tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 14-07-2018

  • Cập nhật : 14/07/2018

Ấn Độ vượt Pháp trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới

Theo dữ liệu mới nhất Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ đã vượt qua Pháp trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, hãng tin Bloomberg cho biết.

GDP năm 2017 của quốc gia Nam Á này đạt 2.597 tỷ USD, vượt qua quy mô 2.582 tỷ USD của Pháp. Trong 10 năm qua, GDP của Ấn Độ đã tăng gấp đôi nhưng nước này có tới 1,34 tỷ dân, nhiều hơn khoảng 20 lần so với Pháp.

Với dự báo tăng trưởng khoảng 7,3% trong vòng 2 năm tới, Ấn Độ đang là một trong những nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh nhất thế giới. WB dự báo tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ đạt khoảng 7,5% trong năm 2019 - 2020.

"Kinh tế Ấn Độ hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ, linh hoạt và có tiềm năng tăng trưởng bền vững", Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng Phát triển thuộc WB nhận xét. Những động lực chính của nền kinh tế này là "tăng trưởng trong tiêu dùng cá nhân và đầu tư mạnh mẽ".

Ấn Độ vượt Pháp trở thÃnh nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới - Ảnh 1.
Ấn Độ vượt qua Pháp trở thành nền kinh tế thứ 6 thế giới - Nguồn: Bloomberg.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ấn Độ sẽ thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2022. Còn theo ngân hàng HSBC, nước này có thể vượt qua Nhật và Đức để trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới trong thập kỷ tới. Dự báo này cũng nhận được đồng tình của hãng tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC).

Năm ngoái, PwC dự báo trong vòng 3 thập kỷ tới, kinh tế toàn cầu sẽ bị thống trị bởi Trung Quốc và Mỹ sẽ mất vị thế và tụt xuống sau Ấn Độ. Hãng này cũng dự báo Nga sẽ trở thành nền kinh tế dẫn đầu tại châu Âu, vượt qua Đức, Anh và Italy với GDP khoảng 7.000 tỷ USD.(VNeconomy)
--------------------

Trung Quốc đổi chiến thuật trong đối đầu thương mại với Mỹ

 Do tầm ảnh hưởng sâu rộng của Mỹ, Trung Quốc đang chọn chiến thuật mềm mỏng hơn, tìm kiếm các đồng minh tiềm năng từ châu Á, châu Âu và ngay trong chính nước Mỹ để đối phó chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.

Trong các tranh chấp thương mại với Nhật Bản, Pháp, Philippines và Hàn Quốc, Trung Quốc thường đè bẹp đối thủ bằng cách “tẩy chay ngoại giao” triệt để doanh nghiệp của các nước này và thể hiện thái độ thù nghịch công khai trên truyền thông.

Tuy nhiên, khi Mỹ áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và đe dọa đánh thuế tiếp với 200 tỷ USD hàng hóa trong vòng 2 tháng nữa, do tầm quan trọng của các khoản đầu tư từ Mỹ và quan hệ song phương Mỹ - Trung, Trung Quốc chọn cách tiếp cận bình tĩnh hơn bằng việc cố gắng thu hút đầu tư.

“Kinh tế Mỹ có quy mô và quyền lực lớn hơn Nhật Bản hay Hàn Quốc. Do đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có tính chất độc đáo”, Max Zenglein, chuyên gia kinh tế trưởng của Học viện Merics tại Berlin, cho biết.

Thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ khiến Trung Quốc không thể đáp trả Mỹ thẳng tay, ông nhận xét. “Trung Quốc yếu thế hơn khi đối đầu với Mỹ, nên họ phải dùng chiến thuật khác”.

Các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc, dẫn đầu bởi Phó thủ tướng Lưu Hạc, tập trung tìm kiếm các đồng minh tiềm năng. Trung Quốc đưa ra các nhượng bộ đầu tư nhằm thu hút sự ủng hộ từ các quan chức Washington chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp.

Thay vì đánh trực tiếp vào các công ty Mỹ, Bắc Kinh giúp đối thủ của các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường tốt hơn. Trung Quốc thực hiện một loạt cải cách, hỗ trợ các tập đoàn châu Âu và Nhật Bản phát triển. Động thái này nhằm nhắc nhở các tập đoàn Mỹ về sức mạnh chia rẽ thị trường của Bắc Kinh.

Trung Quốc đề nghị trợ cấp 15 triệu USD cho Palestine và cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Bỏ qua những xung đột thương mại, Trung Quốc trước đó không hề gây khó dễ cho Tổng thống Donald Trump trong đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.

“Thách thức của Trung Quốc là họ không có nhiều lựa chọn trong việc đáp trả thuế quan của Mỹ”, theo Kellie Meiman, chuyên gia thương mại của Hiệp hội McLarty tại Washington.

Bắc Kinh không muốn xua đuổi các nhà đầu tư nước ngoài hay mất những khoản đầu tư và khoản vay mà họ đang rất cần. Các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đã tránh xa Trung Quốc sau khi bị Bắc Kinh đè bẹp do tranh chấp thương mại. Ngay cả việc đáp trả thuế quan cũng có thể khiến lạm phát tăng vọt, gây thiệt hại cho Trung Quốc.

“Trông như đang tấn công Mỹ, thực tế Trung Quốc đang tự hại mình. Ba sản phẩm Trung Quốc chọn đánh thuế - đậu tương, máy bay và khoai tây, lại chính là những thứ chúng tôi cần nhất”, Shen Dingli, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan, Thượng Hải.

Một vài quan chức Trung Quốc vẫn muốn đưa ra các biện pháp đáp trả Mỹ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại đa số giới chức nước này vẫn giữ thái độ bình tĩnh và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ được coi là vấn đề kinh tế đơn thuần, không phải là một cuộc chiến chính trị hay mối đe dọa quốc gia.(NDH)
------------------

Đất hiếm - “vũ khí” chiến lược để Trung Quốc đấu với Mỹ trong chiến tranh thương mại?

Năm 2010, Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật trong 2 tháng khi hai nước có tranh chấp lãnh thổ. Các nhà đầu cơ lập tức mua gom đất hiếm đẩy giá đất hiếm tăng cao “trên trời”.

anh: csm

Ảnh: CSM

Cô Amanda Lacaze cầm lấy chiếc điện thoại iPhone của mình và nhanh chóng lướt để đưa ra tên của một số nguyên tố đất hiếm cần để sản xuất điện thoại iPhone. Trên màn hình hiện ra lanthanum và cerium. Bên trong iPhone có nam châm được làm từ neodymium và praseodymium.

Những nguyên tố đất hiếm chủ yếu đến từ Trung Quốc. Cô Lacaze sẽ cần phải tìm được nguồn thay thế trong trường hợp cuộc chiến thương mại toàn cầu bùng phát mất kiểm soát và Trung Quốc chặn nguồn cung.

Hiện tại, cô chưa thể làm được điều này. Công ty Lynas Corporation của cô cũng chỉ có thể cung cấp được phần nhỏ đất hiếm lấy nguồn từ Trung Quốc. Không lấy gì đảm bảo nguồn này sẽ ổn định. Thế giới đầy biến động, phức tạp và đắt đỏ đến nỗi mà Lynas từng có lúc suýt sụp đổ. 

Cô Lacaze nói: “Từng đã có lúc chúng tôi ngồi đây và tôi băn khoăn, liệu chúng ta còn có tiền mua cafe mà pha nữa hay không?”.

Trong ngày thứ Ba, chính quyền Tổng thống Trump chính thức đẩy cao căng thẳng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi công bố muốn tăng thuế với thêm khoảng 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, thuế mới sẽ áp dụng với vô cùng nhiều mặt hàng, từ hải sản, dây đồng cho đến động cơ pittong. Trung Quốc đã đe dọa sẽ trả đũa không hề kém cạnh.

Tuy nhiên, Trung Quốc có quá nhiều cách để đáp trả Mỹ mà không nhất thiết cứ phải tăng thuế. Trung Quốc có thể đơn giản từ chối mua hàng Mỹ, ví như mua máy bay Boeing. Trung Quốc có thể siết chặt quản lý với doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, Trung Quốc có thể dọa bán mạnh trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ gây rối loạn thị trường trái phiếu. 

Theo New York Times, một trong những vũ khí chiến lược mà Trung Quốc có thể dùng đến chính là việc Trung Quốc dùng thế thống trị của mình để gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc hiện đang giữ vai trò nhà cung cấp vô cùng quan trọng nhiều loại nguyên liệu cực kỳ quan trọng giúp nhiều nhà máy của thế giới duy trì hoạt động; có thể kể đến các chất sử dụng trong sản phẩm ban dẫn, pin, bóng đèn và nguyên liệu đốt nóng.

Tất nhiên không thể bỏ qua đất hiếm. Cuộc chiến thương mại có thể kéo theo cà những nguồn nguyên liệu trên vào xung đột, Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ bằng cách dừng cung cấp các nguyên liệu cho doanh nghiệp Mỹ. Hiện tại, đất hiếm đã bị lôi vào xung đột Trung - Mỹ khi chính quyền Tổng thống Trump khẳng định muốn tăng thuế đối với đất hiếm từ Trung Quốc. 

Trung Quốc cũng đã từng dùng quyền kiểm soát đất hiếm để chiến thắng đối thủ. Năm 2010, Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật trong 2 tháng khi hai nước có tranh chấp lãnh thổ. Các nhà đầu cơ lập tức mua gom đất hiếm đẩy giá đất hiếm tăng cao “trên trời”.

Sẽ thật khó để ngành sản xuất duy trì công việc của mình nếu không sử dụng đất hiếm. Đất hiếm được dùng trong sản xuất các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại thông minh, tivi, máy sấy tóc, ô tô điện và ô tô lai xăng - điện.

Đất hiếm thực ra không hiếm, nó có ở khắp thế giới. Thế nhưng việc đưa các nguyên tố đất hiếm từ trong tự nhiên thành nguyên liệu có thể sử dụng được vô cùng khó khăn, rối rắm và tốn kém. 

Hoạt động tìm kiếm và sản xuất đất hiếm trên quy mô lớn chỉ có ở 2 nơi trên thế giới: Trung Quốc và Malaysia. Ngay cả nếu Trung Quốc không gây gián đoạn nguồn cung trong trường hợp có chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ vẫn nắm thế kiểm soát thị trường đất hiếm trong một thời gian dài sắp tới. Trung Quốc thống trị hoạt động nghiên cứu và phát triển các nguyên tố đất hiếm này, chính vì vậy Trung Quốc vẫn luôn có lợi thế, theo khẳng định của cô Lacaze thuộc Lynas Corporation. (Bizlive)
------------------------

Từ đỉnh cao, chứng khoán Việt Nam là thị trường giảm điểm mạnh nhất

Dữ liệu trang IndexQ ghi nhận, tính đến phiên 12/7, VN-Index đã mất 25,84% từ đỉnh hồi tháng 4. Qua đó, Việt Nam trở thành thị trường đứng đầu thế giới về mức giảm điểm từ đỉnh trong năm nay.

Hôm nay, VN-Index tăng 0,6% dừng ở mức 898,51 điểm, sau khi mất gần 2% giá trị trong phiên trước, do phản ứng tiêu cực từ tin áp thuế 200 tỷ USD đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, thị trường Việt Nam cũng chịu những tác động tiêu cực từ diễn biến kém khả quan của chứng khoán quốc tế cùng những lo ngại về thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khiến USD mạnh lên tiếp tục tạo nên những hiệu ứng tiêu cực cho nhà đầu tư.

Sau khi FED nâng lãi suất, tiêu chuẩn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường rủi ro như chứng khoán sẽ được nâng lên, theo trang tin Bloomberg.

Xếp sau Việt Nam trong danh sách là thị trường Thổ Nhĩ Kỳ rơi gần 24,5% từ đỉnh và Argentina mất 22,46% giá trị.

Với diễn biến phiên 11 và 12/7, chứng khoán Việt Nam cũng lọt top 10 thị trường giảm điểm mạnh nhất từ đầu năm 2018, khi mất 9,25% giá trị.

Dẫn đầu top 10 là thị trường Thổ Nhĩ Kỳ giảm 20,85%. Nhóm này cũng góp mặt 3 chỉ số của Trung Quốc là Shenzen giảm 18,27%, Shang Hai mất 16% và Chinext mất 10,82%.

Trở về

Bài cùng chuyên mục