tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-06-2018

  • Cập nhật : 21/06/2018

Nhiệt điện lại trông vào vốn Trung Quốc?

Không huy động được tiền đầu tư, TKV được đề nghị phải nhường siêu dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho liên danh Geleximco - HUI thực hiện, vốn dự kiến chủ yếu từ Trung Quốc.

 

cong truong xay dung mot nhiet dien co su dung von ngoai - anh: v.ha

Công trường xây dựng một nhiệt điện có sử dụng vốn ngoại - Ảnh: V.HÀ

Trong văn bản vừa gửi đến Thủ tướng, Bộ Công thương kiến nghị giao liên danh đầu tư Geleximco - HUI thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV). 

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cũng đứng trước nguy cơ phải nhường dự án nhiệt điện Quảng Trạch 2 cho Geleximco - HUI. 

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, đối tác liên danh với Geleximco là Công ty TNHH Hồng Kông United Investors Holding (HUI), một công ty con thuộc Tập đoàn năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc).

Lý do đề xuất cho liên danh Geleximco thực hiện, Bộ Công thương đánh giá đến 30-9-2017 tổng nợ vay hợp nhất của TKV khoảng 78.000 tỉ đồng, với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu 2,5 lần. 

Nếu đầu tư vốn vào dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV sẽ phải huy động thêm khoản nợ vay 39.000 tỉ đồng. Và vào năm 2021, tổng nợ vay của TKV lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, dẫn đến tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu sẽ vượt quá quy định cho phép.

Phản ứng trước động thái này, phía EVN cho rằng đề xuất đầu tư dự án điện theo hình thức PPP của liên danh Geleximco - HUI chưa được quy định với công trình điện. 

Thời gian thành lập công ty liên danh kéo dài sẽ làm chậm tiến độ dự án. Và đến nay, các dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2 đã được Thủ tướng giao cho EVN làm chủ đầu tư.

Trong khi đó, với 80% vốn vay thương mại để thực hiện dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, liên danh Geleximco - HUI cam kết tự thu xếp vốn thực hiện dự án, không cần bảo lãnh Chính phủ. 

Dự kiến, liên danh này sẽ huy động vốn từ tổ hợp ngân hàng do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu.

Liên danh trên cũng cam kết tiến độ cực nhanh: nếu được giao làm chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, trong 3 tháng kể từ ngày thành lập công ty liên doanh sẽ ký kết thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng; 2 tháng tiếp theo ký hợp đồng tư vấn quản lý, giám sát kỹ thuật...

Ngoài dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, thời gian qua liên danh đầu tư Geleximco - HUI đã có văn bản gửi Thủ tướng bày tỏ mong muốn được đầu tư vào 4 dự án nhiệt điện khác, gồm: Quỳnh Lập 2 (1.200 MW), Quảng Trạch 1 (1.200 MW), Quảng Trạch 2 (1.200 MW), Hải Phòng 3 (2.400 MW). 

Nếu được đồng ý, liên danh với nguồn vốn Trung Quốc này sẽ nắm một lượng không nhỏ công suất phát điện của VN. (Tuoitre)

Vay vốn Trung Quốc sẽ khó nội địa hóa

Bộ Công thương cho rằng nếu chấp thuận giao liên danh Geleximco - HUI làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, dự án chuyển thành vốn tư nhân 100%, trong đó vốn vay chủ yếu từ nhà đầu tư Trung Quốc. Vì vậy khó có thể yêu cầu liên danh thực hiện định hướng nội địa hóa thiết bị của nhà máy nhiệt điện đốt than của Chính phủ.

Bộ Tài chính thì cảnh báo nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Geleximco là 3,6 lần, Geleximco cần có báo cáo về việc cân đối vốn góp vào dự án, tránh tình trạng có chủ trương đầu tư nhưng không thu xếp được vốn.

----------------------------------------------------------------

Giãn ATIGA - cú hích thay đổi cục diện ngành mía đường?

Mới đây, chủ trương đồng ý cho ngành mía đường giãn thời gian áp dụng hiệp định ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) thêm 2 năm, đến năm 2020, đã được chấp thuận.

Cơ hội này được nhận định mang lại nhiều tích cực và thuận lợi cho ngành mía đường Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp mía đường cũng như với hơn 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động trong nước thích ứng chuẩn bị cho hội nhập.

Trước thực trạng cung đường tăng cao, lượng đường ồ ạt nhập lậu tác động tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ ngành đường, cùng với đó là sinh kế của người hàng vạn hộ nông dân và người lao động, chính sách hỗ trợ ngành đường và người trồng mía đã được quan tâm qua việc lùi thời gian áp dụng ATIGA đến năm 2020. Như vậy, ngành đường đã có thêm thời gian chuẩn bị để nâng cao sức cạnh tranh cho việc hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Song song với việc giãn ATIGA, Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã tính đến việc giải thể các nhà máy sản xuất kém hiệu quả cũng như thúc đẩy sản xuất các phẩm sau đường như cồn Ethanol, sản xuất điện… Các hoạt động này cũng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của các nhà máy đường.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến của Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt nhờ dân số tiềm năng và thu nhập người dân tăng, điều này được xem là một trong những động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp mía đường. Theo báo cáo, giá đường thế giới được kỳ vọng đã chạm đáy và có dấu hiệu phục hồi trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu cho niên độ tới sẽ giảm ~2% (khoảng 5,4 triệu tấn) do sản lượng đường Braxin, nước sản xuất đường lớn nhất, giảm 12%. Điều này góp phần giảm áp lực cho giá đường. Những yếu tố này, theo giới chuyên môn, sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam nói chung trong niên độ tài chính tới.

Hiện nay, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines cũng đang muốn tạm dừng ATIGA đối với mặt hàng đường, nên hành động này của nước ta sẽ không nằm ngoài xu thế chung. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong ngành vẫn xác định, để tồn tại và phát triển bền vững, không còn con đường nào khác là tái cơ cấu triệt để từ khâu giống, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ…

Giãn ATIGA - cú hích thay đổi cục diện ngành mía đường? - Ảnh 1.

Đến nay, ngành mía đường Việt Nam cũng đang thể hiện các động thái bám sát Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu, rà soát những nhà máy, vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Đảm bảo sản xuất mía ổn định 300.000 ha và không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.

Về phía các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là 1 số doanh nghiệp lớn, đã có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng cho quá trình hội nhập từ cách đây nhiều năm trên mọi phương diện. Cụ thể, hoạt động nông nghiệp tập trung các giải pháp như áp dụng quy trình canh tác hiệu quả, thâm canh tăng năng suất, tăng cường đầu tư cơ giới hóa, góp phần giảm chi phí, áp dụng kỹ thuật bón phân đúng cách và đúng thời điểm giúp giảm lượng phân bón sử dụng. Vấn đề phát triển quỹ đất nông trường, vùng nguyên liệu cũng được chú trọng thực hiện. Nhà máy tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết sản xuất với các đơn vị có quỹ đất lớn để thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp.

Về sản xuất, việc cải tiến các thiết bị nhằm tăng hiệu suất thu hồi, nâng cao tối đa chất lượng đường tinh luyện, giám sát thực hiện các thông số kỹ thuật, kiểm soát chi phí theo các định mức, gia tăng năng suất.

Các giải pháp kinh doanh được tập trung vào đẩy mạnh phát triển khách hàng và hệ thống kênh phân phối, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị quốc tế về mía đường trong khu vực nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến các khách hàng xuất khẩu. Tại thời điểm này, việc khai thác được thị trường mới là điều vô cũng tích cực cho ngành đường trong nước. Những nỗ lực chủ động này từ các doanh nghiệp ngành đường cộng với cú hích từ động thái giãn ATIGA, chắc chắn sẽ mang lại "sinh khí mới" để ngành mía đường có thể "lội ngược dòng" trong lộ trình hội nhập.(NLĐ)

Thời gian 6 tháng trở lại đây, với các thách thức chung của ngành đường và sự quan tâm chờ đợi thông tin liệu ATIGA có được gia hạn hay không, thị giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành đường bình quân đã giảm khoảng 25%. Tuy nhiên, ROE trung bình ngành vẫn duy trì được ở mức tương đối cao trên 20%. Thị giá cổ phiếu giảm kéo theo P/E trung bình ngành mía đường cũng giảm theo, duy trì ở mức thấp chỉ từ 10 đến 11. Hy vọng với các chuyển biến tích cực nêu trên, đặc biệt về tiềm năng hoạt động, bức tranh ngành sẽ có nhiều khởi sắc hơn ngay trong tương lai gần, và các tín hiệu này sẽ phản ánh trực diện nhất vào thị giá cổ phiếu. 


--------------------------------

Thủ tướng yêu cầu tập trung điều tra thực phẩm, dược - mỹ phẩm giả

Thủ tướng vừa có chỉ thị tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Thủ tướng yêu cầu tập trung điều tra thực phẩm, dược - mỹ phẩm giả - Ảnh 1.

Quản lý thị trường kiểm tra một kho đường nghi nhập lậu vào VN và dán mác đường nội - Ảnh: QLTT

Theo chỉ thị này, Thủ tướng chỉ rõ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn diễn ra rất phức tạp. Trong khi tỉ lệ phát hiện, xử lý còn thấp nhưng vi phạm nhiều và ngày càng đa dạng về hình thức.

"Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong quản lý và hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, tiêu thụ, hình thành các băng nhóm làm giàu bằng các mặt hàng nói trên, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng và nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh" - chỉ thị của Thủ tướng cho biết.

Trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định, tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật, quy trình kiểm tra dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp phép, quảng cáo, giám định chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy hợp chuẩn...

Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, tập trung điều tra, triệt phá đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. 

Giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng tăng cường kiểm soát các tuyến biên giới, đường mòn lối mở, khu vực cửa khẩu, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa khu vực biên giới, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại hàng hóa, trong đó có dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ buôn lậu, sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm giả, điển hình là các vụ sản xuất thuốc trị ung thư từ than tre ở Hải Phòng, bắt giữ lô dược phẩm, thực phẩm chức năng trị giá trên 10 tỉ đồng không rõ nguồn gốc... Tình hình buôn lậu, mua bán thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả ngày càng nghiêm trọng và đang gây nhiều lo lắng cho người tiêu dùng.  (Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục