Khó dự đoán giá thép không gỉ tại châu Á trong quý III/2018; Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tháng 6 cao nhất trong 19 năm; Trung Quốc kêu gọi Mỹ “cất khẩu súng” thuế quan để đàm phán; Chỉ số CPI của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng sáu năm qua
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 13-07-2018
- Cập nhật : 13/07/2018
Nhà đầu tư ngoại được nắm 49% cổ phần của hãng hàng không nội
Thay vì 30% như trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực vận tải hàng không được nắm giữ đến 49% vốn điều lệ của các hãng hàng không Việt Nam.
Dự thảo nghị định bỏ điều kiện người đại diện pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không phải là công dân Việt Nam - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Đồng thời không phân biệt mức vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không có khai thác quốc tế và hãng chỉ khai thác nội địa.
Đó là nội dung đáng chú ý của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện lĩnh vực hàng không dân dụng mà Bộ Giao thông - Vận tải đang xây dựng.
Cụ thể, về điều kiện vốn, dự thảo quy định với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài, bên nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ, so với mức hiện tại là không quá 30%.
Với hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.
Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Về mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, Dự thảo quy định hãng hàng không khai thác đến 10 máy có mức vốn 700 tỉ đồng Việt Nam.
Hiện tại, quy định hãng khai thác đến 10 máy bay có khai thác vận chuyển quốc tế có vốn tối thiểu 700 tỉ đồng, còn hãng chỉ khai thác vận chuyển nội địa cần tối thiểu 300 tỉ đồng.
Theo quy định hiện hành, hãng hàng không khai thác từ 11 đến 30 máy bay có khai thác vận chuyển quốc tế phải có vốn tối thiểu 1.000 tỉ đồng, chỉ khai thác vận chuyển nội địa có vốn tối thiếu 600 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Dự thảo mới quy định chung hãng hàng không khai thác từ 11 đến 30 máy bay cần 1.000 tỉ đồng vốn tối thiểu, còn hãng hàng không khai thác trên 30 máy bay phải có vốn tối thiểu 1.300 tỉ đồng.
Hiện nay quy định hãng khai thác đến 30 máy bay có khai thác vận chuyển quốc tế cần vốn tối thiểu 1.300 tỉ đồng, chỉ khai thác vận chuyển nội địa cần 700 tỉ đồng.(Tuoitre)
---------------------------
Trung Quốc tăng thuế 400% đối với một số trái cây nhập từ Mỹ
Đáp trả việc Mỹ tăng mạnh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, Trung Quốc thông báo nâng thuế đối với hàng loạt nông sản của Mỹ.
Cụ thể, thuế đối với táo, anh đào và mận của Mỹ xuất sang Trung Quốc bị tăng từ 10% lên 50%, còn với cam tăng từ 11% lên 51%. Nhìn chung thuế đa số trái cây Mỹ nhập vào Trung Quốc tăng gấp 4 lần. Các nhà kinh doanh trái cây tại Trung Quốc cho rằng thuế mới sẽ khiến khối lượng trái cây Mỹ nhập vào Trung Quốc giảm mạnh, nhất là quả anh đào.
Không chỉ do tăng thuế, các thủ tục hải quan khắt khe hơn cũng sẽ làm cho quá trình nhập khẩu bị chậm trễ hơn – gây bất lợi cho trái anh đào, có thể sẽ khiến các nhà nhập khẩu chuyển hướng sang các nguồn cung ứng khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Canada. Về phía Mỹ, nếu nông sản Mỹ khó đi vào thị trường Trung Quốc thì có thể chuyển hướng sang các thị trường khác, như châu Âu.(VITIC)
------------------------
Các nền kinh tế châu Á hợp tác ứng phó với cuộc chiến thuế quan của Mỹ
Các quốc gia tham gia đàm phán RCEP đều hy vọng thỏa thuận này sớm đạt được tiến triển trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp thuế nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong phát biểu tại lễ khai mạc cuộc họp của các bộ trưởng từ 16 quốc gia RCEP vào ngày 1/7 tại Tokyo (Nhật Bản).
Tại cuộc họp do Nhật Bản và Singapore đồng chủ trì, các bên mong muốn thu hẹp những bất đồng và những điểm khác biệt trong các lĩnh vực như giảm thuế quan, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử nhằm sớm đạt thỏa thuận về RCEP. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên tổ chức ở một quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á.
16 quốc gia tham gia đàm phán RCEP, đóng góp gần 1/3 giá trị thương mại và kinh tế toàn cầu, đều hy vọng sẽ sớm đạt được tiến triển và sự thống nhất trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp thuế nhập khẩu nhằm vào các đối tác thương mại với lý do vì an ninh quốc gia. Điều này làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại, sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu.
Trong khối RCEP gồm các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), còn thêm Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng tham gia. Giới quan sát cho rằng lập trường bảo hộ của Tổng thống Mỹ đã là xung lực kích thích những nền kinh tế hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thể hiện sự trung thành của họ với thương mại tự do.
Xung quanh vấn đề này, ông Andrei Karneev, Phó Giám đốc Viện các nước Á-Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva đề cập đến những tiến bộ nghiêm túc trong cuộc đàm phán về RCEP.
Kết quả hoàn toàn tiên liệu được và nó không nhất thiết phải ràng buộc với hành động gần đây của Tổng thống Trump có tính chất hủy hoại chuẩn mực thương mại quốc tế. Sai lầm đã xuất hiện từ thời ban lãnh đạo nước Mỹ tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama, người từng phản đối hai tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và RCEP.
Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong tiến trình đàm phán RCEP. Và Mỹ thực sự đặt các đối tác của họ trước sự lựa chọn - hoặc là chơi theo quy tắc của Mỹ, và tương ứng là gây áp lực với Trung Quốc, hoặc là chọn định dạng tích hợp thay thế.
Song nhiều chuyên gia lưu ý, tối hậu thư khắc nghiệt như vậy đã gây bối rối cho những nước có ràng buộc với Washington bằng nhiều thỏa thuận chính trị-quân sự. Nhiều chính phủ thấy hai định dạng này là bổ sung cho nhau và chưa sẵn sàng lựa chọn ai – Mỹ hay Trung Quốc.
Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng RCEP ở Tokyo đã lưu ý rằng trong bối cảnh hiện nay khi nền thương mại toàn cầu đối mặt với thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ đơn phương độc đoán, điều quan trọng then chốt là nhanh chóng hoàn tất đàm phán về RCEP.
Đại diện Trung Quốc tại cuộc gặp là phái đoàn gồm quan chức Bộ Thương mại, Ủy ban Nhà nước về Phát triển và Cải cách, Bộ Công nghiệp và Thông tin, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như Tổng cục Hải quan. Danh sách đại diện rộng rãi với nhiều cơ quan chính phủ nói lên không chỉ nguyện vọng trừu tượng muốn thấy một khối thương mại mới, mà là bước tiến nghiêm túc tới những thỏa thuận thực tế.
Đối với Bắc Kinh, tiến bộ trong đàm phán về RCEP hiện nay là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những rạn nứt Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn trên bình diện thương mại.
Chuyên gia Jia Pujing từ Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương của chính quyền Trump đặt ra mối đe dọa cho nền kinh tế thế giới, mà trong nhiều thập kỷ đều dựa trên hệ thống thương mại đa phương, và ở một mức độ nào đó thậm chí ông Trump đã phá hủy nghiêm trọng hệ thống này. Thành công tương đối của cuộc đàm phán về RCEP tạo cơ sở để hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ được ký kết trong năm nay.
Hiện tại có nhiều nước đang thể hiện quyết tâm bảo vệ hệ thống thương mại đa phương. Đương nhiên, điều này gắn với động thái khiêu khích thương mại mà ông Trump muốn có trên quy mô toàn cầu. Việc ký kết các thỏa thuận về RCEP sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hội nhập thị trường của khu vực Tây Thái Bình Dương, tức là toàn bộ thị trường Đông Bắc Á, hỗ trợ cho đà phát triển thương mại-kinh tế khu vực.
Về ảnh hưởng với Mỹ, chuyên gia Jia Pujing cho rằng cần phân biệt “giữa nói và làm”. Trong các tuyên bố, Mỹ dường như ủng hộ việc rút khỏi hệ thống thương mại đa phương, kể cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà nhấn mạnh vào đàm phán thương mại song phương.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những hành động của Washington, họ hiện thời chưa tạo ra cấu trúc thương mại mới, ngay cả thúc đẩy đàm phán song phương với Nhật Bản và các đồng minh khác cho đến nay vẫn không thành công. Các hoạt động của nền kinh tế Mỹ tiếp tục diễn ra trong các cấu trúc đa phương hiện có. Do đó, đối với Mỹ, trong tương lai, RCEP cũng có thể là hữu ích.(TTXVN)
--------------------
Trung Quốc: Đề xuất áp thuế mới của Mỹ tổn hại tới hệ thống thương mại toàn cầu
Theo Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang, đề xuất áp thuế mới nhất của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc gây tổn hại tới hệ thống của WTO cũng như quá trình toàn cầu hóa.
Theo ông Li Chenggang, lựa chọn đúng đắn duy nhất cho quan hệ Trung-Mỹ là cùng hợp tác. Quan chức cấp cao này cũng cho biết bất chấp động thái này của Washington, Bắc Kinh vẫn không thay đổi quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước cũng như sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 10/7 thông báo chính phủ nước này sẽ áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc sớm nhất là từ tháng Chín năm nay.
Theo đó, 6.031 dòng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế bổ sung, bao gồm hàng trăm mặt hàng thực phẩm, thuốc lá, hóa chất, than đá, thép và nhôm. Lần này, Mỹ cũng dự kiến áp thuế lên nhiều mặt hàng tiêu dùng như lốp xe, đồ nội thất, sản phẩm gỗ, túi sách, vali, thức ăn cho vật nuôi, xe đạp và mỹ phẩm.
Việc áp thuế mới sẽ chỉ có hiệu lực sau khi quy trình kéo dài hai tháng kết thúc, bao gồm lấy ý kiến công chúng và buổi điều trần của USTR dự kiến diễn ra vào cuối tháng Tám.
Danh sách mới này đã bao gồm thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng hơn so với danh sách được công bố vào cuối tuần trước, qua đó gia tăng những đe dọa trực tiếp đối với người tiêu dùng và các công ty bán lẻ.(Bnews)
---------------------