triển thì "cải thiện” thôi là chưa đủ mà phải “đột phá”.

Đây là nhận định được đưa ra trong Diễn đàn phát triển DN Việt Nam 2018 được tổ chức ngày 19/6, tại Hà Nội.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 4 tháng đầu năm 2018 cả nước có 41.295 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số DN và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8%. Tổng vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2018 là 1.161 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các DN vẫn đang đối mặt với rào cản từ các thủ tục hành chính.

“Thủ tục xuất nhập khẩu của các nước tính bằng giờ thì Việt Nam tính bằng ngày. Thời gian nộp thuế trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN chỉ khoảng hơn 100 giờ mỗi năm. Trong khi Việt Nam hiện nay vẫn hơn 500 giờ”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc DN thành lập rồi lại ra khỏi thị trường là quy luật chung nhưng đáng lưu ý là tỷ lệ này luôn ở mức cao tại Việt Nam. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2018, cứ 10 DN gia nhập thị trường thì có ít nhất 6 DN giải thể, phá sản. “Việc họ kinh doanh không thành công và rời bỏ thị trường là điều dễ hiểu, nhưng cũng cần tìm hiểu xem có bao nhiêu DN vì gặp phải rào cản, khó khăn về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính dẫn đến giải thể”.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Những chủ trương mạnh mẽ từ Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành về cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp là một điểm mạnh của Việt Nam khi cam kết chính trị đã có ở mức cao nhất-yếu tố tiên quyết bảo đảm cho cải cách thành công. Đồng thời, các giải pháp thể hiện các Nghị quyết và chương trình hành động cũng rất toàn diện, đầy đủ và cụ thể”.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc cải cách “thành hay bại” vẫn là chuyện cần bàn.

Dẫn lại những con số ấn tượng của năm 2017 như Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc; Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc; Chỉ số nộp thuế và BHXH tăng điểm và có cải thiện, hiện đứng vị trí 86/190 quốc gia; các bộ, ngành ra nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh… ông Phan Đức Hiếu cho rằng đây là những kết quả đáng ghi nhận nhưng chưa được như kỳ vọng và yêu cầu của công cuộc cải cách.

Theo ông Phan Đức Hiếu, cải cách môi trường kinh doanh đang đối mặt với 3 vấn đề mà nếu không giải quyết được sẽ rất khó tạo nên sự thay đổi căn bản. Trong đó, thời gian thực hiện cải cách là một thách thức rất lớn.

“Tháng 8/2017, tại Nghị quyết 98, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm, bãi bỏ từ 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh đang quản lý. Nhưng đến tháng 1/2018, mới chỉ có Bộ Công Thương hoàn thành lần thứ nhất việc này bằng việc ra nghị định 8/2018/NĐ-CP. Tháng 6/2018, gần 1 năm sau, các bộ mới vẫn chỉ trong quá trình rà soát, xây dựng phương án hoặc bộ nào đó đi nhanh hơn mới đang dự thảo phương án ở cấp nghị định. Đó là chưa kể có những điều kiện kinh doanh còn nằm trong các luật, bao giờ mới có thể đạt được mục tiêu khi thời gian sửa luật phải mất đến hàng năm? ”, ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng: “Hiện chúng ta đang theo một lối mòn coi ‘cải cách’ là ‘xóa bỏ rào cản’ nhưng ở nhiều quốc gia, ‘cải cách’ là nhằm tạo ra các yếu tố thúc đẩy phát triển, không đơn thuần chỉ là dẹp bỏ rào cản cho DN”.

Cụ thể, việc cải cách môi trường kinh doanh mới đang tập trung ở hai việc: Xóa bỏ những gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, còn một loạt các yếu tố quan trọng liên quan mật thiết đến sự phát triển của DN như: Rủi ro pháp lý; sự an toàn trong kinh doanh, đặc biệt là bảo vệ quyền tài sản và sở hữu trí tuệ hay xây dựng chính sách cạnh tranh… thì vẫn chưa có chủ trương cụ thể, rõ nét.

Khẳng định môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện nhưng trong bối cảnh phải chạy đua, phải tạo động lực mới cho phát triển, ông Phan Đức Hiếu cho rằng “cải thiện” thôi là chưa đủ mà phải “đột phá”, đây cũng chính là một thách thức cho các nhà quản lý.

“Năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp ra đời, thủ tục đăng ký thành lập DN được rút ngắn từ 1 năm 6 tháng xuống còn 15 ngày với chi phí vài cây vàng xuống còn vài trăm nghìn đồng. Trong năm đầu tiên thực hiện Luật Doanh nghiệp, số lượng DN thành lập mới tương đương với 10 năm trước. Rõ ràng nếu không có ‘đột phá’ sẽ không tạo ‘đà’ cho phát triển DN”, ông Hiếu khẳng định.

Còn theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), song song với việc cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp luật về DN theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của DN, thì để bảo đảm trật tự và tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác hậu kiểm.

Hiện nay, việc bố trí nguồn lực hậu kiểm tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, lực lượng cán bộ phục vụ cho công tác hậu kiểm còn rất “mỏng”, chủ yếu là thực hiện kiêm nhiệm với các nhiệm vụ khác. Nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về quy định pháp lý cũng như trách nhiệm của mình trong công tác quản lý Nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập.

“Vì vậy, cần bổ sung nguồn lực cho hoạt động hậu kiểm, đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phối hợp quản lý Nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập”, bà Minh nói. (Chinhphu)

Trở về

Bài cùng chuyên mục