Gần 15 triệu tấn tro, xỉ “ùn, ứ" tại các nhà máy nhiệt điện than; Nhiều doanh nghiệp hàng đầu Philippines tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực bán lẻ, công nghiệp… tại Việt Nam; Mỹ nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế và trợ cấp đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam; Xuất khẩu tôm sẽ đạt trên 4 tỷ USD trong năm 2018
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-06-2018
- Cập nhật : 21/06/2018
EU trả đũa đánh thuế hàng Mỹ
Từ ngày 22-6, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu đánh thuế nhập khẩu 25% lên hàng loạt sản phẩm của Mỹ, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ngồi bên phải) và các lãnh đạo G7 khác trong bức ảnh diễn tả căng thẳng đối đầu giữa 6 lãnh đạo còn lại với người đứng đầu Nhà Trắng - Ảnh: REUTERS
Đây được xem là động thái trả đũa của châu Âu sau khi Mỹ đánh thuế với mặt hàng nhôm và thép của thị trường này hồi tháng trước, Ủy ban châu Âu ngày 20-6 xác nhận.
Việc EU đáp trả Mỹ có thể sẽ tiếp tục đẩy căng thẳng giữa hai đồng minh này lên cao trong vấn đề thương mại. Trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa trừng phạt các công ty xe hơi của châu Âu.
Thời gian vừa qua, Mỹ được xem đã khởi động một số kế hoạch đánh thuế nhập khẩu có thể dẫn tới chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhưng dĩ nhiên nhiều công ty khác, trong đó bao gồm ở châu Âu, cũng "tai bay vạ gió".
Căng thẳng ở vấn đề thuế nhập khẩu giữa Mỹ và châu Âu thể hiện rõ qua cuộc gặp giữa lãnh đạo các cường quốc công nghiệp G7 tại Quebec, Canada vừa qua.
Phía Ủy ban châu Âu chính thức áp dụng luật áp thuế lên 2,8 tỉ euro (3,2 tỉ USD) giá trị hàng hóa Mỹ, bao gồm sản phẩm thép - nhôm, sản phẩm nông nghiệp như bắp, đậu, rượu, quần jean và xe máy.
Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom khẳng định "chúng tôi không muốn bị đặt vào tình thế này", nhưng cho rằng quyết định đơn phương và phi lý của Mỹ đã buộc EU không còn lựa chọn nào khác.
Bà Malmstrom kêu gọi EU phản ứng tương xứng và phù hợp với luật lệ của Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO), đồng thời khẳng định có thể tháo gỡ việc áp thuế nếu Mỹ cũng bỏ thuế nhập khẩu lên kim loại.
Là mặt hàng quan trọng, nhưng sản phẩm nhôm và thép của EU đang phải đối mặt với rào cản thuế trị giá tổng thông 6,4 tỉ euro nếu nhập vào Mỹ.
Điều này xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Trump áp 25% thuế lên thép và 10% thuế lên nhôm kể từ tháng 6, đồng thời chấm dứt tiêu chuẩn ngoại lệ dành cho EU.
Canada trước đó công bố đáp trả bằng mức thuế 12,5 tỉ USD giá trị hàng hóa Mỹ nhập vào nước này từ ngày 1-7 tới. Mexico cũng áp thuế lên sản phẩm Mỹ cách đây hai tuần.(Tuoitre)
-------------------------------
Nông sản Đà Lạt rớt giá thảm
Nhiều mặt hàng nông sản ở Đà Lạt đang trong tình trạng rớt giá thảm, nông dân rơi vào cảnh điêu đứng; nhiều chủ quầy trong chợ nông sản Đà Lạt lâm vào cảnh nợ nần phải “bỏ chạy”.
Tại các vựa rau ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và các phường trên địa bàn tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng giá mặt hàng rau củ quả như khoai tây, hành tây, su hào, bắp sú, cà rốt… giá giảm từ 20%-30%, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh nỗ lực xây dựng thương hiệu, làm trong sạch nông sản Đà Lạt của chính quyền và người nông dân thì nhiều tiểu thương nhập nông sản Trung Quốc với số lượng lớn về địa phương, sau đó tráo đổi nhãn mác, đóng sản phẩm vào bao bì mới xuất bán đi nhiều nơi, trong đó có cả thị trường nước ngoài.
Điều đáng nói, nếu như trước đây, các loại nông sản Trung Quốc được nhập về chủ yếu vào thời điểm các mặt hàng ở Lâm Đồng khan hiếm, giá cả lên cao như hành tây, khoai tây, cà rốt… thì nay các nông sản của Trung Quốc gần như hiện diện quanh năm ở Lâm Đồng. Trước đây, nông sản Đà Lạt vốn chiếm ưu thế lớn trên thị trường nay đang không cạnh tranh được với mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.
Theo ông Trần Thanh Vũ, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đơn Dương, phần lớn các mặt hàng nhập từ Trung Quốc được sơ chế lại sau đó đem đi tiêu thụ một số địa bàn khác. Ông Vũ cho biết: “Cái khó là họ có giấy tờ hợp pháp, vẫn thừa nhận là hàng Trung Quốc, và chúng tôi chỉ kiểm tra được khi còn ở trên địa bàn. Lúc vận chuyển tới nơi tiêu thụ, họ giới thiệu là xuất xứ từ đâu thì chúng tôi không thể kiểm soát được”.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ thương hiệu, thành quả của người nông dân và quyền lợi người tiêu dùng. Chính quyền đã giao Sở NNPTNT tăng cường công tác kiểm tra các điểm thu mua, phân phối các loại nông sản trên địa bàn, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gian lận...
Không vì lợi ích trước mắt mà giả mạo nông sản Đà Lạt bán ra thị trường, gây tiếng xấu cho nông sản Đà Lạt, thiệt hại lớn cho người sản xuất và người tiêu dùng. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh phát triển thương hiệu nông sản “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.(LĐ)
---------------------------------
Thanh khoản hệ thống dư thừa, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 19 nghìn tỷ tuần qua
Diễn biến hút ròng tuần vừa qua cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang có phần dư thừa hơn so với các tuần trước đó.
Báo cáo trái phiếu tuần của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành 27.400 tỷ đồng tín phiếu mới loại 28 ngày, trong khi đó lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 8.400 tỷ đồng.
Như vậy, tuần vừa qua NHNN đã hút ròng 19.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Diễn biến hút ròng tuần vừa qua cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang có phần dư thừa hơn so với các tuần trước đó.
Biểu đồ: Bloomberg, BVSC
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng trung bình tuần qua có xu hướng giảm đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ giảm ở mức 0,17% - 0,22%.
Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,22% về mức 1,44%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,22% về mức 1,55%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,17% về mức 1,67%/năm.
Trên thị trường Trái phiếu Chính phủ sơ cấp (TPCP), trong tuần qua, KBNN tổ chức gọi thầu tại sáu loại kỳ hạn: 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.
Khối lượng gọi thầu cho sáu loại kỳ hạn trên lần lượt ở mức 500 tỷ, 500 tỷ, 2.000 tỷ, 2.000 tỷ, 500 tỷ và 500 tỷ đồng. Kết quả, lượng đặt thầu cho kỳ hạn 5 năm gấp 6,22 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 0%.
Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 7 năm gấp 2,1 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 0%. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 10 năm gấp 2,55 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 75% tại mức lãi suất 4,32%/năm - tăng 0,02% so với lần trúng thầu gần nhất.
Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 15 năm gấp 2,28 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 50% tại mức lãi suất 4,65%/năm – tăng 0,02% so với lần trúng thầu gần nhất.
Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 20 năm gấp 2,1 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 100% tại mức lãi suất 5,18%/năm – tăng 0,02% so với lần trúng thầu gần nhất. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 30 năm gấp 1,1 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 0%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức gọi thầu tại ba loại kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm. Khối lượng gọi thầu cho ba loại kỳ hạn trên đều ở mức 500 tỷ đồng, tuy nhiên NHCSXH đã gọi thầu không thành công khi tỷ lệ trúng thầu của cả ba loại kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm đều ở mức 0%.
Tuần vừa qua, các phiên gọi thầu kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 30 năm của KBNN đã không thành công khi tỷ lệ trúng thầu tại các loại kỳ hạn trên bằng 0%.
Tuy nhiên, phiên đấu thầu kỳ hạn loại 10 năm và 20 năm đã hấp dẫn được nhà đầu tư với tỷ lệ trúng thầu cho hai loại kỳ hạn kể trên lần lượt là 75% và 100% đi kèm lãi suất tăng nhẹ so với lần trúng thầu gần nhất.
Trong tuần này, KBNN dự kiến gọi thầu 6.000 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.(Bizlive)
---------------------------------
“Tất cả tiền tệ thế giới sẽ thành tiền mã hóa”
Đây là nhận định của nhà sáng lập kiêm CEO hãng công nghệ tài chính Circle, ông Jeremy Allaire.
Theo CNBC, ông Allaire cho rằng tất cả đồng tiền trên thế giới, từ đô la Mỹ cho đến nhân dân tệ, đều sẽ có phiên bản tiền mã hóa riêng. Người sáng lập hãng Circle vào năm 2013 nói: “Quan điểm của chúng tôi là tất cả tiền tệ thực tế sẽ là tiền mã hóa. Đây là điều có vẻ như không thể tránh khỏi vào lúc này”.
Startup của ông Allaire cung cấp ứng dụng chạy bằng công nghệ blockchain, cho phép mọi người gửi tiền cho nhau miễn phí. Blockchain là công nghệ sổ cái phân tán đứng sau các loại tiền mã hóa như bitcoin.
Circle cũng có sản phẩm cho phép người dùng đầu tư vào các loại tiền mã hóa như Bitcoin và Ethereum, và một sản phẩm khác tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch tiền mã hóa ngoài quầy của các nhà đầu tư tổ chức.
Doanh nghiệp khởi nghiệp có giá 3 tỷ USD được hậu thuẫn bởi ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs và hãng internet Trung Quốc Baidu. Đầu năm nay, Circle thực hiện thương vụ thâu tóm đầu tiên: Mua lại sàn giao dịch tiền mã hóa Poloniex.
Circle gần đây cho hay họ muốn giới thiệu một đồng tiền mã hóa mới có giá trị được neo vào USD, tên là USD Coin. USD Coin nhằm tăng tốc các giao dịch thực hiện bằng USD thông qua việc sử dụng công nghệ blockchain, và giảm biến động giá của hầu hết các loại tiền mã hóa.
Đây không phải là đồng tiền mã hóa “bình ổn” đầu tiên trên thị trường. Có nhiều đồng tiền mã hóa được hậu thuẫn bởi tiền tệ thực tế đã được tung ra. Đồng ổn định đáng chú ý nhất là Tether, một loại tiền mã hóa gây tranh cãi mà các nhà phê bình vừa cho rằng nó được dùng để kéo giá bitcoin lên cao hồi năm ngoái.
Ông Allaire cho rằng tiền mã hóa được hậu thuẫn bằng USD sẽ hưởng lợi từ quy định quản lý nghiêm ngặt hơn. Đồng tiền này được xây dựng trên nền tảng mã nguồn mở tên CENTRE, nền tảng mà Circle kỳ vọng sẽ được nhiều doanh nghiệp và các tổ chức tài chính khác dùng.
Sếp Circle nói rằng mục tiêu của USD Coin là để đưa các quy trình tài chính chủ chốt vào thế giới tiền mã hóa và công nghệ blockchain. “Chúng tôi tập trung vào đồng tiền mã hóa ổn định là vì chúng tôi cho nó là khối xây dựng chủ đạo cho một nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu có nguồn gốc mã hóa”, ông Allaire nói. Công ty cũng tìm cách đưa ra các đồng tiền mã hóa khác cho euro và bảng Anh.
Mặc cho một số doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy tiền mã hóa và công nghệ blockchain, không ít người vẫn chỉ trích các loại tiền mã hóa cùng Bitcoin. Họ cho rằng nhiều người mua, bán tiền mã hóa là để đầu cơ thuần túy. Các nhà quản lý ở Trung Quốc và Hàn Quốc đang cố gắng làm giảm tính đầu cơ của thị trường.(Thanhnien)